Xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, chất lượng cao
22:25, ngày 11-04-2019
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 33, chiều 11-4-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên.
Cần thiết ban hành Luật
Theo Tờ trình của Chính phủ, Pháp lệnh về lực lượng dự bị động viên sau 20 năm thực hiện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, là cơ sở góp phần thiết thực xây dựng lực lượng vũ trang nói chung và lực lượng dự bị động viên nói riêng ngày càng hùng hậu, đáp ứng yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định mới của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên chưa được thể chế, cụ thể hóa. Bên cạnh đó, một số nội dung của Pháp lệnh chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành liên quan đến lực lượng dự bị động viên như: Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Dân quân tự vệ... Ngoài ra, nhiều nội dung đang được điều chỉnh ở văn bản quy phạm pháp luật có tính pháp lý chưa cao, chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ; quá trình thực hiện bộc lộ nhiều bất cập, vướng mắc, chưa phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Do đó, việc xây dựng Luật Lực lượng dự bị động viên là cần thiết.
Mục đích xây dựng luật là xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, có chất lượng cao làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ nhân dân, Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ nền văn hóa dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Dự thảo Luật gồm năm chương, 47 điều quy định nguyên tắc xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên, các hành vi bị nghiêm cấm; chế độ, chính sách, kinh phí bảo đảm cho xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; quản lý nhà nước, trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp về xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên...
Làm rõ căn cứ đưa ra số lượng dự phòng từ 10-15%
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Lực lượng dự bị động viên như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình hiện nay; đồng thời, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến lực lượng dự bị động viên; khắc phục những vướng mắc, bất cập, hạn chế sau hơn 20 năm thực hiện Pháp lệnh Lực lượng dự bị động viên; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.
Về độ tuổi sắp xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên trong thời bình (Điều 16 dự thảo Luật), một số ý kiến đề nghị nghiên cứu việc quy định độ tuổi sắp xếp cao nhất cho phù hợp với quân nhân chuyên nghiệp dự bị và hạ sĩ quan, binh sĩ dự bị để địa phương chủ động trong việc bố trí nguồn; đồng thời, thống nhất với Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự.
Liên quan đến tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên, dự thảo Luật quy định: Đơn vị dự bị động viên phải được duy trì đủ quân số, có số lượng dự phòng 10-15%; dự trữ vũ khí, trang bị kỹ thuật theo phân cấp. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ căn cứ, cơ sở thực tiễn đưa ra tỷ lệ 10-15% bởi số lượng dự phòng có liên quan đến nguồn kinh phí cũng như dự phòng về vũ khí, khí tài.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề xuất nên tận dụng lực lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành kỹ thuật, nhất là trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay. Ngay khi ra trường có thể lựa chọn ngay một số sinh viên để biên chế vào lực lượng dự bị động viên. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị trao thẩm quyền huy động lực lượng dự bị động viên cho cấp tỉnh, thay vì cấp huyện như đề nghị của Chính phủ.
Đánh giá tác động tăng ngân sách 545 tỷ đồng/năm
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc thực hiện các chế độ chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên sẽ tăng chi ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt, đại diện cơ quan thẩm tra dự án Luật cho biết: một số ý kiến trong Ủy ban đề nghị đánh giá cụ thể về tác động của các chính sách trong đề nghị xây dựng Luật, tác động thủ tục hành chính, trong đó cần làm rõ hơn tác động về kinh tế, xã hội trong huấn luyện dự bị động viên và khi huy động lực lượng dự bị động viên thực hiện nhiệm vụ; báo cáo cụ thể hơn việc tăng ngân sách khoảng 545 tỷ đồng/năm.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến đề nghị đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách này. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến phân tích, theo Hiến pháp, bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả, là bổn phận của mọi công dân. Nếu quy định việc huy động đối với quân nhân dự bị, lực lượng dự bị, cả gia đình của họ cũng phải có phụ cấp, hỗ trợ sẽ sinh ra tâm lý “huy động gì cũng phải tiền”. Số tiền này tuy không lớn nhưng cần phải cân nhắc.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng dự thảo Luật có 47 điều mà có 13 điều giao cho Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định là khá nhiều. Do đó cần rà soát để quy định ngay trong Luật, nhất là những quy định liên quan đến quyền, nghĩa vụ của công dân.
Đối với chế độ, chính sách dành cho lực lượng dự bị động viên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ: Việc tăng ngân sách hơn 500 tỷ đồng là không lớn nhưng chính sách đề ra trong Luật phải phù hợp với chủ trương, phải có tính tương đồng với các quy định, chính sách trong các luật chuyên ngành khác. Chủ tịch Quốc hội đề nghị, sau khi tiếp thu ý kiến, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội sẽ thẩm tra chính thức để trình ra Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh: Việc có chế độ chính sách đối với lực lượng dự bị động viên là cần thiết. Tuy nhiên, ban soạn thảo cần làm rõ các quy định về phụ cấp, chi ngân sách để đảm bảo tính chặt chẽ, khả thi, đảm bảo tương quan giữa các lực lượng, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương của Đảng. Việc ngân sách tăng thêm hơn 545 tỷ đồng không phải là lớn nhưng cần làm rõ cơ sở việc tăng thêm, quan trọng là phải chi đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh dàn trải.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị đánh giá tác động kỹ nội dung này để phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước, đảm bảo chặt chẽ, đúng trình tự và thẩm quyền./.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam chúc mừng lãnh đạo Đảng, Nhà nước Lào nhân dịp Tết Lào  (11/04/2019)
Nhật Bản dự kiến mang thiết bị đến làm sạch lòng sông Tô Lịch  (11/04/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 01 đến ngày 07-4-2019)  (11/04/2019)
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam