Việt Nam - dấu ấn của sự đổi mới

Phương Trà
10:58, ngày 21-02-2009

Năm 2008, Việt Nam được bạn bè thế giới ghi nhận về những đóng góp tích cực trong lĩnh vực ngoại giao, nâng cao hơn vị thế trên trường quốc tế; về những bước đi đúng hướng trong việc vực dậy nền kinh tế quốc gia trướcbối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu để tiếp tục vững bước đilên...

Thành tựu chính trị - khẳng định vị thế

Năm 2008 ghi đậm dấu ấn của ngoại giao đa phương của Việt Nam. Nổi bật là việc Việt Nam đảm nhiệm thành công năm đầu trong cương vị ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009. Việt Nam đã bắt nhịp nhanh, xử lý thỏa đáng nhiều vấn đề phức tạp tại Hội đồng Bảo an, đảm đương tốt cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tháng 7-2008 trên cơ sở thể hiện, bảo vệ quan điểm, lập trường mang tính nguyên tắc của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với việc giải quyết các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế; đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của một thành viên Liên hợp quốc(1). Khẳng định điều này, báo Akahata (Nhật Bản) cho rằng: hoạt động tại Hội đồng Bảo an đối với Việt Nam là một thử thách lớn. Song, với việc tham dự 259 cuộc họp chính thức, 417 cuộc họp cấp đại sứ, 158 cuộc họp cấp tham vấn và hơn 500 cuộc họp cấp chuyên viên của Liên hợp quốc cùng việc đóng góp ý kiến đối với các hồ sơ gai góc mà Hội đồng Bảo an trong năm qua phải xử lý, Việt Nam đã có những bước đi khá suôn sẻ. Vị thế quốc tế của Việt Nam đang ngày càng được nâng cao.

Đánh giá cao đóng góp của Việt Nam vì sự nghiệp chung của thế giới, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) B.Giôn-xơn khen ngợi việc thực hiện sáng kiến "Một Liên hợp quốc" tại Việt Nam, vai trò và ảnh hưởng tích cực của việc này đối với các nước thành viên IPU và Liên hợp quốc. Chủ tịch nhóm Phát triển Liên hợp quốc kiêm Tổng giám đốc UNDP K. Đơ-vít tin tưởng rằng với sáng kiến này, Việt Nam sẽ trở thành một hình mẫu thành công.

Đối với các định chế quốc tế, trong năm qua, Việt Nam đã thực hiện tốt các cam kết, tham gia tích cực với những sáng kiến được nhiều nước hoan nghênh và hưởng ứng tại các diễn đàn, tổ chức quan trọng như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn Hợp tác á - Âu (ASEM), Hợp tác tiểu vùng sông Mê Công (GMS), Tổ chức các nước sử dụng tiếng Pháp, Phong trào Không liên kết... Đặc biệt, tháng 3-2008, Việt Nam là một trong năm nước sớm phê chuẩn Hiến chương ASEAN, tích cực triển khai các biện pháp thực hiện hiệu quả.

Năm 2008, lần đầu tiên Đại lễ Vesak- Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc được tổ chức tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện hơn 70 nước và vùng lãnh thổ. Đây là sự kiện lớn của Phật giáo Việt Nam và thế giới, tôn vinh những giá trị văn hóa, tâm linh, đạo đức của Phật giáo. Đại lễ có ý nghĩa hết sức quan trọng, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo.

Bên cạnh đó, sự bình ổn chính trị, phát triển xã hội của Việt Nam cũng được bạn bè quốc tế ghi nhận. Trưởng bộ phận kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam Uy-be Cô-la-rít đánh giá cao sự ổn định chính trị và quyết tâm của Đảng và Chính phủ Việt Nam trong đấu tranh chống tham nhũng. Ông nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến tích cực trong cải cách hành chính.

Báo Sự thật, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nga (KPRF) có bài viết miêu tả về nhịp sống rộn rã hằng ngày, về "sự năng động" của các thành thị Việt Nam. Theo tác giả bài báo, việc xe máy, ô-tô dần trở thành phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân Việt Nam, hình ảnh các công trường xây dựng mọc lên khắp nơi, đường sá giao thông được cải thiện đã phản ánh mức sống ngày một được nâng cao của người dân, và khắp nơi đều có dấu ấn của sự đổi mới.

Tờ Mát-xcơ-va buổi chiều ca ngợi về con người Việt Nam, không chỉ yêu mến và tự hào về Tổ quốc, mà còn rất hiếu khách. Với thành tựu phát triển kinh tế - xã hội, Việt Nam hiện là điểm đến của đông đảo du khách quốc tế. Sống và đi lại trên đất nước Việt Nam, du khách đều cảm thấy yên tâm về mặt an ninh, tự do và tương đối thuận tiện.

Trưởng đại diện Bộ Phát triển quốc tế Anh tại Việt Nam, bà Phi-ô-na chia sẻ: Tôi từng biết đến Việt Nam như là một câu chuyện phát triển thành công rất ấn tượng, 24 triệu người thoát nghèo trong vòng 15 năm qua. Nhưng khi sang sống tại đất nước các bạn (năm 2008), tôi mới thực sự cảm nhận được những thay đổi đang diễn ra ở đây. Việt Nam có những thành tựu to lớn trong việc phấn đấu đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ do các nhà lãnh đạo thế giới đặt ra.

Vượt khó khăn - thành công bước đầu

ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, kinh tế Việt Nam 2008 gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với tám nhóm giải pháp mà Chính phủ Việt Nam kịp thời đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội đã đạt kết quả bước đầu quan trọng: duy trì mức tăng trưởng GDP 6,23%, GDP bình quân đầu người lần đầu tiên vượt mốc 1.000 USD, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 65 tỉ USD, cao nhất trong 10 năm qua.

Tập đoàn Mo-gân Sten-lây nhận định: nền kinh tế Việt Nam đã đi đúng hướng khi Chính phủ hạ chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2008 từ 7% xuống còn 6,5%, coi việc chống lạm phát là ưu tiên hàng đầu; đồng thời áp dụng các giải pháp giảm lãi suất cơ bản xuống 12%, hạ lãi suất cho vay xuống 13% và tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 10%.

10 sự kiện đối ngoại nổi bật
của Việt Nam năm 2008
1. Tổ chức thành công các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước và Chính phủ.
2. Công tác phân giới cắm mốc Việt Nam - Trung Quốc cơ bản đã kết thúc.
3. Đảm nhận thành công cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (tháng 7-2008).
4. Việt Nam là 1 trong 5 nước đầu tiên phê chuẩn Hiến chương ASEAN.
5. Thu hút mức kỷ lục FDI với hơn 64 tỉ USD.
6. Ký kết thành công Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) với Nhật Bản.
7. Tổ chức thành công Hội nghị ACMECS và CLMV.
8. Ban hành Luật Quốc tịch sửa đổi.
9. Định hình Ngoại giao Văn hóa - bước chuẩn bị cho Năm Ngoại giao văn hóa 2009.
10. Tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu và Đại lễ Phật đản Vesak 2008.
Công ty Tài chính quốc tế (IFC) thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đồng quan điểm khi đánh giá Việt Nam đã xử lý đúng những vấn đề mà nền kinh tế trong nước gặp phải trong thời gian qua.

Và một trong những kết quả khả quan nhất đối với kinh tế trong nước năm 2008 là hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt kết quả cao. Cả nước đã thu hút được hơn 64 tỉ USD vốn đăng ký đầu tư, gấp gần 3 lần so với năm 2007, đạt mức cao nhất trong vòng 20 năm qua kể từ khi Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực, nâng tổng vốn FDI vào Việt Nam tiến gần đến con số 150 tỉ USD. Tổng vốn thực hiện đạt trên 10 tỉ USD. Đây là những con số hết sức ấn tượng sau hai năm Việt Nam gia nhập WTO theo như nhận định của tờ Le Figaro (Pháp).

Bình luận về thành quả này, tờ Nhân dân nhật báo - Cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc coi đây là điểm nhấn quan trọng trong bức tranh toàn cảnh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Hãng tin Bloomberg cho hay các công ty do nước ngoài đầu tư tại Việt Nam chiếm khoảng 40% tổng số hàng xuất khẩu của Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho 1,5 triệu người. Theo Bloomberg, khoảng 54% vốn đăng ký mới nằm trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng, 45% trong lĩnh vực dịch vụ và số còn lại thuộc các lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp.

Với những kết quả như vậy, Việt Nam được đánh giá là địa điểm lý tưởng để kinh doanh và đầu tư. Theo ông Mai-cơn Gút - Chủ tịch, Giám đốc điều hành của Tập đoàn chuyên đầu tư và môi giới bất động sản cao cấp (Sotheby, Mỹ), với lợi thế là một địa điểm du lịch quốc tế đang nổi lên cùng tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ, Việt Nam đang trở thành một thị trường quan trọng trong các kế hoạch phát triển toàn cầu của Mỹ.

Cơ quan Thương mại và đầu tư (UKTI) của Anh đánh giá Việt Nam là một trong 10 thị trường triển vọng, có sức hấp dẫn nhất hiện nay đối với các nhà đầu tư Anh. Bộ trưởng Thương mại và đầu tư Anh Đ.Giôn-nít cho biết: Việt Nam nổi lên trong số các thị trường mới nổi do chi phí sản xuất thấp và số dân trong độ tuổi lao động tương đối nhiều. Khẳng định sự tin tưởng vào môi trường đầu tư ổn định ở Việt Nam, gần đây, UKTI đã tổ chức cho các công ty hàng đầu của Anh tiến hành khảo sát thị trường, mở rộng hợp tác kinh doanh với Việt Nam. Hiện nay, người tiêu dùng Anh đã biết và dùng hàng Việt Nam. Hàng hóa "made in Vietnam" đã có mặt tại nhiều siêu thị trung tâm Luân Đôn như Primark, Mark & Spenser, ZARA, Tesco...

Đối với giới kinh doanh Đức, theo tờ Làn sóng Đức, Việt Nam được coi là thị trường phát triển năng động, là điểm đến đầy hứa hẹn. Trong năm 2008, đã có trên 20 đoàn kinh tế Đức tới tìm hiểu thị trường Việt Nam và hiện 250 công ty Đức đang hoạt động tại đây.

Trong khu vực, nghiên cứu của tổ chức Asia Business Council (ABC) cho biết, lần đầu tiên, Việt Nam vượt Mỹ và đứng thứ ba về sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Á, chỉ xếp sau Trung Quốc và Ấn Độ. Số liệu cho thấy, tỷ lệ những chủ doanh nghiệp thông báo đã đầu tư vào Việt Nam trong năm 2008 tăng tới 28% so với năm 2007. Điều đó được cắt nghĩa bởi Việt Nam vẫn duy trì được mức chi phí sản xuất đặc biệt hấp dẫn, đồng thời sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã thể hiện sự cởi mở, thông thoáng hơn về kinh tế.

Tờ Bưu điện tài chính (Ca-na-đa) đưa ra nhận xét: Việt Nam được coi là một con hổ mới châu Á với sự phát triển rầm rộ, sự cởi mở kinh doanh và một lực lượng dân số trẻ hăng hái xây dựng đất nước. Bài báo cho rằng, điều đang hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhiều nhất tới Việt Nam là tiềm năng của nước này.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp phương Tây, Việt Nam đang tạo ra một loạt cơ hội rộng lớn trong hầu hết các lĩnh vực.

Thực hiện cam kết với WTO, từ ngày 1-1-2009, Việt Nam mở cửa thị trường bán lẻ với các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài. Báo mạng Forbes.com (Mỹ) đánh giá rằng đây sẽ là cơ hội sinh lời cho giới đầu tư nước ngoài tại một trong những thị trường bán lẻ hàng đầu châu Á.

Xếp hạng năm 2008 của công ty tư vấn AT Kearney cho biết: Ấn Độ đã phải nhường vị trí là nơi "thu hút đầu tư bán lẻ" hàng đầu trên thế giới cho Việt Nam. Trong khi viễn cảnh của thị trường bán lẻ ở Mỹ mờ nhạt thì Việt Nam lại dành cho các công ty lớn một chiến lược phát triển có thể thay thế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng: tốc độ đổi mới của Việt Nam đã đề ra một tiêu chuẩn mới, chứng tỏ quyết tâm của Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thương mại toàn cầu. “Thời gian đang chín để Việt Nam nổi lên thành một lực lượng lớn trong thị trường toàn cầu”.

Nhật báo kinh tế hàng đầu I-ta-li-a Mặt trời 24 giờ đánh giá Việt Nam có những điều kiện lý tưởng mà các tập đoàn siêu thị lớn mong đợi như mức tiêu thụ ngày càng tăng, chi phí cho kết cấu hạ tầng và sự cạnh tranh giữa các tập đoàn bán lẻ chưa cao. Đây là địa chỉ hấp dẫn hàng đầu đối với các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới.

Giám đốc tư vấn về Việt Nam của tập đoàn Secor Group Ca-na-đa Thô-mát Đờ-la-hay khẳng định: tiếp cận thị trường Việt Nam là cơ hội cho nhiều tập đoàn bán buôn và bán lẻ lớn trên thế giới, trong đó có Ca-na-đa.

Đất nước của tương lai

Tổ chức giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI mới đây đã có đánh giá tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2009 ở mức 7%. Bởi theo BMI, các bài học trong năm 2008 sẽ giúp Chính phủ Việt Nam cân bằng tốt hơn các mục tiêu chính sách kinh tế và vì thế có thể mang lại sự ổn định kinh tế vĩ mô ngày càng lớn. Đối với triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam trong 10 năm tới, BMI dự báo Việt Nam sẽ duy trì được mức tăng trưởng trung bình GDP khoảng 8%. Việc hoạch định chính sách sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của chính phủ để giải quyết những ách tắc trong kết cấu hạ tầng mà không làm cho nền kinh tế quá nóng. BMI nhận định: khu vực sản xuất công nghiệp được đầu tư mạnh mẽ sẽ vẫn là động lực chính cho tăng trưởng của Việt Nam và có thể đóng góp khoảng 40% vào năm 2017(2).

“Việt Nam tiếp tục là điểm thu hút các nhà đầu tư nước ngoài” là nhận định của Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ A-đam Xít-cốp trong buổi phỏng vấn mới đây với Đài phát thanh công cộng quốc gia Mỹ. Ông Xít-cốp nhấn mạnh, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện nay, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trên thế giới. Mặc dù kinh tế thế giới đang đi xuống, song các công ty trên toàn thế giới vẫn sẽ hướng tới những "miền đất hứa" để đầu tư và Việt Nam tiếp tục là một trong những miền đất đó.

Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Pa-xcan Cu-sơ-panh cho rằng: với dân số trẻ (20% dưới 30 tuổi), Việt Nam là một đất nước của tương lai, có tiềm lực phát triển phi thường, đáng để các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm.

Theo Giám đốc Quốc gia Cơ quan Đại diện thường trú Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam A. Cô-ni-si, Việt Nam cần tiếp tục học tập kinh nghiệm của các nước trong việc củng cố thị trường tài chính, tạo sự tăng trưởng bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường, bảo đảm cho người nghèo hưởng thụ từ sự tăng trưởng. Ông Cô-ni-si cũng bày tỏ sự tin tưởng vào nền kinh tế của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.

Tuy nhiên, cùng những đánh giá lạc quan, cũng có những nhận định thận trọng và những kiến nghị cụ thể. Tập đoàn Mo-gân Sten-lây đưa ra dự báo Việt Nam có thể gặp rủi ro trong tăng trưởng do sức tăng trưởng quá nóng trước đây và ảnh hưởng của sự đi xuống của các nền kinh tế khác hiện nay. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có biện pháp chuyển từ thắt chặt "tấn công" sang nới lỏng "tự vệ" vì Việt Nam cần phải cân bằng giữa các rủi ro trong nước với các rủi ro của các nước bên ngoài. Ngoài ra, Việt Nam cần gia tăng tính thanh khoản của các ngân hàng sao cho tương thích với việc hạ mức độ thâm hụt thương mại.

Theo ông M. Ra-ma, quyền Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB): lạm phát không còn là thách thức lớn nhất đối với Việt Nam. Chính tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu đang hạ thấp cầu tiêu dùng, ảnh hưởng đến xuất khẩu và nguồn vốn FDI mới là khó khăn mà Chính phủ Việt Nam cần tìm hướng giải quyết thông qua một số lợi thế như chất lượng lao động, sự ổn định và địa điểm thuận lợi cho đầu tư. Cũng theo ông Ra-ma, trong bối cảnh khủng hoảng tài chính thế giới đang kìm hãm cầu tiêu dùng, xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn không bị suy sụp.

Chuyên gia kinh tế của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức, bà Ma-en-nơ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đã “có độ mở nhất định”. Song, để tăng trưởng bền vững, Việt Nam cần cải cách hành chính mạnh hơn nữa, minh bạch về dữ liệu, có cơ chế phân tích, dự báo thường xuyên và sự phối hợp chặt chẽ về quản lý kinh tế vĩ mô giữa chính phủ và các cơ quan quản lý.

Với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia, Việt Nam đang ngày càng được bạn bè quốc tế đánh giá cao, quan tâm và mong muốn mở rộng quan hệ hợp tác. Kinh tế phát triển dựa trên nền tảng ổn định chính trị và chính sách ngoại giao rộng mở, trong năm tiếp theo, Việt Nam một lần nữa đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an (dự kiến vào tháng 10-2009), tiếp tục những cải cách cần thiết hướng vào thị trường trong nước cũng như quốc tế. Chúng ta tin tưởng rằng con thuyền Việt Nam tiếp tục vững lái ra biển lớn; Việt Nam tiếp tục là “điểm sáng” về phát triển kinh tế trong khu vực cũng như là “miền đất bình yên” trên thế giới./.
 

(1) Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 1-1-2009
(2) Kinh tế và đô thị, www.ktdt.com.vn, ngày 10-1-2009