TCCSĐT - Sở y tế của nhiều địa phương đã chủ động, tích cực tuyên truyền trong nhân dân, ở các trường học và tổ chức phòng chống lây lan bệnh tay chân miệng trong cộng đồng.

Hà Tĩnh tập trung phòng chống bệnh tay chân miệng

Ngày 25-10, bác sĩ Nguyễn Chí Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Số ca mắc bệnh tay chân miệng ở Hà Tĩnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều trường hợp tiếp tục được phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Hiện Trung tâm Y tế dự phòng phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền rộng rãi trong quần chúng nhân dân, đặc biệt là đối với các trường học để hạn chế việc bệnh lây lan.

Theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Hà Tĩnh, đến ngày 25-10, toàn tỉnh có 46 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; trong đó, tập trung chủ yếu ở huyện Hương Sơn (31 bệnh nhân), thành phố Hà Tĩnh và huyện Đức Thọ (8 bệnh nhân), còn lại rải rác ở các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Can Lộc.

Bác sỹ Nguyễn Chí Thanh cho biết, đa số các trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại huyện Hương Sơn đều học chung nhóm trẻ ở các xã Sơn Kim II, Sơn Bình, Sơn Hòa, Sơn Thịnh, Phố Châu và phần lớn là trẻ dưới năm tuổi. Do các trẻ mắc bệnh được phát hiện muộn nên không được cách ly, dẫn đến lây lan nhanh.

Đến ngày 25-10, có 39 bệnh nhân tay chân miệng đã được điều trị khỏi và cách ly, hạn chế lây lan, còn 7 trường hợp mắc mới ở huyện Hương Sơn và Đức Thọ đang được điều trị.

Trước tình hình bệnh tay chân miệng đang có chiều hướng lây lan, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có công văn yêu cầu các bệnh viện trong tỉnh, Trung tâm Y tế dự phòng các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác dự phòng, điều trị bệnh tay chân miệng. Theo đó, Trung tâm Y tế dự phòng địa phương tổ chức tuyên truyền trong nhân dân, ở các trường học và tổ chức phòng chống lây lan bệnh tay chân miệng; hướng dẫn các trường học, nhóm trẻ vệ sinh bàn ghế, lớp học, khử khuẩn sạch sẽ. Bên cạnh đó, cấp hóa chất, thiết bị y tế triển khai phun phòng chống bệnh; các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường nhân lực, khu vực điều trị nội trú nhằm hạn chế giảm tải, tổ chức điều trị đảm bảo cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn đề phòng lây nhiễm chéo.

Bệnh tay chân miệng tại Long An diễn biến phức tạp

Từ đầu tháng 9-2018 đến nay, bệnh tay chân miệng bùng phát mạnh tại tỉnh Long An. Dự báo thời gian tới, bệnh tay chân miệng tiếp tục gia tăng và có nhiều diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân.

Theo ghi nhận tại khoa Nhi các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn tỉnh Long An, số bệnh nhân đến điều trị bệnh tay chân miệng khá đông. Trung bình mỗi ngày, các cơ sở y tế tiếp nhận khoảng từ 5 đến 10 bệnh nhân là trẻ nhỏ có các triệu chứng sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da chủ yếu ở dạng mụn nước.

Bác sĩ Phạm Công Anh Vũ, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Long An cho biết: So với các thời điểm khác, khoảng 2 tháng gần đây, bệnh tay chân miệng gia tăng mạnh, bệnh nhân đến bệnh viện đông hơn. Sau khi thăm khám, các bệnh nhân đều được điều trị ở khu riêng, theo dõi chặt chẽ, mỗi ngày khám 2 lần kể cả cuối tuần để tránh bệnh diễn biến theo chiều hướng xấu.

Ông Huỳnh Minh Phúc, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Long An cho biết: Trước tình hình bệnh tay chân miệng có nhiều diễn biến phức tạp, Sở Y tế Long An đã chỉ đạo các đơn vị, đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất phòng, chống dịch chuyển về cho các địa phương; giám sát chặt chẽ, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch nếu xảy ra. Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, giúp người dân chủ động phòng bệnh cho bản thân và cộng đồng.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu lây theo đường tiêu hóa hoặc do tiếp xúc với nước bọt, dịch mũi họng, mụn nước của người nhiễm virus. Đây là bệnh rất dễ gặp phải ở trẻ em và có khả năng lây nhiễm cao, gây nhiều biến chứng khó lường, rất dễ bùng phát diện rộng tại những điểm tập trung đông trẻ em như trường học, nhà trẻ không bảo đảm vệ sinh.

Do đó, ngành Y tế Long An khuyến cáo, người dân cần thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm… để phòng bệnh. Các trường hợp phát hiện có dấu hiệu nghi bị bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám và điều trị. Khi trẻ bị bệnh nên hạn chế đến những nơi đông người để tránh lây lan ra cộng đồng...

Theo thống kê của Sở Y tế Long An, tính từ đầu năm 2018 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 2.300 ca mắc bệnh tay chân miệng, chưa có trường hợp tử vong. Trong đó, chỉ tính riêng tháng 9-2018 trên địa bàn tỉnh đã có gần 900 ca mắc tay chân miệng, tập trung chủ yếu ở một số địa bàn đông dân cư, điều kiện sinh sống chật hẹp, chưa đảm bảo vệ sinh như, Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước.../.