TCCSĐT - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Chỉ thị 21/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông.

Chỉ thị nêu rõ, ngày 14-02-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025. Sau hơn 01 năm thực hiện Quyết định, các cơ quan, đơn vị đã nỗ lực triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng yếu để đạt được mục tiêu đặt ra, bước đầu đạt được một số kết quả nhất định.

Tuy nhiên, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng đều, thiếu đồng bộ; kết nối các phương thức vận tải chưa hiệu quả; chưa phát huy tốt các nguồn lực về hạ tầng, con người, thị trường nội địa và khu vực; các trung tâm logistics đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế chưa được đầu tư, xây dựng… dẫn đến chi phí logistics vẫn còn cao ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.

Để giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, góp phần tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương, theo chức năng và nhiệm vụ được giao có chương trình cụ thể thực hiện kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14-02-2017 với 6 nhóm nhiệm vụ chính: 1- Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; 2- Nâng cao năng lực kết cấu hạ tầng logistics; 3- Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; 4- Phát triển thị trường dịch vụ logistics; 5- Đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; 6- Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dịch vụ logistics đối với sự phát triển của đất nước.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; tăng cường kết nối các phương thức vận tải, giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải.

Đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường vận tải nội địa, giảm thị phần vận tải bằng đường bộ, tăng thị phần vận tải bằng đường biển, đường sắt và đường thủy nội địa, đặc biệt là trên các hành lang vận tải chính.

Ưu tiên phát triển mạnh vận tải ven biển, vận tải sông pha biển, nhằm vận chuyển hàng hóa, giảm tải cho đường bộ, đồng thời tận dụng hiệu quả điều kiện tự nhiên sẵn có về sông, biển để kết nối vận tải hàng hóa giữa hàng hải, đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác

Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng; đề xuất cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, huy động các nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức khai thác tốt kết cấu hạ tầng giao thông hiện có; cân đối, bố trí các nguồn vốn đầu tư, nguồn vốn ngân sách, vốn ODA cho các dự án nhằm tăng cường khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải, ưu tiên tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình có tính quan trọng, cấp bách.

Bộ Giao thông Vận tải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý, khai thác vận tải: Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành, khai thác vận tải, liên kết các phương thức vận tải, quản lý vận tải đa phương thức, dịch vụ logistics; phát triển sàn giao dịch vận tải, sàn giao dịch logistics.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan (đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính…) hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics.

Tập trung cải thiện kết cấu hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử theo xu hướng phát triển hiện nay trên thế giới và khu vực. Thông qua các hoạt động nhằm nâng cao năng lực doanh nghiệp, khuyến khích, hướng dẫn doanh nghiệp trong một số ngành áp dụng mô hình quản trị chuỗi cung ứng tiên tiến trong quá trình sản xuất, kinh doanh, trong đó chú trọng triển khai các hoạt động logistics trên nền tảng công nghệ thông tin và các công nghệ mới trong logistics.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I, đóng vai trò kết nối Việt Nam với quốc tế; khuyến khích một số khu công nghiệp, khu chế xuất xây dựng hình mẫu khu công nghiệp dựa trên nền tảng logistics; hoàn thiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics; xây dựng hệ thống chỉ tiêu thống kê và thu thập dữ liệu thống kê về logistics; ban hành mã số đăng ký kinh doanh theo nhóm ngành cho dịch vụ logistics...

Bộ Tài chính nghiên cứu xây dựng chính sách thuế, phí, giá dịch vụ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận tải đa phương thức.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương dành quỹ đất thích hợp để xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa, dịch vụ hậu cảng, cảng cạn, kết nối thuận tiện với mạng lưới giao thông quốc gia để từng bước tạo thành mạng lưới kết cấu hạ tầng logistics hiện đại.

Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương


Thủ tướng Chính phủ vừa ký quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trực thuộc Bộ Nội vụ. Theo đó, Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương là cơ quan tương đương Tổng cục trực thuộc Bộ Nội vụ, thực hiện chức năng tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Nội vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực thi đua, khen thưởng.

Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thi đua, Khen thưởng, các quy định của pháp luật có liên quan và những nhiệm vụ, quyền hạn như: Là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở trung ương tổ chức triển khai thực hiện các phong trào thi đua và thực hiện chính sách khen thưởng của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, thẩm định hồ sơ trình khen thưởng của các bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở trung ương. Thực hiện theo ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định khen thưởng hoặc trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước quyết định khen thưởng.

Đồng thời, xây dựng nội dung, chương trình và thực hiện tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng ở các bộ, ngành, địa phương. Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ trong lĩnh vực thi đua, khen thưởng; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở trung ương, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức các phong trào thi đua và truyên truyền, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Sửa đổi một số nội dung Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 868/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1168/QĐ-TTg ngày 24-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2020 (Chương trình).

Theo Quyết định mới, kinh phí dự kiến thực hiện Chương trình là 7.300 tỷ đồng (giảm 3.700 tỷ đồng so với kinh phí đã phê duyệt tại Quyết định số 1168/QĐ-TTg), được bảo đảm từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Trong đó, kế hoạch kinh phí dự kiến dành cho các nhiệm vụ đầu tư kết cấu hạ tầng viễn thông của tất cả các chương trình thành phần chiếm 50% tổng kinh phí của toàn bộ Chương trình.

Kế hoạch kinh phí dự kiến hỗ trợ cho một doanh nghiệp viễn thông để phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông trong toàn bộ giai đoạn thực hiện Chương trình không vượt quá 70% tổng kinh phí dành cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông của Chương trình, trừ trường hợp trên địa bàn cụ thể hoặc đối với nhiệm vụ cụ thể, chỉ có duy nhất một doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định để tham gia thực hiện nhiệm vụ của Chương trình.

Việc quyết toán các nhiệm vụ của Chương trình được thực hiện trên cơ sở kết quả thực hiện của doanh nghiệp và dự toán đã được phê duyệt.

Quyết định mới cũng sửa đổi mức đóng góp của doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam. Theo quy định mới, đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ có hạ tầng mạng là 0,7% (mức quy định cũ là 1,5%) doanh thu các dịch vụ viễn thông quy định tại Điều 9 Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06-4-2011 và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.

Trên cơ sở tình hình triển khai thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng góp của doanh nghiệp viễn thông vào Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam để bảo đảm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ của Chương trình trong trường hợp cần thiết.

Quyết định mới cũng sửa đổi một số nhiệm vụ thực hiện Chương trình Kết nối băng rộng.

Khắc phục những bất hợp lý về lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ

Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa trả lời thư của ông Nguyễn Hội (địa chỉ Trần Quốc Toản, Liên Nghĩa, Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) về đề nghị xem xét giải quyết một số vấn đề liên quan tới chính sách bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, về đề nghị điều chỉnh lương hưu nhằm giảm khoảng cách chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ, theo quy định của pháp luật bảo hiểm xã hội thì “mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội”, theo đó mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm xã hội và mức tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội. Như vậy, mức lương hưu của người lao động cao hay thấp sẽ tùy thuộc vào thời gian đóng và mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi còn làm việc.

Theo quy định hiện hành của Luật Bảo hiểm xã hội thì lương hưu được điều chỉnh “trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế phù hợp với ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội”. Trong những năm qua, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và các Nghị quyết của Quốc hội.

Mặc dù, trong giai đoạn 2003 - 2007 thực hiện Đề án Cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công, việc điều chỉnh lương hưu đã được thực hiện kết hợp giải quyết chênh lệch lương hưu của người nghỉ hưu giữa các thời kỳ (người nghỉ hưu giai đoạn trước tháng 9 năm 1985, trước tháng 4 năm 1993 và người có mức lương hưu thấp thì được điều chỉnh ở mức cao hơn), điều này đã một bước giải quyết bất hợp lý về lương hưu giữa các thời kỳ.

Tuy nhiên, Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội trình Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 7 khóa XII cũng đã chỉ ra một trong những hạn chế là việc điều chỉnh tiền lương hưu thời gian qua thường được tiến hành đồng thời với điều chỉnh tiền lương khu vực hành chính nhà nước, mức tăng thường bằng mức tăng của tiền lương khu vực hành chính nhà nước; điều này làm tăng chi cả từ ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội, tạo ra những bất hợp lý mới như người có mức lương hưu cao được tăng quá nhiều, người có mức lương hưu thấp được tăng quá ít dẫn đến gia tăng khoảng cách tuyệt đối về mức lương hưu giữa những người đang hưởng càng lớn.

Chính vì vậy, tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã quy định một trong những nội dung cải cách đó là: “... lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ bảo hiểm xã hội và ngân sách nhà nước; quan tâm điều chỉnh thoả đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ”. Với quy định nêu trên, quá trình thực hiện điều chỉnh lương hưu thời gian tới sẽ từng bước khắc phục những bất hợp lý về lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.

Về căn cứ ban hành Nghị định về việc thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp hàng tháng, chế độ phụ cấp khu vực là một trong các khoản phụ cấp lương được thực hiện ở những nơi xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu, đã được áp dụng đối với những người đang làm việc (thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định) và những người nghỉ hưu, hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, thương binh, bệnh binh hưởng trợ cấp hàng tháng. Từ năm 1985 trở về sau, chế độ phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định số 235/HĐBT ngày 18-9-1985, Nghị định số 236/HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng, Thông tư liên tịch số 11/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT ngày 05-01-2005 của liên Bộ Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính và Ủy ban dân tộc và một số văn bản khác liên quan.

Trong quá trình thực hiện chế độ phụ cấp khu vực đối với người nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho thấy:

- Chế độ phụ cấp khu vực không dựa trên nguyên tắc của pháp luật về bảo hiểm xã hội là hưởng trên cơ sở mức đóng mà phụ thuộc vào nơi cư trú của họ.

- Mức hưởng phụ thuộc vào từng khu vực mà người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng cư trú với các mức có hệ số phụ cấp là: 0,1; 0,2; 0,3; 0,4; 0,5; 0,7 và 1,0 so với mức lương tối thiểu chung, không phụ thuộc vào trước đó người lao động có đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực hay không.

Kể từ ngày 01-01-2007, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 thì phụ cấp khu vực không nằm trong cơ cấu tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, đối với người lao động nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội từ ngày 01-01-2007 trở đi thì tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không bao gồm phụ cấp khu vực.

Tuy nhiên, khoản 2 Điều 139 Luật Bảo hiểm xã hội quy định, người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng trước ngày Luật có hiệu lực thì vẫn được thực hiện theo các quy định trước đây, vì vậy các đối tượng đang hưởng trước ngày 01-01-2007 vẫn được bảo lưu mức hưởng chế độ phục cấp khu vực theo Thông tư liên tịch số 11/2005/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BTC-UBDT.

Như vậy, phát sinh vướng mắc là có một bộ phận người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 01-01-2007 bao gồm cả phụ cấp khu vực nhưng khi nghỉ việc hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ ngày 01-01-2007 trở đi trong mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không bao gồm phụ cấp khu vực.

Nhằm giải quyết những vướng mắc nêu trên, trong các năm 2007 và 2008 Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 04-12-2008 quy định về việc thực hiện phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Theo đó, đối với người đang hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng trước ngày 01-01-2007, cư trú tại nơi có phụ cấp khu vực được hưởng phụ cấp khu vực theo mức hiện hưởng (không điều chỉnh theo mức lương tối thiểu chung) cho đến khi có quy định mới của Chính phủ. Đối với người lao động nghỉ việc đủ điều kiện hưởng lương hưu hoặc hưởng bảo hiểm xã hội một lần kể từ ngày 01-01-2007 trở đi, mà trước đó đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bao gồm phụ cấp khu vực, thì ngoài hưởng lương hưu hoặc bảo hiểm xã hội một lần theo quy định còn được hưởng trợ cấp một lần tương ứng với thời gian và số tiền phụ cấp khu vực đã đóng bảo hiểm xã hội.

Tiếp tục thực hiện nguyên tắc xây dựng như đã nêu trên, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và các văn bản hướng dẫn tiếp tục quy định các nội dung liên quan đến phụ cấp khu vực, được quy định cụ thể tại khoản 2, khoản 3 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Điều 21 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11-11-2015 của Chính phủ./.