“Nóng”
Vừa gặp, anh bạn sốt sắng kéo tôi vào phòng làm việc rồi chìa cho xem tư liệu "nóng" và rất nhức nhối về tình hình tai nạn giao thông ở nước ta 9 tháng qua: Có 11.034 vụ tai nạn, trong đó chết 9.919 người, bị thương 8.391 người. Riêng số người chết tăng 496 người (tức 5,2%) so với năm 2006. Một con số mà bất kỳ ai nghe thấy đều rùng mình sợ hãi... Vốn đang công tác ở một cơ quan chuyên nghiên cứu, tổng hợp những vấn đề xã hội, anh bạn tôi đưa ra bốn nguyên nhân chính:
Một là, do ý thức và kiến thức của người tham gia giao thông. Đây là nguyên nhân chủ yếu nhất. Cứ nhìn trong thành phố, đô thị khi đường ùn tắc mà xem: xe đạp, xe máy tìm mọi cách luồn, lách; "phi" lên vỉa hè là chuyện rất tự nhiên, quay ngoắt lại tìm ngõ ngách khác là chuyện bình thường, đi sang đường của bên ngược chiều là chuyện tất nhiên, "đè" ô-tô để luồn lên trên là chuyện dĩ nhiên, nhấc bổng xe đạp để "vượt chướng ngại vật" là chuyện không còn hy hữu. Còn ở ngoại ô thì: dắt trâu, bò qua đường một cách tự do, "dông" xe đạp, xe máy qua dải phân cách, rẽ ngoặt 90 độ không cần xin đường, nghênh ngang "đường ta ta cứ đi" ở các đường liên xã, liên huyện là chuyện miễn bàn... Còn chuyện "đánh võng", "zim" ba, "zim" bốn trên một xe máy thì có cả ở nơi "văn minh" đô thị lẫn ở các vùng nông thôn hẻo lánh v.v.. Rõ ràng nói tại kiến thức cũng đúng mà tại ý thức của người tham gia giao thông cũng không sai. Như vậy, chỉ cần nhẫn nại, tuần tự một cách có hiểu biết thì tai nạn giao thông sẽ giảm đi đáng kể, nếu không nói là giảm đi một nửa - Anh bạn tôi bình luận?
Hai là, do quá nhiều phương tiện tham gia giao thông. Có lẽ do đang ở thời kỳ chuyển đổi nên ở ta tồn tại quá nhiều chủng loại xe khác nhau. Ô-tô, xe máy, xe đạp, xe ba bánh, xe bò, xe ba gác, xe lôi... cùng trên một dòng chảy. Chất lượng xe vốn không giống nhau, dẫn đến tốc độ rất khác nhau, người điều khiển xe cũng rất khác nhau, rồi cả người đi bộ cũng rất khác nhau; "thêm" vào đó là việc nghiễm nhiên chiếm dụng vỉa hè, lòng đường "làm của riêng"... Tất cả đều dồn vào các tuyến của "mạch máu" giao thông. Thế là hiện tượng "mỡ máu", "xơ vữa động mạch" dẫn đến "đứt động mạch" xảy ra liên tiếp. ở nhiều nơi, nhiều tuyến cả "động mạch" lẫn "tĩnh mạch" đều bị "vỡ". Con số bị thương vong cứ ngày một nặng lên, chồng chất lên. Phải chăng kế hoạch nhập ô-tô, sản xuất ô-tô; nhập xe máy, sản xuất xe máy; nhập xe đạp, sản xuất xe đạp... bị "nhiễu", bị "vỡ", bị lợi ích cục bộ chi phối kiểu "tham bát bỏ mâm" nên không thể cân đối, điều tiết được, và đành bỏ mặc, việc ai nấy làm...??
Ba là, do kỷ cương giao thông. Người tham gia giao thông có bao nhiêu phần trăm thuộc luật giao thông, con số này chưa ai công bố? Hơn thế, người quản lý giao thông thì cứ như "thời tiết", lúc căng, lúc chùng; lúc phạt nặng, lúc phạt nhẹ; có đoạn đường ngắn lúc thì cho đi, lúc lại cấm: lúc dồn giữ cả đống xe để gỉ hoen; lúc lại "phạt cho tồn tại"... Luật đã không xử nghiêm lại còn nhũng nhiễu, tiêu cực, những "chú" xe tải, xe khách, xe tắc xi muốn hành nghề, cần học thuộc "luật rừng" nhiều hơn cả luật giao thông. Biết vậy, nhưng không "chú" nào dám cãi, vì cãi bận này, còn bận sau thì sao...? Ngoài ra còn phải kể đến lái xe chạy ẩu, uống rượu bia rồi chạy, xe đã "quá đát" vẫn chạy, cũng không phải là hiếm. Quả là người đi thì lách luật, còn người quản lý thì bị luật lách, thật là phiền toái, nhiêu khê!
Bốn là, do chất lượng đường sá giao thông. Đây là một "đề tài" rất nan giải. Nhiều tai nạn thảm khốc của các loại xe, nhất là xe chở khách xảy ra kinh hoàng. Ngoài chuyện chạy "ẩu" của người điều khiển và chất lượng xe quá kém, còn là do đường có quá nhiều "ổ trâu", "ổ gà"; các "ổ" này đôi lúc xuất hiện bất thường, sáng đi không có, chiều về thì có. ở một tỉnh không xa thủ đô là bao, vậy mà con đường mới làm chưa đầy hai năm đã phải "trả lại tên cho em", đường bị "bóc", bị "rộp", bị lồi, bị lõm là chuyện bình thường, thế là tai nạn khôn lường. Kêu ai, bây giờ? Có người hỏi rằng tuyến đường Xuân Mai - Sơn Tây do Cu Ba giúp ta đã mấy chục năm mà chất lượng vẫn khá, tại sao ta không tìm hiểu để "nhân bản" nhỉ??
Cuối cùng, anh bạn tôi cũng đưa ra vài lời bàn luận rằng: không nước nào có đặc điểm giao thông như ta, không nước nào có tai nạn giao thông như ta, và cũng không có nước nào vấn đề giao thông lại "nóng" như ta. Thiết nghĩ, cứ một ngày trôi qua là có hơn 40 sinh linh phải vĩnh viễn ra đi, khủng khiếp như "chiến tranh" vậy. Mong rằng, các cấp các ngành có giải pháp hữu hiệu, cấp bách hơn mới có thể hạ nhiệt cơn "nóng" dữ dội, nghiệt ngã và đầy bi thương này!
Bức tranh tổng quan về dân số ở Việt Nam  (25/12/2007)
Điều hành quyết liệt ngay từ đầu năm 2008 để đạt tăng trưởng GDP 9% và chỉ số tăng giá cả thấp hơn tốc độ tăng GDP  (25/12/2007)
Báo chí phải thông tin trung thực tình hình trong nước và thế giới phù hợp với lợi ích của Nhà nước và nhân dân  (25/12/2007)
Ba mươi năm hợp tác Việt Nam và Quỹ Dân số Liên hợp quốc (1977-2007)  (25/12/2007)
Huy động 90.000 tỉ đồng qua thị trường chứng khoán  (25/12/2007)
Thu hút vốn FDI đạt 20,3 tỉ USD  (25/12/2007)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên