Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phấn đấu đưa Việt Nam vào tốp 15 quốc gia nông nghiệp phát triển nhất trong 10 năm nữa
Ngày 03-01, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Hội nghị đã đề ra nhiều giải pháp quan trọng nhằm thực hiện thành công các Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ với tinh thần “tăng tốc, bứt phá”.
Năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp với kim ngạch xuất khẩu nông lâm sản đạt kỷ lục trên 40 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Lĩnh vực trụ đỡ của nền kinh tế đã trở thành một động lực tăng trưởng mạnh mẽ với mức tăng 3,76%, được xem là cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Cường quốc về xuất khẩu nông sản
Với những bước phát triển kỷ lục, Việt Nam khẳng định vị thế là cường quốc về xuất khẩu nông sản trên thế giới (đứng thứ 15 và đã xuất khẩu sang thị trường hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ). Năm 2018, cả nước có 2.200 doanh nghiệp nông nghiệp thành lập mới, tăng hơn 12% so với 2017.
Song, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông thôn nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và nhiều thách thức cần tập trung khắc phục trong thời gian tới. Đó là cơ cấu lại nông nghiệp triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu. Tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị chưa trở nên phổ biến, chủ đạo. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỉ trọng cao và tiếp tục bộc lộ những hạn chế, yếu kém cản trở quá trình sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển, lợi thế cạnh tranh năng suất lao động thấp, tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro; trong khi năng lực quản trị, công tác dự báo cung - cầu còn bất cập. Dich bệnh trên cây trồng, vật nuôi luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát; quản lý an toàn thực phẩm vẫn rất khó khăn, phức tạp. Một số địa phương cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới để chuyển sang giai đoạn nâng cao, nhưng một số địa phương có số xã đạt chuẩn rất thấp.
Gỡ nút thắt để tăng trưởng cao hơn
Phát biểu tại Hội nghị, nhắc lại ý kiến của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ và địa phương vừa qua đặt ra yêu cầu “năm 2019 phải hơn năm 2018”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị làm rõ những “nút thắt” trong ngành nông nghiệp để trên cơ sở đó, có những giải pháp tháo gỡ và tăng trưởng bứt phá hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ, các bộ, ngành sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để gỡ nút thắt cho nông nghiệp Việt Nam phát triển, không chỉ xử lý vấn đề làm sao để 100 triệu dân có thực phẩm an toàn, đời sống nâng lên, nông dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước mà điều quan trọng là hướng vào xuất khẩu, nâng kim ngạch hơn so với năm 2018, một mục tiêu rất khó khi con số hiện nay đã ở mức cao.
Đánh giá tổng quan hiện trạng nông nghiệp Việt Nam năm vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận, ngành đã đạt kết quả vượt bậc, có nhiều điểm sáng, điểm mới, có những bứt phá ngoạn mục, đạt thành tích xuất sắc, toàn diện.
Thủ tướng cho rằng nhờ tái cơ cấu đúng hướng nên nhiều loại sản phẩm có sản lượng lớn đã xuất hiện ở Việt Nam; đồng thời đóng góp vào xuất khẩu vượt mức kế hoạch và đứng thứ 2 Đông Nam Á về xuất khẩu nông nghiệp. Đi liền với đó là thị trường tiêu thụ được mở rộng. Thủ tướng cũng bày tỏ vui mừng trước việc xuất hiện nhiều doanh nghiệp lớn trong nông nghiệp, nhất là 18 nhà máy chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp được đầu tư xây dựng, đi vào hoạt động.
Thủ tướng cũng đánh giá cao việc đã hình thành được chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 1.096 chuỗi cho hơn 1.400 sản phẩm. Bộ đã cắt giảm 173/345 điều kiện đầu tư kinh doanh (đạt 50%), đúng với yêu cầu của Chính phủ.
Ghi nhận những nỗ lực của ngành nông nghiệp, Thủ tướng biểu dương lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường với phong cách “miệng nói tay làm, kề vai sát cánh, chỉ đạo quyết liệt, cụ thể, hiệu quả, đề xuất kịp thời, có quan hệ chặt chẽ với các tỉnh, thành phố, các bộ, chỉ đạo có uy tín, trách nhiệm”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập cần khắc phục trong lĩnh vực nông nghiệp như: Tỷ lệ lao động nông nghiệp còn lớn (khoảng 38%). Cơ cấu lại nông nghiệp được triển khai chưa đồng đều ở các địa phương. Các hình thức tổ chức sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh tế hộ nhỏ lẻ còn chiếm tỷ lệ cao. Môi trường nông thôn còn là vấn đề lớn. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch đề ra. Thất thoát sau thu hoạch còn có tỷ lệ cao.
Xuất khẩu khoảng 42 tỷ - 43 tỷ USD
Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu: Ngành nông nghiệp phải khơi gợi được khát vọng của dân tộc, phải phấn đấu trong 10 năm nữa, Việt Nam lọt vào nhóm 15 quốc gia có nền nông nghiệp phát triển nhất, riêng lĩnh vực chế biến nông sản, phải vào tốp 10 của thế giới. Phải phấn đấu trở thành trung tâm chế biến, xuất khẩu đồ gỗ, lâm sản hàng đầu thế giới, là nơi sản xuất tôm lớn của thế giới.
Thủ tướng đặt chỉ tiêu tăng trưởng nông nghiệp 2019 phải đạt cao, ít nhất là 3%, xuất khẩu khoảng 42 tỷ - 43 tỷ USD và đề nghị cán bộ, công chức ngành nông nghiệp suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo để “đạt cao hơn mục tiêu đưa ra”.
Gợi mở một số giải pháp, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc phải có thể chế pháp luật tốt, phải xóa bỏ những quy định lạc hậu để nông nghiệp Việt Nam có bước tiến. Lưu ý tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, Thủ tướng định hướng cần chú trọng tiêu chí thu nhập của người dân, tránh bệnh thành tích.
Đi liền với đó là tái cơ cấu manh mẽ hơn trong đó có xây dựng sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm chủ lực địa phương, tránh tình trạng “đi lan man” sẽ dẫn đến khó có nền sản xuất xuất khẩu mạnh; phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp như cá tra, gạo, bởi theo Thủ tướng, công tác này Việt Nam đang hơi “trầm” hơn so với Thái lan và Campuchia.
Đề nghị toàn ngành đặc biệt chú trọng vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ, Thủ tướng nểu rõ: “Nông nghiêp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ đạo theo dõi ứng phó thiên tai, không thể bị bất ngờ; bảo vệ, phát triển rừng tự nhiên cũng như đẩy mạnh trồng rừng. “Về vấn đề đóng cửa rừng tự nhiên cùng với phát động trồng rừng, rất quan trọng để không những cung cấp gỗ cho chế biến lâm sản mà còn là vấn đề môi trường sống. Mỗi nhà, mỗi người, mỗi địa phương phải làm mạnh mẽ hơn việc trồng rừng, phủ xanh đất trống”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng cần được chú trọng hơn nữa, để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành, không chỉ dừng ở con số 8%.
Thủ tướng đề nghị theo dõi diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động làm công tác tham mưu chỉ đạo ứng phó với thiên tai, không để bị động bất ngờ; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị của Thủ tướng về quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp.
Đề cao công tác cán bộ, Thủ tướng đề nghị cán bộ làm nông nghiệp cần có tinh thần là phải cùng nông dân, sống trong lòng nông dân để làm cuộc cách mạng mới trong nông nghiệp, nông thôn. “Cán bộ nông nghiệp phải sát dân, đừng có xa dân, nắm được tâm tư nguyện vọng, nắm được nhu cầu của người dân”, Thủ tướng nói./.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu 5 nhiệm vụ trọng tâm ngành công an  (03/01/2019)
Cải cách hướng tới nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Cu-ba  (03/01/2019)
Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 24 đến ngày 30-12-2018)  (02/01/2019)
Hoạt động trong ngày của các Phó Thủ tướng Chính phủ  (02/01/2019)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên