Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 07 đến ngày 13-01-2019
Văn phòng Chính phủ đã rất chú ý cải cách hành chính
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng đánh giá Văn phòng Chính phủ đã rất chú ý cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử, triển khai rất quyết liệt Văn phòng Chính phủ không giấy tờ, ứng dụng chữ ký số.... Đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện đơn giản hóa chế độ báo cáo; kết quả đều đạt và vượt chỉ tiêu cắt giảm 20% chế độ báo cáo. Công tác quản trị, hậu cần phục vụ hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chuyển biến, đổi mới và nâng cao về chất lượng, theo theo Thủ tướng, “các đồng chí làm việc có tâm”. Công tác văn thư lưu trữ ngày càng chuyên nghiệp hơn.
Cho rằng Văn phòng Chính phủ đã tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thanh tra, kiểm tra công vụ, đặc biệt đã chấn chỉnh, xử lý nghiêm một số trường hợp vi phạm, Thủ tướng nêu rõ, “Văn phòng Chính phủ đề cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ sẽ có tác động rất lớn đến hình ảnh không chỉ của các đồng chí mà còn của cả hệ thống hành chính”.
Thủ tướng yêu cầu quyết liệt triển khai xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ Văn phòng Chính phủ; xây dựng Văn phòng Chính phủ không giấy tờ. Đưa vào vận hành Cổng dịch công quốc gia, hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ.
Thủ tướng yêu cầu, phải lắng nghe tiếng nói của nhân dân; không làm thay chức năng của các bộ nhưng cần lắng nghe, tranh luận ý kiến của các bộ để làm rõ vấn đề trước khi trình. Phát huy hơn nữa hiệu quả kênh thông tin tiếp nhận và trả lời phản ánh, kiến nghị trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp để Cổng Thông tin điện tử Chính phủ là một trong những địa chỉ tin cậy tiếp nhận, xử lý kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Kiểm soát thủ tục hành chính là nhiệm vụ rất quan trọng. Cần chủ động đề xuất các sáng kiến cải cách cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp lý, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Công chức không được thi nâng ngạch nếu không đúng yêu cầu vị trí việc làm
Bộ Nội vụ đang dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số nội dung về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo đó, dự thảo nêu rõ về tổ chức thi nâng ngạch công chức như sau: Việc tổ chức thi nâng ngạch công chức chỉ được thực hiện khi cơ quan quản lý công chức đáp ứng đủ điều kiện:
Cơ quan quản lý công chức đã xây dựng được cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Cơ quan quản lý công chức đã mô tả, xác định được số lượng vị trí việc làm còn thiếu so với cơ cấu ngạch công chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để làm cơ sở xác định chỉ tiêu nâng ngạch theo từng ngạch công chức.
Căn cứ vào số lượng chỉ tiêu nâng ngạch của cơ quan quản lý công chức quy định nêu trên, công chức có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 29 Nghị định 24/2010/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định 161/2018/NĐ-CP đăng ký dự thi, không hạn chế số lượng công chức đăng ký dự thi trên mỗi chỉ tiêu nâng ngạch.
Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch công chức có văn bản báo cáo về số lượng, cơ cấu ngạch công chức hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý, danh mục và số lượng vị trí việc làm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và số lượng công chức đã có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện tham dự kỳ thi nâng ngạch của từng công chức tương ứng với từng vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gửi Bộ Nội vụ hoặc Ban Tổ chức Trung ương để thống nhất ý kiến trước khi tổ chức các kỳ thi nâng ngạch theo thẩm quyền.
Dự thảo cũng nêu rõ: Công chức được cử dự thi nâng ngạch nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện hoặc không đúng yêu cầu của vị trí việc làm thì không được tham dự thi nâng ngạch. Trường hợp công chức sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp, kê khai không đúng sự thật để đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi nâng ngạch, khi bị phát hiện sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và hủy kết quả thi nâng ngạch. Cơ quan có thẩm quyền tổ chức thi nâng ngạch chịu trách nhiệm hủy kết quả thi nâng ngạch đối với các trường hợp này.
Đến năm 2021, ít nhất sẽ sáp nhập 16 huyện và 631 xã
Đây là thông tin được Bộ Nội vụ cho biết tại buổi họp báo thường kỳ, chiều 09-01. Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, Phan Văn Hùng cho biết, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết 37-NQ/TW về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã.
Theo đó, Bộ Chính trị đưa ra mục tiêu cụ thể, năm 2019 sửa đổi, ban hành mới các quy định pháp luật trong đó có quy định liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, rà soát, bổ sung hoặc ban hành quy định mới đảm bảo việc triển khai thống nhất, đồng bộ. Từ nay đến năm 2021, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chưa đạt 50% về cả hai tiêu chuẩn diện tích tự nhiên và quy mô dân số.
Ngoài những đơn vị chưa đạt hai tiêu chuẩn nêu trên, khuyến khích việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã khác theo yêu cầu của địa phương, khi bảo đảm yếu tố thuận lợi và được phần lớn nhân dân đồng thuận.
Sắp tới Ủy ban Thường Quốc hội ban hành Nghị quyết để cụ thể hóa Nghị quyết 37-NQ/TW của Đảng. Sau đó, Chính phủ sẽ ban hành kế hoạch thực hiện và Bộ Nội vụ sẽ dự thảo văn bản hướng dẫn thực hiện cụ thể.
Theo ông Phan Văn Hùng, Nghị quyết của Bộ Chính trị không nêu cụ thể số huyện, xã sáp nhập nhưng theo Đề án Chính phủ trình thống kê từ các địa phương, có 16 đơn vị hành chính cấp huyện và 631 đơn vị hành chính cấp xã chưa đủ 2 tiêu chuẩn về diện tích và dân số sẽ được sáp nhập. Ngoài ra, Nghị quyết cũng khuyến khích các địa phương sắp xếp thêm, tùy tình hình thực tế.
Cũng tại họp báo, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cho biết, Bộ Nội vụ vừa ban hành văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc sắp xếp tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII). Việc này được thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ ngày 03-12-2018, trong khi Chính phủ chưa ban hành nghị định, Bộ Nội vụ đề nghị các địa phương tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh (sở, ngành), cấp huyện (phòng, ban), chờ nghị định của Chính phủ.
Phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ
Đề án Văn hóa công vụ vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân, xã hội. Đề án Văn hóa công vụ gồm 4 nội dung:
Thứ nhất, về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức: Cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với nhà nước; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ nhân dân. Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân.
Cán bộ, công chức, viên chức phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào "tư duy nhiệm kỳ"; phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; không được gây khó khăn, phiền hà, vòi vĩnh, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức và người dân; không thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc của người dân.
Thứ hai, về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức: Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện "4 xin, 4 luôn": xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức. Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ, không nịnh bợ, lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
Thứ ba, chuẩn mực về đạo đức, lối sống của cán bộ, công chức, viên chức: Cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ.
Thứ tư, về trang phục của cán bộ, công chức, viên chức: Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc đi dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành.
Thừa Thiên - Huế xây dựng nền hành chính công hiện đại, hiệu lực, hiệu quả
Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, để thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử cần phải triển khai điện tử hóa bốn thành phần quan trọng là: cơ quan điện tử, công chức điện tử, công dân điện tử và doanh nghiệp điện tử. Trong đó, cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin là hai mặt của một vấn đề nhưng đều hướng tới mục đích nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước; nâng cao tính công khai, minh bạch và độ tin cậy của thông tin quản lý điều hành.
Năm 2019, Thừa Thiên - Huế tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với ứng dụng công công nghệ thông tin và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 (ISO), nâng cấp các phần mềm dùng chung nhằm phù hợp với ứng dụng trong công việc tại các cơ quan, địa phương; phát huy hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành qua môi trường mạng. Tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới các thủ tục cải cách hành chính theo quy định của pháp luật, đảm bảo thủ tục mới ban hành được đánh giá tác động theo đúng quy định tại Nghị định số 63/2010/NĐ-CP của Chính phủ. Các địa phương, đơn vị trên địa bàn duy trì và tiến hành rà soát lại bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, địa phương (theo quyết định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế) được chuẩn hóa thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã.
Hiện nay, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã đưa vào vận hành cổng dịch vụ công với phạm vi liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã với hệ thống thủ tục hành chính công trực tuyến tập trung và thống nhất, được tích hợp lên cơ sở dữ liệu thủ tục hành chính quốc gia. Đến nay có 1.837 thủ tục hành chính thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đồng thời, công bố 1.135 thủ tục hành chính thực hiện tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích. Tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có nhiều tiến bộ trong triển khai đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan. Đến nay, riêng vấn đề quản lý dân cư (giai đoạn từ nay đến năm 2020), tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiến hành thu thập được 1.244.095 phiếu, đạt 95,57% so với nhân khẩu thường trú; đã tiến hành quét và chuyển dữ liệu 1.089.922/1.188.758 phiếu đảm bảo theo yêu cầu. Đồng thời thực hiện kiểm tra, đối chiếu dữ liệu và hướng dẫn, giải quyết 46.527 trường hợp sai lệch thông tin về hộ tịch, hộ khẩu.
Đối với thủ tục hành chính thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, hiện tại trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở cấp xã, đảm bảo trên 95% bộ thủ tục hành chính được đưa vào thực hiện theo cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông. Đến nay, toàn tỉnh có 2.169/2.187 thủ tục hành chính được đưa vào thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông (tỷ lệ 99,18%); trong đó, cấp sở có 1.333 thủ tục hành chính một cửa và 339 thủ tục hành chính liên thông; UBND cấp huyện có 321 thủ tục hành chính một cửa và 35 thủ tục hành chính liên thông; UBND cấp xã có 135 thủ tục hành chính một cửa và 10 thủ tục hành chính liên thông, 18 thủ tục hành chính không đưa vào thực hiện cơ chế một cửa thuộc các cơ quan chuyên môn lĩnh vực y tế và giáo dục.
Toàn tỉnh hiện có 700 dịch vụ công trực tuyến với hơn 3.500 tài khoản người dùng đăng ký và hơn 3.000 thủ tục đăng ký trực tuyến. Một số cơ quan triển khai toàn bộ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 như: Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế... Ngoài ra, hình thức thanh toán trực tuyến cũng được áp dụng, bước đầu đem lại hiệu quả. Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Thừa Thiên - Huế trong năm 2018 đã tiếp nhận 56.175 hồ sơ, xử lý và trả kết quả đúng và trước hạn 51.886 hồ sơ, đạt tỷ lệ 97,2% (trễ hẹn 1.912 hồ sơ), đang xử lý 2.260 hồ sơ.
Trung tâm hành chính công cấp huyện đã tiếp nhận 80.034 hồ sơ, xử lý và trả kết quả đúng và trước hạn 66.611 hồ sơ đạt tỷ lệ 90,3% (trễ hẹn 7.118 hồ sơ), đang xử lý 6.049 hồ sơ.
Tỉnh duy trì và cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015 ở 100% cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh, đến UBND cấp huyện, UBND cấp xã; triển khai thí điểm hệ thống ISO điện tử (ISO online) tại 3 cơ quan, đơn vị (Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Thông tin và Truyền thông và UBND huyện Phú Lộc). Tỉnh đã tổ chức xây dựng 2 bộ tài liệu khung theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 của UBND cấp huyện và cấp xã theo danh mục thủ tục hành chính đã được UBND tỉnh phê duyệt. Cùng với đó tăng cường đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc hiện đại cho các trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện và bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại UBND cấp xã, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành của cơ quan hành chính các cấp. Đặc biệt, các địa phương đã lựa chọn làm điểm 20 xã/9 huyện để thực hiện đề án một cửa hiện đại hóa cấp xã./.
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 07 đến 13-01-2019)  (14/01/2019)
Tạo nền tảng vững chắc để đất nước phát triển  (13/01/2019)
Năm 2019 - năm bứt phá và phương châm hành động của Chính phủ  (13/01/2019)
Chương trình “Tết sum vầy năm 2019” tại các địa phương  (13/01/2019)
Thượng đỉnh Mỹ-Triều diễn ra vào giữa tháng 2  (13/01/2019)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên