Tối 9-12-2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới dự Lễ khánh thành Tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” đặt tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Cùng dự lễ có nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành của Trung ương, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên và các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.

 

Xuất phát từ nguyện vọng, tình cảm và mong mỏi của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, năm 2008, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đồng ý xây dựng tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” tại Pleiku - nơi tổ chức Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam năm 1946.

 

Khởi công tháng 10-2010, sau 2 năm xây dựng, công trình vừa được hoàn thành. Tượng đài Bác Hồ theo mẫu của nhà điêu khắc Phạm Văn Đua, được đúc bằng chất liệu đồng, cao 10,8m đặt trên bệ cao 4,5m, nặng 16 tấn nằm trong khu vực Quảng trường mang tên Đại Đoàn Kết rộng 12,5ha.

 

Hình ảnh Bác được thể hiện trong tư thế đứng, đang giao tiếp với đồng bào Tây Nguyên. Phía sau và hai bên tượng Bác là phù điêu làm bằng đá tự nhiên có chiều dài 58m, cao 11m, chạy theo hình vòng cung với với nhiều cánh sen, trên đó thể hiện sinh động quá trình sinh hoạt, chiến đấu, xây dựng và phát triển của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào như nhà rông, rượu cần, cồng chiêng, hoa văn… được cách điệu.

 

Phát biểu tại buổi lễ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Lễ khánh thành công trình tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” là một sự kiện có ý nghĩa chính trị - văn hóa to lớn. Đây là công trình có ý nghĩa văn hóa lịch sử và nhân văn tiêu biểu của đồng bào 5 tỉnh Tây Nguyên và là niềm vui chung của cả nước.

 

Tổng Bí thư nhắc lại, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa có điều kiện đến thăm Tây Nguyên, nhưng từ trong sâu thẳm trái tim Người lúc nào cũng đau đáu một niềm thương nhớ, yêu quý đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

 

Năm 1946, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, vận mệnh dân tộc ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, trong bộn bề những lo toan cho sự nghiệp chống thù trong giặc ngoài, Bác Hồ vẫn dành thời gian và tình cảm viết thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam họp tại Pleiku, ngày 19-4-1946.

 

Trong thư của Bác có đoạn viết: “Hôm nay đồng bào khai hội, sum họp một nhà thật là vui vẻ. Tiếc vì đường sá xa xôi, tôi không đến dự Đại hội được. Tôi tuy xa nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào… Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác đều là anh em ruột thịt… Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau… Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”. Tổng Bí thư nhấn mạnh, khắc ghi lời dạy của Bác, người Tây Nguyên luôn mang trong tim hình ảnh Bác Hồ như điểm tựa tinh thần, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ cùng cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước và ngày nay đang tiến hành công cuộc đổi mới đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần từng bước làm cho Tây Nguyên ngày càng trở nên trù phú, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện…

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tin tưởng rằng, với truyền thống đoàn kết, tự lực, tự cường, tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên nói chung sẽ tiếp tục vững bước tiến lên, đạt nhiều thành tựu và đóng góp to lớn hơn nữa cho sự nghiệp cách mạng của toàn Đảng và toàn dân tộc.

 

Tổng Bí thư mong rằng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Gia Lai sẽ làm tốt việc quản lý, giữ gìn và khai thác công trình tượng đài Bác một cách hiệu quả, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc, giáo dục tấm gương vĩ đại của Bác Hồ, nhất là đối với các thế hệ trẻ, qua đó hun đúc lòng yêu nước và phát huy truyền thống cách mạng của Tây Nguyên bất khuất, của Việt Nam văn hiến và anh hùng.

 

Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta nguyện mãi mãi làm theo gương Bác, làm theo lời Bác, đi con đường mà Bác đã vạch ra, phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các nước bạn bè trên thế giới”.

 

Ngay sau phần lễ là chương trình nghệ thuật với tên gọi “Đón Bác Hồ về với Tây Nguyên”. Chương trình gồm 4 chương: “Mặt trời trên đỉnh H’rông”, “Công ơn trời biển’, ‘Cây Kơnia chỉ uống một suối nguồn” và ‘Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn” nêu bật tình cảm của Bác Hồ với nhân dân Tây Nguyên cũng như tình cảm của nhân dân Tây Nguyên với Bác; tinh thần đại đoàn kết các dân tộc trong chiến đấu cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay…/.