Cải cách hướng tới nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Cu-ba

Nguyễn Lan Hương Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam
20:59, ngày 03-01-2019

TCCS - Những cải cách kinh tế của Cu-ba với mục tiêu trọng tâm là cập nhật mô hình phát triển và mở cửa nền kinh tế đã và đang được thế hệ lãnh đạo mới ở Cu-ba tiếp tục thực hiện nhằm thích nghi với nhu cầu phát triển của đất nước và tình hình thế giới có nhiều thay đổi sâu sắc.

Đổi mới tư duy phát triển ở Cu-ba

Những cải cách mang tính bước ngoặt đã được thực hiện ngay từ khi Chủ tịch Ra-un Ca-xtrô chính thức cầm quyền vào năm 2008. Trong phiên bế bạc kỳ hợp thứ 6, Quốc hội khóa VII của Cu-ba tháng 12-2010, Chủ tịch Ra-un Ca-xtrô đã kêu gọi thực hiện triệt để những điều chỉnh trong chính sách kinh tế, coi đây là con đường duy nhất để duy trì cách mạng Cu-ba. Ông tuyên bố: “Chúng ta cải cách hoặc chúng ta chìm nghỉm”(1).

Đồng thời với quá trình thay đổi về nhận thức, Chính phủ Cu-ba ban hành những chính sách quan trọng nhằm điều chỉnh mô hình kinh tế. Đường lối cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế xã hội được Đại hội VI Đảng Cộng sản Cu-ba thông qua vào tháng 4-2011 dưới tên gọi “Các chủ trương của chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và cách mạng” (Lineamientos). Mục đích của cải cách không phải là biến đổi đáng kể mô hình thực tế mà là “cập nhật nó”, giữ quyền chi phối của Nhà nước trong kế hoạch tập trung và sở hữu tài sản đối với thị trường và tư nhân. Đường lối cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội gồm 313 nội dung, biện pháp cụ thể, nhằm giải phóng lực lượng sản xuất, tạo động lực nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tiếp đó, Đại hội VII của Đảng Cộng sản Cu-ba (tháng 4-2016) đánh giá toàn diện những kết quả đạt được trong quá trình Cập nhật mô hình kinh tế - xã hội được triển khai trong 5 năm qua, khẳng định bằng thực tiễn con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội mà Cu-ba đã chọn lựa. Đại hội VII đánh giá 87,5% của các nội dung đề ra đã được triển khai thực hiện, đồng thời bổ sung thêm 50 nội dung mới, được tổng hợp gọn lại thành 274 nội dung biện pháp cập nhật hóa mô hình kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2016 - 2021, nhằm mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội bền vững ở Cu-ba(2).

Mục đích của cải cách là để phát triển đất nước trong thời kỳ mới dựa trên cơ sở phát huy và tận dụng sức mạnh nội lực và ngoại lực. Việc phát huy sức mạnh nội lực được thực hiện với các biện pháp ban hành một luật thuế tiến bộ; tinh giản biên chế nhà nước bằng cách cho phép thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ ra đời; cho phép cá nhân được mua bán nhà ở, tự do hóa thị trường ô-tô; tiến tới xóa bỏ việc lưu hành song song hai đồng tiền; cải cách ruộng đất; tổ chức lại và sáp nhập công ty quốc doanh. Việc tận dụng sức mạnh ngoại lực được thực hiện thông qua chủ trương coi đầu tư là động lực phát triển kinh tế, thay đổi luật để khuyến khích đầu tư nước ngoài; đàm phán lại trả nợ nước ngoài để gây dựng độ tin cậy trên thị trường, giúp có được những khoản vay mới; bình thường hóa quan hệ với Mỹ, từng bước hội nhập quốc tế.

Nội dung quan trọng của các cải cách kinh tế

Cải cách ruộng đất: Chính phủ Cu-ba giao quyền sử dụng khu đất của nhà nước bị bỏ hoang cho những người sản xuất nhỏ canh tác trong thời hạn hợp đồng 10 năm. Năm 2013, Chính phủ chấm dứt việc cơ quan đứng ra thu mua và phân phối. Và trong năm 2014, Nhà nước đã tạo ra thị trường bán buôn vật tư nông nghiệp đầu tiên. Từ năm 2008 đến nay, 1.830.000ha đất nhàn rỗi đã được giao cho 214.000 người lao động sử dụng để trồng rau màu, chăn nuôi và trồng lúa.

Tinh giản biên chế nhà nước và mở rộng mô hình tự doanh: Trong năm 2011, Chính phủ thừa nhận sự dư thừa lao động trong nền kinh tế, công bố kế hoạch tinh giản biên chế nhà nước (mục tiêu cắt giảm 1 triệu biên chế) và mở rộng khu vực kinh tế ngoài quốc doanh bao gồm hình thức tự doanh và các hợp tác xã tự quản để thu hút lực lượng lao động dư thừa. Các cá nhân tự doanh và hợp tác xã tự quản có thể bán, cho thuê và mua bán với các cơ quan nhà nước, thuê nhân viên không phải là người trong gia đình, mở tài khoản ngân hàng... Hiện có 201 loại giấy phép tự kinh doanh cho nhiều ngành nghề, từ nhà hàng cho đến sửa chữa cơ khí. Cu-ba có khoảng 580.000 lao động tư nhân hoặc tự chủ, chiếm 12% dân số trong độ tuổi lao động. Ngoài ra, Cu-ba cũng chuyển đổi khoảng 500 cơ sở nhà nước quy mô lớn hơn hoạt động theo mô hình các hợp tác xã(3).

Cải cách tiền lương, dịch vụ xã hội: Cải cách tiền lương năm 2008 tăng mức lương danh nghĩa và cho phép làm thêm ngoài giờ và thanh toán dựa trên năng suất. Chế độ cải cách này cũng loại bỏ mức trần lương trước đó, và tiền thưởng hợp pháp hóa bằng tiền mặt. Đồng thời, Chính phủ giảm phúc lợi chung để cắt giảm thâm hụt ngân sách. Chính phủ đóng cửa hàng nghìn dịch vụ công cộng được coi là không hiệu quả. Tuổi nghỉ hưu được tăng lên 5 năm cho cả hai giới; công nhân được yêu cầu trích lương để đóng lương hưu.

Mua và bán: Ngày 03-11-2011, Chủ tịch Ra-un Ca-xtrô ký sắc lệnh về mở cửa thị trường bất động sản để người dân nước này và người nước ngoài thường trú tại Cu-ba có thể mua bán và chuyển nhượng tự do quyền sở hữu nhà ở. Sau đó, đến năm 2014, thị trường ô-tô được tự do hóa.

Đầu tư nước ngoài: Ngày 16-4-2014, Cu-ba đã ban hành Luật 118 về Đầu tư nước ngoài thay thế Luật 77 ban hành ngày 05-9-1995 để tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, thông thoáng cho các nhà đầu tư nước ngoài. Luật 118 cho phép nước ngoài đầu tư ở tất cả các lĩnh vực trừ quốc phòng, giáo dục và y tế, cũng như xác định rõ khuôn khổ pháp lý, cơ chế vận hành cho các đặc khu kinh tế, nhằm tranh thủ vốn, công nghệ, năng lực quản lý từ bên ngoài. Đầu tháng 11-2014, Chính phủ Cu-ba kêu gọi các công ty nước ngoài đầu tư hơn 8 tỷ USD vào 246 dự án phát triển riêng biệt tại đảo quốc này(4). Theo đó, những lĩnh vực phát triển ưu tiên bao gồm: năng lượng, nông nghiệp và du lịch. Nhằm thu hút thêm đầu tư nước ngoài và tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế, ngày 2-8-2018, Chính phủ Cu-ba công bố một gói điều chỉnh các quy định về đầu tư nước ngoài theo hướng đơn giản hóa các thủ tục phê duyệt đầu tư.

Đặc khu kinh tế đầu tiên ở Cu-ba được thành lập tháng 11-2013 tại vùng cảng nước sâu Ma-ri-en, cách Thủ đô La Ha-ba-na 45km về phía Tây với diện tích 465km2. Đặc khu Ma-ri-en đã thu hút được gần 1,2 tỷ USD vốn đầu tư, trực tiếp tạo ra gần 5.000 việc làm. Sau 5 năm thành lập, đặc khu Ma-ri-en trở thành một động lực phát triển kinh tế của đất nước Cu-ba đang trên đường đổi mới cập nhật mô hình phát triển kinh tế(5).

Thống nhất tiền tệ: ngày 22-10-2013, Chính phủ Cu-ba tuyên bố từ bỏ hệ thống tài chính sử dụng hai loại tiền tệ khác nhau là đồng Peso quốc gia (CUP) và Peso chuyển đổi (CUC), để chuyển sang dùng một loại tiền duy nhất, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Chính phủ Cu-ba thường xuyên duy trì công tác chuẩn bị cho thống nhất tiền tệ, trong đó bên cạnh việc tìm giải pháp để cân đối quan hệ giữa giá cả - đồng lương - tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Cu-ba thường xuyên tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ các ngân hàng và tổ chức tài chính, tín dụng trên cả nước để họ có đầy đủ các kỹ năng cần thiết, sẵn sàng cho thời điểm thống nhất tiền tệ. Tuy nhiên, việc thống nhất hai đồng tiền sẽ được tiến hành từng bước, trước tiên tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp nhà nước và sau đó mở rộng trong toàn dân. Trong năm 2018, Chính phủ Cu-ba tăng cường đẩy nhanh dự án thống nhất tiền tệ, coi đây chính là thời điểm phải xúc tiến việc thống nhất hai loại tiền.

Cải thiện quan hệ với Mỹ và tăng cường hội nhập quốc tế: Sự kiện quan trọng nhất đánh dấu sự cải thiện quan hệ Cu-ba - Mỹ khi Chủ tịch Cu-ba thông báo trên truyền hình ngày 17-12-2014 về tiến trình xích lại gần hơn với Mỹ. Chuyến thăm Cu-ba lần đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ Giôn Ke-ry vào trung tuần tháng 8-2015 và lễ khai trương hai Đại sứ quán lần lượt tại Oa-sinh-tơn (Mỹ) ngày 20-7-2015 và La Ha-ba-na (Cu-ba) ngày 14-8-2015 và nhất là chuyến thăm Cu-ba của Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma vào tháng 3-2016, không chỉ là một dấu mốc lịch sử chấm dứt sự thù địch mà còn là sự khởi đầu của chương mới trên lộ trình bình thường hóa quan hệ Mỹ - Cu-ba sau hơn nửa thế kỷ băng giá. Mặc dù tiến trình bình thường hóa quan hệ Cu-ba - Mỹ bị chững lại kể từ khi ông Đô-nan Trăm lên nắm quyền nhưng Cu-ba cũng đã chính thức bình thường hóa quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) và dần mở cánh cửa với các thị trường vốn quốc tế thông qua một loạt thỏa thuận giảm nợ với Câu lạc bộ Pa-ri, Nga, Nhật Bản... Cu-ba cũng cởi mở hơn về việc tham gia nền kinh tế toàn cầu, và hướng tới bình thường hóa quan hệ với các tổ chức quốc tế lớn. Đây cũng là một bước đi trong chiến lược kinh tế mới của Cu-ba, nhằm thực hiện quá trình toàn cầu hóa về kinh tế - thương mại.

Đa dạng hóa quan hệ thương mại: Một trong những khía cạnh quan trọng của chính sách thương mại của Cu-ba là thúc đẩy “thành lập các công ty và liên minh ở nước ngoài, khuyến khích định vị tốt hơn lợi ích của Cu-ba ở các thị trường bên ngoài bất cứ khi nào hợp lý và thuận tiện về kinh tế”(6), cũng như duy trì ưu tiên và sự chú ý đến các đối tác thương mại chính của đất nước và đạt được sự ổn định lớn hơn trong việc bảo đảm thu nhập. Bộ trưởng Bộ Ngoại thương và Đầu tư nước ngoài Cu-ba (Mincex) Đe-bô-ra Ri-vát Xa-vê-đra (Déborah Rivas Saavedra) nhấn mạnh, cần phải tạo ra xu hướng xuất khẩu thực sự ở tất cả các cấp, để các quyết định quan trọng và chiến lược nhất dựa trên nghiên cứu thị trường, và giúp các tổ chức trong nước trong thương mại nước ngoài linh hoạt hơn.

Năm 2016, Phòng thương mại Cu-ba (CCRC) lên kế hoạch làm việc với 1.536 công ty, thông qua 250 chuyến thăm kinh doanh từ 67 quốc gia. Các đoàn doanh nghiệp từ Nhật Bản, Trung Quốc, Tây Ban Nha và Mê-hi-cô là những đoàn thường xuyên đến Cu-ba. Trong khi đó, 50 diễn đàn doanh nghiệp đã được tổ chức trong năm 2016 (gần gấp đôi so với năm 2015), liên quan tới các phái đoàn chính phủ và thiết chế đến thăm Cu-ba. Với mục tiêu tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, 24 thỏa thuận đã được ký kết trong năm 2016 (tăng thêm 14 thỏa thuận so với năm 2015), trong đó có 9 thỏa thuận với Trung Quốc; và thành lập Ủy ban Kinh doanh Cu-ba - Hàn Quốc. Ngoài ra còn có 13 ủy ban kinh doanh với Mê-hi-cô, Tây Ban Nha, Hà Lan, I-ta-li-a, Nga, Thụy Sĩ, Hung-ga-ry, Việt Nam, Pa-na-ma, U-crai-na, Chi-lê và Trung Quốc(7).

Thành tựu và những vấn đề đặt ra

Những cải cách đã tạo ra những thay đổi bước ngoặt, góp phần giải phóng lực lượng sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế, khơi nguồn sức mạnh nội lực kinh tế Cu-ba và tận dụng sức mạnh ngoại lực. Thu nhập gia đình, dịch vụ du lịch, sản xuất lương thực, giao thông phụ thuộc ít hơn vào nhà nước, chủ yếu phụ thuộc nhiều vào khu vực tư nhân. Thị trường bất động sản, bán lẻ hàng tiêu dùng và dịch vụ, và việc cung cấp đầu vào cho khu vực tư nhân đã được mở rộng, ở cả thị trường chính thức và không chính thức. Du lịch mang lại nguồn ngoại tệ 2,5 tỷ USD/năm. Đầu tư nước ngoài dần trở thành yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển.

Tuy nhiên, những thành tựu của Cu-ba cũng tồn tại nhiều hạn chế. Doanh nghiệp nhà nước còn có biểu hiện quan liêu, không hiệu quả. Một số vấn đề mới xuất hiện do mặt trái của phát triển kinh tế tư nhân, như vấn đề bất bình đẳng xã hội, chênh lệch giàu nghèo... trở thành những vật cản đối với kinh tế Cu-ba. Lệnh cấm vận thương mại của Mỹ vẫn được duy trì, nhất là khi chính quyền mới ở Mỹ quay lại đường lối chính sách cứng rắn cũ. Cu-ba tiếp tục phụ thuộc vào sự trợ giúp từ Vê-nê-xu-ê-la nhưng nền kinh tế nước này vẫn chưa thoát khỏi khủng hoảng, ảnh hưởng khá lớn đến kinh tế Cu-ba. Hệ quả là, tăng trưởng GDP và năng suất của Cu-ba không đạt mức kỳ vọng. Theo thống kê chính thức của Văn phòng Thống kê và Thông tin quốc gia (ONEI), GDP của Cu-ba bình quân tăng 2,4%/năm trong giai đoạn 2008 - 2017, thấp hơn nhiều so với mức 4,4% mà Chính phủ Cu-ba đề ra. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế không mấy khả quan. Tỷ trọng đóng góp của sản xuất vào GDP giảm 1,4%, còn đóng góp của lĩnh vực nông nghiệp vốn là lĩnh vực được ưu tiên vào GDP chỉ tăng 0,1%. 75% lương thực thực phẩm của Cu-ba phải nhập khẩu. Các dịch vụ công cộng, như y tế và giáo dục vốn là niềm tự hào của Cu-ba, đang xuống cấp do ngân sách nhà nước có hạn. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài còn xa mới đạt mục tiêu 2 tỷ - 2,5 tỷ USD/năm... Cu-ba gặp đặc biệt khó khăn trong nửa cuối năm 2017 do ảnh hưởng của bão Irma và các biện pháp hạn chế mới do chính phủ mới ở Mỹ đưa ra. Do những khó khăn này, Chính phủ Cu-ba phải tạm dừng việc cấp phép cho khu vực tư nhân.

Thế hệ lãnh đạo mới với trọng trách tiếp tục cải cách

Tất cả những khó khăn, thách thức này đang đặt ra những vấn đề đòi hỏi thế hệ lãnh đạo mới của Cu-ba giải quyết. Quá trình chuẩn bị các thế hệ lãnh đạo cách mạng kế cận của Cu-ba đã diễn ra từ nhiều năm qua. Tại Đại hội VII của Đảng Cộng sản Cu-ba năm 2016, Chủ tịch Ra-un Ca-xtrô đề xuất giới hạn độ tuổi của đảng viên tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ 60 tuổi trở xuống, và độ tuổi tham gia các chức danh lãnh đạo cao cấp là 70 tuổi trở xuống, với mục đích nhằm trẻ hóa toàn bộ hệ thống lãnh đạo trong Đảng, sẵn sàng cho những giai đoạn phát triển mới của đất nước theo kịp đà phát triển của thế giới.

Ngày 19-4-2018, Cu-ba trải qua bước chuyển giao lịch sử với việc tân Chủ tịch Đi-át Ca-nen (Diaz-Canel) chính thức lên cầm quyền ở Cu-ba. Chủ tịch Đi-át Ca-nen và thế hệ lãnh đạo mới đang gánh trọng trách nặng nề khi phải làm sao vừa tiếp tục con đường cách mạng đã chọn, vừa tiếp tục các chính sách cải cách kinh tế xã hội trong công cuộc hiện đại hóa đất nước, vừa có thể ứng phó với những khó khăn, thách thức đang tồn tại hoặc sẽ nảy sinh trong tương lai.

Việc thiếu một cơ sở pháp lý hợp hiến đã ảnh hưởng đáng kể tới việc triển khai hiệu quả các cải cách kinh tế hiện thời. Do đó, Hiến pháp năm 1976 của Cu-ba cần được sửa đổi cho phù hợp với tình hình phát triển mới.

Trong phiên họp bất thường ngày 2-6-2018 của Quốc hội Cu-ba, Chủ tịch Đi-át Ca-nen thông báo, Bí thư thứ nhất Đảng Cộng sản Cu-ba Ra-un Ca-xtrô sẽ đứng đầu Ủy ban chuyên trách dự án sửa đổi Hiến pháp năm 1976. Ủy ban đã đưa ra trước Quốc hội bản dự thảo Hiến pháp mới gồm 224 điều khoản, được Quốc hội Cu-ba thông qua vào ngày 22-7-2018. Bản dự thảo sẽ được công bố để tiến hành tham vấn công chúng từ ngày 13-8 đến ngày 15-11-2018 và sau đó được trưng cầu dân ý để thông qua chính thức.

Trong dự thảo Hiến pháp mới của Cu-ba ghi nhận một số thay đổi, như công nhận hôn nhân đồng tính; tăng cường hệ thống tư pháp; công nhận nguyên tắc suy đoán vô tội trong xét xử; lập ra chức thủ tướng để điều hành đất nước bên cạnh chủ tịch nước nhằm chia sẻ trọng trách và tăng cường cơ cấu lãnh đạo tập thể hơn. Nhưng điểm nổi bật nhất của sửa đổi hiến pháp lần này là sự điều chỉnh phương hướng phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Cu-ba.

Bản chất chủ nghĩa xã hội vẫn được giữ vững, duy trì và khẳng định nhất quán trong dự thảo. Dự thảo bỏ qua điều khoản trong Hiến pháp năm 1976 về mục tiêu cuối cùng là xây dựng một xã hội cộng sản, thay vào đó là tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo Chủ tịch Quốc hội E-xte-ban La-dô (Esteban Lazo), sự thay đổi này không có nghĩa là Cu-ba đang từ bỏ lý tưởng của mình mà chỉ đơn giản bước sang một thời đại khác sau sự sụp đổ của Liên Xô, và Cu-ba giữ vững niềm tin về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước đó, Chủ tịch Đi-át Ca-nen cũng khẳng định “ở Cu-ba sẽ không có việc chuyển hướng sang tư bản”.

Trong dự thảo Hiến pháp, bản chất xã hội chủ nghĩa của hệ thống của Cu-ba được thể hiện qua khẳng định Đảng Cộng sản Cu-ba tiếp tục giữ vai trò trung tâm của hệ thống chính trị, kinh tế và xã hội, đồng thời Cu-ba là một “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, dân chủ, độc lập và có chủ quyền”.

Định hướng phát triển kinh tế thị trường trong dự thảo thể hiện qua công nhận vai trò của thị trường và các hình thức sở hữu mới. Sở hữu tư nhân được bổ sung vào thêm các loại hình sở hữu hiện tại gồm sở hữu nhà nước, hợp tác, nông dân, cá nhân và liên doanh. Sự thay đổi đó sẽ mang lại sự công nhận pháp lý lớn hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm tài sản cá nhân góp phần tăng thu hút đầu tư nước ngoài, mang thêm hơi hướng của kinh tế thị trường cho một nền kinh tế lấy quốc doanh làm chủ đạo.

Như vậy, Đảng Cộng sản Cu-ba đã kết hợp một số cải cách thành công mà Việt Nam đã thực hiện trong thập niên 1980 và 1990 vào mô hình kinh tế của mình: dần dần mở cửa nền kinh tế xã hội chủ nghĩa sang cơ chế thị trường, phát triển khu vực tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài nhưng vẫn giữ vững quyền kiểm soát chính trị của Đảng. Việc tổ chức lại các quy trình sản xuất, phân phối, trao đổi và tiêu thụ đang được hợp pháp hóa với cải cách hiến pháp lần này thông qua mở rộng hình thức sở hữu và đa dạng hóa các chủ thể kinh tế, cũng như mở rộng vai trò của thị trường trong việc phân phối hàng hóa và dịch vụ, trong việc làm và trong cuộc sống hằng ngày trên cơ sở thu nhập cá nhân và gia đình.

Việc xây dựng nền kinh tế thị trường mang bản sắc Cu-ba sẽ được thực hiện một cách thận trọng như lời phát biểu của Chủ tịch Ra-un Ca-xtrô trước Quốc hội trong tháng 7-2017 là chiều sâu và nhịp độ của tiến trình cập nhật mô hình phát triển “phải gắn với khả năng làm tốt công việc và điều chỉnh đúng lúc trước bất kỳ sự chệch hướng nào”. Sự thận trọng này là cần thiết để Đảng Cộng sản Cu-ba có thể vững vàng chèo lái con thuyền cách mạng Cu-ba đi tới thành công./.

-----------------------------------------------------

(1) Cu-ba: Hậu chủ nghĩa cộng sản, Tài liệu tham khảo đặc biệt (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 03-11-2013
(2) www.xaydungdang.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=9372&print=true, 25-4-2016
(3) Cu-ba tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động của các hợp tác xã, https://baomoi.com/Cu-ba-tao-dieu-kien-thuc-day-hoat-dong-cua-cac-hop-tac-xa/c/19120754.epi
(4) Centro para la Promoción del Comercio Exterior y la Inversión Extranjera de Cu-ba, 2014. Portfolio of Oportunities for Foreign Investment. Available at: http://www.cepec.cu/cepec/sites/default/files/Cu-ba_cartera-de-oportunidades_2014_ENG.pdf
(5) https://vtv.vn/kinh-te/dac-khu-kinh-te-mariel-diem-sang-thu-hut-dau-tu-vao-Cu-ba-20180419110714324.htm
(6) González Katheryn Felipe (2017), Increasing business opportunities, http://en.granma.cu/Cu-ba/2017-04-17/increasing-business-opportunities
(7) González Katheryn Felipe (2017), Increasing business opportunities, http://en.granma.cu/Cu-ba/2017-04-17/increasing-business-opportunities