Ngày 10-12-2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã làm việc với Ban Thường vụ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Chủ tịch nước khẳng định, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và là Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội, trải qua 66 năm xây dựng và phát triển, đã không ngừng lớn mạnh, làm tốt vai trò nòng cốt trong các hoạt động nhân đạo, thu hút đông đảo các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, những người tình nguyện và nhân dân tham gia các hoạt động nhân đạo, chăm lo, giúp đỡ các đối tượng khó khăn vươn lên trong cuộc sống.

 

Chủ tịch nước ghi nhận và đánh giá cao hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong những năm qua đã được kiện toàn từ Trung ương đến cơ sở, công tác chỉ đạo và hoạt động của Hội được đổi mới. Các hoạt động cứu trợ, trợ giúp nhân đạo của Hội được tiến hành kịp thời, có hiệu quả. Ở những nơi có thiên tai, có người dân kém may mắn cần được trợ giúp, đều có hoạt động của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ Việt Nam hỗ trợ kịp thời.

 

Hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng, khám, chữa bệnh cho người nghèo do Hội Chữ thập đỏ tổ chức, với sự phối hợp, giúp đỡ của ngành y tế ngày càng phát triển, mang lại niềm vui và hạnh phúc cho nhiều gia đình. Hội Chữ thập đỏ cũng đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động sơ cấp cứu dựa vào cộng đồng, vận động hiến máu nhân đạo, trợ giúp, chăm sóc nạn nhân chiến tranh, nạn nhân chất độc da cam.

 

Nhiều cuộc vận động của Hội đã trở thành phong trào của toàn dân, như: các cuộc vận động “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Những giọt máu hồng”,... Công tác đối ngoại của Hội được tăng cường và mở rộng với nhiều đối tác quốc tế, xây dựng quan hệ hữu nghị và vận động nguồn lực trợ giúp các hoạt động nhân đạo ở Việt Nam. Đồng thời, Hội còn vận động nhân dân trong nước ủng hộ nhân dân các nước bị thiên tai, thảm họa, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả, đóng góp tích cực vào hoạt động ngoại giao nhân dân của Đảng, Nhà nước ta.

 

Chủ tịch nước nêu rõ, đất nước đang trong quá trình đổi mới mạnh mẽ, bên cạnh những thuận lợi, đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có rất nhiều vấn đề nhân đạo cần giải quyết do hậu quả chiến tranh còn nặng nề; tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp; các loại dịch bệnh phát triển; bên cạnh tuyệt đại đa số nhân dân có đời sống vật chất và tinh thần ngày càng được cải thiện, vẫn còn một bộ phận hết sức khó khăn cần được giúp đỡ. Do đó, hoạt động Chữ thập đỏ, các hoạt động nhân đạo, từ thiện vẫn có vai trò và ý nghĩa to lớn.

 

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho các hoạt động nhân đạo, xác định công tác nhân đạo là một bộ phận trong công tác dân vận của Đảng, Nhà nước, không chỉ góp phần trợ giúp trực tiếp những người có hoàn cảnh khó khăn mà còn giáo dục truyền thống nhân ái của dân tộc ta cho các thế hệ mai sau. Chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước là: thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo đúng quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thực sự là lực lượng nòng cốt, lôi cuốn đông đảo các tầng lớp nhân dân, các lực lượng xã hội nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ, truyền thống nhân ái “thương người như thể thương thân” của dân tộc Việt Nam.

 

Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng và cao cả này, Hội Chữ thập đỏ cần tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động. Bộ máy của Hội cần tinh gọn với đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực tương xứng với nhiệm vụ được giao, đồng thời, tăng cường đội ngũ tình nguyện viên, cộng tác viên ở tất cả các cấp, các lĩnh vực. Tổ chức Hội các cấp cần năng động, sáng tạo, gắn bó với nhân dân, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức trong hệ thống chính trị tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền và vận động cán bộ, hội viên, các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng trợ giúp kịp thời, thiết thực cho các đối tượng, tạo nên phong trào “người người làm việc thiện, nhà nhà làm việc thiện” trong toàn xã hội. Cán bộ Hội phải là người tâm huyết với hoạt động nhân đạo; biết chia sẻ, cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn; có kiến thức, năng lực tham mưu, vận động và tổ chức có hiệu quả các hoạt động nhân đạo.

 

Chủ tịch nước đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam”; các cấp chính quyền thể chế hóa và chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nội dung về công tác nhân đạo và Hội Chữ thập đỏ được quy định trong Luật Hoạt động Chữ thập đỏ; tăng cường quản lý nhà nước, xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan trong công tác nhân đạo, quan tâm giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Hội Chữ thập đỏ về những vấn đề đã được Chỉ thị của Ban Bí thư và Luật Hoạt động Chữ thập đỏ quy định.

 

Với mô hình tổ chức 4 cấp, có mặt tại 98% xã, phường, 54% cơ quan doanh nghiệp, thu hút hơn 8 triệu hội viên tình nguyện viên tham gia, hiện nay, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tích cực tham gia trợ giúp nhân dân vùng bị thiên tai, thảm họa. Trong giai đoạn 2007 - 2012, thông qua các lời kêu gọi trong nước và quốc tế, Trung ương Hội đã vận động được 486 tỷ đồng cứu trợ. Các dự án phòng ngừa thảm họa đã được Hội tiến hành tại 20 tỉnh thành trọng điểm thiên tai với 27.523 nhà Chữ thập đỏ, nhà cộng đồng phòng chống bão lũ.

 

Các cấp hội đã hỗ trợ 1,2 triệu đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong số 1,9 người có hoàn cảnh khó khăn. Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” được phát động từ năm 1999, tiếp tục phát triển sâu rộng, thu hút sự tham gia của đông đảo các cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Cùng với ngành y tế, Hội đã làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng, tích cực tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện, hiến giác mạc.

 

Tuy nhiên, trong triển khai, bộ máy các cấp của Hội chưa được tăng cường tương ứng với các nhiệm vụ và hoạt động được quy định trong Luật Hoạt động Chữ thập đỏ. Số lượng, chất lượng cán bộ của Hội còn thiếu và yếu, tính chuyên nghiệp[ trong công tác nhân đạo chưa cao.

 

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ Việt Nam bày tỏ mong muốn, Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo hoạt động Hội, tạo điều kiện để các cán bộ các cấp Hội làm tốt nhiệm vụ; khen thưởng kịp thời các cá nhân tập thể làm tốt công tác nhân đạo./.