Brexit: Triển vọng đàm phán còn đang mờ mịt
EU, Anh đạt nhất trí tới 90% thỏa thuận
Ngày 19-10, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu (EU), ông Michel Barnier thông báo một thỏa thuận Brexit với Anh đã hoàn tất tới 90%, mặc dù vẫn còn khả năng không đạt được thỏa thuận nào do những vướng mắc hiện nay về biên giới với Ireland, quốc gia thành viên EU. Brexit là cách gọi tắt cho việc Anh rời khỏi EU.
Phát biểu trên Đài phát thanh France Inter, ông Barnier cho biết 90% thỏa thuận trên bàn đàm phán đã được nhất trí với Anh. Ông tin rằng cả hai bên đều đang thiện chí đạt thỏa thuận, tuy nhiên hiện vẫn không thể nói chắc chắn rằng các đàm phán sẽ thành công do bất đồng trong vấn đề biên giới Ireland. Ông Barnier xác nhận tiến trình đàm phán vẫn còn tồn tại khó khăn, song cũng có hy vọng về khả năng đạt được thỏa thuận.
Trước đó, ngày 18-10, các lãnh đạo EU tại Hội nghị thượng đỉnh EU với Anh về Brexit đã cảnh báo Anh rằng EU sẽ không đưa ra thêm các nhượng bộ để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán. 27 nước EU cũng quyết định tạm hoãn kế hoạch chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới, với lý do Thủ tướng Anh Theresa May đã không đưa ra được ý tưởng cụ thể mới nào nhằm tháo gỡ bế tắc hiện nay là vấn đề đường biên giới Ireland.
Tuy nhiên, trong một động thái được đánh giá là vẫn để hé cánh cửa thương lượng, giới chức EU cho biết sẵn sàng triệu tập họp nếu như Trưởng đoàn đàm phán EU Michael Barnier tuyên bố đàm phán Brexit giữa EU và Anh "đạt được tiến bộ to lớn". Về phần mình, Thủ tướng Theresa May cho biết sẵn sàng xem xét đề xuất trước đó của EU, kéo dài thời gian cho thời kỳ chuyển tiếp thêm 1 năm, coi như là một phần thỏa hiệp của Anh đối với bất đồng về đường biên giới với Ireland.
EU hối thúc Anh hành động lập tức để đạt thỏa thuận
Lãnh đạo Liên minh châu Âu cảnh báo nước Anh rằng sẽ không đưa ra thêm bất cứ nhượng bộ nào để phá vỡ bế tắc trong đàm phán đưa nước này rời khỏi EU, song bày tỏ tin tưởng hai bên có thể đạt thỏa thuận “ly hôn” trước khi Anh chính thức rời “mái nhà chung” vào tháng 3-2019.
Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels ngày 18-10, Thủ tướng Đức Angela Merkel bày tỏ lạc quan rằng EU và Anh có thể tránh được kịch bản tồi tệ Brexit mà không đạt thỏa thuận. Trong khi đó, một số lãnh đạo khác cho rằng điều này tùy thuộc vào hành động của Thủ tướng Anh Theresa May. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh yếu tố then chốt để đạt thỏa thuận cuối cùng là “sự nhượng bộ về chính trị của Anh”.
Đánh giá về khả năng kéo dài thời kỳ chuyển tiếp sau Brexit, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho rằng việc kéo dài thời kỳ chuyển tiếp sau Brexit có thể sẽ diễn ra và đây là một sáng kiến hay. Ông cũng nhận định điều này sẽ giúp Anh và EU có thời gian chuẩn bị cho mối quan hệ tương lai “theo cách tốt nhất có thể”.
Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cùng ngày cho biết nước này và Anh nhất trí rằng mọi bất đồng xung quanh Gibraltar - vùng lãnh thổ thuộc Anh ở bờ biển phía Nam Tây Ban Nha, sẽ không cản trở các cuộc đàm phán Brexit với EU.
Tháng 4-2017, các lãnh đạo EU nhất trí trao cho Chính phủ Tây Ban Nha quyền bác bỏ mọi mối quan hệ tương lai giữa Gibraltar và EU hậu Brexit. EU nêu rõ nguyên tắc đàm phán, theo đó nếu không có sự đồng thuận giữa Madrid và London thì thỏa thuận giữa Anh và EU hậu Brexit sẽ không áp dụng đối với Gibraltar. Dự kiến Gibraltar sẽ cùng Anh rời khỏi EU vào ngày 29-3-2019.
Anh nêu điều kiện để kéo dài thời kỳ chuyển tiếp sau khi rời EU
Hội nghị thượng đỉnh EU khép lại mà không đạt được tiến bộ trong vấn đề Brexit. Lãnh đạo 27 nước EU quyết định tạm hoãn kế hoạch chuẩn bị hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới, với lý do Thủ tướng Anh Theresa May đã không đưa ra được ý tưởng cụ thể mới nào nhằm tháo gỡ bế tắc hiện nay là vấn đề đường biên giới Ireland. Về phần mình, Thủ tướng Theresa May cho biết sẵn sàng xem xét đề xuất của EU, kéo dài thời gian cho thời kỳ chuyển tiếp thêm 1 năm, coi như là một phần thỏa hiệp của Anh đối với bất đồng đường biên giới Ireland.
Trao đổi với hãng Sky News ngày 21-10, Thứ trưởng phụ trách tiến trình Brexit của Anh Suella Braverman tuyên bố London sẽ chấp nhận khả năng kéo dài thời kỳ chuyển tiếp thêm một vài tháng nếu điều này giúp khai thông thế bế tắc và tránh được đề xuất của EU nhằm loại trừ một đường biên giới cứng. Anh sẽ chấp nhận việc có thể kéo dài giai đoạn chuyển tiếp sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, nếu EU hủy bỏ yêu cầu về một kế hoạch dự phòng trong vấn đề biên giới Ireland và Bắc Ireland.
EU đề nghị Bắc Ireland sẽ ở trong liên minh này và tuân thủ các quy định thương mại sau khi Anh rời khỏi khối. Tuy nhiên, London chỉ trích điều này đe dọa đến sự toàn vẹn lãnh thổ của Vương quốc Anh.
Ý tưởng kéo dài quá trình chuyển tiếp Brexit đến năm 2021, thay vì kết thúc vào năm 2020 như kế hoạch được trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier chia sẻ trước đó vào ngày 17-10. Mục đích của việc kéo dài này là để giới chức hai bên có thêm thời gian thương lượng về thỏa thuận thương mại trong tương lai sau khi London rời khỏi "mái nhà chung," cũng như tìm ra một giải pháp đối với vấn đề đường biên giới Ireland.
Triển vọng đàm phán giữa Anh và EU về Brexit vẫn mờ mịt
Như vậy, có thể thấy, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu nhằm tháo gỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán giữa EU và Anh liên quan đến vấn đề Anh rời khỏi EU còn gọi là Brexit không đạt được kết quả. Diễn biến này khiến triển vọng đàm phán giữa Anh và EU vẫn mờ mịt.
Anh và EU chưa tìm được tiếng nói chung
Tại cuộc họp thượng đỉnh với Thủ tướng Anh Theresa May ở Brussels (Bỉ) ngày 17-10-2018 để bàn về kế hoạch Brexit, lãnh đạo 27 nước EU thông báo không có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới, nhưng sẵn sàng tham dự họp khi nào trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier ra tuyên bố đàm phán đã "đạt được tiến bộ quan trọng".
Lãnh đạo các nước EU cho rằng hiện giờ các cuộc đàm phán Brexit chưa đạt được đủ tiến bộ dù hai bên đã rất nỗ lực. Lãnh đạo EU tái khẳng định ông Barnier tiếp tục là trưởng đoàn đàm phán EU và kêu gọi quan chức này hãy tiếp tục nỗ lực tháo gỡ bế tắc hiện nay. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thậm chí đã đề nghị chuẩn bị cho một kịch bản Brexit không thỏa thuận.
Trước đó, trong bài phát biểu của mình trước lãnh đạo 27 nước EU, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà sẵn sàng xem xét đề xuất kéo dài thời gian cho thời kỳ chuyển đổi của EU như là một phần của thỏa hiệp về bất đồng đường biên giới Ireland. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU cho rằng bà May đã không đưa ý tưởng mới nào nhằm phá vỡ những bế tắc về vấn đề này. Trong khi đó tại Anh, ngay sau khi biết được ý kiến của Thủ tướng May về đề xuất kéo dài thời kỳ chuyển đổi của EU, một số nhân vật trong đảng Bảo thủ chống lại kế hoạch Brexit của Thủ tướng May như nghị sĩ Nadine Dorries đã công khai lên tiếng kêu gọi Thủ tướng May hãy "bước sang một bên và để cho người có thể đàm phán được đảm nhận trọng trách này". Chính đảng lớn nhất tại Bắc Ireland là DUP, đảng mà Chính phủ thiểu số của bà May cần dựa vào để có được số phiếu ủng hộ quá bán tại Quốc hội, cũng tỏ ra không hào hứng trước đề xuất trên vì cho rằng sẽ không giải quyết được vấn đề đường biên giới Ireland.
Chính phủ Anh cho biết quan điểm của Thủ tướng May là Thỏa thuận Rút khỏi Brexit khi trình ra Quốc hội Anh sẽ chỉ thông qua "đồng ý" hay "không đồng ý", chứ không đưa ra để các nghị sĩ bàn bạc sửa đổi nội dung của thỏa thuận này. Hiện nay một số nghị sĩ Anh đang vận động để bổ sung thêm nội dung tiến hành một cuộc bỏ phiếu mới về việc nước Anh có nên ở trong EU hay không vào trong nội dung thỏa thuận rút khỏi Brexit để Quốc hội xem xét thông qua. Một số nghị sĩ ủng hộ Brexit mạnh mẽ khác lại mong muốn thúc đẩy để Anh theo mô hình thỏa thuận tự do thương mại mà Canada đã ký với EU. Tuy nhiên, ý định này từng bị Thủ tướng May thẳng thừng bác bỏ.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh EU bàn về Brexit, các cuộc đàm phán "nước rút" ngày 14-10 giữa London và Brussels về một thỏa thuận Brexit cũng đã không đạt được kết quả, tiếp tục vướng mắc trong vấn đề biên giới giữa Ireland và vùng Bắc Ireland thuộc Anh.
Nguy cơ không có thỏa thuận hiện hữu
Theo dự kiến, nước Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019 và “xứ sở sương mù” kỳ vọng rằng các nhà lãnh đạo EU sẽ nhất trí đánh giá đàm phán Brexit đã đạt đủ tiến triển để hai bên có thể tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt vào tháng 11 tới, qua đó Anh và EU có thể hoàn tất "thỏa thuận ly hôn" khi thiết lập lại việc kiểm soát biên giới giữa Anh và EU, mà cụ thể ở đây là giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland thuộc EU cũng như đưa ra tuyên bố về một mối quan hệ thương mại hậu Brexit.
Tuy nhiên, trên thực tế nếu vấn đề biên giới giữa Ireland và vùng Bắc Ireland thuộc Anh được thực hiện thì sẽ đe doạ tiến trình hoà bình trên đảo Ireland vốn đã phải mất vài thập kỷ xung đột mới được giải quyết. Vì thế, cả EU và Anh đều thống nhất là không muốn tái lập một đường biên giới cứng có hàng rào ngăn cách, có trạm biên phòng… giữa Ireland và Bắc Ireland.
Để giải quyết khúc mắc đó, EU đã đề xuất để riêng vùng Bắc Ireland nằm trong liên minh thuế quan châu Âu, có nghĩa là Bắc Ireland sẽ tuân thủ các quy định của châu Âu để qua đó vẫn giữ nguyên sự giao thương mà không bị ngăn cách với Ireland. Tuy nhiên với đề xuất này của EU thì sẽ phải có sự kiểm soát hải quan với hàng hoá từ Anh sang Bắc Ireland. Do vậy phía Anh, đặc biệt là đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) đã phản đối đề xuất này khi cho rằng việc để riêng vùng Bắc Ireland nằm trong liên minh thuế quan châu Âu là chia cắt Bắc Ireland khỏi Anh. Trên thực tế, DUP chỉ là một đảng nhỏ với 10 nghị sĩ trong Nghị viện Anh nhưng lại có vai trò quan trọng trong việc duy trì đa số ghế cho đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May nên sự phản đối của đảng này đủ sức nặng đe doạ đến chính phủ Anh.
Nhằm hoá giải điều này, Thủ tướng May từng đưa ra đề xuất là ngoài Bắc Ireland thì Anh cũng vẫn ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu, nhưng có chọn lọc hơn. Tuy nhiên, 27 nước châu Âu đã bác bỏ đề xuất của Anh vì cho rằng như thế không khác gì Anh vẫn được tiếp cận thị trường đơn nhất châu Âu mà lại không chịu tuân thủ các quy định của khối.
Có thể nói, vấn đề biên giới Bắc Ireland là vấn đề hết sức phức tạp bởi liên quan đến lợi ích cốt lõi của cả Anh và EU mà cả hai đều không muốn đưa ra nhượng bộ. Trong khi đó, ở thời điểm này, EU và Anh đều đang tập trung vào việc đạt được thoả thuận Brexit, tức là phải giải quyết êm thấm chuyện “ly hôn”, rồi mới bàn tiếp đến mối quan hệ tương lai.
Thực chất tiến trình Brexit gồm hai giai đoạn, giai đoạn 1 là hoàn tất việc Anh rời EU theo điều 50 của Hiệp ước Lisbon, trong đó cụ thể là các vấn đề về việc Anh phải trả bao nhiêu tiền cho EU, quyền lợi các công dân hai bên được duy trì ra sao, và câu chuyện liên quan đến biên giới Bắc Ireland. Nếu việc “ly hôn” được giải quyết, Anh và EU sẽ duy trì 1 giai đoạn quá độ 21 tháng, đến cuối năm 2020 và trong giai đoạn quá độ đó, hai bên sẽ thảo luận về quan hệ hậu Brexit.
Vì thế, các chuyên gia phân tích cho rằng tầm nhìn của nước Anh về kỷ nguyên hậu Brexit ra sao phụ thuộc rất lớn vào việc giải quyết vấn đề Anh rời khỏi EU thế nào. Hiện tại thì trong nội bộ nước Anh, và trong chính đảng Bảo thủ cầm quyền vẫn tồn tại hai quan điểm. Những người ủng hộ Brexit cứng muốn có một sự chia tay dứt khoát với châu Âu và cho rằng sau Brexit, nước Anh cần tìm kiếm các đối tác khác. Ngược lại, những người theo quan điểm Brexit mềm lại muốn nước Anh gắn chặt lợi ích với EU về lâu dài, kể cả khi không còn là thành viên EU.
Trong khi đó, ở thời điểm này, do sức ép của việc giải quyết vấn đề Brexit nên giới chức Anh và EU chưa đi sâu vào vấn đề hậu Brexit. Tuy nhiên, qua các phát biểu của nhiều chính trị gia Anh và châu Âu có thể thấy, về lâu dài cả Anh và EU đều đặt ra mục tiêu xây dựng một quan hệ đối tác cực kỳ chặt chẽ, không chỉ về kinh tế mà còn cả về chính trị, an ninh bởi điều đó mang lại lợi ích cho cả hai bên.
Hội nghị thượng đỉnh EU lần này được coi là cơ hội để Anh và EU hóa giải những bất đồng còn tồn tại về Brexit sau hơn 1 năm rưỡi đàm phán. Tuy nhiên việc Anh và EU chưa đạt được đủ tiến bộ dù hai bên đã rất nỗ lực khiến nguy cơ về một Brexit không có thỏa thuận đang hiện hữu./.
Thủ tướng: Tăng cường hiệu ứng lan tỏa của WEF ASEAN 2018  (21/10/2018)
Việt Nam đưa ra nhiều sáng kiến thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng  (21/10/2018)
Các chuyến thăm thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với vấn đề chung  (21/10/2018)
Chuyến thăm truyền tải thông điệp và hình ảnh về một nước Việt Nam mới năng động, phát triển  (21/10/2018)
Hình thành chuỗi bệnh viện trực thuộc các bệnh viện lớn  (21/10/2018)
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thăm Vatican  (21/10/2018)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay