TCCSĐT - Ngày 13-4-2014, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun ra tuyên bố, hoan nghênh những kết luận được đưa ra trong Bản báo cáo mới nhất của nhóm các chuyên gia liên chính phủ, liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái đất.

Đầu tư toàn cầu cho năng lượng tái sinh giảm 14% trong năm 2013

Ngày 07-4-2014, theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), đầu tư toàn cầu cho năng lượng tái sinh giảm 14% trong năm 2013 và Trung Quốc lần đầu tiên đã “qua mặt” châu Âu trong lĩnh vực này. Báo cáo cho biết, đầu tư của thế giới cho năng lượng tái sinh (ngoài thủy điện) trong năm 2013 dừng ở 214,4 tỷ USD, giảm 35,1 tỷ so với năm trước và giảm 23% so với mức kỷ lục năm 2011. Tại châu Âu, khu vực lâu nay vẫn đi đầu thế giới về ủng hộ phát triển năng lượng tái sinh, đầu tư cho lĩnh vực này năm 2013 giảm 44%, xuống còn 48 tỷ USD, so với 56 tỷ USD ở Trung Quốc và 36 tỷ USD ở Mỹ. Sau 9 năm tăng trưởng, đầu tư cho năng lượng tái sinh ở các nước đang phát triển lần đầu tiên đã giảm trong năm ngoái.

Báo cáo cho rằng bất trắc chính trị ở một số thị trường, cụ thể là các chính phủ những nước này không tỏ rõ quan điểm có ủng hộ phát triển năng lượng tái sinh hay không và giá thành các thiết bị năng lượng mặt trời giảm, là nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm về đầu tư cho năng lượng tái sinh. Theo báo cáo, thông tin trên không hoàn toàn là xấu đối với khu vực năng lượng tái sinh bởi vì sản lượng điện từ nguồn năng lượng này trên thế giới năm ngoái vẫn chiếm tỷ lệ 8,5%, tăng so với 7,8% trong năm trước đó. Ngoài thủy điện, năng lượng tái sinh chiếm 43,6% công suất các thiết bị phát điện mới được lắp đặt trong năm 2013. Năng lượng mặt trời vẫn giành được sự ủng hộ mạnh nhất từ các nhà đầu tư cho dù giá lắp đặt trung bình đối với một thiết bị đã giảm 60%.

Hội nghị đối thoại quan chức quốc phòng ASEAN - EU

Trong hai ngày 08 và 09-4-2014, tại Thủ đô Brúc-xen (Bỉ) diễn ra Hội nghị đối thoại quan chức quốc phòng (ARF DOD) giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU). Tham dự có đại diện quốc phòng và ngoại giao các quốc gia thành viên ASEAN, đại diện quốc phòng EU và các nước đối thoại của ASEAN. Dưới sự chủ trì của Thiếu tướng Oan-tơ Hăn (Walter Huhn) thuộc Cơ quan đối ngoại EU và Thiếu tướng Tin Mao Uyn (Tin Maung Win), Phó Giám đốc Cơ quan đào tạo lực lượng vũ trang Mi-an-ma, các đại biểu tập trung thảo luận về an ninh biển, vai trò của quân đội trong cứu trợ thiên tai, thúc đẩy hiểu biết và xây dựng lòng tin thông qua Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) về phòng thủ và phát triển hợp tác công nghiệp quốc phòng trong EU.

Phát biểu tại Hội nghị, Thiếu tướng Oan-tơ Hăn cho biết, việc hợp tác phòng, chống hải tặc Xô-ma-li ở Tây Ấn Độ Dương đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong thời gian qua, hợp tác song phương và đa phương trong AFR cũng được tăng cường nhằm bảo đảm an ninh và an toàn cho các tuyến hàng hải trong khu vực.

Diễn đàn châu Á Bác Ngao năm 2014

Ngày 10-4-2014, Hội nghị thường niên Diễn đàn châu Á Bác Ngao (BFA) năm 2014 diễn ra tại Bác Ngao, thị trấn duyên hải thuộc tỉnh Hải Nam (miền Nam Trung Quốc), với sự tham gia của lãnh đạo hơn 10 quốc gia. Chủ đề của BFA 2014 là “Tương lai mới của châu Á: Tìm kiếm và giải phóng động lực phát triển mới”. Trong 4 ngày, Diễn đàn tiến hành 58 cuộc thảo luận chính thức và 8 cuộc họp vào ban đêm tập trung vào cải cách, sáng tạo và phát triển bền vững. Theo Tổng thư ký BFA Chu Văn Trọng, BFA năm 2014 tiếp tục mở rộng chương trình nghị sự về vấn đề chính trị - an ninh, an ninh mạng, quan hệ Trung Quốc - Mỹ...

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kêu gọi các quốc gia châu Á tích cực tìm kiếm động lực mới nhằm tiếp thêm sinh lực cho khu vực đối phó với những diễn biến và thách thức mới. Thủ tướng Trung Quốc nhấn mạnh các quốc gia châu Á cần xây dựng một cộng đồng với những lợi ích, vận mệnh chung và cùng chia sẻ trách nhiệm. Thủ tướng Lý Khắc Cường cho rằng trong bối cảnh các nhân tố bất ổn trên thế giới đang gia tăng, trong khi những ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế vẫn đang tác động tới châu Á, các quốc gia trong khu vực cần chung tay thúc đẩy tự do hóa thương mại, tạo điều kiện cho đầu tư cũng như đẩy mạnh hợp tác khu vực và tiểu vùng. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một môi trường khu vực hòa bình và ổn định đối với sự tiến bộ và phát triển của châu Á.

Nga phản đối quyết định hạn chế thẩm quyền của Mát-xcơ-va tại PACE

Ngày 10-4-2014, phái đoàn Liên bang Nga đã tẩy chay khóa họp của Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) để phản đối việc tổ chức này thông qua quyết định đình chỉ quyền bỏ phiếu tại PACE và quyền tham gia giám sát các cuộc bầu cử của Nga do Mát-xcơ-va sáp nhập Crưm. Trưởng phái đoàn nghị sĩ Nga, Chủ tịch Ủy ban quốc tế thuộc Đu-ma quốc gia (Hạ viện) Nga A-lếch-xây Pu-xcốp (Alexei Puskov), tuyên bố việc tham gia PACE không còn ý nghĩa, nên phái đoàn Nga rời khỏi khóa họp mùa xuân của PACE, đồng thời giữ quyền xem xét có nên tiếp tục tham gia PACE hay không.

Tại khóa họp ở Xtra-xbua (Pháp), với 145 phiếu thuận, 21 phiếu chống, 22 phiếu trắng, PACE đã thông qua nghị quyết đình chỉ quyền biểu quyết của phái đoàn Nga tại PACE, cũng như loại Nga ra khỏi tất cả các cơ quan lãnh đạo của tổ chức cho tới cuối năm 2014. Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, phái đoàn Nga gồm 18 nghị sĩ đã tẩy chay phiên tranh luận này. Ông A. Pu- xcốp đánh giá quyết định này vi phạm thô bạo quyền của phái đoàn Nga, nên Nga có quyền xem xét vấn đề có nên tiếp tục tham gia PACE hay không. Ông cho biết trong vòng 2 - 3 tuần tới, Nga sẽ có tuyên bố và thông báo cho lãnh đạo PACE.

Hội nghị giải trừ vũ khí hạt nhân ra tuyên bố chung

Ngày 12-4-2014, tại phiên bế mạc Hội nghị giải trừ vũ khí hạt nhân lần thứ tám diễn ra tại thành phố Hi-rô-si-ma (Nhật Bản), các ngoại trưởng thuộc Liên minh Sáng kiến giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPDI) đã thông qua tuyên bố chung Hi-rô-si-ma kêu gọi tổ chức hội nghị quốc tế về giải trừ hạt nhân. Tuyên bố hối thúc các cường quốc hạt nhân công khai quy mô kho dự trữ vũ khí hạt nhân của mỗi nước, đồng thời kêu gọi cắt giảm số lượng loại vũ khí này.

Hội nghị diễn ra dưới sự chủ trì của Ngoại trưởng Nhật Bản Phư-mi-ô Ki-si-đa (Fumio Kishida). Đây cũng là lần đầu tiên NPDI tổ chức họp tại Nhật Bản kể từ khi liên minh này được thành lập năm 2010. Hội nghị được tổ chức trước thềm phiên họp của một ủy ban trù bị cho Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), sự kiến diễn ra vào ngày 28-4 tới tại Niu Oóc (Mỹ).

Cùng ngăn chặn tình trạng Trái đất nóng lên

Ngày 13-4-2014, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-mun ra tuyên bố, hoan nghênh những kết luận được đưa ra trong Bản báo cáo mới nhất của nhóm các chuyên gia liên chính phủ, liên quan tới tình trạng biến đổi khí hậu trên Trái đất. Theo đó, tình trạng khí thải gây hiệu ứng nhà kính (tên gọi chung của một số loại khí trong thành phần khí quyển gồm hơi nước (H20), đi-ô-xít các-bon (CO2), ô-xít-ni-tơ (N20), mê-tan (CH4)… trong tầng thấp của khí quyển, khoảng 25 km từ mặt đất đến tầng đối lưu tiếp tục tăng rất nhanh trong những năm vừa qua, làm cho nhiệt độ Trái đất không ngừng tăng lên, gây hiện tượng biến đổi khí hậu ngày một trầm trọng hơn. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do việc sử dụng quá mức nguồn năng lượng hóa thạch để phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế và cuộc sống của con người do sự gia tăng dân số trên thế giới.

Nhóm các chuyên gia liên chính phủ xác nhận để giữ được nhiệt độ trung bình trên Trái đất như hiện nay vào giữa thập kỷ này, con người phải giảm được từ 40% - 70% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính so với năm 2010. Theo các nhà khoa học, hiện có nhiều khả năng và biện pháp để thực hiện được mục tiêu này, trước hết, phải áp dụng rộng rãi các công nghệ tiên tiến và những tiến bộ khoa học vào các ngành sản xuất trên cơ sở giảm bớt tối đa việc sử dụng năng lượng hóa thạch, nhưng vẫn bảo đảm phát triển kinh tế phục vụ lợi ích con người./.