Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong bối cảnh mới hiện nay
TCCS - Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, của Thành ủy Hà Nội “Về phát triển văn hóa; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021 - 2025” đã đặt ra mục tiêu phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, thực sự trở thành sức mạnh, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô. Chương trình cũng xác định một trong những giải pháp trọng tâm và đi đầu để thực hiện thành công mục tiêu, đó là nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô trong bối cảnh mới hiện nay.
Đa dạng hóa nội dung và hình thức tuyên truyền
Mảnh đất Thăng Long - Hà Nội với bề dày hàng nghìn năm văn hiến là nơi “lắng hồn núi sông”, hội tụ, kết tinh những giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Để lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc và nét tinh tế của người Hà Nội thanh lịch, văn minh đến mọi miền đất nước, thành phố Hà Nội xác định cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Hà Nội trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Thành ủy Hà Nội và hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã chú trọng đầu tư nguồn lực cho công tác tuyên truyền, đồng thời khuyến khích đổi mới, sáng tạo hoạt động này với nhiều hình thức ngày càng phong phú, đa dạng và hấp dẫn, như tuyên truyền miệng, tuyên truyền trực quan, tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, truyền thông đa phương tiện.
Hình thức tuyên truyền miệng được thực hiện thông qua việc tổ chức hội nghị, tập huấn, tọa đàm, sinh hoạt chi bộ, câu lạc bộ, cuộc thi, phát tin bài trên hệ thống truyền thanh gắn với chủ đề xây dựng văn hóa, con người, xây dựng nếp sống văn minh, nếp ứng xử văn hóa của người Hà Nội… Hình thức tuyên truyền trực quan thể hiện thông qua hệ thống pa-nô, áp-phích, khẩu hiệu…, được đổi mới trên nhiều chất liệu có độ bền cao, áp dụng công nghệ hiện đại (màn hình điện tử, màn hình led…) với hàng triệu sản phẩm đã tác động tích cực trực tiếp tới nhận thức của người dân, góp phần làm đẹp đường phố của Thủ đô, tiêu biểu là các quận, huyện, như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Đông Anh, Phú Xuyên, Quốc Oai, Thanh Trì… Đặc biệt, hoạt động tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng, truyền thông đa phương tiện của Thủ đô thời gian qua được chú trọng và có nhiều đổi mới. Thành phố Hà Nội đã phát huy hiệu quả hoat động của các cơ quan báo chí thành phố và huy động sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí Trung ương đóng trên địa bàn để tạo sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền các quan điểm, chủ trương, chính sách phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Các cơ quan báo chí, như báo Hà Nội mới, báo Kinh tế và Đô thị, báo An ninh Thủ đô, Đài Phát thanh và truyền hình Hà Nội... đã đăng tải sinh động, phong phú các tin, bài về văn hóa và con người Hà Nội với nội dung sâu sắc cùng hình thức ấn tượng, hấp dẫn. Báo Hà Nội mới đã đăng hàng nghìn tin, bài về văn hóa Thủ đô với các chuyên mục, như “Thơ”, “Ngược xuôi văn nghệ”, “Lượm lặt quanh ta”, “Đối thoại Chủ nhật”, “Góc nhìn văn hóa”; báo Kinh tế và Đô thị xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về “văn hóa”, “du lịch”, “Hà Nội thanh lịch văn minh”, “Hà Nội đẹp và chưa đẹp”, Lăng kính văn hóa”... Hệ thống phát thanh của các quận, huyện, thị xã, xã, thị trấn đã tăng cường thời lượng tuyên truyền với hàng vạn tin, bài phản ánh việc triển khai các nghị quyết, chương trình về xây dựng văn hóa, con người Thủ đô, qua đó góp phần cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở. Thành phố Hà Nội cũng chủ động, tăng cường phối hợp công tác tuyên truyền với các cơ quan báo chí Trung ương thông qua nhiều hình thức, như giao ban thông tin báo chí; ký kết chương trình phối hợp hằng năm, đặt hàng tuyên truyền nhân những sự kiện lớn hay những vấn đề trọng tâm, khâu đột phá của Hà Nội trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ…
Bên cạnh đó, công tác thông tin, truyền thông đối ngoại cũng được thành phố Hà Nội chú trọng thông qua phát triển đa dạng các loại hình, như du lịch văn hóa gắn với các di sản nổi tiếng; hoạt động ngoại giao, giao lưu, hợp tác, tổ chức các sự kiện quốc tế về văn hóa, thể thao (như những ngày văn hóa Hà Nội ở các nước và ngày văn hóa các nước tại Hà Nội; đẩy mạnh đầu tư xây dựng kênh thông tin đối ngoại,… Thành phố cũng tăng cường tuyên truyền, nâng cao chất lượng thông tin quảng bá hình ảnh Thủ đô và đất nước ra nước ngoài thông qua việc phối hợp tuyên truyền trên các kênh thông tin đối ngoại quốc gia, như VTV4, VOV1, VOV5, VTC10; chuyên trang tiếng Anh của Cổng thông tin điện tử Chính phủ; chuyên trang tuyên truyền về Hà Nội của Vietnamplus Thông tấn xã Việt Nam với 5 ngôn ngữ (tiếng Việt, Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Trung Quốc); phát tin tức trên kênh tiếng Anh 24/7 phát sóng trên tần số 104 MHz; trang web vovworld.vn (12 thứ tiếng) và nhiều tin, bài trong các chuyên mục “Đi đâu xem gì”, “Ẩm thực cuối tuần”, “Âm nhạc”... của kênh FM 24/7, các tọa đàm ngoại cảnh tiếng Anh “Hà Nội trong mắt người nước ngoài”; các chương trình, phóng sự về “Hà Nội hội nhập và phát triển”, giới thiệu những đổi mới, thành công của Hà Nội trong cải cách hành chính, phát triển kinh tế, đô thị và công tác đối ngoại; tạp chí chuyên đề “Khám phá làng nghề Hà Nội” giới thiệu đến công chúng những giá trị văn hóa của các làng nghề truyền thống trên địa bàn Thủ đô... Các nội dung tuyên truyền nhận được sự phản hồi tích cực từ khán, thính giả, đặc biệt là người nước ngoài, kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài. Từ năm 2017, thành phố Hà Nội hợp tác với Mạng tin tức truyền hình cáp CNN để tuyên truyền quảng bá hình ảnh lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội - Việt Nam trên kênh CNN quốc tế, mang lại hiệu quả truyền thông đột phá.
Thành phố Hà Nội cũng xây dựng nhiều ấn phẩm với nhiều hình thức phong phú, đa ngôn ngữ, có hàm lượng thông tin và văn hóa cao, qua đó quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô để phát triển du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài. Các ấn phẩm được sử dụng tại ở các sự kiện đối ngoại, ngoại giao, hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước của lãnh đạo thành phố. Các ấn phẩm, phim tuyên truyền 30 phút, 15 phút, 5 phút, phim tư liệu bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau về du lịch Hà Nội được phát sóng trên truyền hình và tại các hội chợ du lịch. Thành phố cũng thực hiện hệ thống hóa điểm du lịch của các quận, huyện, thị xã trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 3D, 360 độ; phát triển trang du lịch Hà Nội kết nối toàn cầu để các doanh nghiệp, tổ chức, khách du lịch trao đổi, giao dịch, mua bán sản phẩm, dịch vụ du lịch; xây dựng bản đồ số về du lịch theo công nghệ GIS...
Một trong những điểm mới nổi bật nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” là việc Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 94B-KH/TU, ngày 20-6-2018, “Về việc tổ chức Giải Báo chí về phát triển văn hóa và xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh lần thứ I - năm 2018”. Đến nay, sau hơn 5 năm tổ chức, giải báo chí đã thu hút được sự quan tâm của các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội, phát hiện nhiều vấn đề đặt ra trong thực tiễn phát triển văn hóa Thủ đô, đồng thời lan tỏa nhiều tấm gương điển hình, nhiều cách làm hay, mô hình hiệu quả trong xây dựng văn hóa, con người Hà Nội; qua đó góp phần khơi dậy niềm tự hào và thúc đẩy khát vọng cống hiến, dựng xây trong mỗi người dân, hướng tới một Hà Nội vừa giàu bản sắc văn hóa vừa văn minh, hiện đại, xứng tầm vị thế của Thủ đô.
Một số kết quả đáng ghi nhận
Nhờ hiệu quả của các hoạt động tuyên truyền, công tác xây dựng văn hóa và con người Thủ đô thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Chương trình số 06-CTr/TU, ngày 17-3-2021, “Về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025” được quán triệt tới các cấp ủy, chính quyền và nhân dân, được cụ thể hóa thành nhiều hoạt động thiết thực. Thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các huyện xây dựng hàng trăm nhà văn hóa thôn còn thiếu trên địa bàn. Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa được chú trọng; chất lượng, quy mô các hoạt động văn hóa, văn nghệ ngày càng được nâng cao; hoạt động giao lưu, hợp tác văn hóa, thể thao với các tỉnh, thành phố trong nước, quốc tế được mở rộng… Hoạt động tuyên truyền về chủ đề các năm, nhất là chủ đề năm 2022 và 2023 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” được đẩy mạnh và ngày càng hiệu quả. Trên cơ sở đó, thực hiện các chủ đề năm, ngành văn hóa của Thủ đô cũng có nhiều nỗ lực để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về văn hóa, công tác thanh tra, kiểm tra, hoàn thiện thể chế, công tác tu bổ, tôn tạo các di tích… Thành phố cũng tổ chức các lễ hội văn hóa với nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật, tôn vinh, quảng bá di sản văn hóa, như trưng bày và giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ có tính thiết kế sáng tạo; tổ chức không gian mỹ thuật dân gian, giới thiệu các loại hình văn hóa dân gian đương đại giàu giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật; trình diễn di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống đương đại, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể Hà Nội (ca trù, hát ví, hát dô, hát xẩm, múa rối,…); qua đó, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, góp phần gìn giữ, phát huy và quảng bá bản sắc văn hóa Thủ đô và cả nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thành phố cũng đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội và Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội với nhiều hình thức, mô hình đổi mới, sáng tạo… tại cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học, các khu dân cư và ở những nơi công cộng. Các địa phương, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn thành phố đã triển khai nhiều phong trào thi đua phù hợp với đặc thù của của ngành, đơn vị và đạt nhiều kết quả tích cực, như Mặt trận Tổ quốc thành phố với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố với phong trào “Xây dựng người phụ nữ Thủ đô trung hậu - năng động - sáng tạo - đảm đang - thanh lịch”, triển khai cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp”; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố với cuộc vận động “Xây dựng thế hệ trẻ Thủ đô văn minh - thanh lịch - hiện đại”; Liên đoàn Lao động thành phố với cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn hóa công nghiệp” với 5 tiêu chuẩn đối với cá nhân và 3 tiêu chuẩn đối với tập thể; Hội Cựu chiến binh thành phố với phong trào xây dựng “Hội trong sạch vững mạnh, Hội viên gương mẫu, Gia đình hội viên văn hóa”, phấn đấu “trọn nghĩa vẹn tình, văn minh, thanh lịch”; Hội Nông dân thành phố với cuộc vận động “Người nông dân Hà Nội thanh lịch - văn minh” với 5 tiêu chuẩn thanh lịch - hiểu biết - năng động - nghĩa tình - kỷ cương; Công an thành phố tập trung triển khai tốt phong trào “Công an nhân dân thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”; Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố với phong trào thi đua “Hai tốt”, triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng “Nhà trường văn hóa - Nhà giáo mẫu mực - Học sinh thanh lịch”… Thành phố phát động thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường, xã hội bằng nhiều hình thức phong phú; xây dựng nếp sống văn minh, thanh lịch thông qua tổ chức xét chọn, biểu dương người tốt việc tốt, danh hiệu công dân Thủ đô ưu tú; thực hiện giảng dạy nếp sống thanh lịch, văn minh trong trường học; thực hiện đổi mới phong cách, thái độ ứng xử của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh trong ngành y tế… Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thành phố có sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành các quy định, quy chế của cơ quan, đơn vị về thực hiện nhiệm vụ được giao; sắp xếp, sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả, nhất là thái độ của cán bộ, công chức ở bộ phận “một cửa” của ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có sự thay đổi rõ rệt. Các tầng lớp nhân dân Thủ đô cũng ngày càng có ý thức hơn trong xây dựng những chuẩn mực văn hóa tốt đẹp, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa Thủ đô lành mạnh.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về văn hóa, con người Thủ đô thời gian tới
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác tuyên truyền về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô hiện nay vẫn còn một số hạn chế. Hoạt động tuyên truyền ở một số địa phương còn hình thức, hiệu quả chưa cao. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền còn thiếu chặt chẽ, đồng bộ dẫn đến chồng chéo, buông lỏng, giảm hiệu lực, hiệu quả. Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nói chung và công tác tuyên truyền chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng văn hóa của Thủ đô và chưa thực sự hiệu quả. Thời gian tới, để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về văn hóa, con người Thủ đô, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Một là, tiếp tục đổi mới về nội dung và hình thức các hoạt động tuyên truyền, khuyến khích sự sáng tạo trong công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến, triển khai các chỉ thị, nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án... nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và mỗi người dân Thủ đô về vị trí, vai trò của văn hóa, con người trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, để văn hóa phát triển xứng tầm với vị thế Thủ đô trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng văn hóa Thủ đô vừa giàu bản sắc vừa hiện đại, văn minh, thực sự trở thành nền tảng tinh thần, nguồn lực nội sinh quan trọng quyết định sự phát triển bền vững.
Hai là, tiếp tục đầu tư xứng đáng cho các hoạt động tuyên truyền để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng ở các cấp, như việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố; giáo dục ứng xử văn hóa và đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực trên địa bàn thành phố; giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh trong học sinh Hà Nội; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa địa phương trong các nhà trường... Tiếp tục tuyên truyền về các nội dung trọng tâm, như xây dựng văn hóa kinh tế, văn hóa sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, văn hóa quản lý kinh tế, văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, văn hóa học đường, văn hóa công vụ...
Ba là, cơ chế khuyến khích và phát huy vai trò của các phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí, truyền thông của thành phố, phối hợp hiệu quả với cơ quan báo chí Trung ương trên địa bàn thành phố nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền để nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm, vai trò gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần sẵn sàng cống hiến, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Phát hiện, cổ vũ, động viên, nhân rộng các điển hình tiên tiến, các mô hình tiêu biểu, cách làm hay có khả năng lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp trong xã hội; “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”; đồng thời phê phán, đấu tranh những cái xấu, cái chưa đẹp, cái phản văn hóa trong đời sống văn hóa Thủ đô.
Bốn là, đề cao và phát huy vai trò tuyên truyền, vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ thành phố tới cơ sở trong việc tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhân dân, phát huy tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Thủ đô. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, thực hiện phải quán triệt sâu sắc, nâng cao trước tiên nhận thức và hành động của mỗi cán bộ, đảng viên, sau đó là các tầng lớp nhân dân. Công tác tuyên truyền cần xác định rõ quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện hiệu quả để góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, con người, cần được cụ thể hóa bằng những chương trình, đề án, kế hoạch... và các văn bản theo hướng thiết thực, vừa toàn diện, vừa cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá trên tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Năm là, tiếp tục mở rộng, phát huy hiệu quả công tác thông tin đối ngoại, phối hợp với các hãng thông tấn báo chí uy tín ở ngoài nước để tuyên truyền, quảng bá văn hóa đất Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến và người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa thông qua công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa và tranh thủ tối đa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội” của các vùng, miền trong nước, đặc biệt sự ủng hộ, giúp đỡ tích cực của quốc tế trong giai đoạn hội nhập hiện nay; góp phần đưa Thủ đô phát triển lên một tầm cao mới, trở thành “Thành phố sáng tạo” trong khu vực và thế giới./.
Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững Thủ đô trong thời kỳ mới  (02/07/2023)
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ cuối): Để báo chí định hướng, tạo đồng thuận xã hội, góp phần thiết thực vào sự phát triển của Thủ đô  (22/06/2023)
Hà Nội chú trọng truyền thông tạo đồng thuận xã hội (kỳ 3): Tránh cứng nhắc, rập khuôn để tạo hiệu quả  (12/06/2023)
- Một số giải pháp đổi mới phương thức cầm quyền của Đảng hiện nay
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên