Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự phiên họp kín thứ nhất Hội nghị cấp cao APEC 16
Sáng 23-11 (theo giờ Hà Nội), tại thủ đô Li-ma của Pê-ru, diễn ra Phiên họp kín thứ nhất Hội nghị cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 16. Tổng thống Pê-ru A-lan Ga-xi-a Pê-rét chủ trì hội nghị với sự tham dự của tất cả 21 nhà lãnh đạo nền kinh tế thành viên APEC.
Tại Phiên họp kín thứ nhất, các nhà lãnh đạo APEC thảo luận các vấn đề: khủng hoảng tài chính toàn cầu, tình hình bất ổn định giá lương thực và hàng hóa, Vòng đàm phán Đô-ha trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Diễn ra trong bối cảnh thế giới đang đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính trầm trọng nhất từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933, các nhà lãnh đạo khẳng định, APEC cần thể hiện quyết tâm mạnh mẽ với những cam kết cụ thể nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy giải quyết khủng hoảng. Các lãnh đạo đánh giá cao Tuyên bố Oa-sinh-tơn về thị trường tài chính và kinh tế thế giới của Hội nghị Thượng đỉnh G20 ngày 15-11 vừa qua; thống nhất ra Tuyên bố riêng Li-ma về kinh tế toàn cầu, khẳng định quyết tâm chung của các Lãnh đạo APEC trong việc tiếp tục cải cách tài chính tại các nền kinh tế thành viên, cải cách hệ thống tài chính quốc tế, chống lại các động thái bảo hộ và thúc đẩy WTO đạt thoả thuận về phương thức cắt giảm thuế trong tháng 12-2008. Tuyên bố cũng nhấn mạnh cam kết của APEC về tăng cường hội nhập kinh tế khu vực, tiếp tục các nỗ lực giải quyết vấn đề đói nghèo, bệnh tật, khủng bố, biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc.
Có thể nói, đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị cấp cao APEC năm nay, thể hiện sự ứng phó kịp thời của APEC với vấn đề thời sự hàng đầu hiện nay và gửi đi một thông điệp tích cực đối với khu vực cũng như thế giới.
Trước tình hình giá lương thực và hàng hóa biến động khó lường trong năm 2008, các nhà lãnh đạo APEC ủng hộ đề xuất của Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC (gọi tắt là ABAC) về củng cố Hệ thống Lương thực APEC (AFS) và hoan nghênh Kế hoạch hành động về an ninh lương thực đã được các Bộ trưởng thông qua. Bản Kế hoạch hành động này đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề bất ổn giá lương thực, nghiên cứu phát triển, công nghệ sinh học, viện trợ lương thực, minh bạch hóa thị trường hàng hóa nông nghiệp và vấn đề an sinh xã hội.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết hoan nghênh Chính phủ các thành viên APEC và các thể chế tài chính quốc tế đã triển khai nhiều biện pháp nhanh, mạnh để ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường tài chính và hạn chế tác động của khủng hoảng. Chủ tịch nước đề nghị cần sớm khôi phục lòng tin, các nền kinh tế lớn cần mở cửa thị trường, chống lại mọi hình thức bảo hộ, thúc đẩy Vòng đàm phán Đô-ha sớm đạt kết quả; đồng thời, tiếp tục dành ưu tiên cho việc giải quyết những thách thức về đói nghèo, dịch bệnh, môi trường. Chủ tịch nước cũng đề nghị, để bảo đảm an ninh lương thực, các nước sản xuất lương thực cần phát huy hết nguồn lực để đẩy mạnh sản xuất; khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các thành viên trong vấn đề bảo đảm an ninh lương thực thông qua hỗ trợ kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật sản xuất nông nghiệp.
Để chia sẻ gánh nặng của các thành viên đang phát triển trong việc thực hiện những Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam và Hàn Quốc đề nghị các nền kinh tế phát triển APEC cam kết tiếp tục viện trợ ODA cho các thành viên đang phát triển. Sáng kiến này được Hội nghị đánh giá cao và ghi nhận trong Tuyên bố của các Lãnh đạo APEC về Kinh tế toàn cầu.
Ngay sau Phiên họp kín thứ nhất, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các nhà lãnh đạo APEC có cuộc đối thoại trực tiếp với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC, gồm đại diện các doanh nghiệp hàng đầu trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nhà lãnh đạo khẳng định, APEC tiếp tục hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết khủng hoảng, thúc đẩy hội nhập kinh tế, nhằm tạo ra một môi trường ngày càng mở cửa, thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đánh giá cao quyết tâm và những cam kết cụ thể của APEC và các tổ chức quốc tế; đề xuất một số biện pháp như cải cách tài chính, tiền tệ, củng cố cấu trúc tài chính toàn cầu - được các nhà lãnh đạo APEC ghi nhận và đánh giá cao.
** Cũng trong sáng 23-6, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp Tổng thống Cô-lôm-bi-a An-va-rô U-ri-be. Trong cuộc nói chuyện, Tổng thống An-va-rô U-ri-be dành nhiều lời ca ngợi những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong những năm qua, bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tổng thống An-va-rô U-ri-be nói: “Từ nhỏ tôi đã đọc nhiều sách viết về Bác Hồ và sách của Người. Đối với tôi, những tư tưởng của Người vô cùng có giá trị. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kết hợp chủ nghĩa dân tộc với sức mạnh thời đại để từ đó lãnh đạo giải phóng dân tộc, phát triển lý luận xây dựng đất nước Việt Nam”.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống An-va-rô U-ri-be nhất trí phối hợp để ổn định giá cà phê vì cả hai nước đều là nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới; đề nghị các bộ, ngành tích cực triển khai đàm phán ký các hiệp định, thoả thuận hợp tác như Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định về tránh đánh thuế hai lần... Chủ tịch nước khẳng định sự ủng hộ của Việt Nam đối với nguyện vọng gia nhập APEC của Cô-lôm-bi-a theo nguyên tắc đồng thuận.
** Trước khi tham dự Phiên họp kín thứ nhất, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có buổi tiếp Liên minh Doanh nghiệp Mỹ tại APEC.
Liên minh Doanh nghiệp Mỹ tại APEC gồm đại diện các tập đoàn, công ty hàng đầu của Mỹ đã tới và đang quan tâm hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Đại diện các doanh nghiệp Mỹ hoan nghênh bước phát triển nhanh chóng trong quan hệ Việt Nam và Mỹ, tạo niềm tin và thuận lợi cho giới doanh nghiệp hai nước. Các doanh nghiệp Mỹ đánh giá Việt Nam là nền kinh tế năng động trong APEC, có môi trường đầu tư thông thoáng; nhìn thấy ở Việt Nam không chỉ là nơi có triển vọng thực hiện và mở rộng các dự án hợp tác đầu tư, kinh doanh mà còn là một nhà đầu tư lớn trong tương lai.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với Mỹ; cảm ơn các doanh nghiệp Mỹ có nhiều đóng góp tích cực trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Việt Nam là đất nước phát triển năng động, là địa chỉ đầu tư hiệu quả. Các nhà đầu tư Mỹ sẽ tìm thấy "đất dụng võ" tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết khẳng định, việc các nhà đầu tư Mỹ mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam không chỉ đem lại hiệu quả kinh tế cho chính các nhà đầu tư mà còn góp phần tăng cường quan hệ giữa hai nước./.
Một số suy nghĩ về sỡ hữu đất đai và tôn giáo ở Việt Nam xưa và nay  (23/11/2008)
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Hội nghị cấp cao APEC 16  (23/11/2008)
Phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn 2020  (23/11/2008)
Kỷ niệm 68 năm ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11-1940 – 23-11-2008)  (23/11/2008)
Hải Phòng vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện phát triển bền vững  (22/11/2008)
Kinh nghiệm của Trung Quốc trong hoạt động thu hồi đất nông nghiệp  (22/11/2008)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên