Đa dạng sinh học ở Việt Nam: Thực trạng và các giải pháp
TCCS - Từ nhiều năm nay, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề toàn cầu vì hiện có hàng triệu loài động, thực vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng do những tác động của con người gây ra. Việt Nam được đánh giá là 1 trong 25 quốc gia có sự đa dạng sinh học cao. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, chúng ta đang đứng trước không ít thách thức khi mà bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Thực trạng đa dạng sinh học ở Việt Nam
Việt Nam, là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, có sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm. Với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên, phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, thời gian qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đa dạng sinh học; lập quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên cả nước... Ðến nay, chúng ta đã thành lập được 173 khu bảo tồn, trong đó gồm 33 vườn quốc gia; 66 khu dự trữ thiên nhiên; 18 khu bảo tồn loài và sinh cảnh; 56 khu bảo vệ cảnh quan. Cả nước cũng có 9 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar thế giới; 23 tỉnh phê duyệt quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học cấp tỉnh, thành phố...
Theo các kết quả nghiên cứu, Việt Nam nằm ở vị trí chuyển giao của nhiều luồng sinh vật: phía Đông mang các đặc điểm địa sinh học của dãy Hymalaya; phía Nam có các kiểu hệ sinh thái tương tự với các hệ sinh thái biển đảo và đất liền của khu vực Đông Nam Á; dãy Trường Sơn là vùng chuyển tiếp giữa kiểu khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Bên cạnh các dãy núi, Việt Nam còn có 16 hệ thống sông chính, trong đó có hơn 10 hệ thống sông mà lưu vực có diện tích trên 10.000km2 như hệ thống sông Hồng, sông Cửu Long, sông Đồng Nai... Bên cạnh hệ sinh thái rừng thì Việt Nam còn có nhiều kiểu hệ sinh thái khác như trảng cỏ, đất ngập nước nội địa, đồi cát, bãi bồi ven biển, cửa sông, bãi cỏ biển, rạn san hô và vùng biển sâu. Song song đó còn có các hệ sinh thái nhân tạo như đập nước, đất nông nghiệp, đô thị.
Đa dạng sinh học ở Việt Nam đứng thứ 16 trên thế giới. Một thống kê chưa đầy đủ vào năm 2011 cho thấy, Việt Nam là nơi trú ngụ của 13.766 loài thực vật, 10.300 loài động vật trên cạn (312 loài thú, 840 loài chim, 167 loài ếch nhái, 317 loài bò sát, trên 7.700 loài côn trùng, và nhiều loài động vật không xương sống khác). Số loài sinh vật nước ngọt đã được biết đến là hơn 1.438 loài vi tảo, 800 loài động vật không xương sống, 1.028 loài cá nước ngọt. Số lượng loài sinh vật biển được biết là hơn 11.000 loài (6.300 loài động vật đáy, 2.500 loài cá biển, 653 loài rong biển, 657 loài động vật nổi, 537 loài thực vật nổi, 94 loài thực vật ngập mặn, 225 loài tôm biển, 14 loài cỏ biển, 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và 5 loài rùa biển).
Các con số thống kê nêu trên chưa thực sự phản ánh đầy đủ tính đa dạng sinh học của Việt Nam, khi mà số lượng loài mới được phát hiện không ngừng tăng nhanh trong những năm gần đây. Điều đó chứng minh nguồn tài nguyên về đa dạng loài động, thực vật ở Việt Nam chưa thực sự được hiểu biết đầy đủ.
Giá trị đa dạng sinh học cao nhưng hiện trạng tình trạng bảo tồn về đa dạng sinh học cũng là một vấn đề cấp bách của quốc gia. Có thể nói hiện trạng đa dạng sinh học ở Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng bởi lịch sử chiến tranh và nền văn hóa phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong giai đoạn chiến tranh, ít nhất 2,2 triệu héc-ta rừng đã bị ảnh hưởng trong giai đoạn 1943 - 1973. Sự suy giảm nguồn tài nguyên rừng tiếp tục diễn ra sau khi chiến tranh kết thúc do nhu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, sử dụng động vật hoang dã để phục vụ nhu cầu sống của cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng đã đẩy nhiều loài động vật đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, đơn cử như đối với các loài linh trưởng. Bên cạnh đó là nhiều nguyên nhân khác như: chuyển đổi đất khi chưa có đủ luận cứ khoa học, phát triển cơ sở hạ tầng, loài ngoại lai xâm hại, khai thác quá mức nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, và áp lực từ việc tăng nhanh dân số.
Một số giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt các nhiệm vụ bảo vệ môi trường trong điều kiện mới quốc tế và trong nước, cần tập trung vào một số giải pháp trọng yếu sau:
- Cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng của môi trường sinh thái, trên cơ sở này xây dựng ý thức sinh thái, tức là làm cho mọi người nhận thức được một cách tự giác về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển, nhất là trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, con người cần nắm bắt được các quy luật của tự nhiên và tìm cách vận dụng một cách hợp lý các quy luật đó vào thực tiễn của xã hội, để tạo cơ sở tự nhiên bền vững cho phát triển xã hội.
- Giải quyết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường theo chủ trương của Đảng. Đối với nước ta hiện nay, để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cần đổi mới công nghệ, tăng năng xuất lao động và hiệu quả kinh tế. Đổi mới công nghệ bằng hai con đường: Chuyển giao công nghệ và tự tiếp thu công nghệ hiện đại có hàm lượng chất xám cao và công nghệ sạch, từ đó chúng ta mới có thể thực hiện được công nghiệp hóa hiện đại hóa rút ngắn, đồng thời đó cũng chính là phương thức hữu hiệu nhất để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái. Đảng ta khẳng định: Phát triển khoa học - công nghệ gắn liền với bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Do vậy, chúng ta chủ trương không nhập công nghệ gây ô nhiễm môi trường sinh thái với bất kỳ điều kiện nào. Phát triển kinh tế trên sự hủy hoại môi trường cũng đồng nghĩa với sự kết án tương lai của mình. Mục tiêu chuyển giao công nghệ phải làm sao vừa đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng kinh tế, vừa bảo đảm vấn đề môi trường sinh thái.
- Cần tận dụng tối đa tính năng vốn có sử dụng tài nguyên thiên nhiên từ bề rộng sang bề sâu, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính. Khắc phục tình trạng tiêu xài phung phí nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo được (các nguyên, nhiên liệu hóa thạch).
- Nhanh chóng triển khai thực hiện đầy đủ Luật Bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về tài nguyên môi trường, tập trung xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Kiểm soát an toàn, xử lý ô nhiễm môi trường do hậu quả của chiến tranh. Tăng cường giám sát công khai đầy đủ, kịp thời thông tin về chất lượng môi trường không khí ở các đô thị, khu công nghiệp tập trung, khu đông dân cư. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cụm công nghiệp, làng nghề và khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cần phát hiện, biểu dương và khen thưởng kịp thời những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất tiêu dùng bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu tại các địa phương...
Những vấn đề liên quan đến đa dạng sinh học ở Việt Nam ngày càng trở nên cấp bách. Công tác bảo tồn đa dạng sinh học đã được Chính phủ nhìn nhận và hoàn thiện khung pháp lý. Nhiều kế hoạch hành động bảo tồn cho nhóm loài đang có nguy cơ tuyệt chủng cao đã được đưa ra, như kế hoạch bảo tồn rùa biển, voi, hổ, linh trưởng, thú ăn thịt nhỏ… Ðây là những giải pháp thiết thực, cụ thể để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn đa dạng sinh học bảo vệ thiên nhiên hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước./.
Ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt (05/06/2021)
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm