Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 210/ QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược văn hóa đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Chiến lược nêu rõ quan điểm: Văn hóa đối ngoại là một bộ phận quan trọng đặc biệt của nền văn hóa quốc gia, thể hiện sức mạnh nội sinh của dân tộc, có vai trò tích cực trong việc nâng cao vị thế của đất nước, con người và văn hóa Việt Nam trên trường quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc hội nhập quốc tế của đất nước.
Văn hóa đối ngoại Việt Nam là nền văn hóa đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng. Phát triển văn hóa đối ngoại Việt Nam là sự nghiệp toàn dân, của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, trong đó Nhà nước đóng vai trò chỉ đạo, định hướng, hỗ trợ về cơ chế, chính sách và xây dựng thông điệp hình ảnh quốc gia.

Phát triển văn hóa đối ngoại phải đồng bộ, toàn diện, gắn liền với các nhiệm vụ đối ngoại của đất nước, đồng thời phải dựa trên cơ sở phát triển văn hóa trong nước, gắn bó chặt chẽ với quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa

Mục tiêu của Chiến lược là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa để quảng bá các giá trị văn hóa của Việt Nam ra thế giới, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn điện, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Quảng bá các giá trị văn hóa của dân tộc ra thế giới, làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người, văn hóa Việt Nam, tạo dựng lòng tin và sự yêu mến đối với Việt Nam, góp phần thúc đẩy việc triển khai quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần xây dựng nền văn hóa con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.

Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp và đồng bộ, khuyến khích xuất khẩu sản phẩm văn hóa ra các thị trường nước ngoài, góp phần đưa thương hiệu văn hóa Việt Nam ra thế giới, quảng bá văn hóa quốc gia.

Chiến lược nêu rõ những nhiệm vụ trọng tâm đến năm 2020 là: Xây dựng và vận hành cơ chế điều phối quốc gia về văn hóa đối ngoại.

- Phát triển những loại hình, mô hình, phương thức hoạt động văn hóa đối ngoại đa dạng, hiệu quả để giới thiệu các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới thông qua các hoạt động văn hoá nghệ thuật và truyền thông phù hợp với từng địa bàn. Cụ thể là các Ngày Văn hóa, Tuần Văn hóa Việt Nam, các Lễ hội Văn hóa - Du lịch, các hoạt động xúc tiến, quảng bá văn hóa - du lịch tại nước ngoài, tăng cường sự hiện diện của Việt Nam tại các sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc tế lớn như EXPO, Biennale, các Liên hoan phim nổi tiếng...

- Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, xây dựng biểu tượng văn hóa quốc gia và một số thương hiệu sản phẩm văn hóa quốc gia.

- Tiến hành xuất khẩu sản phẩm và dịch vụ văn hóa Việt Nam ra nước ngoài, xây dựng thị phần cho công nghiệp văn hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

- Thành lập một số Trung tâm Văn hoá ở một số địa bàn trọng điểm trên thế giới và xây dựng trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

- Thiết lập đội ngũ Tham tán văn hóa, Tùy viên Văn hóa tại các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài và hệ thống Trung tâm Văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài.

- Hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận thông tin và sản phẩm văn hóa từ trong nước; có các chính sách nhằm gắn kết cộng đồng, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.

- Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác văn hóa đối ngoại. Hợp tác với các nước để đào tạo, bồi dưỡng tài năng văn hóa, nghệ thuật; đào tạo cán bộ chuyên môn trình độ cao.

- Xây dựng và phát triển một số Liên hoan nghệ thuật quốc tế có thương hiệu tại Việt Nam, tạo điều kiện cho công chúng Việt Nam được tiếp cận với các nền văn hóa, nghệ thuật đa dạng của thế giới, khẳng định năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế của Việt Nam, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

-Tạo điều kiện thuận lợi để các nước, các tổ chức quốc tế, các cơ quan văn hóa, du lịch nước ngoài giới thiệu đất nước, con người, văn hóa, du lịch tại Việt Nam. Phối hợp triển khai các Tuần Văn hóa, những sự kiện văn hóa lớn của các nước tại Việt Nam.

- Thu hút các nguồn lực hỗ trợ cho phát triển văn hóa nghệ thuật, góp phần thực hiện chính sách xã hội hóa. Tổ chức các hoạt động văn hóa đối ngoại theo hình thức xã hội hóa với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Tăng cường các hoạt động giao lưu nhân dân, đặc biệt là giao lưu biên giới

Ưu tiên triển khai tại các địa bàn trọng điểm

Trong giai đoạn đến năm 2020, các nhiệm vụ này sẽ được ưu tiên triển khai tại các địa bàn trọng điểm như: Nhóm địa bàn có quan hệ truyền thống lâu đời và gần gũi về địa lý như Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia và các nước khác thuộc khối ASEAN, trong đó ưu tiên việc xây dựng và phát huy cộng đồng văn hóa - xã hội ASEAN; các nước đối tác chiến lược ở châu Á- Thái Bỉnh Dương, châu Âu, Bắc Mỹ; Duy trì và chuẩn bị tăng cường, mở rộng các hoạt động tại các địa bàn Nam Mỹ, Trung Đông và châu Phi.

Tầm nhìn đến năm 2030: Đưa các quan hệ quốc tế về văn hoá đã được thiết lập đi vào chiều sâu, chủ động, ổn định. Mở rộng quan hệ với các quốc gia, các vùng lãnh thổ, các tổ chức văn hóa quốc tế, các tập đoàn kinh tế, các cơ quan văn hóa trong khu vực và trên thế giới, hướng đến triển khai các chương trình hợp tác thực chất, hiệu quả.

Giai đoạn từ năm 2030 sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động ở các địa bàn trên và tăng cường các hoạt động ở các khu vực Nam Mỹ, Trung Đông, châu Phi và những địa bàn có khoảng cách địa lý xa.

Văn hóa Việt Nam có những đóng góp mới được ghi nhận trong đời sống văn hóa thế giới và cộng đồng quốc tế. Thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam phát triển, định vị văn hóa và sáng tạo như những thành tố then chốt của các thành phố ỉớn, để các thành phố này có thể trở thành các trung tâm về kinh tế sáng tạo ở châu Á./.