"Phải kiên trì, quyết liệt phòng, chống tham nhũng"
Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo kiểm điểm, đánh giá về công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm, bàn nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2013; cho ý kiến triển khai thực hiện Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay;” cho ý kiến chỉ đạo xử lý về một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.
Những kết quả tích cực
6 tháng đầu năm, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và đạt kết quả tích cực trong một số mặt công tác: xây dựng và hoàn thiện thể chế; công khai minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông tin tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng; thành lập, củng cố về tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy.
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, 17 bộ và cơ quan ngang bộ, 7 cơ quan thuộc Chính phủ, 4 tổ chức chính trị xã hội, 8 cơ quan, tổ chức Trung ương, 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 14 tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty 91 đã báo cáo việc kê khai tài sản, thu nhập năm 2012; có 370.650 người được công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi thường xuyên công tác, 58 trường hợp vi phạm các quy định về minh bạch tài sản, thu nhập bị xử lý kỷ luật. Vẫn còn 13 bộ, ngành ở Trung ương, địa phương chưa gửi báo cáo kết quả kê khai tài sản theo quy định.
6 tháng đầu năm, toàn ngành thanh tra đã triển khai 4.724 cuộc thanh tra hành chính và trên 89 nghìn cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành tại 283.183 tổ chức, cá nhân, tập trung vào các lĩnh vực: quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý và sử dụng ngân sách…
Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm 12.225 tỷ đồng, 452 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 4.934 tỷ đồng và 401 ha đất (đã thu hồi 2.306 tỷ đồng), xử phạt vi phạm hành chính 252 tỷ đồng; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 6.109 tỷ đồng, 44,5ha đất. Ngành Thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 431 tập thể, 819 cá nhân.
Theo báo cáo của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, từ ngày 01-01 đến 31-5-2013, các cơ quan pháp luật đã khởi tố 116 vụ/266 bị can về tội danh tham nhũng, so với cùng kỳ năm 2012 giảm 15 vụ nhưng lại tăng 34 bị can. Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 138 vụ/366 bị can về tội danh tham nhũng. Tòa án các cấp đã xét xử theo thủ tục sơ thẩm 100 vụ/196 bị cáo về tội danh tham nhũng.
Tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm
Ban Chỉ đạo đã đề ra 8 nhiệm vụ công tác phòng, chống tham nhũng từ nay đến cuối năm, trong đó tiếp tục chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tập trung tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng, Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng; triển khai đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục, đào tạo.
Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo việc hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu, tham gia sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 (các nội dung liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng); khẩn trương xây dựng các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật giám định tư pháp; Đề án tăng cường thực hiện và kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng và Nhà nước; Đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; Quy định việc chi trả qua tài khoản đối với tất cả các khoản chi từ ngân sách nhà nước cho cán bộ, công chức; khẩn trương sửa đổi, bổ sung quy định về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng đang được thực hiện nhưng hiệu quả thấp (chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức do mình quản lý, phụ trách; khen thưởng người có thành tích trong phòng, chống tham nhũng).
Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác điều tra, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vụ án có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng; triển khai Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp hoặc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo xử lý một số vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chỉ đạo xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Trung ương và các cơ quan trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng.
Thành lập 7 đoàn kiểm tra, giám sát
Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Thông qua công tác kiểm tra, giám sát để phát hiện hạn chế, yếu kém trong hoạt động thanh tra, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan chức năng; những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, trước mắt là những vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Qua kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay, củng cố lòng tin trong nhân dân về hiệu quả đấu tranh chống tham nhũng đang được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Quá trình triển khai thực hiện kế hoạch không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan chức năng.
Trong quý III, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành lập 7 Đoàn công tác do các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn để kiểm tra, giám sát một số ngành và địa phương trên toàn quốc.
Sớm đưa ra xét xử một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thống nhất chọn 8 vụ án và 2 vụ việc tham nhũng và kinh tế có dấu hiệu tham nhũng, phức tạp, dư luận quan tâm vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Ban Chỉ đạo yêu cầu các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra xét xử một số vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao phối hợp với Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ đạo đưa ra xét xử 2 vụ án: Vụ án Vũ Quốc Hảo và đồng phạm lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (giai đoạn I) và vụ án Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tòa án Nhân dân Tối cao chỉ đạo các tòa án nhân dân: thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Đắk Nông sớm đưa ra xét xử 3 vụ án tham nhũng nghiêm trọng mà Viện Kiểm sát đã quyết định truy tố (vụ Nguyễn Anh Tuấn và đồng phạm cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; vụ Nguyễn Bi và Nguyễn Thị Thanh Huyền tham ô tài sản tại Công ty cổ phần kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam; vụ Vũ Việt Hùng cùng đồng phạm nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản).
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Giám định tư pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan tiến hành tố tụng đang gặp phải trong quá trình xử lý các vụ án tham nhũng, án kinh tế có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện một số điều của Bộ luật Hình sự về các tội tham nhũng, kinh tế đang có vướng mắc.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2013, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tiếp tục kế thừa, phát huy kinh nghiệm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng khóa trước, triển khai các công việc nền nếp, bài bản. Việc xây dựng thể chế nhanh hơn, công tác phát hiện, xử lý tích cực hơn, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng đã có tác động tích cực, rõ rệt trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Việc phát hiện, xử lý một số vụ án lớn có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh. Hoạt động của Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, hệ thống chính trị, các cơ quan báo chí tạo hiệu ứng tích cực trong công tác phòng, chống tham nhũng. Ý thức của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống tham nhũng có chuyển biến tốt hơn.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng còn những hạn chế: Một số cấp, ngành chưa quan tâm chỉ đạo ráo riết, quyết liệt. Hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, luật đã ban hành rồi nhưng chậm cụ thể hóa thành các nghị định, thông tư hướng dẫn. Một số vụ án trọng điểm lớn triển khai xử lý chậm, đặc biệt là trong khâu điều tra, giám định. Công tác tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng chưa được như mong muốn.
Tổng Bí thư lưu ý: Công tác phòng, chống tham nhũng còn nhiều việc phải làm, phải làm lâu dài, kiên trì, kiên quyết. Đây là cuộc đấu tranh gian nan, lâu dài, phức tạp, hết sức khó khăn, không thể chủ quan, bằng lòng được. Các cơ quan chức năng cần phải tiếp tục cố gắng, chú ý hơn công tác xây dựng thể chế. Công tác kiểm tra đôn đốc các khâu, các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm cần được quan tâm hơn.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong 6 tháng cuối năm, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống tham nhũng tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng theo Kết luận Hội nghị Trung ương 5 khóa XI. Công tác tuyên truyền về phòng chống tham nhũng cần được triển khai bài bản hơn, đúng mức, khách quan, không bưng che những thiếu sót khuyết điểm, tạo niềm tin trong nhân dân.
Tổng Bí thư lưu ý, cần coi trọng triển khai các biện pháp phòng ngừa; tăng cường công tác kiểm tra đôn đốc, chú trọng các khâu quan trọng, các địa bàn, lĩnh vực trọng yếu. Ban Chỉ đạo tập trung chỉ đạo một số vụ án tham nhũng, kinh tế lớn có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm theo quy định của pháp luật; cố gắng xử lý dứt điểm một số vụ án lớn, hết sức chú ý khâu điều tra, giám định, xây dựng quy chế, biện pháp thúc đẩy khắc phục.
Tổng Bí thư đề nghị từng thành viên Ban Chỉ đạo, là người đứng đầu các cơ quan quan trọng liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, trên cương vị của mình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của ngành, cần chủ động, tập trung xây dựng Kế hoạch triển khai những phần việc, lĩnh vực liên quan đến chức năng, trách nhiệm của mình.
Đề cập về Kế hoạch kiểm tra, giám sát, Tổng Bí thư đề nghị cần bám sát thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị trong Kế hoạch 08 thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng. Về những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vụ án, Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án Nhân dân Tối cao tổ chức họp liên ngành để bàn biện pháp tháo gỡ. Trong trường hợp không thống nhất hoặc còn vướng mắc, Ban Nội chính Trung ương tổng hợp, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để cho chủ trương xử lý.../.
Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long phải đẩy mạnh liên kết vùng  (17/07/2013)
Giao ban công tác xây dựng Đảng khu vực miền Bắc  (17/07/2013)
Trại hè Việt Nam 2013 - Tự hào dòng máu Lạc Hồng  (17/07/2013)
Các hoạt động hướng tới kỷ niệm 66 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ  (17/07/2013)
Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Việt Nam - Lào năm 2013  (17/07/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay