Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 19 đến ngày 25-10-2015

Đức Toàn tổng hợp từ: chinhphu.vn; canhtranhquocgia.vn; laodong.com.vn
14:21, ngày 26-10-2015
TCCSĐT - Triển khai Nghị quyết về Chính phủ điện tử; Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải "vẽ ra thật rõ đường đi cải cách" trong quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp; ban hành Quy trình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính về BHXH, BHYT;… là những tin cải cách hành chính nổi bật tuần qua.

Triển khai Nghị quyết về Chính phủ điện tử

Chiều 20-10, Văn phòng Chính phủ tổ chức thông tin việc ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử dưới sự chủ trì của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin.

Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà cho biết, Việt Nam có nhiều dự án, chương trình về công nghệ thông tin, nhưng đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một Nghị quyết về Chính phủ điện tử, với kỳ vọng nâng cao năng lực hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; đáp ứng, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; thúc đẩy cải cách hành chính; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới.

Nghị quyết hướng tới 3 mục tiêu chủ yếu: Liên thông văn bản điện tử từ Chính phủ đến cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã; 100% dịch vụ công được cung cấp qua mạng điện tử; Xây dựng Cổng dịch vụ công quốc gia tại một địa chỉ duy nhất trên mạng điện tử. Để triển khai 3 nội dung nêu trên một cách hiệu quả, phải thực hiện 4 giải pháp về đầu tư và tài chính; về nhân lực; về triển khai và kỹ thuật và cuối cùng là về tổ chức.

Văn phòng Chính phủ đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thử nghiệm kết nối, liên thông phần mềm quản lý văn bản từ Văn phòng Chính phủ với các bộ, ngành, địa phương. Từ tháng 7 đến nay, có 27 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 3 bộ đã thực hiện kết nối, liên thông thử nghiệm phần mềm quản lý văn bản. Trong đó, có một bộ và 19 địa phương đã liên thông gửi nhận văn bản và phản hồi trạng thái xử lý, gồm Bộ Y tế, các tỉnh Yên Bái, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Bình Định, Gia Lai, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cà Mau, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Bến Tre, Cần Thơ và Vĩnh Long.

Theo Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà, điểm mới của Nghị quyết này so với với những chương trình, dự án trước đó là sẽ tập trung vào việc kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản đang còn rời rạc của các bộ, ngành, địa phương lại. Việc ứng dụng Chính phủ điện tử sẽ giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí và thời gian cho người dân, doanh nghiệp và các cơ quan hành chính, kiểm soát được những sai sót khi làm thủ tục, tiết kiệm giấy tờ hành chính. Ngoài ra, việc công khai, minh bạch trên mạng điện tử sẽ làm giảm bức xúc của người dân, doanh nghiệp.

Để thực hiện mục tiêu đề ra, trong thời gian tới cần triển khai một cách quyết liệt, thậm chí mang tính áp đặt nếu cần thiết. Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà cho rằng các bộ, ngành, địa phương đều mong muốn và sẵn sàng thực hiện. Tuy vậy, cũng cần phải có sẵn các công cụ như những giải pháp cụ thể, phần mềm, kinh phí “để áp đặt” cho các đơn vị chưa sẵn sàng. “Chúng ta thực hiện trên cơ sở sẵn sàng, tự giác nhưng phải quyết liệt và có chế tài cụ thể”, Phó Chủ nhiệm Lê Mạnh Hà nói.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải "vẽ ra thật rõ đường đi cải cách"

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, các vấn đề cơ chế để "vẽ ra thật rõ đường đi cải cách", tìm ra các nút thắt cần tháo gỡ, tổng hợp trả lời kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của chủ đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các khu kinh tế, khu công nghiệp.

Báo cáo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp sáng 23-10, cơ quan thường trực Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện cả nước có 299 khu công nghiệp với tổng diện tích 85.000 ha, trong đó 212 đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy 67%, cao hơn 2% so với cuối năm 2014. Trong năm nay đã có thêm khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đi vào hoạt động và 2 khu kinh tế ở Thanh Hóa, Nghệ An được mở rộng, nâng tổng số lên 16 khu kinh tế với tổng diện tích 815.000 ha.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận những bước khởi sắc trong hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, đặc biệt là tỷ lệ lấp đầy đã tăng lên; công tác bảo vệ môi trường, đổi mới công nghệ có chuyển biến tích cực. Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục thực hiện các giải pháp mạnh mẽ, đồng bộ để nâng cao hơn nữa tỷ lệ lấp đầy các khu kinh tế, khu công nghiệp, tạo thành những động lực thực sự phát triển của các địa phương cũng như cả nước. Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng yêu cầu 10 tỉnh có tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp còn thấp phải nỗ lực hơn nữa, tập trung thu hút, hỗ trợ đầu tư, đẩy nhanh công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư với vai trò thường trực Ban Chỉ đạo tiếp tục rà soát thủ tục hành chính, các vấn đề cơ chế để "vẽ ra thật rõ đường đi cải cách", tìm ra các nút thắt cần tháo gỡ, tổng hợp trả lời kịp thời, đầy đủ các kiến nghị của chủ đầu tư, tạo điều kiện hơn nữa cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh tại các khu kinh tế, khu công nghiệp. Đồng thời, rà soát chính sách ưu đãi để hướng dẫn tạo ra sự hài hòa, tránh chồng chéo và "dẫm chân" nhau trong thu hút đầu tư; xây dựng cơ sở dữ liệu đầu tư phục vụ công tác quản lý, tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện các nghị định, văn bản hướng dẫn các vấn đề liên quan về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ cho phù hợp với tình hình mới.

Quy trình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả thủ tục hành chính về BHXH, BHYT

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Quyết định 999/QĐ-BHXH ban hành quy định tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả thủ tục hành chính về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Theo đó, việc thực hiện phải tuân thủ nguyên tắc bảo đảm sự phối hợp giữa bảo hiểm xã hội các cấp trong việc thẩm tra xác minh hồ sơ, không được yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện các công việc thuộc trách nhiệm của cơ quan BHXH; việc yêu cầu bổ sung hồ sơ chỉ được thực hiện không quá 1 lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.

Có 3 hình thức tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả sau: thực hiện qua giao dịch điện tử; thực hiện qua dịch vụ bưu chính và trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả.

Khi thực hiện tại Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, viên chức tiếp nhận hồ sơ kiểm tra tính hợp lệ, đầy đủ của hồ sơ: Trường hợp hồ sơ hợp lệ, nhập dữ liệu vào phần mềm quản lý hồ sơ, lập Giấy tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả theo Mẫu.

Đối với hồ sơ qua thẩm tra, xác minh chưa hoặc không đủ điều kiện giải quyết, viên chức báo cáo lãnh đạo BHXH tỉnh hoặc lãnh đạo BHXH huyện, trả lại hồ sơ cho Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả kèm theo thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cần bổ sung hoặc không giải quyết.

Các hồ sơ quá hạn giải quyết, Bộ phận nghiệp vụ phải thông báo ngay cho Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, đồng thời gửi văn bản xin lỗi cá nhân, tổ chức, trong đó ghi rõ lý do quá hạn, thời hạn trả kết quả lần sau.

Khi tiếp nhận hồ sơ qua dịch vụ bưu chính, viên chức Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thực hiện tiếp nhận hồ sơ từ nhân viên bưu chính. Sau khi giải quyết, viên chức Bộ phận tiếp nhận hồ sơ bàn giao hồ sơ cho nhân viên bưu chính để trả cho tổ chức, cá nhân.

Đối với hồ sơ điện tử, tiếp nhận hồ sơ theo Khoản 1 Điều 15 Quyết định số 08/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thí điểm về giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và đề nghị cấp sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế như sau: Người nộp hồ sơ BHXH điện tử được thực hiện các giao dịch điện tử qua Cổng thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam hoặc Cổng giao dịch điện tử của Tổ chức I-VAN 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết.

Ban hành 25 văn bản quy phạm pháp luật trong tháng 9-2015

Thông cáo báo chí của Bộ Tư pháp cho biết, trong tháng 9-2015, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 25 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 15 Nghị định của Chính phủ và 10 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Trong đó, Nghị định 70/2015/NĐ-CP ngày 01-9-2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu; Nghị định 73/2015/NĐ-CP ngày 08-9-2015 của Chính phủ, quy định về tiêu chuẩn phân tầng; khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; quy trình, thủ tục phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; Nghị định 75/2015/NĐ-CP ngày 09-9-2015 của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng, gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số; Nghị định 76/2015/NĐ-CP ngày 10-9-2015, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản; Nghị định 78/2015/NĐ-CP ngày 14-9-2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, hướng dẫn chi tiết các điều khoản liên quan đến đăng ký doanh nghiệp quy định tại Luật doanh nghiệp 2014; sửa đổi, bổ sung những hạn chế tại Nghị định số 43/2010/NĐ-CP và Nghị định số 05/2013/NĐ-CP; cụ thể hóa những đổi mới, cải cách trong công tác đăng ký doanh nghiệp đã được quy định tại Luật doanh nghiệp 2014 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong khâu gia nhập, hoạt động và rút khỏi thị trường.

Đại biểu Quốc hội lo ngại về chất lượng cán bộ lãnh đạo

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) phát biểu thảo luận ở tổ ngày 22-10 về vấn đề cải cách hành chính, cho rằng, tình trạng chất lượng cán bộ không đạt yêu cầu như hiện nay đáng lo ngại, đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ… Đại biểu nhấn mạnh sự lo ngại “kinh khủng” nhất là năng suất lao động, tính cạnh tranh của kinh tế nước ta thua kém rất nhiều so với nước láng giềng như Thái Lan, Singapore. “Chất lượng lao động quyết định về hạ tầng kết cấu xã hội, năng suất lao động và sự cạnh tranh” - ông nói. Tuy nhiên, chính yếu tố chất lượng lao động, chất lượng cán bộ hiện nay khiến ông cảm thấy dù đã “sắp về hưu nhưng vẫn canh cánh nỗi lo”.

Theo ông, mọi yếu tố tạo nên năng suất lao động, đường lối đúng hay sai, triển khai tốt hay xấu, đều xuất phát từ yếu tố con người, kể cả nói đến nguyên nhân khách quan thì đó cũng là do con người tạo ra.

Theo ông, bất cập nhất hiện nay là công tác quy hoạch, đào tạo, tuyển dụng, bổ nhiệm, xử lý vi phạm…. cán bộ vẫn chưa thực hiện tốt. Là người được Bộ Nội vụ mời chấm thi chuyên viên cao cấp nhiều năm nay, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cảm thấy hụt hẫng về năng lực của cán bộ, trong đó có năng lực hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện chính sách trong mọi lĩnh vực. Đặc biệt là len lỏi yếu tố lợi ích nhóm trong hoạch định chính sách. Theo ông, Chính phủ cần củng cố đội ngũ cán bộ trên mọi phương diện, từ đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, đặc biệt là bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo phải rất thận trọng.

“Chính phủ cần có cái nhìn sâu sắc thực trạng của đội ngũ cán bộ, năng lực phẩm chất… của họ hiện tại. Chỉ như vậy thì cải cách hành chính, đổi mới tổ chức hoạt động của bộ máy nhà nước mới thực sự là “bà đỡ” thức đẩy phát triển, đổi mới xã hội” - đại Quyền cho hay.

Người dân Hà Nội "chấm điểm" 3 dịch vụ công

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 183/KH-UBND lấy ý kiến đánh giá của người dân về chất lượng dịch vụ công, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát huy vai trò giám sát và tham gia vào công tác cải thiện chất lượng dịch vụ công, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và tổ chức, doanh nghiệp.

Các dịch vụ công thiết yếu tiến hành lấy ý kiến gồm: Dịch vụ khám chữa bệnh; dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt; dịch vụ vận chuyển hành khách bằng xe buýt.

Việc khảo sát sẽ được tiến hành tại 3 quận (Ba Đình, Hà Đông, Nam Từ Liêm) và 2 huyện (Đông Anh, Thường Tín). Riêng dịch vụ thu gom rác có khảo sát thêm tại huyện Ba Vì để đảm bảo tính đại diện.

Thành phố yêu cầu Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội phối hợp cùng với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện cuộc khảo sát này. Kết quả báo cáo trước ngày 20-12-2015./.