Tận dụng ưu thế, nâng cao hiệu quả sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền của Quân đội nhân dân Việt Nam
TCCS - Các phương tiện truyền thông xã hội là kênh kết nối, chia sẻ và tiếp nhận thông tin ngày càng phổ biến trong đời sống xã hội hiện nay. Hoạt động thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông xã hội là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội trong tình hình mới.
Với ưu thế nhiều người tham gia, khả năng tương tác, lan truyền thông tin nhanh, đa dạng, dễ tiếp cận,... các phương tiện truyền thông xã hội trở thành một trong những phương tiện tuyên truyền chính trị hiệu quả, góp phần chuyển tải thông tin chính thống một cách kịp thời và tiện lợi. Tuy nhiên, hiện nay, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị luôn triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội để phát tán thông tin xấu, độc, xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành quả công cuộc đổi mới; đẩy mạnh thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, kích động biểu tình, bạo loạn,... nhằm tác động vào nhận thức, tư tưởng, gây hoang mang, dao động, làm giảm sút lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hoạt động thông tin, tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai toàn diện, đồng bộ các giải pháp, cả về tổ chức, lực lượng, nội dung, hình thức, phương tiện tiến hành. Chú trọng phát huy vai trò của các lực lượng tham gia tuyên truyền, nhất là cấp ủy, bí thư, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, Ban Chỉ đạo 35, lực lượng 47 các cấp. Qua đó, kịp thời định hướng nhận thức, tư tưởng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trước các vấn đề phức tạp, nhạy cảm; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch bằng những bài viết sắc sảo, tính chiến đấu cao, có cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục, được dư luận đồng tình, ủng hộ...
Quá trình triển khai, tổ chức thực hiện đã có nhiều mô hình, biện pháp, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, như thành lập lực lượng chuyên sâu, xây dựng các trang Fanpage, nhóm Blog, biên soạn “ngân hàng dữ liệu thông tin số”, tổ chức “diễn tập đấu tranh trên mạng”, các chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội, “nhận diện sự thật”,... của các cơ quan báo chí để kịp thời cung cấp thông tin chính thống, phục vụ hoạt động tuyên truyền chính trị và đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội trong quân đội không những góp phần lan tỏa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, mà còn đẩy mạnh hoạt động huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn,... đạt hiệu quả thiết thực, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Nền tảng tư tưởng của Đảng được giữ vững và tăng cường trong quân đội, toàn quân luôn vững vàng về chính trị, tư tưởng, kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân; nhận thức đúng đắn về nhiệm vụ cách mạng của quân đội trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; cổ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ nêu cao ý chí, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, sẵn sàng nhận, hoàn thành tốt và xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Những năm tới, sự phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ, sự bùng nổ thông tin - truyền thông toàn cầu, các phương tiện truyền thông xã hội vẫn là công cụ hữu hiệu để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền chính trị trong xã hội nói chung và quân đội nói riêng. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông xã hội cũng bị các thế lực thù địch, phản động triệt để lợi dụng để đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta bằng các chiêu trò “thâm, hiểm, độc”. Từ đó đặt ra yêu cầu rất cao đối với công tác tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội trong quân đội; đồng thời, đòi hỏi các cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp tích cực, chủ động quán triệt và thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và hướng dẫn của cơ quan chính trị các cấp đối với hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội. Từ Quân ủy Trung ương đến các chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, chặt chẽ, tổ chức hiệu quả hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội nhằm giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với quân đội; xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, làm cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tin tưởng và nhất trí cao đối với sự lãnh đạo và đường lối đổi mới, chiến lược quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng trong tình hình mới; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Tiếp tục phát huy vai trò nêu gương, ý thức trách nhiệm của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; nâng cao nhận thức về vị trí, giá trị, ý nghĩa, tầm quan trọng của hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thường xuyên quan tâm nắm bắt, đánh giá đúng thực trạng tình hình hoạt động tuyên truyền chính trị của cơ quan, đơn vị; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân để kịp thời có những chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, sát đúng, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Nâng cao chất lượng xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch, nội dung tuyên truyền đúng, sát với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị và đảng ủy, cơ quan chính trị cấp trên. Đồng thời, dự báo sự phát triển của tình hình; tích cực đấu tranh, chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa với nhiều tầng, nhiều lớp, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Phát huy tốt vai trò, chức năng tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chính trị và các tổ chức quần chúng, hội đồng quân nhân; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương để thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Hai là, đổi mới nội dung, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức và phương pháp hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội. Tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội phải bảo đảm tính khách quan, toàn diện, chính xác, kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, tránh chung chung, dàn trải, phải phù hợp với tình hình, nhiệm vụ và trình độ nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; kiên trì thế giới quan, phương pháp luận khoa học và các giá trị cốt lõi của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là cơ bản, thường xuyên, lâu dài, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả, kịp thời; kết hợp giữa nhiệm vụ trước mắt và nhiệm vụ lâu dài; bám sát tình hình thực tiễn và hoạt động của bộ đội để chủ động tiến hành bằng nhiều phương thức, biện pháp khác nhau, tiến hành thường xuyên, liên tục, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Nội dung tuyên truyền cập nhật những diễn biến hằng ngày, hướng vào những vấn đề thời sự, nhạy cảm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; khắc phục sự trùng lặp, dàn trải... Tập trung vào những vấn đề lý luận cơ bản của nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam, nhiệm vụ của quân đội và thành tựu của công cuộc đổi mới; những nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt theo phương châm “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Đấu tranh kiên quyết, sắc bén, hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, mưu toan “phi chính trị hóa” quân đội và thủ đoạn, phương thức truyền bá các quan điểm sai trái, thù địch chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội và chế độ ta,... Đồng thời, khẳng định bản chất khoa học, cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao hiệu quả, tính thuyết phục trong giáo dục và đấu tranh phản bác những luận điệu xuyên tạc, bóp méo, vu cáo, bịa đặt, sai trái của các thế lực thù địch, phản động.
Đẩy mạnh phổ biến và tuyên truyền rộng rãi trên các trang tin của Bộ Quốc phòng, Trung tâm Thông tin Khoa học quân sự, của các quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, học viện, nhà trường,... trên internet và trên mạng truyền số liệu quân sự (Cổng Thông tin điện tử, Báo điện tử Quốc phòng, Mạng Thông tin Khoa học quân sự) nhằm gia tăng lượng truy cập, khai thác, trao đổi, viết tin, bài tuyên truyền. Các cơ quan báo chí quân đội tăng cường xây dựng và đổi mới các chuyên trang, chuyên mục, chương trình, thời lượng đăng tải các tin, bài tuyên truyền; nghiên cứu những hình thức tuyên truyền mới, phù hợp với trình độ nhận thức của từng đối tượng cụ thể; bám sát các sự kiện chính trị, vấn đề dư luận quan tâm, nắm chắc âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá mới của các thế lực thù địch để viết tin, bài tuyên truyền, định hướng dư luận và đấu tranh phản bác những quan điểm, luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội.
Các cơ quan thông tấn, báo chí, xuất bản của quân đội đăng tải chính xác, kịp thời, đầy đủ những thông tin chính thống của Đảng, Nhà nước và quân đội; nhất là các tin, bài chính luận, luận chiến phản bác những quan điểm, luận điệu xuyên tạc, vu cáo, bịa đặt của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị mưu toan phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng trong quân đội.
Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện, phối hợp xử lý hiệu quả các trang mạng có nội dung tuyên truyền chính trị phản động; tiến hành ngăn chặn, bóc gỡ nguồn phát tán những tư tưởng, quan điểm sai trái, thù địch và thông tin xấu, độc; chủ động chiếm lĩnh truyền thông, thực hiện nghiêm quy định về bảo mật thông tin, nhất là thông tin mật, thông tin quân sự lưu hành nội bộ; từng bước làm chủ thế trận tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội. Tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện kỹ năng sử dụng, ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ để các phương tiện truyền thông xã hội thật sự là một diễn đàn để giải trí, kết bạn, chia sẻ thông tin. Chú trọng hình thành ở quân nhân thói quen sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội tích cực, có kiến thức toàn diện, hiểu biết thực tiễn chính trị - xã hội trong nước và thế giới, biết chia sẻ, làm chủ bản thân, biết kiềm chế cảm xúc trong mọi tình huống.
Ba là, tập trung xây dựng lực lượng nòng cốt, từng bước hiện đại hóa các trang bị, phương tiện kỹ thuật, công nghệ, bảo đảm hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội của các cơ quan, đơn vị trong quân đội. Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, cơ quan chính trị các cấp và lực lượng chuyên trách làm công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, xuất bản, văn học, nghệ thuật trong quân đội có bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực tư duy lý luận và trải nghiệm thực tiễn, thực sự trở thành “hạt nhân” nòng cốt, giữ vai trò chủ đạo, định hướng hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội. Thường xuyên quan tâm xây dựng, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị, khoa học xã hội và nhân văn quân sự, tham gia Ban Chỉ đạo 35 và lực lượng 47 các cấp; cán bộ hoạt động trên các lĩnh vực công nghệ thông tin, quản trị mạng để họ trở thành lực lượng nòng cốt trong hoạt động tuyên truyền chính trị và tiên phong trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; góp phần giữ vững trận địa tư tưởng, văn hóa của Đảng trong quân đội.
Đồng thời, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm kinh phí, từng bước hiện đại hóa các trang bị, phương tiện kỹ thuật, công nghệ phục vụ hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội. Nâng cấp hệ thống máy chủ quản lý trang web, xử lý, lưu trữ dữ liệu thông tin, tuyên truyền,... bảo đảm nhanh chóng, an toàn, bảo mật. Trang bị hệ thống bảo mật thông tin, tuyên truyền cho các cơ quan, đơn vị nhằm tránh lộ, lọt thông tin, đặc biệt là các thông tin mật, thông tin lưu hành nội bộ. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường truyền số liệu quân sự đến toàn bộ các đầu mối đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, hỗ trợ các cơ quan, đơn vị triển khai hệ thống mạng LAN nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho truy cập, khai thác, phổ biến thông tin nhanh chóng, an toàn trong môi trường quân sự trên các trang tin điện tử Bộ Quốc phòng; xây dựng hệ thống thư viện số, kết nối toàn quân; triển khai các phòng truy cập internet, Misten tại các đơn vị phục vụ cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, trao đổi, tìm kiếm thông tin cho công tác học tập, nghiên cứu thực hiện nhiệm vụ.
Bốn là, coi trọng làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội của các cơ quan, đơn vị trong quân đội. Thực tiễn tổ chức hoạt động này trong quân đội những năm qua đã cho thấy, cơ quan, đơn vị nào làm tốt công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm thì đạt chất lượng, hiệu quả cao, thiết thực; ngược lại, làm qua loa, chiếu lệ, hình thức thì hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội ở cơ quan, đơn vị đó bộc lộ hạn chế, khuyết điểm. Do vậy, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp phải coi trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân. Đồng thời, khắc phục sự bảo thủ, kinh nghiệm chủ nghĩa, giáo điều, thoát ly thực tế hoặc “khoán trắng” cho các cơ quan, lực lượng chức năng... Phát hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các tập thể, cá nhân để kịp thời biểu dương, phổ biến, nhân rộng trong toàn quân.
Mặt khác, kiên quyết chấn chỉnh, nhắc nhở, uốn nắn những tập thể, cá nhân nhận thức còn đơn giản, làm chưa tốt, chưa tạo thành phong trào rộng khắp trong các tổ chức, cơ quan, đơn vị mình. Trên cơ sở đó, rút ra những bài học kinh nghiệm, tham mưu, đề xuất với cấp trên về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn và giải quyết những vướng mắc, bất cập nảy sinh trong tổ chức thực hiện; nhất là bổ sung, hoàn thiện cơ chế phối hợp với các ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương,... tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của tập thể, cá nhân, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền chính trị trên các phương tiện truyền thông xã hội trong điều kiện mới.
Vì vậy, trách nhiệm của các cấp ủy, bí thư, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp là phải nhận thức đúng đắn cả mặt tích cực và tiêu cực của các phương tiện truyền thông xã hội, tích cực tìm hiểu, học hỏi các kỹ năng, nguyên tắc sử dụng phương tiện truyền thông xã hội và tận dụng các phương tiện truyền thông xã hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền chính trị, góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, luôn xứng đáng là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới./.