Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Người học trò xuất sắc, kế thừa và thực hiện gương mẫu tư tưởng trọng dân, thân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh

TS. Lý Việt Quang Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
23:46, ngày 04-10-2017

TCCSĐT - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, một vị tướng tài năng, văn võ song toàn của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuộc đời, sự nghiệp và cống hiến của Đại tướng đã để lại tình cảm yêu quý, trân trọng và cảm phục trong lòng đồng chí, đồng bào các thế hệ cùng thời và sau này. Một trong những biểu hiện ở Đại tướng là tấm gương mẫu mực trong kế thừa và thực hiện tư tưởng trọng dân, thân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

1- Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là kết tinh tiêu biểu nhất, sinh động nhất tư tưởng trọng dân, thân dân trong lịch sử cách mạng hiện đại của dân tộc. Người luôn dành tình yêu thương sâu sắc cho đất nước, cho nhân dân, coi trọng và có niềm tin tuyệt đối vào vai trò, sức mạnh của nhân dân, đồng thời chú trọng phát huy mạnh mẽ vai trò, sức mạnh của nhân dân. Có thể nói, sự nghiệp cách mạng vĩ đại và cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là xuất phát từ nhân tố cốt lõi: vì nhân dân, do nhân dân.

Tư tưởng trọng dân, thân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện ở những nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, yêu thương nhân dân sâu sắc, phấn đấu trọn đời vì tự do, ấm no và hạnh phúc của nhân dân.

Sớm kế thừa truyền thống yêu nước, thương dân sâu sắc của các thế hệ tiền bối, bằng những nỗ lực không mệt mỏi để cứu nước, cứu dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành người hội tụ, thể hiện tiêu biểu nhất truyền thống quý báu đó. Lòng yêu nước, thương dân sâu sắc, khát vọng giải phóng nhân dân khỏi ách thống trị của thực dân phản động và mang lại một cuộc sống mới tự do, ấm no, hạnh phúc, cũng chính là hành trang duy nhất, quý giá nhất, là động lực mạnh mẽ nhất thôi thúc Người đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước chỉ với hai bàn tay trắng. Người chỉ có một ý chí: “Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn; đấy là tất cả những điều tôi hiểu"(1). Sau này, Người tiếp tục khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(2).

Khi nước nhà đã giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh với nỗ lực không mệt mỏi vì cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn cho nhân dân. Người trăn trở khi thấy nhân dân vẫn đói, vẫn rét, vẫn khổ và khẳng định chân giá trị của độc lập, tự do chính là cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân. Người nói: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(3).

Chính với mục tiêu cao đẹp như vậy, với tinh thần lạc quan cách mạng, ý chí kiên định, sắt son, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức trong cuộc đời hoạt động cách mạng và trở thành vị lãnh tụ được yêu mến, kính trọng và cảm phục không chỉ của nhân dân Việt Nam, mà còn cả nhân dân tiến bộ trên thế giới, được UNESCO - Tổ chức Văn hóa, Khoa học, Giáo dục của Liên hợp quốc tôn vinh là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam.

Thứ hai, khẳng định và đặt niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân.

Không chỉ quan tâm đến nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân. Trong quan niệm của Người, quần chúng nhân dân là lực lượng có sức mạnh vô địch và là lực lượng chủ yếu, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng. Người yêu cầu các cán bộ, đảng viên phải gắn bó mật thiết với nhân dân, bởi: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó”(4). Người cũng khẳng định: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”(5).

Chính với niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của lực lượng nhân dân nên Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương, sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng xã hội mới nhằm mang lại độc lập, tự do, hạnh phúc cho nhân dân phải là sự nghiệp của chính nhân dân, do nhân dân thực hiện dưới sự lãnh đạo của Đảng; phải đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân(6).

Thứ ba, sâu sát nhân dân, gần nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải sâu sát dân, gần dân, khiến cho dân tin, dân phục, dân yêu, theo nguyên tắc mang tính phương pháp luận:

“Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm.

Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh.

Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(7).

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hình ảnh tiêu biểu nhất, sinh động nhất của một người cán bộ cách mạng luôn luôn sâu sát dân, gần dân, qua đó nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, để xây dựng đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn đất nước. Chỉ tính trong 10 năm sau ngày miền Bắc được giải phóng (1955 - 1965), Người đã thực hiện khoảng 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, nhà trường, đơn vị lực lượng vũ trang... Trong những chuyến đi như vậy, với tình cảm chân thành và gần gũi, Người vừa quan tâm động viên đồng bào, chiến sĩ, vừa hỏi thăm nắm bắt tình hình thực tiễn, từ nơi ăn, chốn ở có hợp vệ sinh không, các cháu bé có nơi trông giữ hay không, cho đến những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những điển hình mới trong lao động sản xuất và chiến đấu.... Người từ chối các buổi “chiêu đãi” của các địa phương vừa để có nhiều thời gian hơn làm việc với cán bộ, đảng viên và nhân dân, vừa tránh tốn kém cho địa phương và người dân.

Thứ tư, chống căn bệnh quan liêu, xa dân và các căn bệnh khác trong điều kiện Đảng trở thành đảng cầm quyền.

Là người luôn luôn yêu mến, kính trọng nhân dân, gần gũi và gắn bó mật thiết với nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt ghét thói quan liêu, cửa quyền, “vác mặt quan cách mạng” với nhân dân và các căn bệnh khác làm tổn hại đến quan hệ giữa Đảng cầm quyền với nhân dân. Làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên giữ gìn đạo đức cách mạng, không bị hư hỏng, tha hóa và rơi vào chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù lớn nhất, nguy hiểm nhất của đạo đức cách mạng, là điều Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên trăn trở khi Đảng trở thành đảng cầm quyền với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Người đã cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(8).

Cuộc sống của Người dù lúc còn đang hoạt động bí mật, ở nơi chiến khu gian khổ, hay lúc cách mạng đã thành công, trở thành người đứng đầu Đảng, Nhà nước, vẫn không hề thay đổi. Người vẫn giữ nếp sinh hoạt giản dị, tiết kiệm, sống chan hòa, gần gũi với các cán bộ cấp dưới và nhân dân.

2- Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, sớm được tiếp thu và kế thừa truyền thống yêu nước, thương dân của dân tộc và vùng quê Thừa Thiên - Huế, chứng kiến những sự tàn bạo, phản động của chế độ thực dân phong kiến, người thanh niên Nguyễn Vịnh (tên thật của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh), cũng giống như người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh và bao người Việt Nam yêu nước khác, sớm hình thành ý chí cứu nước, cứu dân, đánh đuổi quân xâm lược. 17 tuổi, Nguyễn Vịnh đã tham gia phong trào yêu nước cách mạng. Đó là nền tảng ban đầu hết sức thuận lợi để đến khi bắt gặp được Đường cách mạng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra và truyền bá về nước, thông qua vai trò tuyên truyền, giác ngộ của những người cộng sản thế hệ đàn anh, như Nguyễn Chí Diểu, Phan Đăng Lưu,… Nguyễn Vịnh đã gia nhập hàng ngũ những chiến sĩ cách mạng, nhanh chóng trở thành một cán bộ ưu tú, lãnh đạo phong trào cách mạng tại Thừa Thiên - Huế(9) và cống hiến trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại độc lập dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Tinh thần yêu nước nồng nàn, yêu thương nhân dân sâu sắc chính là động lực lớn nhất, quan trọng nhất giúp Nguyễn Vịnh dù bị thực dân Pháp bắt, tra tấn, giam cầm 3 lần tại các nhà lao Thừa Phủ (Huế), Lao Bảo, Buôn Mê Thuột trong thời gian từ năm 1938 đến năm 1943, vẫn giữ vững khí tiết của người chiến sĩ cộng sản; tổ chức, động viên đồng chí, đồng đội giữ vững ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất; cùng các đồng chí, đồng đội biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng. Đồng thời, mỗi lần ra tù, hoặc vượt ngục, đồng chí lại tích cực lao ngay vào hoạt động tuyên truyền, vận động và tổ chức phong trào cách mạng.

Suốt cuộc đời cách mạng, dù trên cương vị là lãnh đạo của Tỉnh ủy Thừa Thiên, hay khi là Bí thư Xứ ủy Trung Kỳ, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4, rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương, trở lại quân đội và tăng cường vào Nam làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Chính ủy các lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng miền Nam, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn đặt lợi ích của dân tộc, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân, tuyệt đối chấp hành sự phân công của tổ chức, đảm nhận và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao.

Tháng 8 - 1945, trong không khí Tổng khởi nghĩa toàn quốc, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng, lần đầu tiên đồng chí Nguyễn Vịnh được gặp lãnh tụ Hồ Chí Minh, được Người đặt bí danh là Nguyễn Chí Thanh và được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Từ cuối năm 1949, sau những thành tích quan trọng trong lãnh đạo quân dân Bình - Trị - Thiên và Liên khu 4 kiên cường chống thực dân Pháp xâm lược, đồng chí Nguyễn Chí Thanh được Trung ương điều ra Việt Bắc tăng cường cán bộ cho Trung ương. Từ đó cho đến khi nhận nhiệm vụ vào Nam (cuối năm 1964), đồng chí có điều kiện được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần hơn và được Người chỉ bảo ân cần. Được gặp và làm việc bên cạnh Người nhiều năm, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã quán triệt sâu sắc những quan điểm của Người về vai trò, sức mạnh của nhân dân trong thực tiễn công tác. Trên nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh, từ thực tiễn những năm tháng hoạt động cách mạng bí mật và trên các chiến trường gay go ác liệt, Đại tướng nhận thức sâu sắc yêu cầu phải gắn bó mật thiết với nhân dân và nêu lên vai trò của nhân dân một cách thiết thực, sinh động: “Kháng chiến, cách mạng cần phải có đông đảo nhân dân tham gia như làm ăn cần có vốn. ... Dân là cái vốn cách mạng quý nhất, quý hơn tất cả. Vì:

Còn dân thì nước còn.

Mất dân thì nước mất”(10).

Đề cập đến một khía cạnh khác trong vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, đó là mối quan hệ không thể tách rời giữa các anh hùng, chiến sĩ thi đua với sự lãnh đạo của Đảng và sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân trong phong trào thi đua ái quốc, Đại tướng nêu rõ: “Thành tích của mỗi cá nhân rõ ràng không thể có được và thậm chí không thể có được một tí xíu thành tích nào cả nếu như vừa qua không có sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, của Mặt trận và sự hy sinh không bờ bến của nhân dân quần chúng.... Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Quần chúng nhân dân hết sức anh hùng và chính nhân dân đã tạo nên những anh hùng, chiến sĩ thi đua. Tách rời sự lãnh đạo của Đảng, xa rời quần chúng, chúng ta mất hết sức mạnh, không làm nên được sự nghiệp gì hết”(11).

Đại tướng cũng nhấn mạnh: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, quần chúng không phải chỉ có công nông nhưng lực lượng hùng hậu về cả số lượng và chất lượng trong quần chúng là lực lượng công nông. Tin quần chúng, dựa hẳn vào quần chúng, hòa mình với quần chúng, phát động tính tích cực, tính cách mạng và tính sáng tạo của quần chúng, thương yêu, quý trọng, học tập quần chúng, thì việc khó mấy làm cũng thành. Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân quần chúng, nhân dân quần chúng làm nên sự nghiệp cách mạng, làm nên lịch sử, sáng tạo nên anh hùng”(12).

Khẳng định vai trò quyết định của nhân dân trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, với tầm nhìn của một nhà quân sự, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh chỉ ra rằng, muốn phát huy được vai trò, sức mạnh đó của nhân dân, các cán bộ, chiến sĩ quân đội cần phải: một mặt thì bộ đội giữ vững kỷ luật đối với nhân dân, không xâm phạm đến tính mạng, tài sản, tín ngưỡng của nhân dân, không làm cho dân ghét, dân kêu, dân oán. Phải làm thế nào để khi mình chưa đến thì dân trông mong, khi mình đến ở thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc; mặt khác, phải làm công tác dân vận, nghĩa là bộ đội đều phải tham gia việc vận động quần chúng nhân dân theo một kế hoạch chung của chính quyền và đoàn thể địa phương.

Quan điểm trên thực sự là sự tiếp nối và khẳng định quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Muốn được sự ủng hộ của nhân dân, quy tụ và phát huy sức mạnh của nhân dân, người cán bộ, đảng viên phải sâu sát nhân dân, gần nhân dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, phải yêu dân, kính dân, trọng dân, thì mới được dân tin, dân phục, dân yêu.

Điểm đáng lưu ý trong quan điểm của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về công tác dân vận là, cùng với việc tuyên truyền, vận động nhân dân, các cán bộ, chiến sĩ phải thiết thực giúp đỡ đồng bào, theo tinh thần: Hô hàng vạn khẩu hiệu suông, tổ chức hàng nghìn cuộc biểu tình rỗng tuếch, có khi mất công, tốn của mà không làm cho đồng bào hiểu và ghi nhớ sâu sắc bằng thiết thực làm lợi cho họ(13).

Đây là quan điểm luôn mang giá trị thời sự đối với công tác dân vận của Đảng, Nhà nước và các lực lượng vũ trang nhân dân. Nhắc đến quan điểm này, chúng ta lại nhớ đến luận điểm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm 20 của thế kỷ XX: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”(14).

Chính vì quán triệt sâu sắc quan điểm quần chúng, luôn quan tâm đến lợi ích thường ngày và thiết thực của nhân dân nên dù ở cương vị nào, trên mặt trận quân sự, hay nông nghiệp, Đại tướng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tin yêu, cảm phục cả về tài năng sắc sảo và đạo đức trong sáng.

3- Học tập tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh luôn xác định xây phải đi liền với chống, từ đó hình thành đạo đức cách mạng vững bền. Trọng dân, thân dân phải gắn liền với việc chống bệnh quan liêu, chủ nghĩa cá nhân và các căn bệnh khác làm tổn hại đến đời sống nhân dân. Từ thực tiễn đời sống, Đại tướng phê bình một dạng quan liêu: một số cán bộ chỉ biết đến công việc bàn giấy, sự vụ và không sắp xếp thời gian xuống cơ sở, do đó không nắm được tình hình cơ sở, cũng như không chắt lọc được những sáng kiến mới, kinh nghiệm hay từ cơ sở. Đại tướng nói: Cái bệnh quan liêu trong số đông cán bộ chúng ta bây giờ không phải là biểu hiện ở kiểu quan cách bệ vệ này khác, nhưng quan liêu theo lối đáng thương hại quá, quan liêu nhưng siêng năng, cần cù, “quan liêu vất vả”. Những anh quan liêu đó làm cả ngày cả đêm, tận tụy quá thành một thói quan liêu mà chúng mình dễ tha thứ cho nhau, và người ngoài dễ tha thứ cho mình, nó quan liêu một cách đáng thương; vì vất vả quá, đêm cũng làm, ngày cũng làm, học không học được, thành ra cái mặt đáng thương có khi nổi lên, còn mặt đáng phản đối thì nó chìm xuống(15).

Đại tướng chỉ rõ: vì không xuống cơ sở, không tiếp xúc với quần chúng nên suy nghĩ của những cán bộ bị cùn đi. Chúng ta biết rằng bất cứ một người tài giỏi nào cũng không thể nghĩ ra được đủ mọi điều, vì sáng kiến của cá nhân là có hạn, nhưng sáng kiến của quần chúng thì vô tận.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cũng phê phán một dạng quan liêu khác. Đó là tình trạng: hiện nay chúng ta quả là còn nhiều cán bộ lười đi, thậm chí có anh hun khói cũng không chịu ra khỏi bàn giấy, hình như có ma quỷ cột chân lại. Có những người còn làm việc theo theo lối công chức thời xưa, “sáng vác ô đi, tối vác về”. Buổi sáng đến cơ quan, ngồi vắt chân, hút thuốc, xem báo cái đã, rồi hý hoáy viết ra một lô nào là những “tăng cường” với “đẩy mạnh”, không thì lại là “quán triệt thêm một bước” với những “trên cơ sở” ...”, “trên cơ sở ...””(16).

Những điều trên được Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói tại Hội nghị công tác chính trị toàn quân năm 1960, cách ngày nay đã hơn nửa thế kỷ, nhưng vẫn vẹn nguyên ý nghĩa thời sự.

Đối với căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, Đại tướng nêu rõ: hiện nay bên cạnh nhiều tư tưởng tốt, còn có những biểu hiện của tư tưởng không tốt, như: công thần địa vị, đòi hỏi hưởng thụ, cục bộ địa phương, tự do vô kỷ luật v.v... Đó là gì? Đó là những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân(17).

Phân tích nguồn gốc của chủ nghĩa cá nhân, Đại tướng chỉ ra rằng: Sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta tuy trình độ có khác nhau nhưng bất cứ thành phần nào cũng đều đã chịu ảnh hưởng của tư tưởng xấu xa đó chi phối. Ra làm cách mạng, chúng ta đã phấn đấu để gạt bỏ chủ nghĩa cá nhân đó một cách có kết quả, nhưng việc giáo dục chính trị, rèn luyện tư tưởng của chúng ta mới chỉ được một hạn độ nào, cho nên tàn tích của chủ nghĩa cá nhân đang còn trong đầu óc chúng ta, không gặp dịp thì nó lắng xuống, có cơ hội thì nó lại lồng lên(18).

Bằng tư duy sắc sảo và tầm nhìn xa trông rộng, Đại tướng vừa tâm sự chân thành, vừa cảnh báo: Các đồng chí cán bộ, nhất là cán bộ trung, cao cấp ! Mới hồi nào mà giờ đây trên đầu chúng ta đã bắt đầu có hai thứ tóc, chúng ta ai nấy đều có thành tích cá nhân, mỗi người chúng ta ít nhất cũng có một vài huân chương, v.v... Trong hoàn cảnh ấy, nếu chúng ta thiếu chặt chẽ về lập trường, quan điểm và đạo đức cách mạng thì chúng ta dễ tự tha thứ cho mình, rồi sinh ra lỏng lẻo, mất cảnh giác, không khéo thì sẽ “khôn ba năm dại một giờ”, và khi “tay đã nhúng chàm” thì không dễ gì mà mau gột sạch.

Chúng mình lại cần phải cảnh giác hơn là đúng lắm các đồng chí ạ ! Nếu không thì biết đâu trong giờ phút yếu đuối, con ma “cá nhân chủ nghĩa” lại sẽ không hiện hình lên khuấy động lương tâm chúng mình và quyến rũ ngọt ngào: “Ông anh ơi, ở đời có mấy ai mà sống được trên trăm tuổi, thành tích công lao của ông anh dường ấy mà tham ô một tí, v.v. thì cũng đã sao nào? Ông anh sợ khuyết điểm à, ừ có khuyết điểm chăng thì cũng thuộc về sinh hoạt thôi mà, v.v..”

Trong giờ phút ấy, tiến lên là thắng lợi, lùi lại thì sẽ sa vào vực thẳm của đồi trụy và thậm chí có thể tụt sâu xuống đến vực phản bội nữa cũng chưa biết chừng(19).

Những tâm sự chân thành và cảnh báo trên của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm chúng ta nhớ lại luận điểm nổi tiếng, có ý nghĩa hết sức sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Đây là điều hết sức có ý nghĩa hiện nay, khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đang tích cực thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Với tầm nhìn chiến lược, bằng trí tuệ thiên tài, đạo đức trong sáng mẫu mực và phong cách gần gũi, chân thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát hiện, đào tạo nhiều cán bộ cách mạng trở thành những đồng chí lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và cách mạng Việt Nam. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh là một người như thế./.

------------------------------------------------------

(1) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (in lần thứ 9), Nxb. Văn học, Hà Nội, 1989, tr. 45-46

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t. 4, tr. 187

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 175

(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 19

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10, tr. 453

(6) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 81

(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 4, tr. 65

(8) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 15, tr. 672

(9) Tháng 7-1937, đồng chí Nguyễn Vịnh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1938, đồng chí được cử làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên.

(10) Xem: Nguyễn Chí Thanh: Những bài chọn lọc về quân sự, Nxb. Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1977, tr. 48

(11) Xem: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 222

(12) Xem: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội, Sđd, tr. 222

(13) Xem: Nguyễn Chí Thanh: Những bài chọn lọc về quân sự, Sđd, tr. 48

(14) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 1, tr. 284

(15) Xem: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội, Sđd, tr. 163

(16) Xem: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội, Sđd, tr. 165

(17) Xem: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội, Sđd, tr. 88

(18) Xem: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội, Sđd, tr. 88 - 89

(19) Xem: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và công tác chính trị trong Quân đội, Sđd, tr. 200 - 201