TCCS - Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng về công tác xây dựng Ðảng, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ban hành Nghị quyết “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Ðảng hiện nay” (Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16-01-2012). Qua hơn một năm thực hiện, nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng: Việc triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết của Trung ương lần này thể hiện quyết tâm chính trị cao của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trong quá trình chỉ đạo thực hiện có một số nội dung, quy trình và cách làm mới so với trước đây.

Thời gian thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI mới được hơn một năm (tính từ ngày ban hành Nghị quyết), nhưng các nhóm giải pháp thực hiện Nghị quyết mà Trung ương đề ra đã được triển khai khá đồng bộ và đem lại một số kết quả tích cực bước đầu. Từ thực tiễn những việc đã làm và kết quả đạt được, có thể rút ra một số vấn đề cần nghiên cứu, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Trung ương sau này, nhất là trong chỉ đạo việc chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình trong xây dựng, chỉnh đốn Ðảng hiện nay. Cụ thể như sau:

Việc ban hành đồng bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết ở các cấp. Sau khi Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TW vào ngày 16-01-2012, thì ngày 24-02-2012, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TW để chỉ đạo thực hiện và ngày 12-3-2012 Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kế hoạch số 08-KH/TW về việc thực hiện Nghị quyết. Ðồng thời, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã chỉ đạo các ban, cơ quan đảng ở Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn để thực hiện, đặc biệt là Hướng dẫn số 11-HD/BTCTW, ngày 14-3-2012, của Ban Tổ chức Trung ương về việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Ðảng. Như vậy, việc ban hành khá sớm và đồng bộ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương đã tạo sự thống nhất nhận thức trong toàn Ðảng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp ủy, tổ chức đảng trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết. 

Tổ chức tốt việc học tập, quán triệt Nghị quyết, làm cơ sở cho việc thống nhất ý chí và hành động trong toàn Ðảng. Sau khi có Nghị quyết, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc trong 03 ngày để học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết với sự tham dự của hơn 1.400 đồng chí là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đội ngũ báo cáo viên ở Trung ương và địa phương; đồng chí Tổng Bí thư trực tiếp quán triệt và giải đáp những thắc mắc của đại biểu tại Hội nghị, tạo sự thống nhất nhận thức trong việc triển khai học tập, quán triệt Nghị quyết ở các cấp dưới và cơ sở. Ðồng thời, Bộ Chính trị đã tổ chức hai Hội nghị với các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ cao cấp của Ðảng, Nhà nước đã nghỉ hưu ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh để phổ biến, quán triệt Nghị quyết, mục tiêu, yêu cầu và cách tiến hành, tạo sự thống nhất về nhận thức, ý chí và hành động trong toàn Ðảng; phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của Ðảng, Nhà nước đã nghỉ hưu trong thực hiện Nghị quyết. 

Chỉ đạo thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết để thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp đã đề ra. Ðể có cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Nghị quyết ở các cấp, ngoài việc ban hành chỉ thị, kế hoạch và các hướng dẫn, Bộ Chính trị đã phân công, giao nhiệm vụ cụ thể cho các ban và các cơ quan đảng ở Trung ương tiến hành nghiên cứu, xây dựng các văn bản pháp quy nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa nội dung Nghị quyết thành các đề án, quy định, quy chế, quyết định, hướng dẫn... để thực hiện, như Ðề án trình Ban Chấp hành Trung ương về Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Ðảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo; Ðề án về thành lập Ban Nội chính Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương; về bổ sung, sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng và việc thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp; ban hành Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh cán bộ do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu và phê chuẩn; Quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác cán bộ; bổ sung, sửa đổi Quyết định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ;... 

Ðổi mới việc chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ở các cấp. Ðể chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng Ðảng, Bộ Chính trị không thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ở Trung ương và các địa phương mà thành lập Bộ phận Thường trực để giúp cấp ủy chỉ đạo thực hiện Nghị quyết. Bộ phận Thường trực ở Trung ương gồm đồng chí Tổng Bí thư và các đồng chí: Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Trưởng Ban Dân vận Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ban Bí thư quyết định thành lập Tổ Giúp việc Bộ phận Thường trực, gồm một số cán bộ cấp vụ ở một số ban đảng Trung ương, do một đồng chí Phó Chánh Văn phòng Trung ương Ðảng làm Tổ trưởng và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Bộ phận Thường trực thường xuyên nắm tình hình, tiến độ thực hiện để báo cáo Bộ Chính trị và kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết ở các cấp. 

Chỉ đạo chặt chẽ quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân. Trước khi chuẩn bị kiểm điểm tập thể và cá nhân ở các cấp, cấp ủy phải tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc và của các cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp đó đã nghỉ hưu đối với tập thể và cá nhân về 03 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đề ra bằng các hình thức phù hợp. Qua lấy ý kiến, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cấp ủy đảng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp thẳng thắn, xây dựng, với tinh thần trách nhiệm cao, nhất là của đội ngũ cán bộ lãnh đạo cao cấp đã nghỉ hưu. Trên cơ sở các ý kiến góp ý đó, cấp ủy phải tập hợp, tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác các ý kiến góp ý của tập thể và cá nhân, lựa chọn những vấn đề cần tiếp thu và giao cho các cơ quan, cá nhân có liên quan chuẩn bị báo cáo giải trình trước khi kiểm điểm. Trình tự kiểm điểm tự phê bình và phê bình lần này được tiến hành từ trên xuống dưới; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau và phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của người đứng đầu. Nội dung kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân chỉ tập trung vào ba vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 đề ra và tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, bình tĩnh, thận trọng với phương châm “trị bệnh, cứu người”; kiểm điểm đến đâu chắc đến đó, không nóng vội, hình thức. Nơi nào chuẩn bị kiểm điểm chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu thì phải chuẩn bị tiếp, khi nào chuẩn bị tốt mới được tổ chức kiểm điểm. 

Trong quá trình kiểm điểm, cần phân tích, làm rõ những khuyết điểm của tập thể và trách nhiệm của cá nhân; đồng thời, trên cơ sở kiểm điểm, làm rõ khuyết điểm của các cá nhân để thấy rõ hơn khuyết điểm và trách nhiệm của tập thể. Như vậy, quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình của tập thể và cá nhân cũng là quá trình để mỗi tập thể và cá nhân nâng cao nhận thức, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện bản kiểm điểm của mình.
Cấp trên cần có gợi ý kiểm điểm đối với cấp dưới. Trước khi kiểm điểm, cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên thấy tập thể và cá nhân nào có vấn đề nổi cộm, có dư luận hoặc liên quan đến tham nhũng, tiêu cực thì có gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân đó. Tập thể cấp ủy, tổ chức đảng và các cá nhân được gợi ý kiểm điểm phải có báo cáo giải trình và tập trung kiểm điểm tự phê bình và phê bình để làm rõ mức độ đúng, sai. Trong đợt kiểm điểm tự phê bình và phê bình đối với cấp tỉnh và tương đương vừa qua, Bộ Chính trị đã gợi ý kiểm điểm sâu đối với 26 ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy; 30 ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo cơ quan Trung ương và một số cá nhân cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Theo cách làm đó, các tỉnh ủy, thành ủy và tương đương cũng gợi ý kiểm điểm sâu đối với những tập thể và cá nhân cấp dưới trực tiếp có những vấn đề nổi cộm. Việc gợi ý kiểm điểm của cấp trên đối với cấp dưới vừa có tác dụng đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp trên, vừa khắc phục được tư tưởng nể nang, né tránh, xuôi chiều, ngại va chạm của cấp dưới, nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình trong Ðảng.

Cấp trên dự, theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm điểm của cấp dưới, nhất là những nơi có vấn đề nổi cộm. Ðể theo dõi và chỉ đạo chặt chẽ việc kiểm điểm của ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn và lãnh đạo cơ quan ở Trung ương, Bộ Chính trị đã thành lập các nhóm công tác của Trung ương dự kiểm điểm ở các địa phương, đơn vị do đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc đồng chí phó trưởng ban các ban đảng Trung ương làm trưởng nhóm. Theo cách làm đó, các tỉnh ủy, thành ủy và tương đương cũng thành lập các tổ công tác để theo dõi, chỉ đạo việc kiểm điểm đối với các cấp ủy cấp dưới do một đồng chí ủy viên ban thường vụ làm tổ trưởng. Bộ Chính trị đã ban hành tài liệu “Những biểu hiện chủ yếu của việc kiểm điểm không đạt yêu cầu” gồm 12 tiêu chí để các cấp ủy, tổ chức đảng làm căn cứ đối chiếu trong quá trình thực hiện, khắc phục tình trạng chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm sơ sài, qua loa, hình thức. 

Sau khi kiểm điểm tập thể và cá nhân, ban thường vụ cấp ủy có kết luận bằng văn bản về ưu điểm, khuyết điểm của tập thể, từng cá nhân và báo cáo cấp trên. Những vấn đề nào đã rõ thì kết luận ngay và tiến hành sửa chữa, khắc phục ngay; những vấn đề nào chưa rõ thì giao cho cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh và làm rõ để báo cáo ban thường vụ cấp ủy thống nhất trước khi kết luận. Kết quả kiểm điểm của tập thể và cá nhân phải báo cáo với cấp ủy cấp trên; đồng thời đưa ra hội nghị ban chấp hành hoặc hội nghị cán bộ chủ chốt của cơ quan, đơn vị để cấp ủy hoặc hội nghị cán bộ chủ chốt nhận xét, đánh giá kết quả. Cấp ủy cấp trên căn cứ vào 12 tiêu chí đã xác định để đánh giá kết quả kiểm điểm của cấp dưới; nếu tập thể, cá nhân nào kiểm điểm chưa kỹ, chưa đạt yêu cầu thì phải tiến hành kiểm điểm lại hoặc kiểm điểm bổ sung. Kết quả kiểm điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã được báo cáo tại Hội nghị Trung ương 6 và được Ban Chấp hành Trung ương đánh giá là cơ bản đạt yêu cầu; kết quả kiểm điểm tự phê bình và phê bình của cấp tỉnh và tương đương (130 đơn vị) đã được Bộ Chính trị đánh giá là: Nhìn chung cơ bản đạt yêu cầu, song có một số tập thể và cá nhân phải tiến hành kiểm điểm bổ sung hoặc kiểm điểm lại.

Sau kiểm điểm, cấp ủy thông báo kết quả và phổ biến rút kinh nghiệm cho cấp dưới; đồng thời thông báo kết quả tiếp thu ý kiến góp ý đối với những tập thể, cá nhân đã đóng góp ý kiến trước kiểm điểm. Sau kiểm điểm ở mỗi cấp, cấp ủy cần tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, phổ biến quy trình, cách làm của cấp mình để cấp dưới học tập, noi theo; đồng thời thông báo kết quả kiểm điểm của tập thể và cá nhân đối với những tập thể và cá nhân đã đóng góp ý kiến trước khi kiểm điểm bằng các hình thức phù hợp. Sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm tập thể và cá nhân trong 21 ngày và chia làm nhiều đợt (kiểm điểm tập thể 04 ngày, kiểm điểm cá nhân 12 ngày và 05 ngày làm rõ những vấn đề liên quan đến kiểm điểm cá nhân), Bộ Chính trị đã tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt toàn quốc để phổ biến kinh nghiệm, quy trình và cách làm trước khi triển khai đến cấp tỉnh và tương đương. Theo cách đó, sau khi kiểm điểm ở cấp mình, cấp tỉnh và tương đương cũng tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm trước khi triển khai đến cấp huyện và tương đương. Với cách làm như vậy, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình nghiêm túc, chân tình, gương mẫu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã thực sự là tấm gương sáng để cấp dưới học tập, noi theo; có sức lan tỏa mạnh mẽ và có tác dụng lớn đối với việc chuẩn bị, tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình ở các cấp./.