Sự kiện trong nước nổi bật tuần qua (từ ngày 30-7 đến ngày 05-8-2018)

Nhân Chính (Tổng hợp từ TTXVN, TCCSĐT, Chinhphu.vn)
23:30, ngày 06-08-2018
TCCSĐT - Đưa du lịch Đà Lạt trở thành một biểu tượng của văn hóa Đông - Tây; Tổng Bí thư: Ngành Tuyên giáo tuyệt đối không được dao động, mơ hồ; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng; Thái Nguyên cần làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc tại Tuyên Quang; Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự họp mặt phụ nữ Khu 8;... là những sự kiện trong nước nổi bật tuần qua.

Đưa nông nghiệp Việt Nam vào top 15 nước phát triển nhất thế giới

Sáng 30-7, lần đầu tiên, Hội nghị toàn quốc quy mô lớn nhất từ trước đến nay về “thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp” đã được Chính phủ tổ chức tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - một địa danh nổi tiếng với nhiều thương hiệu nông sản “đắt hàng”, hiệu quả kinh tế cao.

Với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng, cùng lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, trong đó có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân, Hội nghị một lần nữa khẳng định quyết tâm chính trị của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực được coi là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước.

Hội nghị thu hút sự tham dự của khoảng hơn 800 đại biểu chính thức là những người rất tâm huyết với lĩnh vực nông nghiệp, đến từ cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề, tổ chức quốc tế; các chuyên gia, nhà khoa học.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đặc thù của Việt Nam là quốc gia “tam sơn tứ hải nhất phần điền”, dân số đông, 70% dân số Việt Nam làm trong ngành nông nghiệp, nhưng GDP trong lĩnh vực này chỉ chiếm 18%. Điều này đặt ra yêu cầu tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ. Đây cũng là quan điểm định hướng đối với các cấp, các ngành, Thủ tướng nói.

Điểm lại những thành công lớn lao của nông nghiệp Việt Nam, từ một nước thiếu ăn nghiêm trọng, đã trở thành quốc gia có nền nông nghiệp thứ nhì khu vực Đông Nam Á, Thủ tướng khẳng định vai trò quan trọng của các loại hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ.

Bày tỏ sự trăn trở trước tình hình sản xuất nông nghiệp ở trong nước, Thủ tướng băn khoăn về việc tiêu thụ túi nylon trong bao tiêu sản phẩm còn quá lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề môi trường. Ngoài ra, thực trạng chế biến còn thô, chưa sâu dẫn đến kéo giảm hiệu quả kinh tế.

Thủ tướng đặt hàng cho ngành nông nghiệp trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào tốp 15 nước phát triển nhất thế giới; trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào tốp 10 thế giới. Nông nghiệp Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu của nông nghiệp thế giới; là một trung tâm xúc tiến thương mại nông sản toàn cầu.

Để thực hiện được các mục tiêu này, Thủ tướng chỉ rõ “vấn đề cốt lõi vẫn là sự phát triển của các doanh nghiệp đầu tư cho ngành nông nghiệp”. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tổ chức thực hiện tốt Nghị định 57, đặc biệt là khắc phục tình trạng chỉ chú trọng hỗ trợ đầu vào là chính mà chưa hỗ trợ đầu ra.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đất đai, ổn định quỹ đất; cắt giảm 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục về thuế. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, thúc đẩy cạnh tranh, hiệu quả theo cơ chế kinh tế thị trường; trong đó chú ý đến 3 lĩnh vực sản xuất đứng vào tốp 5 của thế giới, đó là rau củ quả, thủy hải sản, dược liệu và một số mặt hàng thế mạnh khác như tôm, gạo.

Đưa du lịch Đà Lạt trở thành một biểu tượng của văn hóa Đông - Tây

Sau khi chủ trì Hội nghị toàn quốc về “thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp”, chiều 30-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Lâm Đồng để đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đây là lần thứ hai trong vòng hơn hai năm qua, Thủ tướng làm việc với Lâm Đồng - địa phương giàu tiềm năng về phát triển du lịch và nông nghiệp công nghệ cao của cả nước.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra một hướng phát triển mới cho Lâm Đồng: “Niềm tin mới, phát triển mới, chen lẫn thách thức cũ và cần có bước đột phá”.

Thủ tướng cho rằng với quy mô kinh tế chiếm 1,4% cả nước cho thấy Lâm Đồng không còn là địa phương nhỏ bé trên bản đồ kinh tế Việt Nam mà đang chứng tỏ là địa phương giàu tiềm năng đang và đang nhanh chóng trở thành cực tăng trưởng của khu vực miền Trung Tây Nguyên và cả nước.

Thủ tướng nhận xét, với mức thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt gần 55 triệu đồng/người/năm, Lâm Đồng giữ vị trí là khá cao so với bình quân cả nước. Không chỉ có vậy, phần lớn kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là từ nội bộ nền kinh tế, “không xuất khẩu hộ,” phản ánh tăng trưởng mang tính thực chất. Không chỉ liên tục thu ngân sách vượt dự toán, tỉnh còn có cách làm tốt về quản lý chi ngân sách, tiết kiệm chi.

“Lâm Đồng đã tiệm cận một số vùng kinh tế khu vực Đông Nam bộ”, Thủ tướng nói và vui mừng vì các lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của tỉnh đều đạt kết quả ấn tượng như nông nghiệp công nghệ cao, du lịch.

Thủ tướng hoan nghênh Lâm Đồng đã sớm có chủ trương phát triển nông nghiệp trên chuỗi giá trị, hình thành các mô hình chuỗi nông nghiệp an toàn, đặc biệt tỉnh đã sớm bắt tay xây dựng thương hiệu cho nhiều loại nông sản địa phương để từng bước hình thành nên những thương hiệu nông sản uy tín như “Hoa Đà Lạt - kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, tổ chức quảng bá hình ảnh du lịch Lâm Đồng, Đà Lạt khá hiệu quả, thu hút.

Trên cơ sở kết quả kinh tế xã hội đạt được của địa phương thời gian qua, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng Lâm Đồng sẽ hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2018. Trong tương lai không xa, Lâm Đồng sẽ không còn nhận trợ cấp mà có thể đóng góp trở lại cho ngân sách Trung ương trong trung hạn.

Góp ý với địa phương trong hoạch định phát triển, Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng nên khuyến khích phát triển công nghiệp chế biến, khắc phục tình trạng chế biến, xuất khẩu thô như hiện nay để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Thủ tướng đưa ra mô hình tam giác phát triển kinh tế của Lâm Đồng: nông nghiệp sạch, công nghệ cao; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp và du lịch gắn với nông nghiệp.

Lưu ý địa phương khắc phục những bất cập về du lịch, Thủ tướng đề nghị tỉnh chú trọng làm tốt hơn nữa nhiệm vụ giữ rừng, bảo vệ rừng; khắc phục tình trạng tắc nghẽn, xuống cấp cơ sở hạ tầng; cân nhắc tốt hơn việc lựa chọn các nhà đầu tư khai thác tài nguyên du lịch đảm bảo có tiềm lực, khả năng nâng cao hiệu quả nguồn tài nguyên đặc biệt này. Cùng với đó, chấn chỉnh tình trạng sản phẩm bị làm giả, làm nhái, làm suy giảm giá trị thương hiệu du lịch Đà Lạt hay tình trạng cò du lịch làm xấu hình ảnh du lịch của địa phương.

Đáng chú ý, tỉnh cần tiếp tục tăng thời gian lưu trú của khách, tăng chi tiêu của du khách khi đến với địa phương, đưa du lịch của Đà Lạt “trở thành một biểu tượng của văn hóa Đông - Tây”.

Tổng Bí thư: Ngành Tuyên giáo tuyệt đối không được dao động, mơ hồ

Ngày 01-8, đúng dịp kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống ngành tuyên giáo (01-8-1930 - 01-8-2018), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm việc với cán bộ chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương, nghe báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác tuyên giáo, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XII đến nay và các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Báo cáo một số kết quả nổi bật của ngành Tuyên giáo từ Đại hội XII của Đảng đến nay, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, hơn hai năm qua, cùng với kết quả của các ngành, các cấp trong cả nước, ngành Tuyên giáo tiếp tục phát triển và đạt được những kết quả quan trọng.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư gửi đến toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người làm công tác tuyên giáo trong cả nước qua các thời kỳ những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Tổng Bí thư nhấn mạnh là một Ban Tham mưu của Đảng, Ban Tuyên giáo Trung ương có vị trí, vai trò rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và vận động quần chúng, là cơ quan tham mưu của Ban Chấp hành Trung ương, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, về chủ trương, quan điểm và chính sách của Đảng trong lĩnh vực tuyên truyền, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, văn nghệ, khoa giáo; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của Đảng.

Trong suốt 88 năm qua, ngành tuyên giáo đã có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước. Hơn 30 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, ngành tuyên giáo đã có bước phát triển mới, đóng góp xứng đáng vào những thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử của Đảng, của đất nước.

Thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng, biểu dương và cảm ơn Ban Tuyên giáo Trung ương, ban tuyên giáo các cấp, các đồng chí, các cơ quan làm công tác tuyên giáo từ Trung ương đến cơ sở về những kết quả, thành tích đã đạt được trong thời gian qua.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các ý kiến phát biểu tại cuộc làm việc cơ bản nhất trí với báo cáo của Ban Tuyên giáo Trung ương, khái quát 7 thành tựu, kết quả đạt được, chỉ rõ 7 hạn chế, tồn tại và xác định 9 nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Các ý kiến cũng nêu nhiều kiến nghị với Ban Tuyên giáo Trung ương, nêu lên những mong muốn, gửi gắm những tình cảm, đòi hỏi của xã hội đối với công tác tuyên giáo.

Tổng Bí thư chỉ rõ từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình đất nước ta, Đảng ta về tổng thể là tốt, không khí trong xã hội phấn khởi tin tưởng, nhiều phong trào trở thành tự giác, tự nguyện, nhân dân đồng tình ủng hộ. Nêu bật những thành tựu của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội, thể thao... Tổng Bí thư nhấn mạnh: Tổng quát lại hai năm rưỡi vừa qua, đất nước ta tiếp tục phát triển. Đây là công sức, nỗ lực chung của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả chúng ta, trong đó có ngành tuyên giáo, trực tiếp là Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư nhắc nhở, không được bằng lòng thỏa mãn, chủ quan, vì trước mắt còn nhiều thử thách. Tổng Bí thư nhấn mạnh 3 điểm lớn. Một là công tác lý luận, bao gồm nghiên cứu lý luận, giáo dục lý luận, truyền bá lý luận, đây là vấn đề rất cơ bản, quan trọng, quyết định việc định hướng tư tưởng chính trị của chúng ta, phải chăng chưa được quan tâm đúng mức, chưa đáp ứng được yêu cầu dù đã rất cố gắng. Đó là lý luận Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, định hướng con đường đi lên của chúng ta. Vấn đề quan trọng là kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, việc đầu tiên của Ban Tuyên giáo Trung ương, của ngành tuyên giáo là xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng.

Thứ hai, công tác thông tin tuyên truyền có nhiều cố gắng, báo chí phát triển rất nhanh, rầm rộ, phong phú, hiệu quả, nhưng thông tin tuyên truyền miệng còn yếu, đối thoại, tuyên truyền, nói chuyện... chưa sinh động, chưa kịp thời, tính chỉ đạo hướng dẫn, định hướng cho báo chí, cho văn học nghệ thuật chưa quyết liệt. Tất nhiên là không làm thay chuyên môn nghiệp vụ, đây là định hướng tư tưởng. Nhất là công tác quản lý báo mạng, Internet, còn nhiều lúng túng, hạn chế. Công cụ ta có nhưng phối hợp chưa tốt.

Thứ ba, cuộc đấu tranh tư tưởng, phê phán bác bỏ quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch, mặc dù rất cố gắng nhưng chưa huy động được sức mạnh tổng hợp để làm việc này, hiệu quả chưa cao, cần tổ chức đấu tranh bài bản hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng

Chiều 01-8, kết luận buổi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu cần tiếp tục duy trì động lực tăng trưởng không chỉ cho năm nay mà còn những năm tiếp theo 2019 - 2020.

Nhận xét tình hình kinh tế - xã hội của đất nước, Thủ tướng phân tích 4 mục tiêu cơ bản kinh tế vĩ mô của đất nước tiếp tục được đảm bảo: GDP tăng, ổn định giá cả, tăng việc làm, giảm thất nghiệp và xuất khẩu ròng 2018. Lần đầu tiên chỉ số thất nghiệp quốc gia giảm 2,2%.

Nền kinh tế có dấu hiệu đổi chiều, bắt đầu tăng từ quý II-2017 và theo đánh giá của các chuyên gia, kết quả này có được nhờ những cải cách thể chế, sự chỉ đạo, điều hành tập trung của Chính phủ, lợi ích từ hội nhập sâu rộng…Việc ứng dụng thành tựu công nghệ mới bước đầu làm tăng năng suất lao động tăng; chỉ số logistic của Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ thứ 3 trong ASEAN, sau Thái Lan và Singapore. Cùng với đó, đời sống người dân được cải thiện, nông nghiệp được mùa, giá cả ổn định.

Thủ tướng cũng chỉ ra những thách thức, rủi ro trong ngắn hạn mà nền kinh tế phải đối mặt đó là: Ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, tình trạng nhập siêu, rủi ro về dòng vốn FDI đảo chiều, kiều hối giảm, vấn đề bảo hộ thương mại...

“Chúng ta tăng dự trữ ngoại tệ rất đáng mừng, trên 63 tỷ USD nhưng không thể chủ quan cho rằng Việt Nam đủ sức kiểm soát tỷ giá trước tác động của thị trường tài chính toàn cầu”, Thủ tướng nói.

Khẳng định quan điểm nhất quán thực hiện các mục tiêu: Tăng trưởng, cuộc sống và môi trường, Thủ tướng lưu ý trong phát triển kinh tế cần chú trọng vấn đề môi trường và bảo đảm an toàn cho người dân tốt hơn, bao gồm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bão lũ..

Thái Nguyên cần làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị

Chiều 02-8, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng và Đoàn công tác Trung ương đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên về kết quả nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Vượng đánh giá cao tinh thần đoàn kết, nhất trí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhờ đó tạo sức mạnh tổng hợp, môi trường đầu tư, kinh doanh thay đổi rõ nét… Đây là động lực để Thái Nguyên phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội, y tế, giáo dục, an sinh xã hội; an ninh, quốc phòng được giữ vững; xây dựng Đảng, củng cố hệ thống chính trị được chú trọng.

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị, từ nay đến hết nhiệm kỳ, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu đã đề ra đến năm 2020, trong đó đặc biệt chú trọng các vấn đề về an sinh xã hội; phát triển công nghiệp phụ trợ của Samsung; nâng cao chất lượng giáo dục với thế mạnh là trung tâm đào tạo lớn thứ 3 cả nước để cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng.

Nhấn mạnh Thái Nguyên là vùng đất có đặc sản chè nổi tiếng, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đề nghị tỉnh cần nâng cao hơn nữa chất lượng chè và thương hiệu chè để vươn ra thị trường thế giới, kết hợp làng nghề chè với phát triển du lịch sinh thái; phát triển kinh tế đi đôi với cải thiện đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, công nhân khu công nghiệp để người dân đều được hưởng thành quả của sự phát triển. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị; người đứng đầu, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên phải thật sự nêu gương để củng cố hơn nữa lòng tin của nhân dân.

Sáng cùng ngày, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Đoàn công tác đã có buổi làm việc tại xã Tân Hương, thị xã Phổ Yên. Đoàn công tác đã nghe lãnh đạo xã Tân Hương và thị xã Phổ Yên báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã, cũng như các Nghị quyết của Trung ương từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc tại Tuyên Quang

Ngày 04-8, Đoàn công tác Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh Tuyên Quang.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.

Trong thời gian tới, Tuyên Quang cần tiếp tục đẩy mạnh 3 khâu đột phá là xây dựng kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực và cải cách hành chính theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đề ra; tiếp tục khai thác tiềm năng, thế mạnh để thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược xây dựng hạ tầng trong các lĩnh vực; gắn phát triển nông nghiệp với tổ chức thực hiện hiệu quả Chương trình tam nông (nông nghiệp - nông dân - nông thôn), bảo đảm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Tuyên Quang phải gắn cải cách hành chính với việc thực các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu; gắn cải cách hành chính của tỉnh với các bộ, ngành Trung ương bảo đảm tính thống nhất; nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đổi mới, sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu quả đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, hạn chế tối đa giải quyết quá hạn, không để xảy tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân…

Dịp này, Đoàn công tác đã trao tặng Quỹ Khuyến học tỉnh Tuyên Quang 200 triệu đồng.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự họp mặt phụ nữ Khu 8

Chiều 05-8, Hội Liên hiệp phụ nữ Bến Tre tổ chức họp mặt truyền thống phụ nữ Khu 8 (Trung Nam Bộ) lần thứ 19.

Tham dự buổi họp mặt có: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, các lão thành cách mạng, các đồng chí nguyên cán bộ Khu 8, đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ.

Tại buổi họp mặt, các thế hệ cán bộ phụ nữ đã ôn lại lịch sử quá trình tham gia kháng chiến chống Mỹ của cán bộ phụ nữ Khu 8; thăm hỏi, động viên nhau sống khỏe, sống có ích cho xã hội. Qua đó, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, định hướng cho thế hệ trẻ biết trân trọng, kế thừa và phát huy những truyền thống, giá trị đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Phát biểu tại buổi họp mặt, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thay mặt Đảng, Nhà nước trân trọng cảm ơn các thế hệ cán bộ phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ Khu 8 đã tận tâm, tận tình xây dựng, đóng góp cho mỗi bước trưởng thành của phong trào phụ nữ, góp phần cùng Đảng, Nhà nước xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Ôn lại lịch sử phong trào Đồng Khởi cùng tinh thần bất khuất, chiến đấu kiêng cường của “Đội quân tóc dài” Bến Tre trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Phó Chủ tịch nước đã thông tin đến các đại biểu về việc Chủ tịch nước đã ký quyết định khen tặng “Đội quân tóc dài” Bến Tre danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã gửi tặng 30 triệu đồng đến Ban liên lạc Hội phụ nữ Khu 8; đồng thời chúc các đồng chí nguyên cán bộ phụ nữ Khu 8 sống vui, sống khỏe, tiếp tục là những tấm gương, kho tư liệu “sống” giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử đấu tranh cách mạng vẻ vang./.