TCCSĐT - Ngày 22-10-2015, Thủ đô New Delhi của Ấn Độ lần đầu tiên áp dụng “Ngày không xe ô tô” để cải thiện bầu không khí ô nhiễm nặng nề của thành phố này.

Các lãnh đạo thế giới kêu gọi áp đặt thuế khí thải carbon

 

 Ảnh minh họa. Ảnh: scinewsblog/TTXVN

Ngày 19-10-2015, các lãnh đạo từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng các nước Đức, Pháp, Chile, Ethiopia và Philippines đã lên tiếng hối thúc các nước ủng hộ kế hoạch đánh thuế khí thải carbon để “hướng nền kinh tế toàn cầu tới một tương lai ít khí thải, năng suất cao, cạnh tranh và không phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm carbon cấp độ cao dẫn tới hiện tượng ấm lên của Trái đất”. Theo ủy ban trên, hiện có khoảng 40 quốc gia cùng 23 thành phố, bang và khu vực đã áp dụng đánh thuế carbon. Tuy nhiên, việc thiếu một chương trình triển khai trên diện rộng khiến sân chơi đầu tư và thương mại trong lĩnh vực này trở nên thiếu công bằng. Chủ tịch WB Jim Yong Kim cho rằng đây là phong trào toàn cầu về đánh thuế carbon ở cấp độ cao với mức độ nhất trí cao nhất từ trước tới nay; đây là bước chuyển từ giai đoạn tranh luận tới triển khai chính sách cùng các cơ chế áp thuế để tạo ra việc làm, tăng trưởng sạch và thịnh vượng.

Tuyên bố của Ủy ban Thuế Carbon được đưa ra trong bối cảnh quan chức môi trường các nước đang tiến hành Hội nghị trù bị cuối cùng nhằm hoàn tất thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu tại thành phố Bonn, miền Tây nước Đức. Hội nghị này nhằm hoàn tất thỏa thuận toàn cầu về chống biến đổi khí hậu, dự kiến được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Paris, Pháp, vào cuối năm nay. Nếu được thông qua, thỏa thuận trên sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm 2020 và là thỏa thuận đầu tiên có chữ ký của tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trưng cầu ý dân về EU bộc lộ chia rẽ trong xã hội Anh

 

Ảnh minh họa. Ảnh: Shutterstock/TTXVN

Một nghiên cứu do tổ chức nghiên cứu xã hội NatCen công bố ngày 21-10-2015 cho thấy cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh có nên tiếp tục là thành viên Liên minh châu Âu (EU) nữa hay không mà Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ tiến hành trước cuối năm 2017 đang làm bộc lộ sự chia rẽ trong xã hội Anh. Sử dụng dữ liệu từ các cuộc thăm dò dư luận và khảo sát quan điểm xã hội Anh hằng năm, nghiên cứu đưa ra đánh giá rằng những người cảm thấy được lợi từ người nhập cư, từ đa dạng văn hóa và toàn cầu hóa nhìn chung sẽ có xu hướng muốn Anh ở lại EU. Đây phần đông là những người trẻ, tốt nghiệp đại học và tầng lớp trung lưu ở Anh. Ngược lại, những người có học vấn thấp hơn hoặc có nền tảng kinh tế - xã hội thấp hơn dễ có khả năng bỏ phiếu chọn rời khỏi EU - một mẫu hình tương tự như trong cuộc trưng cầu ý dân tại Scotland hồi năm ngoái về việc xứ này có nên tách khỏi Anh trở thành quốc gia độc lập hay không. Cụ thể, trong số cử nhân đại học, 78% muốn ở lại EU trong khi đối với những người không có bằng cấp, tỷ lệ này chỉ là 35%.

Trong số những người ủng hộ các chính đảng, đa số cử tri ủng hộ Công đảng và Đảng Dân chủ Tự do (LibDem) nói họ sẽ bỏ phiếu “ở lại EU”. Cử tri đảng Bảo thủ cầm quyền có sự chia rẽ hơn cả với phần lớn các cuộc thăm dò cho thấy không có phe nào đạt đa số nếu tính cả những cử tri chọn “không biết”. Phần đông cử tri Đảng Độc lập Anh (UKIP) chủ trương bài nhập cư và EU, nói rằng họ sẽ bỏ phiếu rời khỏi EU, nhưng vẫn có 17% cử tri UKIP chọn ở lại với liên minh này.

Sáu “sát thủ” đe dọa tính mạng gần 100 triệu người trên thế giới

 

Thuốc trừ sâu là một trong sáu chất độc nguy hiểm nhất đang đe dọa gần 100 triệu người trên toàn thế giới. Ảnh: urbancultivator.net/TTXVN

Ngày 21-10-2015, Hội chữ thập Xanh Thụy Sĩ (Green Cross Switzerland) và tổ chức phi chính phủ Trái Đất sạch (Pure Earth) có trụ sở ở New York (Mỹ) đã công bố báo cáo “Những độc tố với môi trường năm 2015”, cho biết 6 chất độc nguy hiểm nhất đang đe dọa gần 100 triệu người trên toàn thế giới, là các chất gây ô nhiễm - chì, hạt nhân phóng xạ, thủy ngân, crom hóa trị sáu, thuốc trừ sâu và cadmium. Theo ông Richard Fuller, Chủ tịch Pure Earth, 6 độc tố kể trên thực tế vẫn đang tác động đến nhiều người trên thế giới và có tính chất tập trung nhiều hơn so với các chất ô nhiễm khác. Những thống kê mới nhất cho biết hiện có khoảng 95 triệu người trên thế giới đang bị tác động bởi các độc tố trên và hơn 14,7 triệu người chịu những khuyết tật trong cuộc sống. Các tác giả bản báo cáo khẳng định 6 chất gây ô nhiễm trên dẫn đến các bệnh suy nhược đe dọa đến tính mạng, đặc biệt là ở trẻ em. Người dân các nước thu nhập thấp và trung bình tiếp tục vật lộn với những hậu quả về sức khỏe do việc tiếp xúc với các chất ô nhiễm, thường bị thúc đẩy do quá trình toàn cầu hóa nhanh chóng và việc xuất khẩu các ngành công nghiệp gây ô nhiễm.

Green Cross Switzerland cho rằng nếu không có biện pháp đối phó thích hợp, số lượng những người tiếp xúc với mức độ nguy hiểm của ô nhiễm sẽ tiếp tục tăng lên. Theo các chuyên gia, mặc dù tác hại đối với sức khỏe con người là nghiêm trọng, song vấn đề độc tố môi trường chỉ chiếm một phần nhỏ trong những khoản đầu tư tài chính so với việc giải quyết các bệnh truyền nhiễm như sốt rét, HIV/AIDS, bệnh lao và hai vấn đề môi trường toàn cầu là biến đổi khí hậu và sự tuyệt chủng giống loài.

Châu Âu trấn áp các đối tượng khủng bố nước ngoài

 

17 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã ký thỏa thuận nhằm trấn áp các tay súng khủng bố nước ngoài tới tham chiến tại những khu vực xung đột ở Syria và Iraq. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 22-10-2015, 17 quốc gia Liên minh châu Âu (EU), trong đó có Pháp, Đức, Anh, Bỉ đã ký thỏa thuận nhằm trấn áp các tay súng khủng bố nước ngoài tới tham chiến tại những khu vực xung đột ở Syria và Iraq. Thỏa thuận nói trên được Hội đồng châu Âu soạn thảo trong thời gian kỷ lục, chỉ 7 tuần, trong bối cảnh gia tăng những mối đe dọa nghiêm trọng từ các tay súng cực đoan nước ngoài. Thỏa thuận mới này cũng chính là Nghị định thư bổ sung Công ước của Hội đồng châu Âu về phòng, chống khủng bố, nhằm quy định thêm một số hành vi bị liệt vào danh sách vi phạm hình sự hiện nay, như “việc cố ý tham gia một nhóm khủng bố”, “nhận đào tạo khủng bố”, “xuất cảnh vì mục đích tài trợ khủng bố” hoặc “tổ chức xuất cảnh vì mục đích liên quan”.

Phát biểu tại Lễ ký thỏa thuận ở Riga (Latvia), Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Thorbjorn Jagland nhấn mạnh đây là lần đầu tiên, theo luật pháp quốc tế, Hội đồng châu Âu có một công cụ hình sự hóa để chống khủng bố, trong đó nêu các cách thức cụ thể, hướng dẫn các quốc gia cùng phối hợp ngăn chặn và truy quét các đối tượng khủng bố, dựa trên khuôn khổ của pháp luật và nhân quyền. Bộ trưởng Ngoại giao Latvia Edgars Rinkevics nhấn mạnh châu Âu là châu lục đầu tiên trên thế giới được trang bị một công cụ hợp pháp mang tính khu vực nhằm thực hiện các quy định của Nghị quyết 2178 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các tay súng khủng bố nước ngoài. Ông E. Rinkevics cũng khẳng định sau khi được ký kết, thỏa thuận này phải được nghị viện các nước phê chuẩn, và sẽ chính thức có hiệu lực khi được ít nhất 6 trong tổng số 47 nước thành viên Hội đồng châu Âu thông qua.

“Ngày không xe ô tô” đầu tiên tại thủ đô Ấn Độ

 

Ông A. Kejriwal hòa mình cùng đám đông người đi xe đạp. Ảnh: India Express/TTXVN

Ngày 22-10-2015, Thủ đô New Delhi của Ấn Độ lần đầu tiên áp dụng “Ngày không xe ô tô” để cải thiện bầu không khí ô nhiễm nặng nề của thành phố này. Thủ hiến bang Delhi Arvind Kejriwal đã phát động sáng kiến trên bằng cách đi xe đạp trên những con đường vốn thường đông nghẹt xe cộ của Thủ đô. Sáng kiến trên, kéo dài 5 giờ, đã được thực hiện vào đúng ngày nghỉ lễ nên hầu hết các văn phòng và trường học đều đóng cửa và giao thông cũng giảm bớt. Tuy nhiên, vẫn còn một số xe ô tô trên tuyến đường treo biển “không ô tô” - kéo dài từ Pháo đài Đỏ lịch sử tới Cổng Ấn Độ ở trung tâm Delhi.

Theo thống kê, khoảng 8,5 triệu xe ô tô chạy trên đường phố tại New Delhi mỗi ngày. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp New Delhi có chất lượng không khí tệ nhất thế giới. Theo một nghiên cứu của WHO, tại 1.600 thành phố hồi năm 2014, Delhi là nơi có nồng độ chất dạng hạt có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet (PM2,5) gây ô nhiễm không khí trung bình hằng năm ở mức cao nhất thế giới, hơn ở Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Các loại hạt này có thể làm gia tăng tỷ lệ ung thư phổi, viêm phế quản và bệnh về tim khi chúng vào sâu trong phổi và có thể đi vào máu. Chính quyền Delhi bị chỉ trích vì không có biện pháp hiệu quả chống ô nhiễm không khí, vì vậy thành phố này quyết tâm thúc đẩy ý tưởng “Ngày không ô tô” mỗi tháng một lần tại một số khu vực nhất định trong thành phố nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Nhóm “Bộ tứ về Syria” nhất trí các nhiệm vụ chung

 

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir trước cuộc gặp tại Vienna ngày 23-10. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 23-10-2015, cuộc họp Ngoại trưởng bốn nước Nga, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và Arab Saudi về vấn đề giải quyết cuộc khủng hoảng Syria, diễn ra tại Thủ đô Vienna của Áo, tuy không tạo được bước tiến đột phá song các bên đã nhất trí phải đạt giải pháp trên cơ sở tuyên bố chung Geneva. Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết các bên đã khẳng định các mục đích chung tại Syria, đó là chấm dứt chiến tranh, đấu tranh hiệu quả hơn với những kẻ khủng bố đang âm mưu xâm chiếm Syria, thúc đẩy tích cực và hiệu quả hơn nữa tiến trình chính trị trên cơ sở những nguyên tắc nêu ra trong tuyên bố chung Geneva ngày 30-6-2012. Ngoại trưởng Lavrov nhấn mạnh thêm, tất cả các bên tại cuộc họp đều mong muốn giải quyết cuộc xung đột trên cơ sở khôi phục lại đất nước Syria như một quốc gia có toàn vẹn lãnh thổ, có chủ quyền và độc lập, bảo đảm quyền lợi của tất cả các nhóm tôn giáo và dân tộc. Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Nga cũng kêu gọi thu hút thêm nhiều nước trong khu vực, trong đó có Iran và Ai Cập, tham gia giải quyết khủng hoảng tại Syria.

Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đánh giá cuộc gặp tại Vienna là “xây dựng và hiệu quả”, “Bộ tứ về Syria” đã nhất trí phải tham vấn với tất cả bên trong cuộc xung đột. Ông J. Kerry hy vọng sẽ triệu tập một cuộc họp nữa, mở rộng hơn, có thể vào ngày 30-10 tới nhằm tìm kiếm một nền tảng chung để thúc đẩy tiến trình chính trị thực sự cho cuộc khủng hoảng Syria. Ngoại trưởng Mỹ cũng khẳng định rằng Washington sẽ không phản đối thỏa thuận phối hợp hành động của không quân hai nước Nga và Jordan trên không phận Syria./.