Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 24-12 đến ngày 30-12-2012)
1. Định thời hạn thông qua Hiệp ước Buôn bán vũ khí
Ngày 24-12-2012, với đa số phiếu đồng thuận, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết tổ chức Hội nghị cuối cùng của Liên hợp quốc về Hiệp ước Buôn bán vũ khí (ATT) tại Niu Oóc từ ngày 18 đến 28-3-2013. Hội nghị cuối cùng này sẽ đàm phán về các tiêu chuẩn quốc tế chung về xuất nhập khẩu và chuyển giao hàng loạt vũ khí thông thường. Đây sẽ là cơ hội lịch sử để đạt được một hiệp ước toàn diện nhằm giải quyết hiệu quả vấn đề các nguồn vũ khí trái phép trên khắp thế giới. Cùng ngày, Ngoại trưởng 7 nước đồng tác giả của Bản nghị quyết của Đại Hội đồng Liên hợp quốc gồm Ác-hen-ti-na, Ô-xtrây-li-a, Cô-xta Ri-ca, Phần Lan, Nhật Bản, Kê-ni-a và Anh về ATT đã ra tuyên bố chung hoan nghênh việc Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết trên và đặc biệt sẽ tổ chức hội nghị cuối cùng của Liên hợp quốc về Hiệp ước Buôn bán vũ khí. Các ngoại trưởng cam kết tiếp tục hoạt động hơn nữa để bảo đảm Hiệp ước Buôn bán vũ khí sẽ được ký và thông qua vào cuối tháng 3-2013, hoàn toàn ủng hộ việc chỉ định Đại sứ Ô-xtrây-li-a Pi-tơ Un-cót (Peter Woolcott) làm chủ tịch hội nghị nói trên và yêu cầu tất cả các nước ủng hộ nhiệm vụ của ông.
2. GCC nhất trí thúc đẩy thành lập Liên minh vùng Vịnh
Ngày 25-12-2012, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) nhất trí sẽ thúc đẩy thành lập Liên minh vùng Vịnh và triển khai hệ thống phòng vệ chung nhằm đối phó với các thách thức có thể xảy ra trong khu vực. Tuyên bố đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 33 của GCC, kéo dài hai ngày ở Ma-na-ma, Ba-ranh, nhấn mạnh bất kỳ đe dọa nào nhằm vào một trong 6 thành viên của khối cũng sẽ bị coi là mối đe dọa chung. Tuyên bố ủng hộ việc tăng cường quan hệ kinh tế, quốc phòng và xã hội giữa các nước thành viên; đồng thời khẳng định quyết tâm hội nhập trên tất cả các lĩnh vực theo đúng lộ trình đề ra cho kế hoạch thành lập thị trường chung. Tuyên bố hối thúc các nước thành viên nỗ lực dỡ bỏ rào cản trong việc thành lập liên minh thuế quan chung. Trước đó, trong ngày họp cuối cùng, các nhà lãnh đạo GCC đã thảo luận về nhiều vấn đề cùng quan tâm, trong đó có phát triển tiềm lực quân sự, nâng cao năng lực quốc phòng, mở rộng giao lưu nhân dân và tăng cường hội nhập. Các nhà lãnh đạo kêu gọi thúc đẩy các dòng dịch chuyển lao động nội khối nhằm hướng tới việc thành lập thị trường chung và mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư với các nước khác.
3. Nội các mới của Nhật Bản tuyên thệ nhậm chức
Tối 26-12-2012, Nội các mới của Nhật Bản đứng đầu là Thủ tướng Sin-dô A-bê (Shindo Abe) đã tuyên thệ nhậm chức. Trước đó, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Nhật Bản vào sáng cùng ngày, Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Sin-dô A-bê đã được bầu làm Thủ tướng mới của nước này, sau khi ông giành được 328/478 phiếu ủng hộ tại Hạ viện và trải qua hai vòng bỏ phiếu ở Thượng viện. Nội các mới của tân Thủ tướng S. A-bê sẽ tập trung vào việc khôi phục kinh tế, tái thiết vùng Đông Bắc bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần cũng như sự cố hạt nhân Phu-cư-si-ma hồi năm ngoái. Về chính sách đối ngoại, Thủ tướng S. A-bê nhấn mạnh trọng tâm tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ và cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Ông S. A-bê đã bổ nhiệm Hạ nghị sĩ Phu-mi-ô Ki-si-đa (Fumio Kishida), nguyên Chủ tịch Ủy ban quan hệ quốc hội của LDP và từng giữ chức Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề Lãnh thổ phương Bắc và Ô-ki-na-oa (Okinawa) làm Bộ trưởng Ngoại giao; Hạ nghị sĩ Ít-xu-nô-ri Ô-nô-đê-ra (Itsunori Onodera) làm Bộ trưởng Quốc phòng. Quyết định bổ nhiệm người có kinh nghiệm trong các hoạt động liên quan đến quan hệ quốc hội và ngoại giao làm Bộ trưởng Quốc phòng cho thấy sự thận trọng của ông S. A-bê trong việc xử lý quan hệ với các nước láng giềng đang có tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
4. Mi-an-ma thông qua kế hoạch cải cách kinh tế, xã hội
Ngày 27-12-2012, Ủy ban Kế hoạch của Mi-an-ma đã thông qua kế hoạch tổng thể cơ bản 10 điểm về cải cách kinh tế, xã hội. Kế hoạch bao gồm cải cách tài chính và thuế, cải cách khu vực tiền tệ, nới lỏng các quy định về thương mại và đầu tư, khuyến khích phát triển khu vực tư nhân, cải cách y tế và giáo dục, lập kế hoạch phát triển nông nghiệp và duy trì đủ lương thực, nâng cấp dịch vụ viễn thông di động và mạng in-tơ-nét, đề ra các chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, khẩn trương xúc tiến các chương trình để hệ thống điều hành chính quyền có hiệu quả và trọng sạch. Phát biểu kết thúc phiên họp của ủy ban nói trên, Tổng thống Mi-an-ma U Thên Xên (U Thein Sein) cho biết trong hai ngày họp, dựa trên cách tiếp cận phát triển lấy nhân dân làm trọng tâm, ủy ban đã thảo luận một loạt vấn đề từ các mục tiêu kinh tế - xã hội, chính trị tới các mục tiêu của kế hoạch quốc gia cho năm tài khóa 2013 - 2014. Tổng thống U Thên Xên nhấn mạnh tới những nỗ lực nhằm bảo đảm sự tham gia của mọi người dân vào tiến trình cải cách chính trị và kinh tế của đất nước, thúc đẩy quyền bình đẳng của mọi người dân trong làm việc cũng như xây dựng và cải cách kinh tế, đặc biệt là phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo.
5. Trung Quốc, Nga và Ấn Độ có súng nhiều nhất thế giới
Ngày 27-12-2012, theo báo cáo do các chuyên gia dự án nghiên cứu độc lập “Small Arms Survey” của Học viện Quan hệ Quốc tế và Phát triển Giơ-ne-vơ, Cơ quan bảo vệ pháp luật các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Nga sở hữu số lượng đơn vị súng ống nhiều nhất thế giới, trong đó chủ yếu là các loại súng như súng ngắn, súng hơi, súng săn và súng máy. Với 1,95 triệu “nòng súng”, Trung Quốc đứng đầu danh sách 10 quốc gia trang bị “hàng nóng” nhiều nhất cho các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vị trí thứ hai và thứ ba lần lượt thuộc Ấn Độ (1,9 triệu chiếc) và Nga (1,55 triệu chiếc). Các vị trị tiếp theo là Mỹ (1.100.000 chiếc), Ai Cập (900.000 chiếc), Bra-xin (803.000 chiếc), I-rắc (690.000 chiếc), Thổ Nhĩ Kỳ (530.000 chiếc), Pa-ki-xtan và U-crai-na (460.000 chiếc). Tuy nhiên, nếu xét theo chỉ số trang bị súng ống cho nhân viên các cơ quan bảo vệ pháp luật thì Xéc-bi-a lại là nước nắm giữ kỷ lục với 25 triệu đơn vị súng ống. Trung bình mỗi cảnh sát Xéc-bi-a được trang bị hai khẩu súng ngắn. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ ở mức 0,7 đơn vị súng ống/nhân viên, ít hơn hơn hai lần so với Mỹ. Các nhân viên phục vụ trong các cơ quan bảo vệ pháp luật của Nga cũng được trang bị 1,3 đơn vị súng ống/người. Tổng cộng, các cơ quan bảo vệ pháp luật của tất cả các nước trên thế giới sở hữu 25 triệu đơn vị súng ống. Trong khi đó, lực lượng quân đội có tới 200 triệu đơn vị và số lượng súng ống thuộc sở hữu cá nhân lên tới 650 triệu đơn vị, trong đó có từ 2 đến 10 triệu đơn vị thuộc về các tổ chức tội phạm, 1,7 đến 3,7 triệu đơn vị thuộc về công ty bảo vệ tư nhân, khoảng từ 1,7 đến 3,7 triệu đơn vị đang được các nhóm vũ trang bất hợp pháp sử dụng.
6. Bắc Kinh nêu bốn điểm thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ
Ngày 28-12-2012, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân đã đưa ra đề xuất bốn điểm nhằm thúc đẩy quan hệ Trung - Mỹ.
Phát biểu tại Diễn đàn Lam Đình lần thứ tám do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức, ông Trương Chí Quân lưu ý Trung Quốc và Mỹ là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và điều này khiến cho mối quan hệ giữa hai nước là một trong những mối quan hệ quan trọng nhưng phức tạp nhất. Bốn điểm trong đề xuất được ông Trương Chí Quân đưa ra tại diễn đàn trên gồm: Một là, hai nước cần có sự trao đổi thẳng thắn và đi sâu nhằm tránh những hiểu lầm liên quan đến các chiến lược của mỗi bên; Hai là, hai nước cần mở rộng mạnh mẽ các điểm sáng trong mối quan hệ hợp tác thực tế. Trung Quốc và Mỹ cần nắm bắt cơ hội để hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng sạch và phát triển cơ sở hạ tầng,…; Ba là, hai bên cần hợp tác để bảo đảm rằng đối thoại và hợp tác có nhiều tác dụng hơn là tranh cãi và bất đồng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương; Bốn là, hai bên cần thực sự tôn trọng các lợi ích cốt lõi của nhau. Ông Trương Chí Quân nhấn mạnh cho dù Trung Quốc có đạt được thêm bao nhiêu tiến bộ trong quá trình phát triển thì nước này cũng sẽ chỉ tăng cường, chứ không làm suy yếu chính sách thúc đẩy tình hữu nghị và đối tác với các nước láng giềng. Trung Quốc sẽ mãi là một người bạn tốt và đối tác tốt của các nước láng giềng.
7. Thế giới tưng bừng chuẩn bị đón năm mới
Tạm biệt năm 2012 với những biến động chính trị, khủng hoảng kinh tế và thảm họa thiên tai, người dân khắp nơi trên thế giới đều đang náo nức đón chờ một năm mới với nhiều hy vọng mới. Một ngày trước khi diễn ra các hoạt động chào đón năm mới, tại thành phố Niu Oóc, Mỹ ngày 29-12-2012, quả cầu pha lê khổng lồ đã được đưa lên đỉnh ngọn tháp tại Quảng trường Thời đại. Dự kiến sẽ có khoảng một triệu người sẽ tham gia vào lễ đón mừng năm mới tại Quảng trường Thời đại với những màn thả bóng, hoa giấy và diễu hành.
Trong khi đó, cho dù bị tác động của khủng hoảng kinh tế, năm mới 2013 sẽ được tổ chức sôi động, với nhiều hoạt động phong phú tại nhiều nước châu Âu. Tại thủ đô Luân Đôn của Anh, dự kiến sẽ có hàng ngàn người đổ về trung tâm thành phố, dưới tháp E-li-da-bét - biểu tượng của nước Anh - để cùng tham gia lễ đếm ngược thời gian và chứng kiến màn pháo hoa cùng một buổi hòa nhạc. Tại nhiều nước châu Âu khác như Đức, Tây Ban Nha,… người dân cũng đang háo hức chờ đợi thời khắc quan trọng của năm mới.
Tại Xinh-ga-po, năm nay có hơn 20.000 quả bóng ghi những lời ước nguyện đã được thả xuống sông Xinh-ga-po, phủ một màu trắng lên mặt con sông này. Người dân của đảo quốc Sư tử đã tập trung tại các bến tàu trên khắp cả nước để viết những lời ước nguyện trong năm mới 2013.
Trong khi đó, thành phố Xít-ni của Ô-xtrây-li-a cũng đang tất bật chuẩn bị cho màn pháo hoa đón chào năm mới. Dự kiến, trong lễ chào đón năm mới 2013, sẽ có khoảng 1,5 triệu du khách tập trung về cầu cảng thành phố Xít-ni. Có khoảng 36.000 quả pháo hoa được đặt tại 130 vị trí trên cầu cảng. Dàn pháo hoa này được điều khiển bằng hệ thống máy vi tính.
Còn tại Nhật Bản, không khí đón năm mới có phần yên ắng hơn, người Nhật Bản làm việc đến hết ngày 28-12. Trong dịp năm mới, họ tổ chức một bữa tiệc giữa đồng nghiệp và bạn bè. Để chuẩn bị đón năm mới, người Nhật Bản dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa và trang hoàng đẹp đẽ theo phong tục văn hóa Nhật Bản.
Người dân thành phố Ri-ô Đờ Gian-nê-rô của Bra-xin lại được hưởng năm mới trong cái nắng khá chói chang. Nhiệt độ trong mấy ngày qua lên tới hơn 40 độ C. Trên bãi biển Cô-pa-ca-ba-na nổi tiếng vào những ngày này có rất nhiều người đến nghỉ lễ. Cho dù thời tiết nóng bức, nhưng người dân Bra-xin vẫn đang háo hức chuẩn bị đón chào năm mới, với lễ hội I-ê-man-gia được tổ chức tại đây./.
Lại ngẫm chuyện chọn người đứng đầu  (02/01/2013)
Kỳ họp thứ 6 - Hội đồng Lý luận Trung ương  (02/01/2013)
Chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (02/01/2013)
Chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (02/01/2013)
Lấy ý kiến nhân dân dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (02/01/2013)
Lấy ý kiến nhân dân dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992  (02/01/2013)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay