Đề phòng tình trạng lạnh cóng và các bệnh thường gặp trong mùa đông
Tình trạng lạnh cóng trong mùa đông
Mùa đông ở miền Bắc tròi lạnh, ẩm thấp, tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Mùa đông là quãng thời gian chứa nhiều mối đe dọa cho sức khỏe, đặc biệt là đối với người già, trẻ em và những người đang mắc bệnh gì đó. Nhiệt độ không khí thấp, gió lạnh, mưa dầm, sương giá… chính là thủ phạm “tiếp tay” cho rất nhiều bệnh, mà phổ biến nhất là bệnh hô hấp như viêm họng, viêm mũi, viêm phổi, hen suyễn v.v…
Mùa đông còn là môi trường vô cùng thuận lợi để cơ thể chúng ta rơi vào tình trạng bị lạnh cóng. Lạnh cóng cơ thể là tình trạng thường gặp trong mùa đông, đặc biệt là với người già, trẻ nhỏ. Tuy không phải là một bệnh cụ thể nhưng tình trạng lạnh cóng rất nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí còn có thể gây tử vong.
Biểu hiện:
Mũi, má, cằm, ngón chân, ngón tay là những bộ phận cơ thể dễ bị lạnh cóng nhất.
Khi rét cóng, những bộ phận này sẽ mất dần cảm giác. Người bị cóng chỉ thấy tê cứng, buốt nhói, da tím tái hoặc trắng nhợt, cũng có thể đỏ bầm, ngón tay ngón chân không cử động được, hàm cứng lại, đánh lập cập vào nhau, toàn thân run bần bật v.v… Có một số trường hợp chính người bị rét cóng không nhận biết được là mình đang bị như vậy. Nếu tình trạng lạnh cóng không được sơ cứu và cấp cứu kịp thời thì hậu quả sẽ hết sức nguy hiểm. Người bị cóng có thể rơi vào hôn mê hoặc tử vong.
Một số tác nhân:
- Mặc không đủ ấm.
- Không đội mũ.
- Không giữ ấm đôi tay và đôi chân.
- Làm việc ngoài trời lạnh quá lâu.
- Đi xe máy trên quãng đường dài.
- Bị ướt do gặp mưa hoặc làm những công việc tiếp xúc với nước (như đồng áng, sông suối, ao hồ…).
- Ít vận động, chỉ ngồi hoặc nằm hoặc đứng một chỗ.
- Ăn uống thiếu chất, bị đói, bị khát.
- Ăn uống đồ lạnh.
- Nhà cửa không đủ kín gió, không đủ ấm.
- Uống rượu nhiều.
Sơ cứu:
- Đưa nạn nhân vào chỗ kín gió, ấm áp, khô ráo.
- Đặt nạn nhân nằm ở tư thế không kê cao chân, vì nếu chân cao hơn thân mình thì chân càng dễ bị cóng thêm.
- Ủ ấm bằng chăn, quần áo, đặc biệt cần ủ ấm phần đầu, ngực, nách, bẹn…
- Ngâm phần chân tay bị cóng vào nước ấm. Tuyệt đối không ngâm vào nước nóng và không hơ lên lửa. Nếu làm như vậy, nạn nhân sẽ rất dễ bị bỏng (do chân tay nạn nhân không còn cảm giác, không nhận biết được nhiệt độ cao). Không nên dùng dầu nóng xoa bóp phần chân tay bị cóng vì dầu nóng và các động tác xoa bóp rất dễ gây tổn thương thêm cho tế bào vùng này.
- Có thể cho nạn nhân uống chút nước ấm.
- Gọi cấp cứu.
Phòng tránh tình trạng lạnh cóng:
- Giữ cho nhà cửa, phòng ở được ấm áp, kín gió.
- Mặc quần áo đủ ấm. Nên mặc nhiều lớp để giữ nhiệt. Tránh mặc quần áo bó sát vì như thế máu khó lưu thông, dễ bị ngứa ngáy khó chịu.
- Những ngày quá lạnh, dù ở trong nhà cũng cần đội mũ, đội khăn che tai vì đầu chính là nơi có tới hơn 1/3 nhiệt lượng cơ thể thoát ra ngoài.
- Tránh đứng yên hoặc ngồi một chỗ quá lâu vì như vậy máu khó lưu thông và cơ thể không sinh ra nhiệt.
- Khi phải ra ngoài hay làm việc ngoài trời, nhất thiết phải đeo khẩu trang để tránh bị mất nhiệt qua hơi thở.
- Bảo vệ bàn tay bàn chân bằng găng tay, bít tất, giày ấm.
- Nếu phải đi lại, làm việc dưới trời mưa hoặc trong môi trường nước (như đồng ruộng, ao hồ, sông suối…) thì cần mặc áo mưa và đi ủng để giữ cho cơ thể được khô ráo. Nếu bị ướt cần phải lau khô người và thay quần áo ngay vì nước làm cơ thể mất nhiệt rất nhanh và rất nhiều.
- Nếu bắt buộc phải đi lại hoặc làm việc ngoài trời thì nên cố thu xếp để ra ngoài vào buổi trưa cho đỡ lạnh
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Ăn nóng, uống nóng để tăng nhiệt cho cơ thể.
- Khi đang đi lại hoặc làm việc ngoài trời, nếu cảm thấy đói hoặc khát thì nên tạm nghỉ để ăn uống cho ấm người. Nếu cố nhịn sẽ rất nguy hiểm.
- Tránh uống rượu vì rượu làm cơ thể mất nhiệt.
- Người già và trẻ nhỏ thường cảm nhận mức độ lạnh không chính xác, vì thế, cần được giữ ấm cẩn thận hơn.
- Những người đau yếu nằm một chỗ rất dễ bị lạnh (do không vận động), vì vậy, họ cần được giữ ấm ở mức độ cao hơn.
- Trẻ em dưới 1 tuổi rất dễ bị mất nhiệt nếu nằm ngủ một mình trong căn phòng không thực sự đủ ấm.
Các bệnh phổ biến thường gặp trong mùa đông
Ngoài ra, vào mùa đông cùng với tiết trời chuyển lạnh và những hình thái thời tiết biến đổi liên tục thường là giai đoạn mà cả người lớn và trẻ nhỏ đều dễ bị nhiễm các bệnh liên quan tới đường hô hấp, các bệnh ngoài da, xương khớp… đặc biệt bệnh dễ tái phát hoặc nặng hơn khi sức đề kháng suy giảm. Để hạn chế tình trạng này thì việc tăng cường sức đề kháng cho cơ thể thông qua chế độ dinh dưỡng cũng như luyện tập thể thao hàng ngày rất cần thiết.
Nhiệt độ xuống thấp, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm lớn, lượng ẩm trong không khí thay đổi thất thường…là những nguyên nhân chính khiến cho nhiều loại vi khuẩn, dịch bệnh phát triển. Các bệnh phổ biến thường gặp trong mùa đông có thể kể đến như:
Bệnh về đường hô hấp: Phổi hay bộ máy hô hấp thường rất nhạy cảm với sự thay đổi của thời tiết đặc biệt là khí lạnh. Mùa đông, nhiệt độ xuống thấp nên các vi sinh vật có cơ hội phát triển thuận lợi thì các bệnh về đường hô hấp cũng tăng cao. Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ. Tác nhân gây bệnh là: virus cúm, vi khuẩn gram âm, các tụ cầu vàng…
Người có tiền sử bị hen suyễn là đối tượng dễ tái phát bệnh. Phế quản của họ trở nên nhạy cảm hơn với các kích thích gây bệnh như: bụi bặm, ký sinh vật, nấm mốc, phấn hoa, lông chó mèo, lông sợi len... Để phòng viêm phổi trong mùa đông, ngoài việc giữ ấm, tránh lạnh, tránh gió... nếu thấy có các triệu chứng như: ho nhiều, sốt cao kéo dài, khó thở... bệnh nhân cần đến khám bác sĩ ngay để được điều trị kịp thời. Đồng thời phải loại trừ được các yếu tố dị nguyên gây kích thích để cắt được cơn hen trong thời gian ngắn nhất.
Thực đơn bữa ăn đủ chất có vai trò quan trọng bảo vệ sức khỏe trong mùa đông.
Các bệnh này thường xảy ra và hay tái phát ở đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi,với các biểu hiện gây ảnh hưởng lớn tới công việc và cuộc sống của người bệnh như: khó thở, sốt, ho, chảy nước mũi, mệt mỏi, ăn uống kém.
Đau nhức xương khớp: Thời tiết lạnh khiến cho các bệnh về khớp dễ tái phát với triệu chứng điển hình là đau nhức các khớp bé trong cơ thể như: khớp cổ tay, khớp bàn tay, khớp đốt ngón tay, khớp cổ chân… Ở những người lớn tuổi, vào mùa đông hay gặp bệnh viêm đa khớp dạng thấp. Bệnh kéo dài có thể dẫn tới cứng khớp, khó cử động, dính khớp và mất dần chức năng vận động của khớp gây ảnh hưởng lớn tới cuộc sống của người bệnh. Để phòng tránh bệnh hiệu quả, vào mùa đông, bạn cần phải giữ ấm cơ thể và đặc biệt là chân tay. Khi ra ngoài trời lạnh nên đeo găng tay cẩn thận, trong trường hợp bệnh nặng lên phải đi khám bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời, kết hợp với việc bổ sung đầy đủ dinh dưỡng nhằm nâng cao hệ miễn dịch, tăng khả năng phòng chống bệnh, giảm đau nhức cho người bệnh.
Cảm lạnh: Thời tiết mùa đông không ổn định, cộng với việc nhiều người chủ quan mặc không đủ ấm, bị khí lạnh cùng các tác nhân gây bệnh như virus xâm nhập vào cơ thể gây ra bệnh cảm lạnh. Triệu chứng của bệnh là toàn thân đau ê ẩm, ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, sợ gió, sợ lạnh. Để phòng và trị bệnh cảm lạnh là giữ cho cơ thể luôn ấm áp, vệ sinh sạch sẽ, nghỉ ngơi, tăng cường uống nước cam, vitamin C, nước lọc để giải độc và tăng sức đề kháng cho cơ thể đẩy nhanh tác nhân gây bệnh.
Có thể phòng chống cảm lạnh bằng cách rửa tay thường xuyên, việc này sẽ giúp tiêu diệt vi trùng ở tay sau khi bạn tiếp xúc với bề mặt của một số vật dụng như công tắc điện và tay nắm cửa. Việc dọn dẹp nhà cửa và rửa sạch những loại vật dụng gia đình như cốc chén, bát đũa rất quan trọng, nhất là khi trong gia đình có ai đó bị ốm.
Ngoài ra, nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ và uống nhiều nước là một cách phòng bệnh hữu hiệu. Súc miệng với nước muối trước khi đánh răng vào buổi sáng, sau bữa trưa và trước khi đi ngủ. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản khẳng định, những người súc miệng với nước 3 lần mỗi ngày sẽ ít bị nhiễm lạnh hơn 36% so với những người không làm việc này.
Bệnh tim mạch: Thời tiết lạnh mang đến nhiều nguy hiểm cho những người bị bệnh tim vì nó có thể làm tăng nhịp tim, tăng cường nguy cơ hình thành cục máu đông và cao huyết áp. Tim phải làm việc vất vả hơn đến giữ ấm cho cơ thể.
Vào mùa lạnh, người dân cần được giữ ấm đầy đủ, đặc biệt người cao tuổi hoặc người có tiền sử mắc các bệnh tim mạch như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh mạch vành. Cần tránh ra trời lạnh đột ngột vào buổi sáng, nhất là lúc mới ngủ dậy. Khi tắm rửa cần làm ấm phòng bằng đèn sưởi và dùng nước ấm, tránh tăng huyết áp đột ngột do lạnh.
Đối với trẻ em, cần lưu ý giữ ấm cổ và cơ thể, quàng khăn, đeo khẩu trang và hạn chế ra ngoài trời lạnh, cung cấp đủ dinh dưỡng cho trẻ. Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh, cần được thăm khám và điều trị tại các chuyên khoa về tim mạch.
Viêm mũi dị ứng: Mùa đông thường khiến cho niêm mạc mũi khô, và trở nên nhạy cảm hay dễ bị kích ứng với các tác nhân như: không khí lạnh, khói bụi, hóa chất… dẫn đến viêm mũi dị ứng. Triệu chứng của bệnh bao gồm: ngứa mũi, đôi khi kèm theo ngứa mắt, tai hay vòm họng, chảy nước mũi liên tục, nghẹt mũi. Đau họng, khàn giọng và mũi mất khả năng ngửi. Bệnh nhân thường phải thở bằng miệng, nhất là khi ngủ, dẫn đến ngáy ngủ.
Bệnh viêm mũi dị ứng tuy không nguy hiểm nhưng khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến công việc và sinh hoạt. Nếu để lâu không điều trị, bệnh tiến triển đến viêm đường hô hấp, viêm tai giữa, viêm xoang…
Để phòng tránh cần: mặc ấm, khi ra đường nên đeo khẩu trang, vệ sinh nơi ở sạch sẽ, tránh tiếp xúc với các dị nguyên như chó, mèo... Rửa mũi bằng nước muối sinh lý hàng ngày.
Các bệnh về da: Vào mùa đông, trời lạnh khiến da giảm tiết mồ hôi, và chất bã, không khí hanh khô làm da bị mất nước nhiều hơn. Da tay, chân có biểu hiện bị khô, nứt nẻ, bong vảy. Da bị nứt kèm theo triệu chứng ngứa từ lâm râm đến dữ dội, làm cho da bị trầy xước, chảy máu thậm chí có thể đóng vẩy sinh mủ.
Để bảo vệ da khỏi những triệu chứng này, nên uống nhiều nước, tránh tắm nước quá nóng, và nên dùng các loại sữa tắm, kem dưỡng có độ ẩm cao. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với các chất tẩy rửa, nên đeo găng tay khi giặt đồ hoặc rửa bát...
Hạ thân nhiệt: Những người dễ bị hạ thân nhiệt nhất là người già, trẻ nhỏ và những người có thói quen uống rượu. Khi bị hạ thân nhiệt, người bệnh cảm thấy mệt mỏi, đầu óc mơ hồ và xuất hiện những đợt rùng mình không kiểm soát. Tới khi không cảm thấy lạnh nữa, da của họ đã tái xanh, đồng tử giãn ra và không còn tỉnh táo nữa.
Theo các chuyên gia, nên tìm các biện pháp can thiệp kịp thời trong giai đoạn đầu của hạ thân nhiệt, trước khi các triệu chứng trở nặng hơn. Cách tốt nhất để giúp những người bị hạ thân nhiệt là quấn chăn xung quanh người cho tới khi cơ thể họ ấm trở lại.
Để đảm bảo cho hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, cần bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Thực đơn hàng ngày cần có đủ chất đạm, tinh bột, vitamin, khoáng chất và chất xơ là điều đặc biệt quan trọng, trong đó chất đạm có vai trò chủ đạo giúp duy trì sức khỏe cho miễn dịch của cơ thể. Chất đạm hay acid amin không chỉ có chức năng tạo năng lượng cho cơ thể hoạt động, sản sinh men tiêu hóa, hình thành cơ bắp và xương mà còn có vai trò vô cùng lớn trong việc tạo ra kháng thể, tăng cường hệ miễn dịch đẩy lùi các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, 20 phút tập thể thao mỗi ngày, 5 ngày một tuần sẽ giúp cơ thể giảm một nửa nguy cơ bị cảm lạnh mùa đông, đồng thời cũng giúp đẩy lùi và phục hồi sau thời gian bị bệnh tốt hơn./.
Lãnh đạo Lào chia buồn về việc nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ trần  (02/10/2018)
Hội nghị Trung ương 8: Đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường xây dựng Đảng  (02/10/2018)
Đồng chí Đỗ Mười với ngành dầu khí Việt Nam  (02/10/2018)
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tập trung quyết liệt vào công tác quản trị  (02/10/2018)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm