Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 07 đến ngày 13-4-2014
Cải cách hành chính tạo thuận lợi cho nhà đầu tư
Ngày 08-4, trong buổi họp báo về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác quý II-2014, Bộ Tư pháp cho biết sẽ tiến hành soạn thảo sửa đổi một số dự án luật như: Bộ luật Hình sự, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Thi hành án dân sự và Nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ trọng tâm cải cách thủ tục hành chính trong hình thành và thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất để cải thiện môi trường kinh doanh.
Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, Bộ Tư pháp cho biết, Nghị quyết sẽ được xây dựng theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong tiếp cận thủ tục hành chính, cắt giảm tối đa thời gian, chi phí không cần thiết cho nhà đầu tư.
Ngành Tài chính: Nỗ lực cải thiện chỉ số cải cách hành chính
Xếp thứ 8/19 cơ quan được xếp hạng Chỉ số cải cách hành chính Par Index năm 2012, Bộ Tài chính nằm trong nhóm đạt kết quả khá (đạt 77,03 điểm).
Nhằm đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, qua đó cải thiện chỉ số Par Index, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Đó là đẩy mạnh việc phổ biến, tuyên truyền các chủ trương, chính sách và pháp luật liên quan đến nhiệm vụ cải cách hành chính cho cán bộ, công chức nhằm nâng cao nhận thức đối với công tác này. Cùng với đó, công tác chỉ đạo phải đảm bảo rõ các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện, coi việc hoàn thành nhiệm vụ cải cách hành chính là tiêu chí đánh giá thi đua của các đơn vị và cũng là một trong các tiêu chí đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ.
Việc ban hành các thủ tục hành chính cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Thực hiện rà soát, nghiên cứu, đề xuất phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong tất cả các lĩnh vực quản lý của Bộ Tài chính, trong đó tập trung vào các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, chứng khoán.
Cán bộ còn đùn đẩy trách nhiệm
Nhiều cán bộ, công chức còn nặng về mệnh lệnh hành chính, chưa tích cực giải thích, hướng dẫn cho nhân dân. “Cán bộ cần phải tăng cường lắng nghe, tiếp xúc đối thoại với nhân dân, cầu thị tiếp thu, có trách nhiệm khi giải quyết kiến nghị thông qua tiếp xúc đối thoại”. Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Rảnh đã phát biểu như thế tại Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Pháp lệnh về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn từ năm 2008 đến 2013, do UBND thành phố tổ chức, sáng 10-4.
Báo cáo của UBND cũng nêu lên những mặt hạn chế trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở như: phát huy vai trò giám sát của Mặt trận và đoàn thể ở một số nơi còn hạn chế; hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư công cộng còn hình thức, chưa phát huy vai trò đại diện của nhân dân…
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hứa Ngọc Thuận nhìn nhận bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Pháp lệnh này trong năm năm qua còn nhiều thiếu sót, yếu kém cần khắc phục. Cán bộ, công chức một số nơi còn nặng về mệnh lệnh hành chính, chưa tích cực giải thích, hướng dẫn cho nhân dân; chưa thực sự sâu sát, lắng nghe và phản ánh kịp thời, đầy đủ những thắc mắc, kiến nghị của người dân cho lãnh đạo cấp trên; còn đùn đẩy trách nhiệm…
Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu trong thời gian tới, ban chỉ đạo thực hiện dân chủ ở cơ sở các cấp cần rà soát lại để tìm nguyên nhân và cách khắc phục nhằm làm tốt hơn công tác này.
Đột phá trong cải cách để xóa bỏ phiền hà
Những năm qua, TP. Cần Thơ huy động mọi nguồn lực tập trung công tác cải cách thủ tục hành chính, trong đó, trọng tâm là cải cách hành chính ở cơ sở nhằm giảm phiền hà cho người dân.
Đầu tháng 2-2014, quận Ô Môn là đơn vị đầu tiên của thành phố thực hiện dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ ba, cho phép công dân, tổ chức điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Tại quận Bình Thủy, hơn một năm qua, các cơ quan hành chính của quận trả hồ sơ hành chính cho công dân đúng hẹn 100%.
Với mục tiêu cải cách hành chính hướng về cơ sở, chỉ riêng năm 2013, TP. Cần Thơ đầu tư gần 40 tỷ đồng cho cơ sở vật chất, thiết bị hiện đại phục vụ cải cách hành chính ở xã, phường và quận, huyện. Nhờ vậy, TP. Cần Thơ là một trong những đơn vị đi đầu trong cả nước triển khai mô hình cải cách hành chính một cửa điện tử, liên thông ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở ba cấp gồm 19 sở, ngành, chín quận, huyện và 85 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 100%. Năm 2013, có hơn 90% số hồ sơ, thủ tục hành chính ở ba cấp được trả kết quả trước hẹn và đúng hẹn, số hồ sơ trễ hẹn cũng như phải bổ sung chỉ chiếm khoảng 2%...
Năm 2014, TP. Cần Thơ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là triển khai dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ ba ở các cấp.
TP. Hồ Chí Minh: Thực hiện liên thông thủ tục về hộ tịch, bảo hiểm y tế và đăng ký, quản lý cư trú
Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Ung Thị Xuân Hương cho biết, trong năm 2013, Sở Tư pháp đã trình UBND Thành phố ban hành Quyết định số 07 về phối hợp thực hiện nhóm thủ tục hành chính liên thông giữa đăng ký khai sinh, bảo hiểm y tế và nhập hộ khẩu, cũng như đăng ký khai tử và xóa hộ khẩu. Đây là vấn đề được người dân hoan nghênh. Hiện nay đã triển khai đến 100% phường, xã, thị trấn thực hiện. Trong quý 2-2014, Sở sẽ tham mưu cho UBND Thành phố để sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định 07.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp, trong công tác cải cách hành chính, thực tế thì làm được rất nhiều, thế nhưng vẫn còn một số khó khăn. Ví dụ như về thể chế vướng một số vấn đề liên quan đến các quy định của Trung ương. Về mặt thực tiễn tổ chức thực hiện, do lượng việc quá nhiều hoặc là thủ tục phải chờ ý kiến của cơ quan khác thì Sở Tư pháp mới giải quyết được, nên không đảm bảo thời gian giải quyết cho người dân.
Một kênh thông tin quan trọng
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội vừa hoàn thành điều tra xã hội học về công tác cải cách thủ tục hành chính và sự hài lòng của người dân. Điều tra được thực hiện với 1.000 phiếu trong tháng 11-2013 thông qua phỏng vấn trực tiếp người dân đến làm thủ tục hành chính tại bộ phận "một cửa" 15 quận, huyện, thị xã. Đồng thời, thực hiện phiếu phỏng vấn sâu đối với cán bộ phụ trách bộ phận giải quyết thủ tục hành chính tại 29 quận, huyện, thị xã.
Kết quả cho thấy ở một số nội dung đã có chuyển biến tích cực song đánh giá một cách tổng thể, các nội dung khảo sát nhận được mức độ hài lòng trên 50% cho thấy các cơ quan hành chính nhà nước cần tiếp tục nỗ lực mới đáp ứng được sự mong đợi của người dân.
Nghệ An xử lý nghiêm cán bộ vi phạm kỷ cương hành chính
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Nghệ An, việc chấp hành nội quy, quy chế, thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị của tỉnh đã từng bước đi vào nề nếp, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị; còn vi phạm giờ giấc lao động, lạm dụng việc uống rượu, bia và làm việc riêng trong giờ hành chính; sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị thiếu chặt chẽ; cải cách hành chính đạt kết quả chưa cao...
Những tồn tại này đang làm ảnh hưởng đến hiệu quả công tác và uy tín của cán bộ, công chức, viên chức và các cơ quan, đơn vị. Nguyên nhân là do ý thức chấp hành quy định, quy chế của cán bộ, công chức, viên chức chưa cao; một số cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý, chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra việc rèn luyện của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; nể nang, né tránh trong xử lý các hành vi vi phạm.
Sở Nội vụ Nghệ An cho biết, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã rà soát, đưa ra khỏi quy hoạch, áp dụng các hình thức kỷ luật như khiển trách, cách chức, buộc thôi việc, đình chỉ công tác,… đối với các trường hợp vi phạm./.
Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc thăm Việt Nam  (15/04/2014)
Đồng chí Huỳnh Đức Thơ được bầu làm Phó Chủ tịch Đà Nẵng  (14/04/2014)
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp đồng chí Hồ Xuân Hoa  (14/04/2014)
Thành phố Hồ Chí Minh công bố quy hoạch tổng thể phát triển đến 2020  (14/04/2014)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên