Tiếp tục phiên họp toàn thể lần thứ 7, chiều 11-10, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát tình hình triển khai và kết quả thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số theo Quy định 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ và báo cáo tổng kết việc thực hiện Luật hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2003 (thuộc chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng Dân tộc).

Tháo gỡ khó khăn trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số

Báo cáo đánh giá qua hơn 3 năm triển khai, các bộ, ngành, các địa phương đã tổ chức thực hiện nghiêm túc Đề án 1956, với sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Hầu hết các địa phương tích cực, sớm tổ chức quán triệt, triển khai Đề án 1956 cho cán bộ các cấp tỉnh, huyện, xã; công tác thông tin tuyên truyền đã đạt được những kết quả nhất định, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các cấp, các ngành và người lao động.

Các địa phương đã từng bước quan tâm xây dựng và phát triển các mô hình dạy nghề có hiệu quả, triển khai nhân rộng, như: dạy nghề nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, chuyên con, áp dụng phổ biến dạy nghề tại chỗ cho lao động nông thôn; mạng lưới dạy nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số từng bước được phát triển mở rộng. Có thể khẳng định công tác dạy nghề cho lao động nông thôn nói chung, lao động nông thôn dân tộc thiểu số nói riêng thời gian qua về cơ bản đã đúng hướng, có kết quả bước đầu, đã xuất hiện một số mô hình tích cực về dạy nghề, khuyến nông, lâm phù hợp, thu hút nhiều lao động tham gia.

Phần lớn lao động dân tộc thiểu số sau đào tạo có việc làm phù hợp, ổn định; biết áp dụng kiến thức khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi. Nhờ đó tăng hiệu quả lao động, tăng thu nhập, từng bước xóa đói giảm nghèo.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án trong Quyết định 1956/QĐ-TTg được phê duyệt chung, không tách riêng đối với đối tượng lao động dân tộc thiểu số. Chính vì vậy rất khó khăn trong việc đánh giá riêng kết quả thực hiện đối với đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng dân tộc thiểu số.

Các chính sách ưu tiên đối với người học nghề là dân tộc thiểu số và vùng khó khăn trong Đề án chưa được hướng dẫn chi tiết và lồng ghép với các chính sách khác. Đội ngũ cán bộ quản lý dạy nghề thiếu về số lượng, chưa bố trí đủ biên chế quản lý dạy nghề theo quy định. Một số nội dung, chương trình đào tạo nghề chưa thực sự phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người học, chưa gắn chặt với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; hiệu quả đào tạo chưa cao.

Đa số các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tán thành với dự thảo báo cáo về các mặt đã làm được, hạn chế, bất cập trong việc triển khai thực hiện các chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều thành viên Hội đồng Dân tộc cho rằng việc tổ chức thực hiện trong thời gian qua vẫn còn hình thức, kết quả chưa thực sự thuyết phục; công tác đào tạo nghề vẫn chưa phù hợp với thị trường lao động; chính sách cho chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chưa phù hợp; nguồn lực còn rải rác, chưa đồng bộ.

Nhiều thành viên Hội đồng Dân tộc đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động nông thôn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tự đào tạo để phù hợp với yêu cầu; bổ sung hợp nhất nguồn lực đầu tư cho dạy nghề... Các thành viên Hội đồng Dân tộc cũng kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có Nghị quyết về vấn đề này nhằm tháo gỡ khó khăn cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cần quy định rõ cơ chế xử lý hậu giám sát

Các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội khẳng định: Luật hoạt động giám sát của Quốc hội đã cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, đầy đủ cho hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Nhờ đó, hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả hơn, khẳng định rõ vai trò của cơ quan dân cử, đại biểu đại diện cho cử tri cả nước nói chung và cử tri là đồng bào các dân tộc thiểu số nói riêng; bước đầu đáp ứng được yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc trong tình hình mới.

Tuy vậy, các đại biểu cũng nêu rõ: Các kết luận, kiến nghị sau giám sát của Hội đồng Dân tộc chưa được các chủ thể giám sát thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; quy định về chủ thể bị giám sát, nội dung, phương thức giám sát chưa thống nhất; nội dung giám sát của Hội đồng còn dàn trải; công tác tham gia xây dựng và giám sát văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều hạn chế.

Các thành viên Hội đồng Dân tộc kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm hoàn thiện các quy định về nhiệm vụ, thẩm quyền giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội; hoàn thiện cơ chế về hoạt động giám sát của Hội đồng Dân tộc; quy định rõ cơ chế xử lý hậu giám sát; đổi mới cách thức tổ chức giám sát; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy tham mưu giúp việc và điều kiện làm việc của Hội đồng Dân tộc./.