Tác phẩm Thường thức chính trị với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

PGS, TS NGUYỄN NGỌC HÀ
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
22:07, ngày 30-10-2023

TCCS - Thường thức chính trị là một tác phẩm quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng. Từng luận điểm của Người trong tác phẩm, nhất là về công tác xây dựng Đảng, luôn được Đảng ta kế thừa, vận dụng sáng tạo, cụ thể hóa vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, trên mỗi bước đường cách mạng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông_Ảnh: vietnamplus.vn

Giá trị tư tưởng, lý luận và ý nghĩa thực tiễn đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Những năm cuối của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh, với bút danh Đ.X, viết loạt 50 bài đăng trên báo Cứu quốc, từ số 2.253, ngày 16-1-1953, đến số 2.430, ngày 23-9-1953; các bài viết sau này được tập hợp, xuất bản thành cuốn sách Thường thức chính trị(1). Với cách thức trình bày cụ thể, rõ ràng, thể hiện quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nhiều vấn đề về giai cấp, nhà nước, cách mạng, các chế độ xã hội, kinh tế, về Đảng và một số vấn đề khác, như về thời đại ngày nay, tinh thần quốc tế, tinh thần yêu nước, tình hình trong nước, thế giới,… Trong đó, bàn về Đảng là nội dung trung tâm, với 14/50 bài viết (từ bài 31 đến bài 44).

Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan niệm Đảng Lao động Việt Nam là Đảng của dân tộc, Đảng của nhân dân lao động Việt Nam: “Đảng Lao động là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại biểu cho lợi ích của cả dân tộc … Tư tưởng của Đảng là tư tưởng của giai cấp công nhân, nó đấu tranh cho lợi ích của toàn dân”(2), “Đảng là đảng của giai cấp lao động, mà cũng là đảng của toàn dân”(3). Nội dung xây dựng Đảng tuân thủ 8 nguyên tắc xây dựng Đảng kiểu mới của V.I. Lê-nin. Nhiệm vụ quan trọng nhất của đảng viên và cán bộ là “phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu; phải nắm vững chính sách của Đảng và của Chính phủ, đi đúng đường lối quần chúng như thế mới xứng đáng là đảng viên và cán bộ của Đảng, như thế mới lãnh đạo được quần chúng”(4).

Về vai trò lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam; muốn làm cách mạng thì trước hết phải có đảng cách mạng. “Có Đảng lãnh đạo, cách mạng và kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công”(5). Người chỉ rõ: “Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo. Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng; làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi”(6).

Sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện rõ trong từng giai đoạn cách mạng: Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng; tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh để giành lấy chính quyền; sau khi cách mạng thắng lợi, “quần chúng vẫn cần có Đảng lãnh đạo, vì: - Dù nhân dân đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô đế quốc xâm lược vẫn còn. - Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo, giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn”(7).

Về sự cần thiết phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đây là một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ thường xuyên, là nhu cầu tự hoàn thiện của Đảng, là nhiệm vụ của mỗi cán bộ, đảng viên. Người phân tích rất rõ: “Vì sao phải chỉnh huấn? Vì cán bộ ta lập trường chưa vững chắc, tư tưởng chưa thông suốt. Do đó mà mắc nhiều khuyết điểm như: - Chưa hiểu rõ đường lối cách mạng dân tộc - dân chủ; chưa nắm được vững chính sách trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh. - Chưa phân biệt rõ ràng ai là thù, ai là bạn (trên thế giới, trong nước và trong bản thân mình). - Vì vậy mà mắc nhiều bệnh. Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc. Đó là bệnh chính, bệnh mẹ, do đó mà sinh ra nhiều chứng bệnh khác, như Tự tư tự lợi, sợ khó, sợ khổ; Không yên tâm công tác. Ham địa vị danh tiếng; Lãng phí, tham ô. Quan liêu, mệnh lệnh, v.v..”(8). Do đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là để Đảng ta khắc phục khuyết điểm, loại trừ những căn bệnh trên; để Đảng ta củng cố lập trường luôn vững chắc, tư tưởng luôn thông suốt, ngày càng lớn mạnh. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người tiếp tục nhấn mạnh: “Đối với vận mệnh của nước nhà và dân tộc, Đảng có trách nhiệm vô cùng to lớn. Cho nên xây dựng Đảng là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng của nhân dân ta”(9).

Các bài viết trong tác phẩm Thường thức chính trị thể hiện quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh trên mọi mặt của công tác xây dựng Đảng:

Về tư tưởng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng của Đảng và yêu cầu mọi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập để nâng cao trình độ lý luận, chính trị. Người căn dặn: “Nhất định phải học tập lý luận Mác - Lênin … Giáo dục tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng là việc quan trọng nhất của Đảng, phải kiên quyết chống cái thói xem nhẹ tư tưởng”(10). Người yêu cầu: “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản””(11). Người ví “không hiểu lý luận thì như người mù đi đêm”, vô cùng nguy hiểm đối với cách mạng: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”(12). Bởi lẽ đó, cán bộ, đảng viên cần: học hiểu lý luận, chính sách, tình hình trong nước và trên thế giới để giáo dục cho quần chúng. Phải học hiểu nghề nghiệp chuyên môn mà mình phụ trách. Phải có tinh thần hy sinh cho cách mạng, có tinh thần trách nhiệm để vượt mọi khó khăn(13).

Chủ tịch Hồ Chí Minh phân tích, chỉ rõ: Công tác tư tưởng là nhiệm vụ cần thực hiện đầu tiên của một đảng cách mạng; nhiệm vụ trước hết của cách mạng Việt Nam là phải truyền bá lý luận Mác - Lê-nin thấm đẫm trong quần chúng, nhân dân. Bởi, lý luận làm cho quần chúng giác ngộ, bày cho quần chúng tổ chức, động viên quần chúng để đấu tranh cho đúng; nhờ lý luận mà quần chúng hiểu rõ nguyên nhân vì sao mà cực khổ, thấy rõ đường lối đấu tranh với địch, từ đó mới có hành động đúng đắn, phát huy được tài năng và lực lượng vô tận của mình(14).

Về chính trị, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, bao gồm: Tư tưởng chính trị, tư duy chính trị, đường lối chính trị, xây dựng và thực hiện nghị quyết, củng cố, nâng cao bản lĩnh chính trị,... Trong đó, đường lối chính trị là vấn đề cốt tử đối với sự tồn tại và phát triển của Đảng. Theo Người, “Đảng phải có chính cương rõ rệt”, có “khẩu hiệu chính trị đúng” phù hợp với mỗi giai đoạn cách mạng để động viên và lãnh đạo nhân dân đấu tranh; Đảng phải chống cả khuynh hướng “tả” lẫn khuynh hướng “hữu”(15). Đường lối chính trị của Đảng được xây dựng dựa trên sự nhận thức đúng các quy luật khách quan, trúng các yêu cầu của thực tiễn cách mạng, trúng với nguyện vọng, kỳ vọng của đất nước và nhân dân. Trên cơ sở đó, cần xác định và chỉ ra được mục tiêu, phương châm, phương hướng, giải pháp phát triển cách mạng, từ đó mới có thể tập hợp, tổ chức, động viên nhân dân một lòng một dạ đi theo Đảng, dưới sự lãnh đạo của Đảng hoàn thành nhiệm vụ cách mạng, hiện thực hóa đường lối, chủ trương, chính sách. Đảng cần vận dụng, “áp dụng lý luận vào các chính sách”, hoạch định được cả đường lối chính trị chung và đường lối trong từng lĩnh vực cụ thể; kết hợp lý luận với kinh nghiệm và thực hành của cách mạng Việt Nam, áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lê-nin để giải quyết các vấn đề thực tế của cách mạng Việt Nam(16).

Về tổ chức, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đảng viên và tổ chức đảng cần liên kết với nhau theo một kỷ luật chung, dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, có sự thống nhất chặt chẽ về chính trị, tư tưởng và tổ chức. “Đảng phải có kỷ luật rất nghiêm. Kiên quyết chống những hiện tượng phớt kỷ luật, phớt tổ chức. Đảng phải giữ vững chế độ dân chủ tập trung. Phải luôn luôn chỉnh đốn tổ chức, loại bỏ những phần tử xấu ra khỏi Đảng. Phải bồi dưỡng, lựa chọn và dùng cán bộ một cách đúng đắn”(17). Kỷ luật đảng là ý chí của toàn Đảng, nhằm bảo đảm sự thống nhất, tập trung cao trong Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên dành sự quan tâm đặc biệt tới công tác xây dựng chi bộ; khẳng định vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của chi bộ là hai yếu tố then chốt, bảo đảm hiệu quả của công tác xây dựng Đảng ở cơ sở. Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Người thường xuyên nhắc nhở phải chăm lo củng cố chi bộ giống như việc “muốn làm nhà cho tốt phải xây nền cho vững”. Điều này cũng được thể hiện rõ trong tác phẩm Thường thức chính trị. Người nhấn mạnh: Chi bộ là “gốc rễ của Đảng”, “đồn lũy của Đảng chiến đấu ở trong quần chúng”, “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng và quần chúng”; “Các chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh. Các chi ủy vững tức là chi bộ mạnh”(18)..

Về cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu đảng viên và cán bộ phải làm cho dân tin, dân phục, dân yêu. Nhiệm vụ quan trọng nhất của cán bộ, đảng viên là phải làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng cách mạng. Để làm được điều đó, thì nhất định phải theo nhu cầu của quần chúng mà xây dựng những tổ chức cách mạng phù hợp với trình độ của quần chúng. Cán bộ, đảng viên phải làm gương trong mọi công việc kháng chiến kiến quốc và phải sâu sát trong quần chúng, hết lòng hết sức phục vụ quần chúng. Cán bộ, đảng viên cần làm cho quần chúng mến Đảng, tin Đảng, ra sức ủng hộ Đảngtự giác, tự nguyện chịu Đảng lãnh đạo(19).

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thật thà, thành khẩn tự phê bình và thẳng thắn phê bình, nhất là phê bình từ dưới lên; “vạch rõ các khuyết điểm và đề ra cách sửa chữa, không để khuyết điểm nhỏ chồng chất thành khuyết điểm to”(20). Do đó, “Mỗi đảng viên cần phải luôn luôn thực hành thật thà tự phê bình và phê bình. Đảng thì dùng cách chỉnh Đảng, chỉnh huấn để giáo dục đảng viên”(21). Tự phê bình và phê bình nhằm phát huy cái tốt; tìm ra biện pháp khắc phục, sửa chữa cái chưa hay, khuyết điểm, sai lầm; góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; giữ gìn phẩm chất, tư cách đảng viên.

Về phương thức lãnh đạo của Đảng: Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu và trả lời rõ câu hỏi: Đảng dùng cách gì và làm thế nào để lãnh đạo? Theo Người, trước hết phương thức lãnh đạo của Đảng được thể hiện thông qua đường lối, chủ trương, chính sách. Việc đầu tiên của Đảng là cần truyền bá sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong nhân dân. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, Đảng căn cứ vào tình hình trong nước và trên thế giới, đề ra những khẩu hiệu, mục đích và kế hoạch đấu tranh. Trong tác phẩm Thường thức chính trị, Người cũng phân tích, chỉ rõ Đảng lãnh đạo bằng công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục và thông qua vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên(22).

Tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay

Quán triệt, vận dụng sáng tạo các chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Thường thức chính trị đòi hỏi toàn Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc và thực hiện thật tốt các nội dung sau:

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, phát triển sáng tạo lý luận và tổng kết thực tiễn; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng và rèn luyện bản lĩnh chính trị; làm sáng rõ hơn nữa lý luận về mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, lý luận về công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Kiên định và phát triển sáng tạo hơn nữa nền tảng lý luận Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong mối quan hệ không tách rời với thực tiễn công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm phù hợp của các nước, giá trị tiến bộ của văn minh nhân loại. Từ đó, đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, đánh giá đầy đủ, chính xác thực tiễn, tập trung nghiên cứu lý luận, giải đáp kịp thời những vấn đề lý luận do thực tiễn đặt ra. Phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, của cán bộ lãnh đạo, quản lý, nhất là của đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, của người đứng đầu đối với công tác nghiên cứu, phát triển lý luận. Đấu tranh với những biểu hiện ngại học chính trị, lười học chính trị của một số cán bộ, đảng viên. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp nghiên cứu, phát triển lý luận trên cơ sở phát huy dân chủ trong hoạt động lý luận. Nghiên cứu phát triển lý luận phải bảo đảm thống nhất chặt chẽ giữa lý luận và thực tiễn, giữa nhận thức và hành động. Nghiên cứu và phát triển lý luận gắn với tổng kết thực tiễn phải bảo đảm tính khoa học, cách mạng và nhân văn với yêu cầu khách quan, toàn diện, phát triển và lịch sử cụ thể. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, đạo đức và lý tưởng, phát huy dân chủ và trí tuệ tập thể để kế tục sự nghiệp nghiên cứu và phát triển lý luận cách mạng.

Nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết và tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng. Nội dung nghị quyết phải vừa tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt, vừa giải quyết các vấn đề chiến lược trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Nghị quyết phải phát huy trí tuệ, kết tinh trí tuệ của tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân. Cấp ủy, chính quyền phải đổi mới cách tổ chức thực hiện nghị quyết bảo đảm kịp thời, thực chất, phát huy hiệu quả lâu dài. Xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của Đảng lãnh đạo, cầm quyền. Xây dựng cơ chế khoa học, phù hợp gắn thẩm quyền với trách nhiệm đối với từng chức danh cụ thể trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, nhất là đối với người đứng đầu, trong điều kiện mới.

Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương dự Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng kiến thức dành cho các Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII_Ảnh: TTXVN

Chú trọng xây dựng đội ngũ đảng viên, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp chiến lược đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt có đầy đủ phẩm chất và tài năng ở các cấp, các ngành. Tăng cường đoàn kết, tập hợp rộng rãi, trọng dụng nhân tài cho đất nước. Thu hút người có đủ đức, đủ tài; bản lĩnh chính trị vững vàng; hiểu biết, tôn trọng những giá trị truyền thống, đồng thời biết nắm bắt những cái mới; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm tham gia vào đội ngũ cán bộ chủ chốt. Nắm vững tiêu chuẩn cán bộ, nhất là tiêu chuẩn với cán bộ chủ chốt, cán bộ đứng đầu các cơ quan, đơn vị, giải quyết mối quan hệ giữa tiêu chuẩn và cơ cấu cán bộ. Cán bộ chủ chốt, đặc biệt là nhà lãnh đạo ở cấp vĩ mô, phải kết tinh được trí tuệ của toàn Đảng, của nhân dân, nắm bắt được tri thức của thời đại, có tầm nhìn chiến lược, đủ khả năng đặt ra và xử lý các vấn đề lớn một cách chính xác và sáng tạo; có năng lực tham gia, quyết định và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trong phạm vi trách nhiệm của mình; có năng lực thuyết phục, tập hợp và phát huy sức mạnh của quần chúng; có kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm; có phong cách làm việc tập thể, tổ chức khoa học, nói đi đôi với làm, sâu sát thực tế; biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến hợp lý, quyết đoán và dám chịu trách nhiệm. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng. Đánh giá đúng và sử dụng cán bộ phù hợp, hiệu quả. Chính sách cán bộ phải nhất quán, thực sự dân chủ công bằng, tạo điều kiện để cán bộ phát huy năng lực sở trường. Phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu ở cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường đoàn kết trong Đảng.

Quán triệt và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Thường thức chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt ở các cơ quan, đơn vị, địa phương phải thực sự trong sạch, liêm khiết, gìn giữ phẩm chất đạo đức, lối sống; có uy tín với tập thể và với nhân dân; có năng lực làm việc; phương pháp, tác phong công tác quyết đoán; dám làm, dám chịu trách nhiệm; có chính kiến, phân minh rõ đúng - sai, tốt - xấu; khách quan, trung thực, không bao che, giấu giếm khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên; thưởng - phạt công bằng; là hạt nhân đoàn kết, trung tâm quy tụ sức mạnh ý chí, tài năng, tâm huyết và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần của cán bộ, đảng viên ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

Kiên quyết đấu tranh với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Để xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, cần quán triệt phương châm “xây” đi đôi với “chống”, vừa bồi dưỡng, rèn luyện, vừa kiên quyết xử lý, đấu tranh với những thói xấu, với những cán bộ, đảng viên có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về đạo đức, lối sống. Xử lý nghiêm đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị không gương mẫu, tham nhũng, tiêu cực, bè phái, cục bộ, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm, không đặt lợi ích của Đảng, nhân dân lên trên hết, trước hết, chỉ nghĩ đến lợi ích cá nhân. Việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016, của Bộ Chính trị, “Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18-5-2021, của Bộ Chính trị, về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị khóa XII “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” phải được triển khai thực hiện nghiêm túc trong mỗi tổ chức, tập thể. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xem đó như là công việc hằng ngày để trau dồi, rèn luyện, tự sửa chữa khuyết điểm của chính mình.

Tăng cường, nâng cao hiệu quả đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng. Chú trọng vận dụng nội dung của tác phẩm Thường thức chính trị trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Trong tác phẩm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra những luận cứ, luận chứng quan trọng về đường lối, chính sách, chủ trương của Đảng; về vai trò và sứ mệnh của Đảng; nhận thức về thời đại mới, xây dựng xã hội mới và phát triển đất nước; những luận cứ, luận chứng về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng chế độ mới. Việc sử dụng những nội dung và vận dụng cách tiếp cận, giải thích làm rõ các vấn đề như trong tác phẩm Thường thức chính trị là một cách làm hiệu quả để cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu rõ, tin tưởng vào đường lối đổi mới và khát vọng phát triển đất nước của Đảng trong điều kiện mới. Các vấn đề về xây dựng Đảng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập ngắn gọn, rõ ràng, là những luận cứ, luận chứng xác đáng, khoa học trong đấu tranh với những luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch về vai trò lãnh đạo của Đảng, xuyên tạc về bản chất của Đảng; xuyên tạc, thù địch về vị trí, vai trò của đội ngũ đảng viên; vai trò của chi bộ cơ sở trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình gắn liền với việc mở rộng và phát huy dân chủ trong Đảng. Cần nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả chế độ tự phê bình và phê bình của tổ chức đảng, cấp ủy, đảng viên, đặc biệt là vai trò tiền phong gương mẫu của cấp ủy, người đứng đầu. Cấp ủy và mỗi cán bộ, đảng viên phải thực hiện tốt việc tự phê bình trước nhân dân, hoan nghênh và khuyến khích nhân dân góp ý phê bình, cầu thị sửa đổi theo những góp ý chính xác, thiết thực mà nhân dân nêu ra; dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng, tăng cường và giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân.

Đổi mới phương pháp, phong cách, lề lối làm việc; xây dựng phương pháp làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, vì dân. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của Đảng một cách khoa học, tinh gọn, phù hợp trong điều kiện mới. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng. Xây dựng đội ngũ cán bộ bảo đảm tinh gọn, hiệu quả; tăng cường rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng. Xây dựng cơ chế và tổ chức tốt việc phản biện xã hội, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về Đảng cầm quyền; xác định rõ mục đích, phương thức cầm quyền, nội dung, điều kiện cầm quyền trong giai đoạn hiện nay. Phát huy dân chủ, phòng ngừa các nguy cơ, nhất là nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Ra đời cách đây 70 năm, nhưng đặt trong bối cảnh hiện nay, tác phẩm Thường thức chính trị vẫn còn vẹn nguyên giá trị cả về lý luận và thực tiễn, là cơ sở, định hướng để Đảng ta tiếp tục giữ vững và phát huy vai trò lãnh đạo, cầm quyền, tăng cường phát huy quyền làm chủ của nhân dân; là cơ sở để xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; xây dựng, phát triển Đảng bằng đường lối cách mạng đúng đắn; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Việc quán triệt và vận dụng sáng tạo những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng trong tác phẩm Thường thức chính trị là một nội dung có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giai đoạn cách mạng mới./.

-----------------------

(1) Năm 1954, các bài viết được Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật) xuất bản thành cuốn sách Thường thức chính trị. Trong bộ sách Hồ Chí Minh: Toàn tập, của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, lần xuất bản năm 2011, Thường thức chính trị được in từ trang 245 đến trang 296, tập 8.
(2), (3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 8, tr. 275, 276
(4), (5), (6), (7), (8), (9), Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 279, 273, 274, 274, 156, 279
(10), (11), (12), (13), (14), (15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 279, 280, 280, 278 - 279, 276 - 277, 280, 277
(17), (18), (19), (20), (21), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 8, tr. 280, 288 - 289, 278, 453, 280,
276 - 279