TCCSĐT - Ngày 21-2-2012, tại Brussels (Bỉ), sau 12 giờ thảo luận căng thẳng, các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã nhất trí thông qua thỏa thuận về việc cấp gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ euro cho Hy Lạp. Ngay lập tức, "xứ sở thần thoại" đã chạy đua với thời gian để hoàn tất các dự luật phải được ban hành nhằm nhận được khoản cứu trợ mới.

Theo thỏa thuận vừa được thông qua, EU đã nhất trí về những điều khoản cốt lõi, trong đó cam kết giảm 53,5% gánh nặng nợ công của Hy Lạp ước tính lên tới 230 tỉ euro hiện do các chủ nợ tư nhân nắm giữ, cũng như dành cho Athens một gói các bảo đảm và khoản vay từ các chính phủ thành viên của Eurozone. Đổi lại, Chính phủ Hy Lạp sẽ phải chịu sự giám sát chặt chẽ trong những năm tới.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Athens, Thủ tướng Hy Lạp Lucas Papademos cho biết, nước này còn nhiều việc phải làm trong thời gian trước mắt để hoàn tất các công việc ưu tiên trước khi ký thỏa thuận về gói cứu trợ thứ hai. Cụ thể là, trước thềm cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn dự kiến vào tháng 4 tới, Hy Lạp phải sửa đổi Hiến pháp nhằm bảo đảm ưu tiên cho việc thanh toán những khoản nợ đáo hạn.

Từ nay đến cuối tháng 2-2012, nước này còn phải thông qua kế hoạch cắt giảm chi tiêu mới lên tới hơn 3 tỉ euro (tương đương 4 tỉ USD). Kế hoạch này đề cập nhiều vấn đề như các biện pháp tài chính, việc quản lý tài chính và thuế, các biện pháp về trợ cấp và sửa đổi ngân sách năm 2012, cũng như những cải cách quan trọng về cơ cấu nhằm khôi phục lòng tin của thị trường.

Hy Lạp chỉ còn vài ngày để thực hiện các công việc ưu tiên trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra trong hai ngày 1 và 2-3 tới, song Thủ tướng Hy Lạp L.Papademos khẳng định, Chính phủ Hy Lạp sẽ thực hiện tất cả những cải cách này trong chương trình kinh tế mới.

Việc ban hành các đạo luật trên là công việc nặng nề đối với Hy Lạp. Bởi lẽ, bất kỳ sửa đổi Hiến pháp nào phải được 3/5 số nghị sĩ trong Quốc hội hiện nay ủng hộ và phải được đa số trong Quốc hội mới gồm 151 thành viên chấp thuận. Chính phủ liên hiệp 2 đảng của Hy Lạp dễ dàng giành được đa số 3/5 trong Quốc hội hiện nay, song khó có thể bảo đảm liên minh cầm quyền vẫn duy trì được thế đa số này trong Quốc hội khóa mới ra đời sau cuộc tổng tuyển cử tới. Hiện các đảng phản đối thỏa thuận cứu trợ đang tìm cách củng cố sức mạnh chính trị của mình.

Trước khi Hội nghị bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu này diễn ra nhằm xem xét thông qua gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỉ euro cho Hy Lạp, hàng nghìn người đã xuống đường biểu tình tập trung ở thủ đô Athens và ở Thessaloniki, thành phố lớn thứ hai của Hy Lạp, để phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", phản đối các biện pháp khắc khổ cắt giảm chi tiêu mà chính phủ đưa ra nhằm giảm gánh nặng nợ nần đã khiến người dân phải chịu cảnh bần cùng hóa.

Tuy nhiên, theo kết quả của một cuộc thăm dò dư luận được tiến hành mới đây cho thấy, đa số người Hy Lạp ủng hộ chính phủ tạm quyền của Thủ tướng Lucát Papademos. Một cuộc thăm dò mới đây cho thấy, 73% số người Hy Lạp muốn nước này ở lại Eurozone. Tuần trước, Hy Lạp cũng đã thông qua một loạt biện pháp khắc khổ mới, theo đó sẽ cắt giảm tiền lương, lương hưu cơ bản và việc làm trị giá 325 triệu euro trong khuôn khổ kế hoạch tiết kiệm 3,3 tỉ euro trong ngân sách của năm nay cũng như tiết kiệm chi tiêu dành cho quốc phòng và y tế.

Gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp bao gồm các khoản cho vay từ các nước khác trong Eurozone lên tới 130 tỉ euro được gắn với việc các chủ nợ tư nhân xóa 53,5% nợ trái phiếu cho Hy Lạp; và kế hoạch hoán đổi nợ lên tới 107 tỉ euro. Nếu thỏa thuận liên quan gói cứu trợ này được các bên hữu quan ký kết đúng dự định thì Hy Lạp sẽ thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ vào ngày 20-3 tới, thời điểm Athens phải thanh toán khoản nợ trái phiếu đáo hạn lên tới 14,43 tỉ euro (khoảng 18,8 tỉ USD) trong điều kiện ngân sách cạn kiệt.

Phát biểu ngay sau cuộc họp của nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone, Chủ tịch Jean-Claude Juncker tuyên bố, chương trình cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp bảo đảm cho nước này giữ vững chỗ đứng trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Theo ông, mục tiêu chiến lược của chương trình này là giảm nợ công của Hy Lạp từ mức 160% GDP hiện nay xuống còn 120,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2020. Ngay sau khi quyết định trên được đưa ra, đồng euro tại các thị trường châu Á lập tức tăng giá so với đồng USD. Giá 1 euro đã tăng lên 1,3266 USD so với mức 1,3185 USD ngay trước khi thông qua thỏa thuận trên./.