TCCSĐT - Xây dựng mô hình điểm trạm y tế xã vận hành theo nguyên lý y học gia đình nhằm giúp cán bộ ngành Y tế và người dân có thể tiếp cận ngay tại địa phương, từ đó hình dung cụ thể, rõ ràng về những trạm y tế được tăng cường năng lực thông qua đổi mới toàn diện và đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, nhân lực tới hoạt động và tài chính.

Mô hình này nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bộ Y tế đã xây dựng các tiêu chí và lựa chọn 26 Trạm Y tế xã thuộc 8 tỉnh được lựa chọn để xây dựng mô hình điểm trên cả nước.

Để đáp ứng các tiêu chí do Bộ Y tế đưa ra, tỉnh Lào Cai đã đề nghị 3 Trạm Y tế này tại ba vùng (1-2-3) phân theo mức độ khó khăn của người dân trong tiếp cận đến bệnh viện, trung tâm y tế hoặc phòng khám đa khoa khu vực. Và 3 Trạm Y tế của các xã Bản Vược, Mường Vi và Dền Sáng của huyện Bát Xát được chọn là nơi thí điểm mô hình này.

Qua khảo sát thực tế tại các Trạm Y tế trên, đoàn công tác của Bộ Y tế ghi nhận cơ sở vật chất của các trạm nhìn chung mới được xây theo thiết kế định hình của UBND tỉnh và đưa vào sử dụng năm 2016, trang thiết bị các trạm y tế đã được bổ sung cơ bản đáp ứng cho hoạt động trạm y tế theo phân tuyến, các Trạm Y tế đều được trang bị máy tính kết nối Internet bảo đảm liên thông dữ liệu với tuyến huyện.

Về nhân lực, cả 3 Trạm Y tế đều đủ cơ cấu chuyên môn theo quy định bao gồm bác sỹ, y sỹ điều dưỡng, nữ hộ sinh, dược sỹ. Các hoạt động chuyên môn được triển khai thường xuyên, hiệu quả, công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế triển khai đến các Trạm Y tế... Tuy vậy, một số Trạm Y tế như Mường Vi dù mới xây nhưng thiếu công trình phụ trợ; công tác khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế gặp nhiều khó khăn do quỹ khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế tuyến xã thấp...

Các cán bộ Trạm Y tế được chọn thực hiện mô hình điểm giai đoạn này sẽ được các cơ quan chức năng tập huấn triển khai về nghiệp vụ năng lực quản lý, đào tạo nhân lực, cung cấp trang thiết bị nhằm cải thiện hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu hệ thống y tế cơ sở và cơ cấu tổ chức, nhân lực. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đặc biệt chú trọng đào tạo công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, y tế học đường, phòng chống tai nạn thương tích, khám, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật, lập hồ sơ sức khỏe cá nhân; tăng cường năng lực trong phòng, chống bệnh, dịch và quản lý bệnh không lây nhiễm, dân số - kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em...

Thực hiện Đề án này, các cơ sở y tế tuyến huyện của Lào Cai đã tiến hành sáp nhập thành trung tâm y tế thực hiện hai chức năng khám chữa bệnh và dự phòng (trừ những huyện có bệnh viện đa khoa đạt hạng II), giải thể 14 phòng khám đa khoa khu vực không còn phù hợp, kém hiệu quả, nâng cấp 18 phòng khám đa khoa khu vực còn lại thành cơ sở 2, cơ sở 3 của bệnh viện đa khoa huyện (hoặc của trung tâm y tế huyện nơi đã thực hiện sáp nhập). Tại Lào Cai, hiện 100% xã, phường, thị trấn, có Trạm Y tế trực thuộc các Trung tâm Y tế huyện. Tại các địa bàn có cơ sở 2, 3 (hoặc phòng khám đa khoa khu vực), Trạm Y tế sẽ hoạt động lồng ghép./.