Sáng nay, 15-12-2008, trong khuôn khổ Hội nghị Á - Âu (ASEM) về Đa dạng văn hóa, Hội thảo “Bảo tồn và thúc đẩy tính đa dạng của biểu đạt văn hóa: Chia sẻ kinh nghiệm Á - Âu” đã khai mạc tại Hà Nội.

Dự Hội thảo có các đại biểu đến từ 19 quốc gia ở cả châu Âu và châu Á; từ các tổ chức quốc tế tại Việt Nam; các đại biểu của Việt Nam quan tâm đến lĩnh vực văn hóa... Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du Lịch Việt Nam, ông Trần Chiến Thắng; Đại sứ, Trưởng phái đoàn Ủy ban châu Âu tại Việt Nam, ông Xin Đoi-lơ; Trưởng đại diện lâm thời, Phòng Đa dạng biểu đạt văn hóa, Ban thư ký UNESCO, bà An-na Ô-li-vơ-ra Xin-va, chủ trì Hội thảo.

Các mục tiêu của Công ước:

- Bảo về và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa;
- Tạo điều kiện cho các nền văn hóa phát triển và tương tác một các tự do và cùng có lợi;
- Khuyến khích đối thoại giữa các nền văn hóa nhằm bảo đảm sự trao đổi văn hóa rộng rãi hơn, cân bằng hơn trong một thế giới thuận lợi cho sự tôn trọng giữa các nền văn hòa và một nền văn hóa hòa bình;
- Thúc đẩy tính liên văn hóa để phát triển sự tương tác văn hóa trên tinh thần xây dựng các nhịp cầu kết nối các dân tộc;
- Thúc đẩy tôn trọng sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa và nâng cao nhận thức về giá trị của nó ở cấp địa phương, cấp quốc gia và cấp quốc tế;
- Tái khẳng định chủ quyền của các quốc gia trong việc xây dựng các chính sách văn hóa;
- Công nhận bản chất khác biệt của các sản phẩm và dịch vụ văn hóa như là những công cụ chuyển tải bản sắc, giá trị, ý nghĩa;
- Tái khẳng định chủ quyền quốc gia trong việc duy trì, thông qua và thực hiện các chính sách và các biện pháp được coi là phù hợp để bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa trên lãnh thổ quốc gia mình;
- Tăng cường hợp tác và đoàn kết quốc tế để nâng cao năng lực của các nước đang phát triển trong việc bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa của tất cả các quốc gia;

Cuộc gặp gỡ này đặc biệt nhằm trao đổi kinh nghiệm và quan điểm về các vấn đề liên quan đến tính đa dạng của biểu đạt văn hóa, bao gồm cả những suy nghĩ về tầm quan trọng của Công ước UNESCO 2005 về Bảo vệ và Phát huy tính đa dạng của Biểu đạt văn hóa. Đây là diễn đàn mở để các quan chức cấp cao, những người đưa ra quyết định và các đại diện của xã hội dân sự hoạt động tích cực trong lĩnh vực văn hóa Á - Âu cùng thảo luận.

Trong hai ngày hội thảo (15 và 16-12-2008), các đại biểu thảo luận ba nhóm vấn đề chính, liên quan tới tính đa dạng của biểu đạt văn hóa là: Chính sách công về Đa dạng văn hóa: Kinh nghiệm của châu Á và châu Âu; Cân bằng giao lưu văn hóa tại châu Âu và giữa châu Âu với châu Á; Ảnh hưởng của thương mại đối với văn hóa và hành động chung của hai châu lục để phát triển đa dạng văn hóa.

Trong bối cảnh xu hướng tự do hóa thương mại được đẩy mạnh và tốc độ, quy mô của quá trình toàn cầu hóa ngày càng gia tăng, thế giới đang trở nên “mở” hơn, gắn kết với nhau hơn do sự phát triển của công nghệ viễn thông và thông tin, thì việc bảo vệ tính đa dạng văn hóa là điều cần thiết và là cơ hội to lớn để xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định hơn.

Bảo vệ tính đa dạng đem lại sự hòa hợp, khoan dung, đối thoại và hợp tác, mang lại nguồn sáng tạo, cổ vũ, tạo nên động lực quan trọng góp phần phát triển kinh tế và tiến bộ xã hội. Các đại biểu tham dự Hội thảo mong muốn, Hội thảo không chỉ là diễn đàn nhằm vun đắp tinh thần hợp tác giữa các dân tộc của hai châu lục, mà còn góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và tôn trọng sự đa dạng về văn hóa. Qua đó, xây dựng một nền văn hóa hòa bình, khoan dung, và hòa hợp giữa các xã hội, tạo nền tảng cho mối quan hệ lành mạnh và ổn định giữa hai khu vực mà Công ước UNESCO về bảo tồn và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa năm 2005 đã nêu rõ.

Công ước về Bảo vệ và Phát huy sự Đa dạng các Biểu đạt văn hóa được thông qua tại phiên họp Đại hội đồng lần thứ 33 của UNESCO vào năm 2005 là một trong những nỗ lực nhằm thực hiện cam kết thúc đẩy sự đa dạng văn hóa được nêu trong hiến chương của UNESCO. Công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế này có mục đích bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa được thể hiện và truyền tải cụ thể trong các hoạt động văn hóa, sản phẩm và dịch vụ văn hóa - các phương tiện của nền văn hóa đương đại. Đồng thời, đặt ra một khung pháp luật thuận lợi cho tất cả các quốc gia thành viên trong lĩnh vực sản xuất, phân phối, truyền bá, tiếp cận và hưởng thụ các biểu đạt văn hóa từ nhiều nguồn gốc khác nhau.

Nhận thấy tầm quan trọng của việc phải bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam với nhiều biểu đạt phong phú, ngày 7-8-2007, Việt Nam đã chính thức phê chuẩn Công ước về Bảo vệ và Phát huy sự Đa dạng các Biểu đạt văn hóa./.

Biểu đạt văn hóa” nói đến những cách hình thành và biểu thị sự sáng tạo của các cá nhân và các nhóm xã hội khác nhau. Những biểu thị này bao gồm các biểu đạt chuyển tải qua từ ngữ (trong văn học, chuyện kể...), qua âm thanh (như phim, ảnh..), qua các hoạt động (múa, đóng kịch..), qua các vật thể (như tượng, tranh...), hay có thể được chuyển tải dưới bất kỳ hình thức nào (như in ấn, nghe, nhìn, điện tử...).