TCCSĐT - Sáng 29-3, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hưng Yên, UBND tỉnh Hưng Yên phối hợp với Báo Quân đội nhân dân và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học “Di tích lịch sử Quốc gia Cây đa và Đền La Tiến - Biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Hội thảo là hoạt động thiết thực hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7-1947 - 27-7-2017), 70 năm Ngày truyền thống lực lượng vũ trang tỉnh Hưng Yên (01-4-1947 - 01-4-2017) và 63 năm Ngày giải phóng bốt La Tiến.

 
 Quang cảnh hội thảo.


Tham dự hội thảo có các đồng chí: Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên; Phạm Tất Thắng, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam; đại biểu các ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu các cơ quan, đơn vị quân đội, công an; đại biểu các ban, ngành, địa phương tỉnh Hưng Yên.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Phóng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên; Thiếu tướng Phạm Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy, Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân; Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo.

 
 Đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên phát biểu chào mừng.

Thay mặt Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên phát biểu chào mừng hội thảo, đồng chí Đỗ Tiến Sỹ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Hưng Yên là vùng quê văn hiến và cách mạng. Di tích lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến không chỉ là địa danh ghi dấu tội ác dã man của thực dân Pháp mà còn là địa danh biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Mục đích của hội thảo nhằm làm rõ những giá trị lịch sử của Di tích lịch sử quốc gia Cây đa và Đền thờ La Tiến, biểu tượng anh hùng, bất khuất của quê hương Hưng Yên bên dòng sông Luộc; những cống hiến, hy sinh của quân và dân nơi đây trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược. Đồng chí mong rằng, hội thảo sẽ khơi dậy lòng tự hào, giáo dục truyền thống cách mạng của quê hương, đất nước; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền. Bí thư Tỉnh ủy cũng khẳng định quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hưng Yên biến lời thề La Tiến năm xưa thành lời hứa hôm nay trong xây dựng và phát triển Hưng Yên thành một tỉnh công nghiệp, nông nghiệp phát triển, đô thị văn minh.

Trong lời khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết hội thảo là dịp ôn lại sự kiện lịch sử bi thương và hào hùng đã diễn ra trên mảnh đất La Tiến (xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ) - một miền quê có bề dày lịch sử và truyền thống văn hiến. Di tích Cây đa và Đền La Tiến là di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu, là một địa chỉ đỏ về truyền thống cách mạng, thể hiện tinh thần yêu nước nồng nàn, tinh thần chiến đấu anh dũng, quật cường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Chỉ trong gần 5 năm thực dân Pháp chiếm đóng tại đây (1949-1954), địch đã giết hại 1.145 chiến sĩ cách mạng và người dân. Cây đa La Tiến đã trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, kiên cường của người dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Về truyền thống cách mạng, Hưng Yên là quê hương của nhiều phong trào đấu tranh, là nơi bao bọc, nuôi dấu các đồng chí lãnh đạo của Đảng, nơi tổ chức nhiều hội nghị quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp kháng chiến 1946-1954. Ngày nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có hàng nghìn di tích lịch sử cách mạng.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Đại tá, TS. Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự khẳng định: Gần 70 năm đã trôi qua nhưng cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất của nhân dân Hưng Yên quanh Cây đa và Đền La Tiến đã đi vào lịch sử. Ký ức những năm tháng bi thương và hào hùng đó còn in đậm trong tâm trí mỗi người dân Hưng Yên và các địa phương lân cận. Hội thảo tập trung khẳng định, làm sáng tỏ và sâu sắc hơn những vấn đề cơ bản như: Bối cảnh lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, những tác động của hoàn cảnh lịch sử đến chiến trường Hưng Yên trong tổ chức kháng chiến; Âm mưu và thủ đoạn của thực dân Pháp trong mở rộng phạm vi chiếm đóng đồng bằng và trung du Bắc Bộ; sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình của Đảng, Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh, Tỉnh ủy Hưng Yên với những chủ trương, sách lược đấu tranh khoa học; ý chí kiên cường, bất khuất của người dân Hưng Yên; nhìn nhận chiến thắng La Tiến trong mối quan hệ với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp trên địa bàn Hưng Yên, với chiến thắng Điện Biên Phủ; giá trị lịch sử khoa học của Di tích lịch sử quốc gia Cây đa và Đền La Tiến…

 Trận đánh tại bốt La Tiến: Rạng sáng 31-01-1954, Trung đoàn 42 cùng lực lượng bộ đội và du kích địa phương bí mật, bất ngờ đánh mạnh vào bốt La Tiến, một căn cứ được xây dựng và bố phòng cẩn mật của thực dân Pháp. Trận đánh diễn ra trong khoảng 20 phú và quân ta đã dành thắng lợi hoàn toàn, san phẳng bốt La Tiến, diệt và làm bị thương 17 lính Pháp trong số 95 tên, bắt sống số còn lại, trong đó có viên trung úy chỉ huy, thu toàn bộ vũ khí đạn dược. Chiến thắng này diễn ra trên chiến trường phối hợp, trong khi đại quân ta đang chuẩn bị cho trận tổng tiến công ở Điện Biên phủ nên có ý nghĩa động viên hết sức to lớn đối với tinh thần chiến đấu của bộ đội ta.

Ngay sau ngày giải phóng bốt La Tiến, năm 1956, nhân dân đã xây dựng Bia căm thù, khắc ghi tội ác của thực dân Pháp đối với đồng bào và chiến sĩ ta. Đền La Tiến được xây dựng năm 2010 cùng với cây đa di sản gần 200 tuổi, nơi trong vòng hơn 4 năm thực dân Pháp đã tàn sát dã man 1.145 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta đã trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng - đó là khẳng định của các đại biểu, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử tại hội thảo.

Gần 40 tham luận và 20 ý kiến phát biểu tại hội thảo tập trung phân tích, làm rõ vị trí chiến lược của bốt La Tiến trong âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp trên khắp chiến trường đồng bằng Bắc Bộ; tội ác dã man, tàn bạo của thực dân Pháp và tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của quân và dân Hưng Yên; ý nghĩa quan trọng của chiến thắng bốt La Tiến trong mối quan hệ với các chiến trường khác thời điểm đó của cuộc kháng chiến chống Pháp; vai trò lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng được thể hiện ở đường lối kháng chiến đúng đắn và sáng tạo, thể hiện ở sự chỉ đạo và phương pháp tiến hành chiến tranh nhân dân tài tình dựa trên việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

 
 Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Đăng Vinh phát biểu tại hội thảo.

Bên cạnh ý kiến của các nhà khoa học, hội thảo còn được nghe chia sẻ của những chứng nhân lịch sử như ông Đặng Văn Lương, người trực tiếp chứng kiến tội ác của kẻ thù cũng như ý chí kiên cường, bất khuất của cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta, dù bị tra tấn dã man nhưng cương quyết không khai báo, không chỉ điểm cho giặc. Bà Đặng Thị Thu, khi đó mới 6 tuổi đã tận mắt phải chứng kiên quân địch hành hình bố mình và ném xác trôi sông. Bà cùng mẹ nhiều ngày đêm tìm xác bố nhưng không được. Đại tá, Anh hùng lực lượng vũ trang Hoàng Đăng Vinh là người con của quê hương La Tiến, từng bị giam ở bốt La Tiến, tận mắt chứng kiến bao tội ác dã man mà thực dân Pháp gây ra với đồng bào, chiến sĩ quê hương. Với lòng căm thù giặc sâu sắc, ông xung phong vào bộ đội và trong suốt 39 năm quân ngũ, ông luôn mang tinh thần La Tiến để vượt lên khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Một trong những chiến công đó là ông tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và là người trực tiếp bắt sống tướng Đờ Cát vào ngày 07-5-1954 ở chiến trường Điện Biên lịch sử.

Kết luận hội thảo, Thiếu tướng Phạm Văn Huấn khẳng định hội thảo đã làm rõ, làm sâu sắc hơn giá trị lịch sử văn hóa của Di tích; khẳng định Di tích có vị trí đặc biệt với nhiều giá trị phong phú và sâu sắc. Hội thảo cũng phân tích, làm rõ yêu cầu xây dựng, phát triển Di tích như thế nào để phát huy giá trị của Di tích, để cho xứng với tầm vóc của Di tích. Thiếu tướng Phạm Văn Huấn cũng khẳng định, qua hội thảo cũng đặt ra một số vấn đề còn chưa rõ, cần tiếp tục nghiên cứu./.