TCCSĐT - Liên quan đến vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng giữa xe container tông hàng loạt xe máy vào chiều ngày 02-01 tại Long An, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia yêu cầu cơ quan công an tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo khẩn vụ tai nạn thảm khốc ở Long An

Theo báo cáo nhanh của Ban An toàn giao thông tỉnh Long An, khoảng 15 giờ chiều 02-01-2019, xe container biển kiểm soát 62C-043.48 chạy từ Long An đi Thành phố Hồ Chí Minh đến ngã tư Nhựt Chánh, huyện Bến Lức, Long An đã đâm nhiều phương tiện đang chờ đèn đỏ.

Hậu quả, 3 người chết tại chỗ, 17 người bị thương được đưa đi cấp cứu (trong đó có nhiều người thương nặng), làm hư hỏng 21 xe máy.

Ngay sau khi nhận được thông tin về vụ tai nạn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh Long An chỉ đạo ngành Y tế của tỉnh tập trung lực lượng y, bác sỹ, thuốc men, thiết bị y tế để phục vụ công tác cứu chữa các nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại về người.

Ban An toàn giao thông tỉnh Long An tổ chức thăm hỏi động viên nạn nhân bị thương trong vụ tai nạn trên; sớm bàn giao, phối hợp và hỗ trợ gia đình nạn nhân đưa thi thể người bị nạn về quê mai táng.

“Cơ quan công an tỉnh điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân liên quan (đề nghị sự phối hợp của cơ quan chức năng Bộ Công an nếu cần thiết),” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu xe container trong vụ tai nạn.

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam phối hợp với Sở Giao thông Vận tải tỉnh Long An kiểm tra toàn diện về việc chấp hành các quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đối với doanh nghiệp là chủ sở hữu xe container trong vụ tai nạn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật nếu phát hiện vi phạm.

Ngành giao thông kiểm tra điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, kịp thời cung cấp thông tin liên quan về hạ tầng, tổ chức giao thông, phương tiện và người lái gây tai nạn cho cơ quan công an để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn; kiểm tra cơ sở đào tạo, quá trình sát hạch giấy phép lái xe đối với lái xe gây tai nạn, triển khai giải quyết vụ việc theo chức năng nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp với Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Tổng Cục đường bộ Việt Nam tổng hợp các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan tới xe tải, xe container trong năm 2018, phân tích nguyên nhân, tham mưu đề xuất các giải pháp phòng ngừa.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, khi xảy ra tai nạn vận tốc của xe container là 45km/giờ. Ngoài ra, báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, xe ôtô đầu kéo biển kiểm soát 62C-043.48, nhãn hiệu HYUNDAI HD700, sản xuất năm 2015 tại Hàn Quốc, xe được kiểm định lần gần nhất ngày 30-03-2018 và có hạn kiểm định đến 29-03-2019, chủ xe theo giấy đăng ký là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thạnh Đức.

Chiều cùng ngày, có mặt tại hiện trường, ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An, cho biết, trước mắt tỉnh sẽ hỗ trợ 2,7 triệu đồng đối với người bị thương và hỗ trợ 5,4 triệu đồng đối với thân nhân người bị tử vong trong vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra lúc 15 giờ cùng ngày tại huyện Bến Lức (Long An).

Thông tin từ Sở Y tế Long An cho biết, đến thời điểm hiện tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bến Lức đã tiếp nhận 18 nạn nhân của vụ tai nạn. Có sáu người đang được theo dõi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Bến Lức; 12 người bị thương nặng phải chuyển lên tuyến trên, trong đó có hai người nguy kịch được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh). Ngoài ra, có ba nạn nhân tử vong ngay tại chỗ.

Đề nghị Chính phủ Anh tác động để EU sớm phê chuẩn EVFTA


Chiều 02-01-2019, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã tiếp Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland Mark Field chào xã giao nhân dịp tham dự Tham vấn Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Anh tại Hà Nội.

Tại cuộc tiếp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh hoan nghênh kết quả tốt đẹp của phiên Tham vấn Chính trị Việt Nam - Anh diễn ra sáng nay giữa Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Quốc vụ khanh Mark Field cũng như những bước phát triển tích cực thời gian qua của mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt - Anh trong nhiều lĩnh vực quan trọng như chính trị-ngoại giao, thương mại-đầu tư, giáo dục-đào tạo, quốc phòng-an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu, gìn giữ hòa bình trong khuôn khổ Liên hợp quốc...

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề nghị Chính phủ Anh tác động để Liên minh châu Âu (EU) sớm ký và phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và hoan nghênh các đề xuất của phía Anh nhằm tiếp tục thúc đẩy thương mại-đầu tư giữa hai nước sau khi Anh chính thức rời Liên minh châu Âu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đánh giá cao vai trò của Anh đối với các vấn đề an ninh và phát triển trên thế giới, nhất trí hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương nhằm góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định, hợp tác ở khu vực và trên thế giới.

Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Mark Field đánh giá cao những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế cũng như sự phát triển tích cực, hiệu quả giữa hai nước trong thời gian qua. Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Anh Mark Field khẳng định Chính phủ Anh tiếp tục ưu tiên phát triển với Việt Nam, nước có vai trò, tiếng nói ngày càng quan trọng trong ASEAN và tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát huy mạnh mẽ vai trò của người cao tuổi


Cũng trong ngày 02-01, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi đã chủ trì phiên họp của Ủy ban quốc gia về Người cao tuổi.

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2018 cả nước có hơn 11,3 triệu người cao tuổi, chiếm 11,95% dân số. Trong đó, xấp xỉ 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên (chiếm 17,6% tổng số người cao tuổi); 3,1 triệu người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; hơn 1,6 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng; khoảng 1,4 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp người có công.

Bên cạnh đó, hơn 10,8 triệu người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế (chiếm 96%); 102 nghìn lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường bộ với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng, 735.000 lượt người cao tuổi được giảm giá vé đường sắt với tổng số tiền hơn 46 tỷ đồng…

Tại cuộc họp, các đại biểu tham dự đã phân tích một số nguyên nhân gây hạn chế hiệu quả của công tác chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi. Theo đó, còn phổ biến tình trạng một số cấp uỷ, chính quyền địa phương, cơ sở chưa nhận thức được đầy đủ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện chính sách pháp luật về người cao tuổi; triển khai các hoạt động đối với người cao tuổi còn chậm.

Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực người cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn, nhất là các chính sách, cơ chế khuyến khích tư nhân đầu tư các cơ sở chăm sóc người cao tuổi. Việc bố trí kinh phí hoạt động cho các cấp hội người cao tuổi, khám chữa bệnh định kỳ đã được quy định trong Luật Người cao tuổi nhưng có tình trạng nhiều địa phương “quên” hẳn việc này, nhiều nơi không dành không gian, quỹ đất dành cho các hoạt động văn hóa, thể thao của người cao tuổi...

Đối với quy định khám sức khoẻ định kỳ, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, tốc độ già hoá dân số nhanh khiến công tác chăm sóc người cao tuổi ngày càng quan trọng. Tuy nhiên, hoạt động chăm sóc, khám sức khoẻ định kỳ tại cơ sở còn có trường hợp hình thức, hời hợt… phải chấn chỉnh. Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung nâng cao trình độ, chuyên môn của các khoa, bệnh viện lão khoa để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người cao tuổi.

Bàn về thực tế còn hơn 400.000 người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Đình Khương cho biết, người cao tuổi chưa có bảo hiểm y tế chủ yếu là đối tượng cận nghèo hoặc mới thoát nghèo, hoặc chưa đủ tuổi để được hỗ trợ 100% (80 tuổi) nên dù được hỗ trợ một phần nhưng nhiều người vẫn không mua bảo hiểm y tế.

Nhiều địa phương đã đề xuất các phương án hỗ trợ từ ngân sách, vận động con cháu có điều kiện kinh tế khá giá để mua bảo hiểm y tế cho người cao tuổi. Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, nếu quyết tâm thì việc bao phủ bảo hiểm y tế đến 100% người cao tuổi sẽ làm được.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, để tạo chuyển biến từ nhận thức sang hành động trong công tác người cao tuổi có phần đóng góp quan trọng của việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát.

“Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chủ trì soạn thảo Luật Công tác xã hội trong đó sẽ xem xét mô hình quỹ an sinh để khắc phục tình trạng quá nhiều quỹ khác nhau dành cho công tác xã hội ở các địa phương như hiện nay dẫn đến điều hành chồng chéo, hoặc không dành đủ nguồn lực. Trong quỹ an sinh có nhiều nhánh dành riêng cho người cao tuổi, trẻ em, người nghèo…,” Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết thêm.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thời gian qua, người cao tuổi cả nước đã tích cực tham gia vào phong trào xây dựng nông thôn mới, vận động gia đình, hàng xóm đóng góp vật chất, ngày công, hiến đất để làm đường hay phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, vai trò của người cao tuổi cần tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong xây dựng đời sống văn hoá, nếp sống văn minh, xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Từ trước đến nay, vai trò của người cao tuổi được thực hiện rất tốt trong công tác khuyến học, chúng ta cần tiếp tục phát huy và đẩy mạnh khi xây dựng xã hội học tập, ở đó người cao tuổi không chỉ động viên tinh thần con cháu mà còn trực tiếp tham gia học tập.”

Phó Thủ tướng đề nghị, trong năm 2019 các cấp, ngành, địa phương cần tập trung khắc phục tình trạng “quên” bố trí kinh phí và phải hoàn thành việc lập quỹ chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi ở các cấp theo quy định của Luật Người cao tuổi. Các địa phương phấn đấu đến hết năm 2019 có 100% người cao tuổi đều sở hữu thẻ bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng khám sức khoẻ định kỳ, ban đầu cho người cao tuổi.

Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện nghiêm túc việc giảm giá vé (50%) thăm quan di tích, danh lam thắng cảnh, du lịch cho người cao tuổi; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì thu thập số liệu liên quan đến người cao tuổi trên cả nước. Đồng thời, các bộ, ngành cần tăng cường kiểm tra, rà soát, đôn đốc các hoạt động liên quan đến công tác người cao tuổi trong lĩnh vực mình phụ trách, chuẩn bị tổng kết Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2012-2020…/.