Chiều 17-12, tại Hà Nội, đã diễn ra Phiên họp thứ nhất của Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền (Hội đồng Bầu cử quốc gia).

Các đồng chí: Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử quốc gia; Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng Bầu cử quốc gia, Trưởng Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền chủ trì cuộc họp.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ đây là cuộc họp đầu tiên của Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền - một trong ba Tiểu ban của Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Cuộc họp nhằm quyết định công việc của Tiểu ban, nghe và thảo luận dự thảo Quy chế làm việc của Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền; dự thảo phân công các thành viên Tiểu ban; dự kiến các văn bản phục vụ bầu cử;... 

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, đây là công việc quan trọng với khối lượng công việc lớn, vì vậy cần phải bắt tay triển khai ngay từ bây giờ để đạt tiến độ đề ra.

Các thành viên của Tiểu ban đã nghe Nghị quyết về việc thành lập Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền; dự thảo Quy chế làm việc của Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền; dự thảo phân công các thành viên Tiểu ban; dự kiến các văn bản phục vụ bầu cử.

Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng hoan nghênh Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền đã nhanh nhạy, kịp thời triển khai Phiên họp thứ nhất để triển khai các công việc của Tiểu ban. 

Nêu rõ trọng trách của Tiểu ban cũng như vai trò, trách nhiệm của Trưởng Tiểu ban, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị các cơ quan hữu quan, thành viên của Tiểu ban phải có trách nhiệm giúp Trưởng Tiểu ban trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo chung của Tiểu ban,…

Đánh giá tốt về dự thảo Quy chế làm việc của Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị trong công tác tuyên truyền cho bầu cử cần lưu ý, chú trọng công tác tuyên truyền trước, trong và sau ngày bầu cử. 

Quy chế làm việc của Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin cần nêu rõ trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng để thực hiện nhiệm vụ của mình… Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị cần có thêm hướng dẫn cụ thể Điều 62 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm cho hoạt động của Ủy ban bầu cử của các tỉnh, thành phố trên cả nước,…

Tại cuộc họp, thành viên của Tiểu ban đã góp ý kiến cụ thể vào dự thảo phân công các thành viên Tiểu ban; dự kiến các văn bản phục vụ bầu cử; dự thảo Quy chế làm việc của Tiểu ban văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền. 

Theo đó Quy chế quy định nguyên tắc, hình thức làm việc, chế độ báo cáo, cách thức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Tiểu ban trong việc giúp Hội đồng Bầu cử quốc gia về công tác văn bản pháp luật và thông tin, tuyên truyền trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 theo quy định của pháp luật. 

Tiểu ban làm việc theo chế độ tập thể, quyết định theo đa số, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Các hình thức làm việc của Tiểu ban bao gồm: cuộc họp và cho ý kiến bằng văn bản./.