Phát triển nguồn nhân lực ngành y tế: Thực trạng và giải pháp
TCCSĐT - Nghề y là một nghề đặc biệt. Nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức; vì thế cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2017) xác định mục tiêu tổng quát: Nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ.
Vai trò nguồn nhân lực y tế
Để thực hiện mục tiêu đó, cần xây dựng hệ thống mạng lưới y tế rộng khắp, gần dân; được chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt về chuyên môn, nghiệp vụ theo ngành từ Trung ương tới địa phương trong phạm vi cả nước, đồng thời bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Đồng thời, cần xây dựng đội ngũ cán bộ y tế "Thầy thuốc phải như mẹ hiền", có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.
Trong phát triển ngành y tế, bên cạnh việc xây dựng khung khổ pháp lý thống nhất; xây dựng mạng lưới y tế đồng bộ trong toàn quốc; đầu tư nguồn lực tài chính một cách thỏa đáng để ngành y tế có thể làm tốt việc chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Nhà nước còn phải xây dựng, đào tạo đủ và phân bổ hợp lý nguồn nhân lực cho cho ngành y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của quần chúng nhân dân.
Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bởi một trong những yếu tố quyết định đến vai trò của Nhà nước đối với quản lý phát triển y tế là đội ngũ nhân lực. Nguồn nhân lực y tế có đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức… có vai trò quan trọng dẫn đến thành công hay thất bại trong việc nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo của mình đối với công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các chính sách của nhà nước trong lĩnh vực y tế có đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hay không, việc thực hiện các chính sách ấy có hiệu quả hay không, có phát huy được tác dụng hay không… phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất, đạo đức của nguồn nhân lực y tế.
Mặt khác, nhu cầu về thầy thuốc và cán bộ thuộc nhiều chuyên môn khác nhau cũng đang đòi hỏi phải đào tạo bác sĩ, dược sĩ, y tá, hộ lý với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, nắm bắt các kiến thức y học hiện đại, giỏi thực hành, có y đức tốt… Trong xây dựng đội ngũ cán bộ y tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách thích hợp, thể hiện ở tất cả các khâu từ tuyển chọn, đào tạo, đãi ngộ và tôn vinh…
Một số kết quả phát triển nguồn nhân lực y tế
Nhận thức rõ vai trò của nguồn nhân lực y tế đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách nhằm nâng cao số lượng và chất lượng của nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế và đã đạt được một số thành tựu đáng kể:
- Đa dạng hóa các hình thức đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế. Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo khác nhau để phát triển nguồn nhân lực cho các tuyến y tế. Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 1915/BYT-K2ĐT ngày 08-4-2013 hướng dẫn các cơ sở đào tạo nhân lực y tế triển khai thực hiện thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25-12-2012 quy định đào tạo liên thông trình độ cao đẳng, đại học; tiếp đó là Đề án đào tạo cử tuyển và đào tạo theo địa chỉ tiếp tục được triển khai. Cả nước có 7 trường đại học tham gia đào tạo cử tuyển với số lượng 1.448 bác sĩ và 24 điều dưỡng. Với hình thức đào tạo theo địa chỉ, cả nước có 13 trường đại học tham gia, đáp ứng 71% nhu cầu cử người đi học của các địap phương (1).
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 319/QĐ-TTG phê duyệt Đề án “Khuyến khích và phát triển nhân lực y tế chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh giai đoạn 2013-2020”, tạo ra sự thu hút trong đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực thuộc các chuyên ngành khó thu hút này. Các văn bản quy định chính sách ưu đãi nghề, phụ cấp đặc thù đã phát huy hiệu quả, bước đầu giải quyết một phần thiếu hụt nhân lực trong các lĩnh vực y tế và tạo bước đột phá, cung cấp đội ngũ nhân lực y tế đông đảo, bao phủ toàn bộ các cơ sở y tế ở các tuyến trên toàn quốc với các trình độ, chuyên ngành đa dạng, tạo sự thay đổi về chất nguồn nhân lực y tế trên cả nước.
- Số lượng và chất lượng nhân lực y tế tăng qua các năm. Kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng và tác động của các chính sách khuyến khích góp phần tăng nhanh số lượng và chất lượng đội ngũ nguồn nhân lực y tế. Năm 2011, số bác sĩ (kể cả thạc sĩ và tiến sĩ) cả nước là 64.422 người; số dược sĩ là 16.785 người (kể cả thạc sĩ, tiến sĩ); đến năm 2013, con số tương ứng là 68.466; năm 2014 là 70.362 bác sĩ và 19.083 dược sĩ, đến năm 2015 là 73.567 bác sĩ và 22.230 dược sĩ. Tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ so với số dân cũng tăng đáng kể: Năm 2011 là 7,3 bác sĩ và 1,92 dược sĩ/ 1 vạn dân; năm 2013 là 7,6 bác sĩ và 2,12 dược sĩ/ 1 vạn dân; năm 2015 là 8,0 bác sĩ và 2,41 dược sĩ/ 1 vạn dân (2). Đây mới là con số thống kê trong khu vực công lập, nếu tính cả bác sĩ đang công tác trong cơ sở y tế tư nhân thì tỷ lệ này sẽ cao hơn.
Việc bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực y tế là nhiệm vụ quan trọng nhằm tăng cường năng lực cho hệ thống y tế trong việc thực hiện tốt vai trò chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để tăng cường nhân lực cũng như chất lượng nguồn nhân lực cho các địa phương, các vùng kinh tế khó khăn, Nhà nước chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện chính sách luân chuyển cán bộ. Tác động tích cực của các chính sách ấy là số lượng cán bộ y tế tuyến cơ sở tăng lên, chất lượng được cải thiện. Năm 2011, tỷ lệ trạm y tế xã (phường, thị trấn) có bác sĩ làm việc là 67,7%; năm 2012 là 76,0% (3), năm 2015 là 79,8%. Riêng Hà Nội, trạm y tế xã có bác sĩ công tác có tỷ lệ là 93,8% và 84,7% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo tiêu chí y tế 2011 - 2020. Bên cạnh đó, số dược sĩ trình độ đại học, điều dưỡng đại học cũng tăng theo các năm đáp ứng phần nào nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Một số hạn chế trong phát triển nguồn nhân lực y tế
Mặc dù Nhà nước đã có nhiều chính sách và tạo ra những thay đổi tích cực trong việc tăng số lượng nguồn nhân lực y tế, nhưng trên thực tế, ngành y vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực, dẫn đến hạn chế chất lượng chăm sóc sức khỏe cộng đồng ở nước ta, đó là:
Một là, phân bổ nguồn nhân lực mất cân đối, bất hợp lý theo vùng, miền, lĩnh vực
Nhiều khu vực còn thiếu nhân lực y tế như Vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên có tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thấp nhất so với cả nước. Đặc biệt, một số lĩnh vực: pháp y, giải phẫu, lao, phong, tâm thần… của ngành y tế thiếu nhân lực hơn hẳn các lĩnh vực khác. Lý do của sự thiếu hụt này là do thu nhập thấp, không đủ thu hút cán bộ y tế. Tình trạng thiếu nhân lực y tế nói chung và nhân lực có trình độ là bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở, cũng như nhân lực y tế dự phòng vẫn còn là vấn đề đáng lo ngại, trong khi tỷ lệ số trạm y tế có bác sĩ ở Hà Nội là 93,8% thì Lào Cai là 35,4%; Quảng Nam là 31,6%, cá biệt ở Quảng trị chỉ 8,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc. Tình trạng biến động nguồn nhân lực y tế tại tuyến huyện, xã là vấn đề Nhà nước cần phải quan tâm hơn nữa. Số cán bộ nghỉ việc, chuyển đi ở các cơ sở tuyến huyện bằng 50% tổng số nhân lực mới tuyển dụng, ở tuyến xã, số nhân lực nghỉ việc, chuyển đi bằng 30% số mới tuyển (4). Nhiều bệnh viện huyện, trung tâm y tế huyện nhiều năm không tuyển được bác sĩ nào trong khi số lượng cán bộ chuyển đi nơi khác vẫn tiếp diễn.
Hai là, quản lý, sử dụng nhân lực y tế còn nhiều bất cập, hạn chế
Mạng lưới y tế cơ sở nói chung, gồm cả tuyến xã và tuyến huyện, chưa tạo được niềm tin cho người dân vào chất lượng dịch vụ, dẫn tới tình trạng các bệnh viện tuyến trung ương bị quá tải, trong khi các cơ sở y tế tuyến dưới không hoạt động hết công suất. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ chế sử dụng nhân lực của Nhà nước và ngành y tế chưa hợp lý, chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm chưa rõ ràng, tính trách nhiệm của người cán bộ y tế không cao, dẫn tới lãng phí nguồn lực. Bên cạnh đó, việc tuân thủ các chế độ, chính sách, quy định trong quản lý, sử dụng nhân lực y tế vẫn còn nhiều vấn đề, góp phần làm hạn chế năng lực nguồn nhân lực y tế.
Ba là, chất lượng nguồn nhân lực tuyến y tế cơ sở còn thấp
Chất lượng nguồn nhân lực y tế ở tuyến cơ sở, vùng sâu, vùng xa, miền núi chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Năng lực của cán bộ y tế, kể cả bác sĩ của tuyến xã yếu, thậm chí không đủ khả năng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhiều trạm y tế khang trang, không thiếu trang thiết bị nhưng cán bộ y tế nơi đây lại không biết sử dụng. Đây là vấn đề mà Nhà nước cần ưu tiên giải quyết trong những năm tới. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ làm việc tăng hàng năm, nhưng bác sĩ ở tuyến xã đa phần là học tại chức, hoặc chuyên tu nên năng lực chuyên môn thấp. Tỷ lệ cán bộ y tế xã có kiến thức và kỹ năng đạt yêu cầu trong sơ cấp cứu, chẩn đoán và điệu trị một số bệnh, cũng như kiến thức về xử lý bệnh dịch rất hạn chế. Một điều tra cho thấy chỉ có 17,3% số bác sĩ và y sĩ có kiến thức và kỹ năng đúng trong xử lý sơ cấp cứu, 17% số bác sĩ và y sĩ được hỏi biết được các dấu hiệu nguy hiểm trong thời kỳ phụ nữ mang thai, 50,5% cán bộ y tế được hỏi biết cách chẩn đoán tăng huyết áp, 15,6% biết cách xử lý một vụ dịch. Kết quả từ một số khảo sát khác cũng cho thấy kiến thức về chăm sóc sức khỏe sơ sinh của cán bộ trạm y tế chỉ đạt 60% so với chuẩn quốc gia; 54,3% bác sĩ có kiến thức đúng về chẩn đoán và điều trị các mức độ mất nước tiêu chảy (5).
Một số giải pháp phát triển nguồn nhân lực y tế
Nguồn nhân lực y tế là một trong những ưu tiên trong chính sách y tế mà Nhà nước Việt Nam phải đầu tư và có trách nhiệm chính. Phát triển nguồn nhân lực y tế phải tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Một là, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy về đảm bảo chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế (kiểm định chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình, tài liệu giảng dạy, nâng cao năng lực giảng viên về giảng dạy và nghiên cứu…). Do đặc thù của ngành y với nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, liên quan đến tính mạng con người, đòi hỏi Nhà nước phải giữ vững yêu cầu, chất lượng cao trong công tác tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực y tế. Xây dựng năng lực về đào tạo lại/ đào tạo liên tục về lĩnh vực chuyên môn, chuyển giao công nghệ, cơ chế quản lý các chương trình đào tạo lại để tránh chồng chéo hoặc thiếu hụt, chú ý đào tạo lại đối với một số chuyên ngành: quản lý bệnh viện, y pháp, dự phòng…
Hai là, rà soát và chuẩn hóa các chương trình đào tạo bác sĩ đa khoa, y tế công cộng, điều dưỡng… Xây dựng tiêu chuẩn và quy trình đánh giá nhân lực dựa trên cơ sở năng lực, kết quả, hiệu suất, năng suất lao động thực tế. Ưu tiên xây dựng kế hoạch và thực hiện đào tạo liên tục cập nhật kiến thức cho cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến xã. Đánh giá hiệu quả của các chính sách, có biện pháp thu hút, duy trì, tăng cường năng lực nguồn nhân lực y tế tại vùng sâu, vùng xa để điều chỉnh cho phù hợp. Tăng cường các hình thức đào tạo, cập nhật, chuyển giao kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Hoàn thiện chính sách đầu tư để tăng cường nguồn nhân lực cho y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Nhà nước cần quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo nhân lực y tế trên cơ sở xác định nhu cầu thực tiễn.
Thứ ba, coi trọng việc nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho nguồn nhân lực y tế. Trước nhu cầu thực tiễn thiếu nhân lực y tế chất lượng cao tại tuyến y tế cơ sở, đòi hỏi Nhà nước phải ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ y tế cho tuyến này, bằng cách: đầu tư ngân sách nhiều hơn cho đào tạo mới, bồi dưỡng, nâng cao trình độ cho các vùng còn thiếu nhân viên y tế. Tuyển chọn những cán bộ giỏi, những cán bộ trẻ tuổi có phẩm chất và năng lực để đào tạo, bồi dưỡng cho hệ thống chuyên sâu đáp ứng yêu cầu của địa phương. Tiếp đó, Nhà nước cần mở rộng hơn nữa trong việc hợp tác quốc tế trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, lựa chọn những cán bộ, sinh viên có đủ năng lực, phẩm chất đi học tập, nghiên cứu, học tập những kỹ thuật cao, phương pháp chăm sóc, bảo vệ sức khỏe tiên tiến của khu vực và thế giới./.
-----------------------------
(1), (4), (5) Ban Tuyên giáo Trung ương - Trường Đại học Y Hà Nội (2015), Báo cáo tổng kết 30 năm đổi mới hệ thống y tế Việt Nam - Thành tựu và thách thức. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr. 127, tr. 245, tr. 124.
(2) Bộ Y tế (2016), Báo cáo tổng quan chung ngành y tế năm 2015, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội, tr.45.
(3) Tổng cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2015, Nxb Thống kê, Hà Nội, tr 39.
Một số giải pháp hướng tới mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân  (29/07/2019)
Bệnh viện K điều trị u não bằng máy Gamma Knife thế hệ mới  (29/07/2019)
Phấn đấu 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế  (29/07/2019)
Tiếp bước truyền thống vẻ vang 90 năm, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng đổi mới, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ  (28/07/2019)
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn  (28/07/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay