Bước đầu cải cách hành chính ở tỉnh Hải Dương
Quán triệt Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, đặc biệt là Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2001- 2010 của Chính phủ, những năm qua, Đảng bộ và chính quyền tỉnh Hải Dương đã dành nhiều công sức chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính trên phạm vi toàn tỉnh. Qua 6 năm thực hiện giai đoạn 1, cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả bước đầu tương đối tốt. Điều đó được thể hiện trên các mặt chủ yếu như: sắp xếp tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước; cải cách thủ tục hành chính và cải cách hành chính công.
Về tổ chức bộ máy, toàn tỉnh đã cơ bản khắc phục được sự chồng chéo, trùng lắp, bỏ trống trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước; tách hoạt động sự nghiệp ra khỏi hoạt động quản lý nhà nước, từng bước tách hoạt động dịch vụ hành chính công ra khỏi cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, tỉnh đã sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức 15 sở, ngành; kiện toàn một số đơn vị theo đúng chức năng quản lý nhà nước; thành lập mới Sở Bưu Chính - Viễn thông và Ban Thi đua khen thưởng. Qua sắp xếp bộ máy hành chính, tỉnh hiện có 24 cơ quan hành chính thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, 1 đơn vị sự nghiệp; 10 chi cục, 133 phòng, ban, 136 đơn vị sự nghiệp thuộc các sở, ngành. Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 2722/QĐ-UBND về danh mục các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh để phục vụ công tác cải cách hành chính. Cũng qua việc sắp xếp đó, đến nay cấp huyện có 160 phòng, ban thuộc Ủy ban nhân dân. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố còn có các đơn vị sự nghiệp như: Trung tâm Giáo dục thường xuyên; các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở; Trạm Khuyến nông; Trạm Bảo vệ thực vật; Trạm Thú y, Đài Truyền thanh. Ngoài ra, đã tách hoạt động sự nghiệp văn hoá, thể thao ra khỏi Phòng Văn hóa - Thông tin - Thể thao và thành lập Trung tâm Văn hóa - Thể thao.
Đến nay, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố đã được sắp xếp đúng theo Nghị định số 171/NĐ-CP và Nghị định số 172/NĐ-CP của Chính phủ. Phần lớn các đơn vị sự nghiệp hoạt động có hiệu quả. Một số đơn vị khi chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính theo Nghị định số 10/NĐ-CP đã chủ động khai thác, sử dụng tốt nguồn thu, đáp ứng được hoạt động chi thường xuyên và nộp ngân sách nhà nước.
Ủy ban Nhân dân tỉnh đã ban hành quy định về phân cấp quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực như: quy hoạch xây dựng, quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, quản lý chất lượng công trình xây dựng; quản lý nhà nước về giá; phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư; công tác tổ chức và cán bộ... Chuyển các trạm bảo vệ thực vật, thú y; trạm y tế xã, phường, thị trấn từ sở chủ quản về Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quản lý. Việc phân cấp quản lý nhà nước cho các cơ quan, đơn vị bước đầu đã tháo gỡ những khó khăn, giải quyết công việc nhanh hơn, sát với tình hình thực tế ở địa phương, giảm nhẹ công việc cho cơ quan cấp tỉnh. Qua đó, phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị cấp dưới trong việc khai thác nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Việc cải cách thủ tục hành chính ở các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh bước đầu có chuyển biến tích cực. Hiện tại, tất cả các sở, ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều thực hiện cơ chế ''một cửa'', công khai quy trình, thủ tục, thời gian và lệ phí, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và công dân. Thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực bức xúc, có liên quan đến tổ chức và công dân như: cấp phát ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép kinh doanh, công chứng, giải quyết khiếu nại, tố cáo... đã được rút ngắn về thời gian, giảm bớt giấy tờ; tinh thần, trách nhiệm, thái độ phục vụ của công chức được nâng cao rõ rệt. Đặc biệt, trong lĩnh vực cấp đăng ký kinh doanh, con dấu và mã số thuế, tỉnh đã thực hiện cơ chế “một cửa liên thông”. Từ tháng 3 - 2007 đến nay, đã giải quyết được 388 hồ sơ (trong đó đăng ký mới 190 hồ sơ, đăng ký thay đổi 194 hồ sơ và giải thể doanh nghiệp 4 hồ sơ). Sự phối hợp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư – Công an tỉnh – Cục Thuế tỉnh trong việc đăng ký kinh doanh, cấp dấu và mã số thuế bước đầu đã đạt kết quả tốt.
Trong cải cách tài chính công, tỉnh thí điểm việc khoán biên chế và chi phí quản lý hành chính ở 10 sở, 5 huyện, thành phố; thúc đẩy việc sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, bố trí cán bộ, công chức phù hợp với chuyên môn và biên chế từng phòng ban, khắc phục một phần tình trạng chồng chéo, bỏ sót nhiệm vụ, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Các đơn vị được chủ động cả trong việc sắp xếp lại bộ máy, biên chế hợp lý hơn và sử dụng kinh phí được giao tiết kiệm, hiệu quả. Ở hầu hết các cơ quan, đơn vị, các khoản chi tiêu nội bộ đều được công khai. Điều đó góp phần quan trọng phát huy quyền và nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong việc giám sát chi tiêu của cơ quan, đơn vị - một trong số nội dung quan trọng của Quy chế Dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Đối với các cơ quan sự nghiệp, tỉnh áp dụng cơ chế tài chính theo Nghị định số 10/2002/NĐ-CP, ngày 16-01-2002, của Chính phủ, tạo sự chủ động cho các đơn vị sự nghiệp có thu trong hoạt động để chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Trong 6 tháng đầu năm 2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở, ngành đã phân loại và quyết định giao quyền tự chủ về tài chính cho 135 đơn vị, gồm 8 đơn vị tự bảo đảm chi phí hoạt động, 83 đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động và 44 đơn vị do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động; giao cho Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quyết định phân loại và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Một số đơn vị bước đầu đã chủ động tạo nguồn thu cho ngân sách, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng việc cung cấp dịch vụ cho xã hội, đồng thời có điều kiện tăng thu nhập cho cán bộ, viên chức và người lao động.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trong cải cách hành chính giai đoạn 1, tỉnh Hải Dương cũng còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết thỏa đáng như:
1- Các thủ tục hành chính cũng chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông và phối hợp trong thực hiện. Công tác tuyên truyền và thanh tra, kiểm tra về cải cách thủ tục hành chính cũng hạn chế. Cơ sở vật chất, phương tiện để phục vụ công tác cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế ''một cửa'' cũng có những khó khăn, bất cập. Trình độ, năng lực của cán bộ công chức làm việc tại bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả” cũng hạn chế. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hành chính chưa được quan tâm thỏa đáng.
2- Các đơn vị sự nghiệp chưa kịp thời rà soát, sửa đổi chức năng, nhiệm vụ cho phù hợp. Một số cơ quan hành chính nhà nước cũng buông lỏng quản lý. Công tác thể chế, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra cũng hạn chế. Phần đông các đơn vị sự nghiệp cũng mang nặng tư tưởng bao cấp.
3- Thẩm quyền, trách nhiệm của mỗi cấp chính quyền chưa được phân định rõ ràng và chưa hợp lý. Một số nhiệm vụ quản lý nhà nước đã phân cấp cho cơ quan, đơn vị cấp dưới, nhưng chưa bảo đảm các điều kiện cần thiết về nguồn nhân lực, tài chính. Một số cơ quan, đơn vị cấp dưới đã được phân cấp nhiệm vụ quản lý nhà nước nhưng tinh thần trách nhiệm cũng hạn chế, chấp hành các văn bản pháp luật chưa nghiêm, kỷ cương, kỷ luật cũng lỏng lẻo.
4- Định mức khoán kinh phí đối với các cơ quan hành chính chưa phù hợp với từng loại hình cơ quan và tình hình thực tế của các địa phương. Việc phân loại đơn vị sự nghiệp thành 3 loại chưa phản ánh đúng nguồn thu, chi của các đơn vị sự nghiệp, nên mức khoán chưa phù hợp. Các đơn vị sự nghiệp chưa được tự chủ đầy đủ về tài chính, nên chưa phát huy được tính chủ động, nhất là khai thác nguồn thu; việc mở rộng hoạt động dịch vụ nhằm tăng thu để tự trang trải kinh phí hoạt động cũng hạn chế...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế kết quả cải cách hành chính của tỉnh Hải Dương. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là, một số cấp uỷ, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác cải cách hành chính, chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác hằng năm. Sự phối hợp giữa các ngành với nhau và giữa ngành với địa phương ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ; công tác tuyên truyền chưa tạo được sự chuyển biến căn bản về nhận thức và hành động của cán bộ, công chức và người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính, nhất là những công việc có quan hệ trực tiếp đến tổ chức doanh nghiệp và công dân. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức, viên chức vẫn làm việc theo nếp cũ, vẫn còn có biểu hiện sách nhiễu, gây phiền hà cho tổ chức, doanh nghiệp và công dân; trình độ, năng lực, thái độ phục vụ của một bộ phận cán bộ, công chức cũng hạn chế. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước tiến hành chậm và kết quả chưa cao. Việc đầu tư kinh phí, nhân lực đã được quan tâm, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Nguyên nhân khách quan là, trong giai đoạn chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường, bộ máy quản lý nhà nước chưa chuyển biến kịp thời. Nhiều đơn vị không có khả năng tự cân đối ngân sách, phải dựa vào điều tiết của cấp trên; các quy định của pháp luật chậm sửa đổi, chưa có sự hướng dẫn kịp thời và thiếu đồng bộ.
Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, Ủy ban nhân dân tỉnh đó xây dựng Đề án “Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy, phân cấp quản lý nhà nước và cải cách tài chính công” giai đoạn 2007-2010. Trong đó, xác định một số giải pháp chủ yếu là:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền đối với công tác cải cách thủ tục hành chính. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về cải cách thủ tục hành chính trong các tầng lớp nhân dân.
Thứ hai, nâng cao hơn tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Chú trọng công tác giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức về mọi mặt cho cán bộ, công chức trong thực thi công vụ, trước hết là những người có liên quan trực tiếp với công dân, doanh nghiệp và tổ chức. Có chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ ở bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả”.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp trên đối với Ủy ban nhân dân cấp dưới; tiếp tục chấn chỉnh và tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước ở cả 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Thiết lập cơ chế tự kiểm tra trong nội bộ, đặt hòm thư tiếp nhận sự góp ý, giám sát của nhân dân; quy định chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức thực thi công vụ.
Thứ tư, công khai các thủ tục hành chính ở từng lĩnh vực trên trang thông tin điện tử của tỉnh. Công khai, minh bạch các loại giấy tờ có liên quan đến thủ tục hành chính và mức lệ phí phải nộp; loại bỏ khâu trung gian, những thủ tục chồng chéo, những giấy tờ không cần thiết. Tiếp nhận sự góp ý của cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp về những việc làm sai trái, sách nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức; xác minh, xử lý kịp thời và công bố công khai kết quả xử lý. Công khai số điện thoại đường dây nóng, địa chỉ hộp thư điện tử của cơ quan, đơn vị.
Thứ năm, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2000 vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, để tạo ra một phương thức làm việc mới, nâng cao hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.
Cùng với những giải pháp nói trên, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa X của Đảng về “Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý bộ máy nhà nước” của Đảng bộ tỉnh Hải Dương cũng đề ra những nhiệm vụ, giải pháp thiết thực, nhằm tiếp tục thực hiện cải cách hành chính một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
“Điện Biên Phủ trên không” - chiến thắng của ý chí Việt Nam  (28/12/2007)
Trao Huân chương cao quý cho các đồng chí Trần Đức Lương, Trương Mỹ Hoa  (28/12/2007)
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12-2007  (28/12/2007)
PA-KIT-XTAN  (28/12/2007)
Hội nghị hợp tác xã điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ III  (27/12/2007)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên