1. Vụ đánh bom tàn bạo ở thủ đô Bat-đa của I-rắc

Ngày 10-11-2008, hai vụ đánh bom liên tiếp xẩy ra vào giờ cao điểm ở At-ha-mi-at (Adhamiyah), một quận có đông người Si-ai sinh sống ở phía bắc thủ đô Bat-đa, làm ít nhất 25 người thiệt mạng và khoảng 50 người khác bị thương. Bọn khủng bố đã kích nổ quả bom gài trong một chiếc ôtô, sau đó vài phút một kẻ tấn công liều chết lại kích hoạt thiết bị nổ ngay giữa đám đông đang tụ tập xung quanh hiện trường của vụ nổ trước. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất ở I-rắc trong nhiều tháng qua, đúng vào thời điểm bạo lực đã giảm tới mức thấp nhất trong vòng 2 năm gần đây. Mặc dù mật độ tấn công khủng bố đã giảm trên toàn lãnh thổ I-rắc, nhưngthủ đô Bat-đa vẫn là nơi bị tiến công nhiều nhất.

2. Iran thử thành công tên lửa tầm xa đất-đối-đất

Ngày 12-11-2008, I-ran tuyên bố thử thành công tên lửa tầm xa đất-đối-đất mới. Hãng truyền hình nhà nước của I-ran đưa tin, đó là tên lửa Xa-in (Sajjil), có tốc độ cao, đẩy bằng nhiên liệu rắn và có độ chính xác cao. Bộ trưởng Quốc phòng I-ran, ông Mô-ha-mét Nai-gia (Mohammed Najjar) cho biết, tên lửa Xa-in “có khả năng phi thường” nhưng chỉ là vũ khí để phòng thủ. Đây là loại tên lửa hai tầng, sử dụng nhiên liệu rắn, tầm bắn 1.930km, dễ dàng nhằm tới các mục tiêu ở I-xra-en và phía đông-nam châu Âu. Trước đây, I-ran đã thử thành công tên lửa Sa-hap-3 (Shahab-3), có khả năng tấn công các mục tiêu trong vòng bán kính 2.000 km. Phản ứng trước việc I-ran thử thành công tên lửa, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố, vụ thử này khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Còn Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, vụ thử tên lửa cho thấy Mỹ cần phải thúc đẩy kế hoạch xây dựng lá chắn tên lửa của họ ở châu Âu.

3. Quốc hội Nga phê chuẩn việc kéo dài nhiệm kỳ tổng thống

Ngày 14-11-2008, Quốc hội Nga thông qua các sửa đổi Hiến pháp, cho phép kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống Nga từ 4 năm như hiện nay lên 6 năm. Đu-ma Quốc gia (Hạ viện Nga) đã phê chuẩn việc sửa đổi trên trong phiên họp đầu tiên về vấn đề này với tỷ lệ 388 phiếu thuận trên 58 phiếu chống. Những sửa đổi mới vừa được thông qua hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và sẽ tăng khoảng thời gian mà các cơ quan nhà nước hoạt động hiệu quả nhất. Theo quy định, các sửa đổi hiến pháp sẽ chính thức có hiệu lực nếu được cả hai Viện thuộc Quốc hội và 2/3 số nghị viện các vùng trên khắp cả nước thông qua. Sự thay đổi này đã làm dấy lên những đồn đoán cho rằng, đó là sự dọn đường để ông V.Pu-tin quay trở lại cương vị lãnh đạo Điện Crem-li. Tuy nhiên, cả Tổng thống Đ.Mét-vê-đép và Thủ tướng V.Pu-tin đều bác bỏ ý kiến này.

4. Tổng thống Pháp phản đối dự án lá chắn tên lửa Mỹ

Ngày 14-11-2008, Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xác-cô-di tuyên bố, dự án lá chắn tên lửa của Mỹ tại châu Âu sẽ không giúp ích được gì cho nền an ninh của châu lục này mà chỉ làm phức tạp tình hình. Mặc dù các nhà lãnh đạo ở Mỹ đã nhiều lần khẳng định hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu nhằm bảo vệ khu vực này trước mối đe doạ từ những các nước “bất trị” nhưng ông Ni-cô-lai Xác-cô-di, người hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của EU lại tỏ rõ sự hoài nghi về dự án thiết lập một phần lá chắn tên lửa của Mỹ tại Ba Lan và Séc. Tổng thống Pháp đã lên tiếng cực lực phản đối kế hoạch này tại một hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của Tổng thống Nga Đ.Met-vê-đép. Đồng thời, Tổng thống Pháp Ni-cô-lai Xác-cô-di còn đề xuất tổ chức hội nghị về an ninh châu Âu vào năm 2009 với sự tham gia của cả Nga và có thể dưới sự hậu thuẫn của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu.

5. Hội nghị Nga - EU chưa tạo được chuyển biến mới

Ngày 14-11-2008, các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và Nga kết thúc cuộc họp thượng đỉnh ở Pháp, nhưng chưa đạt được kết quả nào đáng kể. EU không thể thuyết phục được Mát-xcơ-va thay đổi lập trường, còn chủ đề Gru-di-a lại bao trùm hội nghị. Tổng thống Đ.Met-vê-đép tỏ ra rất cứng rắn về vấn đề này và từ chối rút lại tuyên bố công nhận hai vùng li khai của Gru-di-a là các quốc gia độc lập. Ông nói, việc công nhận Nam Ô-xê-ti-a và Áp-kha-di-a là quyết định cuối cùng của Nga và điều đó là không thể đảo ngược. Trước hội nghị, EU tuyên bố, hiện trạng ở Gru-di-a là không thể chấp nhận được và sự toàn vẹn lãnh thổ của Gru-di-a cần phải được phục hồi. Tổng thống Đ.Met-vê-đép bác bỏ các yêu cầu của EU rằng, Mat-xcơ-va phải rút quân về các vị trí trước cuộc chiến đầu tháng 8-2008. Tổng thống Đ.Met-vê-đép cũng phản đối cáo buộc của EU rằng việc Nga sử dụng vũ lực ở Gru-di-a là “quá đáng”. Theo Tổng thống Đ.Mét-vê-đép, sự can thiệp quân sự của Mát-xcơ-va ở Nam Cáp-ca là "hạn chế, cần thiết và phù hợp với luật pháp quốc tế". Ngoài vấn đề Gru-di-a, Nga và EU đã không thể nhất trí về thời điểm sẽ nối lại đàm phán về một thỏa thuận khung. Tuy nhiên, cả hai bên hy vọng sẽ có thể làm điều này trong tương lai gần và một thỏa thuận mới sẽ thay thế Hiệp ước Hợp tác và Đối tác đang tồn tại giữa hai phía.

6. Liên hợp quốc kêu gọi các nước ASEAN tăng cường phòng, chống HIV/AIDS

Ngày 15-11-2008, Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS tăng cao trong số những lao động di dân ở khu vực ASEAN. Trong "Báo cáo về HIV/AIDS và hoạt động di dân ở Ðông - Nam Á", UNDP nhấn mạnh, mặc dù lao động di dân đang đóng góp vào sự phát triển của các nền kinh tế khu vực, song những đối tượng này không được tiếp cận các dịch vụ và thông tin về HIV/AIDS. Các điều tra về mối liên hệ giữa lao động di dân và HIV/AIDS ở 10 nước thành viên ASEAN giai đoạn 2007-2008 cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS ở lao động di dân cao hơn nhiều so với tỷ lệ trong người dân bình thường. Tại Thái Lan, tỷ lệ lao động từ nước ngoài bị nhiễm HIV/AIDS là 9%, Phi-li-pin: 35%, Lào: 30%. Ðây là báo cáo đầu tiên trong khu vực về mối liên hệ giữa lao động di dân và HIV/AIDS ở khu vực ASEAN. UNDP kêu gọi các nước ASEAN tăng cường hợp tác triển khai các chương trình phòng, chống HIV/AIDS xuyên biên giới.

7. Hội nghị thượng đỉnh tài chính G-20 ra cam kết hành động nhanh

Ngày 15-11-2008, lần đầu tiên, một cuộc họp với sự tham dự của lãnh đạo các nước phát triển, những nền kinh tế mới nổi, cùngđại diện nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Ngân hàng thế giới, đã được tổ chức tại Oa-sinh-tơn. Hội nghị đã thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia và mở raxu thế hợp tácđối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Các nhà lãnh đạotham dự Hội nghị thượng đỉnh tài chính Nhóm 20 quốc gia (G-20) đã ủng hộ một kế hoạch hành động nhanh đối với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhất trí về việc cần phải có các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, có các quy định phù hợp đối với thị trường tài chính và trao vai trò lớn hơn cho các nước đang nổi lên. Với những nền kinh tế đang nổi lên, ý nghĩa của hội nghị thượng đỉnh G-20 đã rõ ràng, từ nay họ sẽ có vai trò lớn hơn trong việc quản lý kinh tế toàn cầu. Tổng thống Bra-xin tuyên bố: "Chúng ta đang nói về G-20 vì lúc này G-8 không còn lý do để tồn tại nữa".Lãnh đạo G-20 nhất trí sẽ nhóm họp vào 30-4-2009 để xem xét các tiến triển và hội nghị dự kiến được tổ chức ở Luân Đôn với sự tham gia của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Ba-rắc Ô-ba-ma./.

*** Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 3-11 đến 9-11-2008)