Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
TCCS - Giáo dục đại học đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực chất lượng cao, phục vụ mục tiêu phát triển của đất nước. Trong đó, chuyển đổi số là biện pháp cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đối với các cơ sở giáo dục đại học nói chung, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập nói riêng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập vẫn gặp một số rào cản, cần có giải pháp phù hợp để công tác vận hành, quản trị đào tạo đại học hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới.
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan, có vai trò rất quan trọng đối với mọi quốc gia. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành, phát triển Chính phủ số, xã hội số, công dân số. Trong thời gian gần đây, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam chú trọng thực hiện chuyển đổi số trên một số lĩnh vực, như quản lý nhân sự, đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ,... Với sự đầu tư kết cấu hạ tầng đúng mức, công tác chuyển đổi số của nhiều cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập từng bước được thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo toàn diện, đáp ứng ngày càng cao yêu cầu của thời đại và nhu cầu của người học trong thời kỳ mới. Tuy nhiên có nhiều rào cản mà các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập gặp phải trong việc thực hiện các mục tiêu chuyển đổi số.
Hoạt động chuyển đổi số trong cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập hiện nay và một số rào cản
Điều 4 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 định nghĩa: “Cơ sở giáo dục đại học là cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, thực hiện chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng”(1).
Cũng theo Luật này, cơ sở giáo dục đại học bao gồm: (1) Cơ sở giáo dục đại học công lập do Nhà nước đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động và là đại diện chủ sở hữu; (2) Cơ sở giáo dục đại học tư thục do nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài đầu tư, bảo đảm điều kiện hoạt động(2) - nhóm này được gọi là cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, có những đặc điểm sau: Là cơ sở giáo dục nằm trong trong hệ thống giáo dục đại học, do các nhà đầu tư bao gồm các tổ chức, cá nhân, nhóm cá nhân đứng ra thành lập, chủ sở hữu là các cổ đông, các nhà sáng lập. Cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập có hội đồng quản trị (trong khi đối với cơ sở giáo dục đại học công lập là hội đồng trường). Chủ tịch hội đồng quản trị do đại hội đồng cổ đông bầu ra, hiệu trưởng do hội đồng quản trị đề xuất, được Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận. Hệ thống văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập nằm trong hệ thống văn bằng quốc gia, có giá trị pháp lý như văn bằng, chứng chỉ của các cơ sở giáo dục đại học công lập. Nguồn tài chính của cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập không được Nhà nước cấp mà do các nhà đầu tư trực tiếp đóng góp, nói cách khác, cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập tự chủ về tài chính.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ xác định, giáo dục là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số. Để định hướng công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg, ngày 25-1-2022, về Phê duyệt đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Để chỉ đạo triển khai Quyết định số 131/QĐ-TTg, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 1282/QĐ-BGDĐT, ngày 10-5-2022, về Kế hoạch tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025. Ngày 29-12-2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quyết định số 4740/QĐ-BGDĐT, ngày 30-12-2022, về Bộ chỉ số, tiêu chí đánh giá chuyển đổi số cơ sở giáo dục đại học, trong đó bám sát yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 131/QĐ-TTg. Bộ chỉ số phù hợp điều kiện thực tế các cơ sở giáo dục đại học, bảo đảm đánh giá thực chất, khách quan, minh bạch, công bằng. Bộ chỉ số có tính mở, cập nhật phù hợp với tình hình thực tế theo từng năm học và có tính thực tiễn, khả thi trong áp dụng.
Theo các nhà nghiên cứu về chuyển đổi số Emily Henriette Mondher Feki, Imed Boughzala: “Chuyển đổi số là sự chuyển đổi sâu sắc các hoạt động, quy trình, năng lực và mô hình kinh doanh và tổ chức để tận dụng triệt để những thay đổi và cơ hội của sự kết hợp giữa các công nghệ kỹ thuật số và tác động nhanh chóng của chúng đối với xã hội theo cách có chiến lược và ưu tiên, có tính đến những thay đổi hiện tại và tương lai”(3). Nhìn từ góc độ quản trị doanh nghiệp, “Chuyển đổi số là sự thay đổi toàn diện mô hình doanh nghiệp, tổ chức bằng thông tin số. Chuyển đổi số trong các tổ chức, doanh nghiệp đang chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách ứng dụng các công nghệ mới, như dữ liệu lớn (Big Data), internet vạn vật (IoT), Điện toán đám mây (Cloud) và thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty”(4). Cẩm nang Chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông xác định: “Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Trong khi đó, tin học hóa, hay ứng dụng công nghệ thông tin, là số hóa quy trình đã có, theo mô hình hoạt động đã có, để cung cấp dịch vụ đã có”(5)…
Như vậy, chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập là quá trình thay đổi một cách đồng bộ và toàn diện hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập nhờ ứng dụng công nghệ số để cải thiện và tối ưu hóa các hoạt động, giúp các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập đạt hiệu quả cao hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.
Trong quá trình triển khai thực hiện, chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập gặp phải một số rào cản, cụ thể là:
Thứ nhất, rào cản từ các nghiên cứu đã công bố: Có nhiều rào cản được đề cập song chủ yếu đến từ các công bố của các tác giả nước ngoài, tập trung ở 6 nhóm vấn đề, đó là: (i) Rào cản môi trường: Những rào cản đối với quá trình chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục đại học chủ yếu đến từ môi trường bên ngoài. Các cơ sở giáo dục đại học bị hạn chế về ngân sách để đầu tư vào công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng và tuyển dụng nhân sự. Bên cạnh đó, quy định về sử dụng công nghệ, bảo vệ dữ liệu, bản quyền tác giả gây khó khăn cho việc triển khai chuyển đổi số. Những rào cản này làm chậm quá trình chuyển đổi số, hạn chế phạm vi triển khai và làm tăng chi phí cho các cơ sở giáo dục đại học. (ii) Rào cản chiến lược: Các rào cản này liên quan đến chiến lược tổng thể, kế hoạch và chính sách nội bộ của các cơ sở giáo dục đại học. Chuyển đổi số là một quá trình phức tạp, ảnh hưởng toàn diện đến hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, đòi hỏi phải lập kế hoạch kỹ lưỡng và có tư duy chiến lược. (iii) Rào cản tổ chức: Để thành công trong chuyển đổi số, các cơ sở giáo dục đại học cần sự nhanh nhạy để thích ứng với môi trường có sự thay đổi liên tục. Tuy nhiên, cấu trúc quản lý theo chiều dọc của các cơ sở giáo dục đại học tạo ra sự ngăn cách giữa các đơn vị, dẫn đến khó khăn trong việc phối hợp và ra quyết định nhanh chóng. Ngoài ra, quan điểm đầu tư ngắn hạn cũng là yếu tố gây cản trở đến việc đầu tư vào kết cấu hạ tầng và công nghệ cần thiết cho chuyển đổi số. Điều này khiến các cơ sở giáo dục đại học khó khăn trong việc theo kịp sự phát triển và cạnh tranh gay gắt của bối cảnh hiện nay. (iv) Rào cản công nghệ: Việc các cơ sở giáo dục đại học thiếu hụt về mạng lưới, thiết bị phần cứng, phần mềm và công nghệ mới, như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn và IoT gây cản trở đến quá trình chuyển đổi số. Vấn đề rủi ro an ninh mạng, như rò rỉ dữ liệu, đánh cắp thông tin và tấn công, lừa đảo trên mạng… cần được các cơ sở giáo dục đại học giải quyết để bảo đảm quá trình chuyển đổi số diễn ra hiệu quả, gia tăng sự tin cậy cho sinh viên, giảng viên và cán bộ, nhân viên nhà trường trong việc áp dụng công nghệ số. (v) Rào cản con người: Yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoặc cản trở quá trình chuyển đổi số của các cơ sở giáo dục đại học. Để chuyển đổi số thành công, các cơ sở giáo dục đại học cần nhân lực có kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật mới, như lập trình, phân tích dữ liệu và phát triển phần mềm cũng như kỹ năng mềm như giao tiếp, làm việc nhóm và khả năng thích ứng. Ngoài ra, tại các cơ sở giáo dục đại học có tình trạng giảng viên kiêm nhiệm nhiều công việc như giảng dạy, nghiên cứu và hành chính, dẫn đến thời gian tham gia các sáng kiến chuyển đổi số còn hạn chế. (iv) Rào cản văn hóa: Việc chuyển đổi văn hóa là không dễ dàng bởi nó đòi hỏi thay đổi rất nhiều từ hành vi, nhận thức của sinh viên, giảng viên và nhân viên nhà trường trong quá trình tổ chức đào tạo và giảng dạy. Ngoài ra, trong các cơ sở giáo dục đại học, tính bảo thủ và ngại rủi ro là những nguyên nhân gây ra cản trở việc triển khai chuyển đổi số một cách toàn diện.
Thứ hai, đánh giá mức độ của các rào cản ở Việt Nam: Trong các rào cản nêu trên, chỉ có rào cản về “Văn hóa” có mức độ cản trở thấp đối với chuyển đổi số ở các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập. Còn lại 5 nhóm rào cản khác đều được đánh giá có mức độ cản trở ở mức trung bình, cao và rất cao. Trong đó, các rào cản được đánh giá ở mức cao, bao gồm: “Môi trường pháp lý” (trong nhóm rào cản “Môi trường”); “Thiếu chiến lược tổng thể” (trong nhóm rào cản “Chiến lược”); nhóm rào cản “Công nghệ”; “Thiếu thời gian học tập nâng cao kiến thức về chuyển đổi số” (trong nhóm rào cản “Con người”). Các rào cản được đánh giá ở mức rất cao, bao gồm: “Hạn chế về ngân sách” (trong nhóm rào cản “Môi trường”); “Thiếu kiến thức, kỹ năng về kỹ thuật số” (trong nhóm rào cản “Con người”).
Một số giải pháp nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập, cần chú ý một số giải pháp sau:
Một là, cần điều chỉnh, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến ngành giáo dục, phù hợp với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bảo vệ dữ liệu cá nhân, bản quyền nội dung số. Ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công nghệ thông tin, an toàn thông tin trong giáo dục, bảo đảm tính tương thích và khả năng liên kết giữa các hệ thống. Hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực giáo dục, bao gồm các dự án khởi nghiệp công nghệ trong các trường đại học nhằm thúc đẩy sáng tạo và ứng dụng công nghệ mới trong giảng dạy và học tập. Xây dựng hệ sinh thái số hóa bền vững thông qua khuyến khích sự hợp tác giữa các trường đại học, doanh nghiệp và tổ chức nghiên cứu, trong đó chú trọng thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, phát triển ứng dụng thực tiễn, tạo cơ hội hợp tác giữa các bên để thúc đẩy sự tiến bộ và sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ và giáo dục.
Hai là, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập cần xây dựng chiến lược dài hạn về chuyển đổi số. Việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số dài hạn là một quá trình phức tạp nhưng cần thiết. Với chiến lược phù hợp, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập có thể tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ, nâng cao chất lượng đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội. Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập cần tập trung số hóa quy trình quản lý, xây dựng hệ thống thông tin quản lý; phát triển các phương pháp dạy học trực tuyến, sử dụng các công cụ hỗ trợ giảng dạy; tạo môi trường học tập trực tuyến, cung cấp tài liệu học tập số, các ứng dụng hỗ trợ học tập; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu khoa học bằng các công cụ số; cung cấp các dịch vụ trực tuyến cho sinh viên, giảng viên và các đối tác.
Ba là, cần tạo lập nguồn tài chính cho chuyển đổi số, trong đó sự tham gia vào các dự án hợp tác với tổ chức quốc tế, như UNESCO, WB (World Bank), ADB (Asian Development Bank) hoặc các dự án hợp tác đa phương khác là cách thức quan trọng để gia tăng nguồn tài trợ cho việc chuyển đổi số. Điều này đặc biệt có thể áp dụng cho các dự án có tầm quan trọng quốc gia hoặc khu vực. Khai thác tiềm năng hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ để cung cấp các giải pháp công nghệ và tài trợ cho các dự án chuyển đổi số. Việc này có thể bao gồm việc thiết lập các đối tác công nghệ, cung cấp không gian thử nghiệm hoặc tham gia vào các dự án chung để phát triển và triển khai các giải pháp số hóa. Đồng thời, xây dựng và triển khai các chiến dịch kêu gọi ủng hộ từ cộng đồng cựu sinh viên và các nhà tài trợ khác. Thành lập quỹ học bổng hoặc quỹ phát triển chuyển đổi số được tài trợ bởi các nhà hảo tâm hoặc các doanh nghiệp hỗ trợ giáo dục. Tối ưu hóa việc sử dụng nguồn tài chính hiện có để đầu tư vào các dự án chuyển đổi số, trong đó có thể phân bổ lại nguồn lực từ các hoạt động không cần thiết sang các dự án ưu tiên chuyển đổi số, hoặc cải thiện quản lý tài chính để tăng cường hiệu quả chi tiêu. Phát triển các dự án thương mại hóa hoặc cung cấp các dịch vụ liên quan đến chuyển đổi số, như cung cấp đào tạo chuyên sâu về công nghệ thông tin cho doanh nghiệp, tổ chức sự kiện trực tuyến, hoặc phát triển các ứng dụng phần mềm. Điều này giúp tạo ra nguồn thu nhập bổ sung để tái đầu tư vào các hoạt động giáo dục và chuyển đổi số.
Bốn là, đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số ngành giáo dục. Trong đó, cần ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực trọng tâm, như đầu tư nâng cấp hệ thống mạng, bảo đảm băng thông đủ lớn, kết nối ổn định; đầu tư vào các phần mềm quản lý học vụ, tuyển sinh, thư viện, tài chính...; đầu tư xây dựng nền tảng học tập trực tuyến, cung cấp các khóa học trực tuyến chất lượng cao; đầu tư vào các giải pháp bảo mật để bảo vệ dữ liệu của nhà trường.
Cuối cùng, tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển đổi số, trong đó cần chú trọng việc tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về các công nghệ mới, các nền tảng học tập trực tuyến (LMS), các công cụ học tập kỹ thuật số và các phương pháp giảng dạy hiện đại. Điều này giúp giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường nắm bắt và áp dụng được những công nghệ và công cụ mới vào công việc hằng ngày. Khuyến khích và hỗ trợ giảng viên, sinh viên tham gia vào các dự án nghiên cứu và phát triển công nghệ trong lĩnh vực giáo dục. Đặc biệt, cần xây dựng các chương trình hợp tác giữa các bộ phận chuyên môn và chức năng trong nhà trường để thúc đẩy việc chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và tài nguyên về chuyển đổi số, qua đó giúp tăng cường sự hỗ trợ, phối hợp trong triển khai công nghệ mới…/.
----------------
(1) Điều 4 Luật số 34/2018/QH14 của Quốc hội: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học,
https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/07/34-2018-qh14..pdf
(2) Điều 7 Luật số 34/2018/QH14 của Quốc hội: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, https://datafiles.chinhphu.vn/cpp/files/vbpq/2022/07/34-2018-qh14..pdf
(3) Emily Henriette Mondher Feki, Imed Boughzala (2015), The shape of digital transformation: A systematic literature review. MCIS 2015 Proceedings, 431-443
(4) Phung The Vinh: Digital Transformation at Universities: Global Trends and Vietnam's Chances. Proceedings of the International Conference on Emerging Challenges: Business Transformation and Circular Economy (ICECH 2021), Atlantis press journal, Advances in Economics, Business and Management Research, Volume 196
(5) Xem: Bộ Thông tin và Truyền thông: Cẩm nang Chuyển đổi số, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2021
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện  (20/11/2024)
Quảng Ninh đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân  (16/11/2024)
Huyện Bình Liêu đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử  (10/11/2024)
Xu hướng chuyển đổi số trong quản trị nhà nước ở Liên bang Nga  (29/05/2024)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay