Hợp tác kinh tế quốc tế góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam
TCCSĐT - Triển khai đường lối, chính sách của Đảng về mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới, gần 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng trong việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, quan hệ đối ngoại trên lĩnh vực kinh tế đã góp phần to lớn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao.
1. Hội nhập kinh tế quốc tế
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam. Việc tham gia hội nhập kinh tế với khu vực và quốc tế được triển khai mạnh mẽ kể từ khi Việt Nam gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng các định chế kinh tế, tài chính thương mại của ASEAN như: Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), Khu vực đầu tư ASEAN (AIA); ký Hiệp định khung với Liên minh châu Âu (EU) (năm 1995); tham gia Diễn đàn Hợp tác Á - Âu (ASEM) (năm 1996), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) (năm 1998); ký Hiệp định Thương mại với Mỹ (năm 2000) dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và cuối năm 2006 đã chính thức trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Nhìn tổng quát, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta đã xúc tiến với bước đi khá vững chắc và đạt được kết quả bước đầu rất đáng khích lệ. Trước hết, đó là việc mở rộng quan hệ kinh tế với hàng loạt quốc gia và khu vực, tiếp đến là việc trở thành thành viên của một số tổ chức kinh tế, thương mại chủ chốt, tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng hiệu quả hơn.
Nhờ đó, Việt Nam đã khắc phục được tình trạng khủng hoảng thị trường do các đối tác truyền thống ở Liên Xô và các nước Đông Âu bị thu hẹp đột ngột, do tác động tiêu cực từ cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực trong những năm 1997 - 1998. Một thành tựu nổi bật là đã thu hút được nguồn vốn đầu tư nước ngoài khá lớn, trước hết là FDI từ các mối quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ, thu hút được hơn 10 nghìn dự án FDI từ 85 nước và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đăng ký hơn 160 tỷ USD. Nhiều nhà đầu tư lớn, các tập đoàn xuyên quốc gia đã và đang đặc biệt quan tâm đến Việt Nam. Tại các hội nghị tư vấn tài trợ cho Việt Nam, tổng cam kết tài trợ liên tục tăng với các kỷ lục mới, năm 2006 đạt hơn 4,4 tỷ USD, năm 2007 đạt 5,42 tỷ USD, năm 2009 đạt trên 8 tỷ, các năm 2010 - 2011 tổng cam kết tài trợ vẫn duy trì ở mức cao. Đây là thể hiện niềm tin và sự tín nhiệm của cộng đồng tài trợ quốc tế đối với Việt Nam, đồng thời phản ánh quyết tâm cao độ của Việt Nam trên đường cải cách và phát triển. Bên cạnh các thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, EU, Ô-xtrây-li-a..., hàng hoá Việt Nam đã vươn ra củng cố thế đứng trên nhiều thị trường khác như Nga, Trung Đông, Mỹ La-tinh, châu Phi,... Mặt khác, với việc mở rộng quan hệ kinh tế đối ngoại trong quá trình hội nhập, Việt Nam ngày càng năng động tiếp thu khoa học và công nghệ, kỹ năng quản lý, góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ kinh doanh. Hội nhập kinh tế quốc tế còn đưa lại một thành tựu đáng chú ý là từng bước đưa hoạt động của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế vào môi trường cạnh tranh, khuyến khích, kích thích những tiềm năng kinh doanh, tạo tư duy làm ăn mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Nhờ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, qua mười năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 - 2010 “đất nước ta thực sự đã đạt được những thành tựu to lớn và rất quan trọng. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đạt tốc độ bình quân 7,26%/năm. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 so với năm 2000 theo giá thực tế gấp 3,26 lần; thu ngân sách, kim ngạch xuất khẩu gấp 5 lần”(1).
2. Trong quan hệ song phương
Việt Nam đã củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị hợp tác toàn diện với các nước láng giềng và khu vực.
Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào tiếp tục có nhiều bước phát triển mới. Các cơ chế hợp tác giữa hai nước, đặc biệt là ở cấp cao nhất tiếp tục được tổ chức thường xuyên và phát huy hiệu quả. Hợp tác mọi mặt nói chung, trên lĩnh vực kinh tế nói riêng, ngày càng tiến triển theo hướng thực chất hơn, phát huy thế mạnh và tiềm năng của mỗi nước, bình đẳng, trên cơ sở cùng có lợi, dành sự ưu tiên ưu đãi hợp lý cho nhau, phù hợp với tính chất của quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt giữa hai nước. Hai bên đã ký và thực hiện các Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật ở các giai đoạn: Hiệp định hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật Việt Nam - Lào giai đoạn 1996 - 2000; Chiến lược hợp tác 2001 - 2010, Kế hoạch hợp tác Việt Nam - Lào giai đoạn 2006 - 2010; Chiến lược hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật Việt Nam - Lào giai đoạn 2011 - 2020 và Hiệp định về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật giữa Chính phủ Việt Nam - Lào giai đoạn 2011 - 2015.
Hiện nay, Việt Nam là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu của Lào với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 4 tỷ USD, đứng ở tốp đầu trong số 53 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Lào, kim ngạch thương mại hai chiều trong 10 năm trở lại đây tăng liên tục. Năm 2011 đạt 783,32 triệu USD; phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 2 tỷ USD năm 2015.
Quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia được thúc đẩy với phương châm “láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trong những năm qua, quan hệ hai nước đã không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng trên mọi lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực cho nhân dân hai nước.
Hợp tác chặt chẽ giữa hai nước được thực hiện qua các cơ chế như Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, Hội nghị Hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia, Hội nghị Xúc tiến đầu tư... được tổ chức hằng năm, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác trên mọi lĩnh vực. Cam-pu-chia cam kết công nhận và tôn trọng các hiệp ước, hiệp định biên giới đã ký với Việt Nam vào thập niên 80 của thế kỷ XX. Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước cũng đã phát triển nhanh chóng. Năm 1997 - 1999, kim ngạch thương mại hai chiều mới chỉ đạt khoảng 130 - 150 triệu USD/năm, nhưng từ năm 2005, kim ngạch thương mại hai nước tăng trung bình khoảng 30 - 40%/năm, năm 2011 đạt 2,8 tỷ USD, năm 2012 kim ngạch thương mại hai chiều đạt 3,3 tỷ USD, tăng 18% so với năm 2011, cao hơn mục tiêu mà Chính phủ hai nước đã đề ra là 2,8 tỷ USD (2). Đến hết năm 2012, Việt Nam đã có có 112 dự án được cấp phép đầu tư tại Cam-pu-chia với tổng vốn gần 2,5 tỷ USD, tập trung trên các lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, năng lượng, trồng cây cao su, chế biến nông sản (3). Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ hai của Cam-pu-chia, tổng kim ngạch thương mại hai chiều trong 4 tháng đầu năm 2013 đạt 1,3 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2012. Hai bên phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 5 tỷ USD trong 5 năm tới.
Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc phát triển nhanh và toàn diện. Khuôn khổ quan hệ được chính thức xác định với 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, tiếp đó được bổ sung thêm tinh thần 4 tốt: “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” và hiện nay đã nâng mối quan hệ hợp tác này lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”. Hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Trung Quốc tăng trưởng nhanh, tổng kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 35,7 tỷ USD (4), năm 2012 đạt ở mức kỷ lục, trên 41 tỷ USD.
Tại kỳ họp lần thứ tám Ủy ban Hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc diễn ra tại Hà Nội, ngày 22-4-2013, hai bên đã ghi nhận Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng là một đối tác thương mại quan trọng của Trung Quốc trong các nước ASEAN. Cũng tại kỳ họp này, hai bên thống nhất đặt mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 60 tỷ USD vào năm 2015 (6).
Bên cạnh sự phát triển quan hệ với các nước láng giềng và khu vực, Việt Nam tỏ rõ sự nhạy bén và năng động cải thiện quan hệ với các nước, nhất là các nước lớn cũng như các tổ chức khu vực và quốc tế trong quá trình hội nhập.
Quan hệ Việt Nam - Mỹ được bình thường hóa. Hai nước đã ký Hiệp định thương mại năm 2000; năm 2006 chính quyền Mỹ chính thức ban hành đạo luật về thiết lập Quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn (PNTR) với Việt Nam, đánh dấu việc bình thường hóa hoàn toàn quan hệ song phương giữa hai nước. Kim ngạch ngoại thương giữa Việt Nam và Mỹ trong năm 2010 đã đạt 18,324 tỷ USD, tăng 19% so với tổng kim ngạch của năm 2009. Đây là mức trao đổi thương mại hai chiều cao kỷ lục kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (năm 1995). Năm 2011, kim ngạch mậu dịch hai chiều vượt 18 tỷ USD, hiện Mỹ xếp thứ sáu trong số 85 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư ở Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Năm 2012, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Mỹ ước đạt 24,5 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2011. Mỹ tiếp tục là thị trường hàng xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 14,7 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 17,5% trong tổng giá trị xuất khẩu (7). Riêng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc từ Việt Nam vào Mỹ trong năm 2012 ước đạt mức 7,8 tỷ USD, tăng 8% so với con số 7,2 tỷ USD năm 2011 và có thể đạt mức 8,4 tỷ USD vào năm 2013, tăng lên mức 9,1 tỷ USD năm 2014 và đạt con số 9,7 tỷ USD vào năm 2015.
Với những kết quả đó, thương mại song phương được dự báo có thể đạt con số hơn 27 tỷ USD vào năm 2013 và đến năm 2020, thương mại Việt Nam - Mỹ sẽ đạt 50 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 20 tỷ USD (8).
Trong quan hệ với Liên bang Nga, Việt Nam đã chủ động đề ra những biện pháp nhằm duy trì và thúc đẩy quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực an ninh quốc phòng. Hai nước đã xác lập mối quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2001, cùng với một loạt các hiệp định về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học kỹ thuật, dầu khí, khuyến khích và bảo hộ đầu tư, tổ hợp công - nông nghiệp. Gần đây, kim ngạch buôn bán giữa hai nước và đầu tư của Nga vào Việt Nam có chiều hướng tăng nhanh, tập trung ở lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp chế biến, chế tạo và liên tục mở rộng sang nhiều lĩnh vực mới như ngân hàng, viễn thông… với tổng số vốn đăng ký là 919 triệu USD, đứng thứ 23 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2011 đạt 1,77 tỷ USD (9), năm 2012, đạt mức cao lịch sử, vượt 3,6 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2011, tăng 25% so với năm 2010. Trong quý I năm 2013, đạt 734 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 418 triệu USD, nhập khẩu đạt 216 triệu USD. Trong chuyến thăm Liên bang Nga từ ngày 12 đến ngày 15 tháng 5-2013 của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên đã ký kết một số thỏa thuận mới, nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và nâng kim ngạch thương mại song phương lên 7 tỷ USD vào năm 2015. Hiện Việt Nam có 16 dự án đầu tư tại Nga với tổng số vốn hơn 1,7 tỷ USD, Nga có 93 dự án tại Việt Nam với tổng giá trị hơn 2,07 tỷ USD (10).
Quan hệ với Ấn Độ vốn đã rất tốt đẹp, trong những năm gần đây, hợp tác về kinh tế - thương mại, khoa học - kỹ thuật, an ninh - quốc phòng giữa hai bên có bước phát triển mạnh mẽ, thể hiện sự tin cậy lẫn nhau. Hai nước ký Tuyên bố chung về Đối tác chiến lược mới vào tháng 7-2007, cũng trong năm này Hiệp định Kinh tế - Thương mại giữa hai nước được ký lại. Từ đó đến nay, Ấn Độ đã lọt vào nhóm 10 nước có vốn đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, đồng thời Việt Nam cũng trở thành nước trong khu vực Đông Nam Á tiếp nhận FDI lớn nhất từ Ấn Độ. Đặc biệt, sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN - Ấn Độ, có hiệu lực từ ngày 01-01-2010, quan hệ song phương càng khăng khít hơn, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước đầu tư và kinh doanh. Năm 2011, kim ngạch hai chiều đã đạt 3,9 tỷ USD, tăng 3,9 lần trong vòng 5 năm (11). Giai đoạn 2006 - 2012, tốc độ trao đổi hàng hóa giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng liên tục qua từng năm. Nếu năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Ấn Độ chỉ đạt 1,018 tỷ USD, thì đến năm 2012 tổng giá trị trao đổi hàng hóa đã đạt 3,943 tỷ USD, tăng gần 4 lần. Trong tổng giá trị xuất nhập khẩu, xuất khẩu hàng Việt Nam tăng liên tục, tốc độ cao hơn so với giá trị hàng nhập khẩu. Nếu tổng giá trị hàng xuất khẩu trong năm 2006 chỉ đạt 138 triệu USD đến năm 2012 đã tăng lên 1.782 triệu USD, tăng gấp 13 lần, trong đó có 2 năm đạt rất cao, đó là năm 2008 tăng 116% và năm 2010 tăng 136%. Trước đây, Việt Nam luôn là nước nhập siêu từ Ấn Độ, tuy nhiên trong 5 năm gần đây, xu hướng này đã giảm rõ rệt, nếu năm 2006 thâm hụt cán cân thương mại gấp 5,4 lần giá trị xuất khẩu thì năm 2012 chỉ bằng 21,26 % giá trị xuất khẩu, giảm trên 50% so với năm 2011. Tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2012 giảm gần 8% so với năm 2011. Kể từ khi Hiệp định thương mại hàng hóa trong khuôn khổ Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Ấn Độ (AITIG) có hiệu lực đối với Việt Nam (từ ngày 01-06-2010), tỷ trọng của 5 nhóm mặt hàng chính xuất khẩu sang Ấn Độ tăng nhanh qua từng năm và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số 24 mặt hàng đang xuất khẩu, từ 38,89% năm 2009 lên 63,77% năm 2012. Với tốc độ này, dự kiến trong năm 2013, tổng kim ngạch thương mại song phương sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Hai bên đang phấn đấu mục tiêu đưa tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa đạt 7 tỷ USD vào năm 2015 (12).
Quan hệ với Nhật Bản trải qua 40 năm hợp tác hữu nghị, quan hệ hai bên không ngừng được củng cố và thúc đẩy trên nhiều mặt, nhất là ở các lĩnh vực đầu tư, viện trợ phát triển. Việc nâng cấp mối quan hệ thành đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á vào năm 2009 đã tạo điều kiện cho sự hợp tác ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả. Trong lĩnh vực kinh tế, Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đặc biệt, Nhật Bản có lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tài trợ vốn ODA vào Việt Nam lớn nhất, và là đối tác xuất nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Các doanh nghiệp FDI đóng góp 55% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhật Bản luôn dành ưu tiên cao và coi trọng thúc đẩy quan hệ với Việt Nam, là nước G7 đầu tiên công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (tháng 10-2011). Ðến nay, Nhật Bản là nhà đầu tư số một tại Việt Nam (cả về tổng vốn đầu tư và vốn đã giải ngân), là đối tác thương mại lớn thứ ba. Bất chấp những khó khăn của kinh tế trong nước, Nhật Bản vẫn là nhà cung cấp ODA lớn nhất, chiếm khoảng 30% tổng cam kết ODA của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Trong 20 năm qua, nguồn ODA mà Nhật Bản cam kết viện trợ cho Việt Nam khoảng 22 tỷ USD, đã giải ngân khoảng 14 tỷ USD. Trong năm tài khóa 2011 (kết thúc ngày 31-3-2012), mặc dù phải tập trung giải quyết những khó khăn kinh tế trong nước, giải quyết hậu quả trận động đất, sóng thần năm 2011, Nhật Bản vẫn dành cho Việt Nam khoản ODA vốn vay tương đương 2,8 tỷ USD, là mức cao nhất từ trước tới nay, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hợp tác giữa hai nước trong các lĩnh vực khác như đầu tư, khoa học, công nghệ, lao động, du lịch, giáo dục - đào tạo, văn hóa thông tin, lãnh sự... cũng ngày càng được thúc đẩy mạnh mẽ, thu được những thành quả đáng khích lệ. Hai bên tích cực khai thác thế mạnh của nhau, hỗ trợ nhau trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, quan hệ thương mại Việt Nam - Nhật Bản đã tăng gấp 4 lần giai đoạn trước. Nếu với thị trường ở các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc… Việt Nam nhập siêu khá lớn thì với Nhật Bản, cán cân thương mại giữa hai bên lại khá cân bằng. Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu bổ trợ cho nhau phát triển chứ không cạnh tranh mạnh như các thị trường khác. Thương mại hai nước nhiều năm qua cũng không áp dụng biện pháp chống bán phá giá, trợ cấp như Mỹ và một số nước EU. Kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2011 đạt 21,181 tỷ USD, tăng 26,5% so với cùng kỳ năm 2010; Năm 2012 đạt gần 25 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 13 tỷ USD và nhập khẩu 12 tỷ USD. Hai bên phấn đấu tăng gấp hai lần kim ngạch thương mại song phương vào năm 2020 (13). “Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay. Đặc biệt, sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa Chính phủ và nhân dân hai nước đang tạo nền móng vững chắc cho mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản”(14). Hiện nay, Nhật Bản là bạn hàng lớn nhất, là nước đầu tư lớn và cung cấp viện trợ phát triển (ODA) song phương lớn nhất cho Việt Nam với tổng giá trị 14 tỷ USD, trong đó 1,5 tỷ USD là viện trợ không hoàn lại. Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (21-9-1973 - 21-9-2013), hai bên nhất trí lấy năm 2013 làm Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, nhiều hoạt động lớn, mang nhiều ý nghĩa sâu sắc đã được tổ chức ở cả hai nước và sẽ còn tiếp tục càng khẳng định sự gắn bó, tốt đẹp của mối quan hệ này.
Quan hệ với ASEAN, do nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và hội nhập khu vực cũng như vị trí quan trọng mang tính chiến lược của ASEAN đối với an ninh và sự phát triển của đất nước, cho nên từ khi gia nhập ASEAN đến nay, Việt Nam đã ngày càng tham gia tích cực và đầy đủ vào mọi hoạt động của tổ chức này và có nhiều đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực hợp tác chính của ASEAN, góp phần tạo dựng nền tảng vững chắc để tổ chức này đi đến quyết định lịch sử là hoàn thành việc xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Các nước ASEAN hiện có hơn 1.000 dự án đầu tư triển khai ở Việt Nam, với số vốn đầu tư trên 13 tỷ USD. Việt Nam cũng có hơn 120 dự án đang triển khai ở các nước thành viên ASEAN với tổng vốn gần 1 tỷ USD. Mặt khác, Việt Nam còn tham gia với tinh thần trách nhiệm và có những đóng góp tích cực vào các cơ chế hợp tác đa phương của ASEAN với các đối tác bên ngoài như: ASEAN+1, ASEAN+3, ASEM, Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS)… Việt Nam đã đảm nhận và hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN từ tháng 01 đến tháng 12-2010. Sự tham gia tích cực trong ASEAN đã góp phần quan trọng vào việc củng cố môi trường hòa bình và an ninh cho sự nghiệp phát triển đất nước; phá thế bao vây về chính trị, cô lập về kinh tế, tạo thuận lợi cho triển khai đường lối đối ngoại độc lập tự chủ; đa phương hóa, đa dạng hóa của Đảng ta. Đồng thời, góp phần thúc đẩy và đề cao vai trò, vị thế quốc tế của Hiệp hội.
Đi đôi với việc tăng cường thúc đẩy hợp tác và liên kết nội khối, Việt Nam đã tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN với các nước đối tác bên ngoài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, đồng thời góp phần đề cao và giữ vững vai trò chủ đạo của ASEAN tại các tiến trình hợp tác khu vực. Với tư cách là nước điều phối quan hệ đối thoại giữa ASEAN với nhiều đối tác quan trọng như Nhật Bản, Nga, Mỹ, Ô-xtrây-li-a, Ca-na-đa và hiện tại là Trung Quốc, Việt Nam đã phát huy vai trò là cầu nối tích cực tăng cường quan hệ giữa ASEAN với các đối tác này, kể cả việc góp phần tháo gỡ một số vướng mắc, giúp nâng tầm quan hệ giữa hai bên, được các bên đánh giá cao.
Sau gần 20 năm tham gia ASEAN, Việt Nam đã khẳng định được vị thế và uy tín của mình, các nước thành viên ASEAN và các nước đối tác bên ngoài đều đánh giá cao sự tham gia tích cực và những đóng góp của Việt Nam trong việc củng cố và phát triển trong Hiệp hội, cũng như quan hệ hợp tác với các nước đối thoại của ASEAN. Phương châm của Việt Nam trong giai đoạn mới sẽ là “tích cực, chủ động và có trách nhiệm” đối với cộng đồng ASEAN, tạo nên một nỗ lực chung của quốc gia thông qua Chương trình hành động của Chính phủ về việc Việt Nam tham gia ASEAN đến năm 2015.
Với Liên minh châu Âu (EU), sau 20 năm, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (tháng 11-1990), quan hệ Việt Nam và EU đã có những bước phát triển nhanh chóng và vững chắc trên các lĩnh vực: từ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, khoa học - công nghệ... đến ứng phó với các vấn đề của toàn cầu. EU trở thành một trong các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.
Năm 2005, Chính phủ đã thông qua đề án tổng thể Quan hệ Việt Nam - Liên minh châu Âu và Chương trình hành động đến năm 2010, định hướng tới năm 2015 với mục tiêu đưa quan hệ Việt Nam - EU trở thành “Quan hệ đối tác toàn diện và bền vững, trên tinh thần ổn định lâu dài và tin cậy lẫn nhau, vì hòa bình, hợp tác và phát triển phồn vinh trong các thập kỷ tới của thế kỷ XXI”. EU là đối tác đầu tiên của Việt Nam có chiến lược tổng thể về hợp tác và Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở Đông Nam Á đưa ra một chiến lược hợp tác toàn diện với EU. Đặc biệt, việc hai bên ký chính thức Hiệp định Đối tác và Hợp tác toàn diện (PCA) và khởi động đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào tháng 6-2012 là những bước phát triển quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới về chất, từ chỗ chủ yếu hỗ trợ Việt Nam phát triển giảm nghèo, chuyển đổi nền kinh tế sang mối quan hệ đối tác bình đẳng, hợp tác toàn diện, cùng có lợi, phù hợp với mức độ liên kết sâu rộng và tầm vóc của EU trong thế kỷ XXI, cũng như thế và lực ngày càng tăng của Việt Nam trong gần 30 năm đổi mới và hội nhập thành công.
Hiện EU là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, cũng là nhà cung cấp viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Việt Nam. Trong vòng 11 năm, từ năm 2000 đến năm 2011, kim ngạch thương mại hai bên đã tăng 5,9 lần, từ mức 4,1 tỷ USD lên 24,29 tỷ USD; trung bình tăng 15% - 20%/năm (15). Năm 2010, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 17,75 tỷ USD, năm 2011 đã tăng mạnh lên 24,29 tỷ USD và năm 2012 đạt 20,3 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thị trường thế giới. Tổng ODA mà EU cam kết viện trợ cho Việt Nam giai đoạn 1996 - 2012 là hơn 13 tỷ USD. Việt Nam đã ký với hầu hết các nước EU Hiệp định khung về hợp tác, Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần..., tạo cơ sở pháp lý cho xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác ổn định, lâu dài. Việt Nam đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các nước như Tây Ban Nha, Anh, Đức, Hà Lan, I-ta-li-a. Việc phát triển các mối quan hệ song phương đã thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - EU không ngừng phát triển.
Có thể thấy, chặng đường gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và hơn 20 năm thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, trong lĩnh vực đối ngoại việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn. Đến năm 2012, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 180 trong 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc; có quan hệ thương mại với gần 230 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế; có 98 cơ quan đại diện tại các quốc gia và vùng lãnh thổ khắp 5 châu lục trên thế giới (16). Lần đầu tiên trong lịch sử, Việt Nam có quan hệ bình thường và đầy đủ với tất cả các nước lớn G8, trong đó nhiều nước đã trở thành đối tác chiến lược. Mặt khác, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng lên (91 cơ quan) với 65 đại sứ quán, 20 tổng lãnh sự quán, 4 phái đoàn thường trực bên cạnh các tổ chức quốc tế, 1 văn phòng kinh tế văn hóa. Hình ảnh và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế được cải thiện và không ngừng được nâng cao. Trong mắt bạn bè thế giới, Việt Nam không những là đất nước hòa bình hữu nghị mà còn là một nước đã ra khỏi đói nghèo và đang trên con đường phát triển đầy ấn tượng, đồng thời là một thành viên có trách nhiệm và được sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế. Cùng với sự phát triển của đất nước, những thành tựu đối ngoại của Việt Nam trên lĩnh vực kinh tế đã góp phần cải thiện và không ngừng nâng cao vị thế của Việt Nam, tạo môi trường thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
----------------------------------------------------
Chú thích:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 19 - 20
(2) Trao đổi thương mại Việt Nam - Campuchia tăng 20%, http://www.vietnamplus.vn/Home/Trao-doi-thuong-mai-Viet-NamCampuchia-tang-20/20132/185000.vnplus, ngày 27-02-2013
(3) 45 năm quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Campuchia, http://baodientu.chinhphu.vn/Home/45-nam-quan-he-huu-nghi-hop-tac-toan-dien-Viet-NamCampuchia/20126/141550.vgp, ngày 23-6-2012
(4) Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Quốc, http://vcci.com.vn/tin-vcci/2012040409378650/tang-cuong-hop-tac-dau-tu-viet-nam-trung-quoc.htm, ngày 05-4-2012
(5) Thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại Việt Nam - Trung Quốc, http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/xa-luan/item/21116202-.html, ngày 01-9-2013
(6) Năm 2015: Kim ngạch thương mại Việt - Trung sẽ đạt 60 tỷ USD, http://laodong.com.vn/Kinh-doanh/Nam-2015-Kim-ngach-thuong-mai-Viet-Trung-se-dat-60-ti-USD/112315.bld, ngày 22-4-2013
(7) Ngọc Anh: Mỹ tiếp tục là thị trường số một của hàng Việt, http://vneconomy.vn/20121127063241834P0C19/my-tiep-tuc-la-thi-truong-so-1-cua-hang-viet.htm , ngày 27-11-2012
(8) Dự báo thương mại Việt - Mỹ sẽ đạt 50 tỷ USD vào năm 2020, http://www.cpv.org.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=10004&cn_id=567115, ngày 23-01-2013
(9), (16) Kim ngạch thương mại Việt Nam - Liên bang Nga sẽ đạt 3,7 tỷ USD trong năm 2012, http://vinanet.com.vn/tin-thi-truong-hang-hoa-viet-nam.gplist.291.gpopen.207854.gpside.1.gpnewtitle.kim-ngach-thuong-mai-viet-nam-%E2%80%93-lb-nga-se-dat-3-7-ti-usd-trong-nam-201.asmx, ngày 29-11-2012
(10) Việt Nam - Nga nhắm giao thương 7 tỷ đô la vào năm 2015, http://www.thesaigontimes.vn/Home/kinhdoanh/giaothuong/96180/
ngày 13-5-2013
(11) Việt Nam - Ấn Độ: Thâm hụt thương mại thu hẹp dần, http://vov.vn/Kinh-te/Viet-Nam-An-Do-Tham-hut-thuong-mai-dang-dan-thu-hep/215638.vov, ngày 17-7-2012
(12) Việt Nam - Ấn Độ: Phấn đấu tổng kim ngạch đạt 7 tỷ USD năm 2015, http://www.baocongthuong.com.vn/xuc-tien-thuong-mai/32249/viet-nam-an-do-phan-dau-tong-kim-ngach-dat-7-ty-usd-nam-2015.htm#.UlzsB1OhvIU, 28-02-2013
(13) Kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản: Ðưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản phát triển ngày càng sâu rộng, http://www.nhandan.com.vn/thegioi/tin-tuc/item/21204602-%C3%B0ua-quan-he-doi-tac-chien-luoc-viet-nam-nhat-ban-phat-trien-ngay-cang-sau-rong.html, ngày 14-9-2013
(14) Đẩy mạnh các hoạt động thương mại Việt Nam - Nhật Bản, http://vov.vn/Kinh-te/Day-manh-cac-hoat-dong-thuong-mai-Viet-Nam-Nhat-Ban/212430.vov, ngày 09-06-2012
(15) Ngoại giao Việt Nam: 67 năm vươn tới những tầm cao mới, http://tapchicongsan.org.vn/Home/Tieu-diem/2012/17556/Ngoai-giao-Viet-Nam-vuon-toi-nhung-tam-cao-moi.aspx, ngày 28-8-2012
Những sự kiện trong nước đáng chú ý trong tuần (từ ngày 28-10 đến ngày 03-11-2013)  (05/11/2013)
Việt Nam coi trọng hợp tác với các nước khu vực Trung Đông - Bắc Phi  (05/11/2013)
Thành lập đường dây nóng phản ánh bất cập về y tế  (05/11/2013)
Chủ động đối phó bão số 12 và những cơn bão tiếp theo  (05/11/2013)
Giới luật gia Việt Nam và Campuchia thúc đẩy hợp tác  (05/11/2013)
Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ là nhiệm vụ quan trọng  (05/11/2013)
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên