Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hải quân và tuyến vận tải chiến lược đường biển
Từ ngày 5 đến ngày 7-9-1954, Hội nghị Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra Nghị quyết "Về tình hình mới, nhiệm vụ mới và chính sách mới của Đảng”, xác định nhiệm vụ trước mắt của quân và dân ta. Đến giữa năm 1956, thời hạn 2 năm tiến hành hiệp thương giữa hai miền để thực hiện tổng tuyển cử, thống nhất đất nước đã hết. Đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn cự tuyệt hiệp thương, mở nhiều cuộc càn quét, đánh phá cơ sở cách mạng và đàn áp nhân dân vô cùng tàn bạo. Trước tình hình đó, tháng 6-1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn về xây dựng lực lượng cách mạng và căn cứ địa ở miền Nam. Sau cuộc họp đó, Người gửi thư đến đồng bào cả nước, khẳng định: Đường lối đấu tranh của chúng ta hiện nay là: Toàn dân từ Nam đến Bắc đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ra sức củng cố miền Bắc thành nền tảng vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà... Thống nhất nước nhà là con đường sống của nhân dân ta.
Tháng 3-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Hội nghị lần thứ 12 của Trung ương Đảng bàn về xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, thông qua kế hoạch quân sự 1955-1960. Nghị quyết Hội nghị khẳng định phương châm xây dựng quân đội là: Tích cực xây dựng một quân đội nhân dân hùng mạnh tiến dần từng bước lên chính quy hóa và hiện đại hóa. Sau Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 12, ngày 30-5-1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Hải Phòng. Nói chuyện với công nhân, thủy thủ tàu HC15 cảng Hải Phòng, Người nêu rõ: Muốn xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa phải có công nghiệp hiện đại, giao thông vận tải hiện đại, cảng hiện đại.
Dưới ánh sáng nghị quyết của Đảng, kế hoạch quân sự 1955-1960 được thực hiện toàn diện. Quân đội nhân dân Việt Nam từ đơn thuần là bộ binh đã trở thành một đội quân chính quy, tương đối hiện đại, gần đủ các binh chủng kỹ thuật. Những cơ sở ban đầu của các Quân chủng Không quân và Hải quân được xây dựng.
Trong thời kỳ đầu xây dựng Hải quân tiến lên chính quy, hiện đại, bộ đội Hải quân luôn được sự quan tâm chăm sóc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi Cục Hải quân thành lập, ngày 30-3-1959, Người đến thăm lực lượng Hải quân. Nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên, chiến sĩ Trường huấn luyện bờ biển và Xưởng 46, Người căn dặn phải hết sức coi trọng công tác lãnh đạo, chỉ huy, chăm lo cải thiện đời sống tinh thần, vật chất của đơn vị; giáo viên, học viên của trường thực hiện dạy tốt, học tốt, nâng cao chất lượng tiếp thu kỹ thuật tàu thuyền. Đến thăm trận địa pháo trên đảo Hòn Rồng làm nhiệm vụ bảo vệ vùng biển Hạ Long (31-3-1959), Người ân cần khuyên nhủ cán bộ, chiến sĩ cố gắng khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, tích cực học tập chính trị, quân sự, văn hóa, tích cực tăng gia sản xuất để cải thiện đời sống.
Mùa thu năm 1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội. Sau Đại hội, một thời kỳ đấu tranh cách mạng mới diễn ra sôi động và hào hùng trên đất nước ta. Tháng 1-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị bàn về cách mạng miền Nam. Tiếp đó, tháng 2-1961, Người chủ trì cuộc họp Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ quân sự chung của cả nước trong tình hình mới. Phát biểu tại cuộc họp bàn về xây dựng quân đội nhân dân, Người nhấn mạnh: Trang bị kỹ thuật thì phải tiến lên, nhưng sinh hoạt của bộ đội thì phải gần dân, đừng tách rời dân. Phải nhớ rằng chiến tranh của ta là chiến tranh nhân dân, quân đội ta là quân đội nhân dân.
Sau hai cuộc họp Bộ Chính trị, tháng 3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm bộ đội Hải quân lần thứ hai. Sau khi nghe đồng chí Nguyễn Bá Phát, Cục phó Cục Hải quân báo cáo về những tiến bộ của lực lượng Hải quân những năm qua, Người khen ngợi: Các chú có nhiều cố gắng thế là tốt. Hiện giờ tàu bè, vũ khí của ta chưa nhiều, ta phải từng bước, từng bước xây dựng, trước mắt là phải giữ gìn tốt các thứ sẵn có để có thể đánh được địch khi cần thiết. Người căn dặn: Bờ biển của ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy, nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Vừa qua các chú đã khắc phục khó khăn, đạt được một số thành tích bước đầu, Bác khen nhưng chớ chủ quan thỏa mãn, phải cố gắng tiến bộ nhiều hơn nữa".
Khi đi tàu trên sông Bạch Đằng ra vùng biển Đông Bắc, Người xúc động nói: Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên những truyền thống đánh giặc xưa kia của tổ tiên. Các chú phải nhớ xây dựng Hải quân của nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam chứ không phải hải quân của thế giới. Người còn dặn phải biết tìm ra cách đánh giặc sao cho phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Vào thăm hang Đầu Gỗ, nơi xưa kia quân Trần Hưng Đạo làm cọc để mang đi cắm trên sông Bạch Đằng đánh quân Mông - Nguyên, Người nói: Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển của ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó".
Hơn một năm sau, ngày 13-11-1962, bộ đội Hải quân lại vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm lần thứ ba. Tại căn cứ Vạn Hoa, sau khi đi thăm nơi ăn, ở của bộ đội trên đảo, Người nói với cán bộ, chiến sĩ: Là chiến sĩ hải quân, các chú phải biết yêu quý đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giàu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước". Người còn góp ý kiến cụ thể là bộ đội trên đảo cần tích cực tăng gia sản xuất trồng rau, trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ, học tập nhân dân đánh bắt cá để cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Khi xuống Tàu 136, Người nhắc cán bộ, thủy thủ phải biết giữ gìn tàu cho tốt. Sau cùng, nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ toàn đoàn, Người căn dặn phải "nâng cao cảnh giác, yên tâm xây dựng đơn vị, bảo quản tốt tàu bè, đoàn kết nội bộ tốt".
Những lời dạy bảo ân cần, sâu sắc của Người đã trở thành nhiệm vụ, phương châm xây dựng Hải quân nhân dân ngày càng lớn mạnh. Quán triệt lời Người dạy, bộ đội Hải quân đã nỗ lực phấn đấu, lập nhiều chiến công, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiệm vụ vận chuyển "vũ khí cho đồng bào miền Nam đánh giặc".
Theo tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, quân đội nhân dân vừa là đội quân chiến đấu, vừa là đội quân công tác, sản xuất, trong đó giao thông - vận tải là một mặt trận. Người khẳng định rằng: Giao thông vận tải rất quan trọng, quan trọng đối với chiến đấu, đối với sản xuất, đối với đời sống của nhân dân... Giao thông vận tải thắng lợi tức là chiến tranh đã thắng lợi phần lớn rồi.
Để chi viện cuộc đấu tranh của nhân dân ta ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta chủ trương tổ chức tuyến vận tải quân sự Trường Sơn. Thực hiện chủ trương đó, đúng vào ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao cho Đoàn 559 nhiệm vụ mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện miền Nam. Ngày 13-8-1959, chuyến hàng đầu tiên được lệnh vượt Trường Sơn vào chi viện cho Liên khu 5. Cùng với tuyến vận chuyển bằng đường bộ, tháng 7-1959, Tổng Quân ủy chủ trương mở tuyến vận chuyển đường biển để chi viện cho cuộc chiến đấu của quân dân Nam Bộ.
Đầu năm 1961, Trung ương Đảng chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam Bộ đưa thuyền ra Bắc nhận vũ khí. Cuối năm đó, các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, Bà Rịa đã tổ chức được 6 thuyền gỗ gắn máy vượt biển ra Bắc an toàn. Biết tin đó, không đợi đại diện của đoàn lên Hà Nội báo cáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh xuống Hải Phòng để động viên cán bộ, thủy thủ. Người căn dặn lãnh đạo, chỉ huy Cục Hải quân: Đón tiếp anh em Quân giải phóng thật tốt. Bí quyết của mọi thắng lợi là bí mật, bất ngờ.
Thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương, ngày 23-10-1961, Đoàn 759 được thành lập và nhanh chóng được củng cố. Ngày 8-4 1962, chuyến tàu đi trinh sát, do đồng chí Bông Văn Dĩa chỉ huy, đã đến được miền Nam. Hơn 6 tháng sau, ngày 19-10-1962, chuyến vận chuyển vũ khí đầu tiên đã vào đến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Đường giao thông xuyên suốt ven biển Bắc - Nam đã mở. Biết được chuyến vận chuyển vũ khí vào Nam Bộ thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759. Người chỉ thị: "Nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc, cho Nam Bắc sớm sum họp một nhà"…
Chấp hành chỉ thị của Người, trong năm 1963 đầu năm 1964, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 759 đã thực hiện 23 chuyến, chuyển được 1.318 tấn vũ khí cho các khu 7, 8, 9. Các chuyến đi đều giữ được bí mật hoàn toàn, kẻ địch không hề hay biết.
Ngày 3-1-1964, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Bộ Tư lệnh Hải quân. Tiếp đó, ngày 29-1-1964, Bộ quyết định thay phiên hiệu Đoàn 759 thành Đoàn 125. Phát huy thành tích đã đạt được, Đoàn 125 vừa xây dựng, vừa vận chuyển, lập nhiều chiến công mới.
Đầu năm 1965, Bộ Tổng Tham mưu giao cho Quân chủng Hải quân tiếp tục vận chuyển một khối lượng lớn vũ khí cho các chiến trường. Đoàn 125 được trang bị thêm tàu mới và chỉ trong tháng 1-1965 đã đưa được 8 chuyến vũ khí vào các địa phương ở miền Nam. Công tác vận chuyển trên biển đang phát triển thuận lợi thì Tàu 143 bị địch phát hiện ở Vũng Rô (Phú Yên). Sau "sự kiện Vũng Rô", tuyến vận tải trên biển của ta bị địch phát hiện, chúng tiến hành phong tỏa gắt gao. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng Hải quân tổ chức nắm lại địch, tìm phương thức vận chuyển mới, đảm bảo bí mật, an toàn hơn. Quân chủng Hải quân đã tìm ra phương thức vận chuyển mới là cho tàu đi vòng ra hải phận quốc tế, chấp nhận xa hơn nhưng tránh được sự kiểm soát gắt gao của địch, tiếp tục vận chuyển vũ khí tới các chiến trường.
Ngày 11-8-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư khen ngợi cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Thư có đoạn viết: "Bác rất vui lòng khen ngợi thành tích vẻ vang về xây dựng và chiến đấu của các chú... Các chú hãy ra sức phát huy ưu điểm, sửa chữa nhược điểm, khó không nản, thắng không kiêu, cùng với đơn vị bạn và nhân dân quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ vững chắc miền Bắc, ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà". Thư của Người là nguồn động viên, cổ vũ to lớn đối với bộ đội Hải quân.
Với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm đến biển, đảo và Hải quân. Đền đáp lại tình cảm ấm áp và lời dạy quý báu của Người, Hải quân nhân dân Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, trong đó có kỳ tích vận chuyển vũ khí, đưa cán bộ, chiến sĩ vào miền Nam chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ngày nay, lịch sử đã sang trang mới. Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, nhân dân cả nước đang hăng hái lao động để xây dựng Tổ quốc giàu mạnh. Tuy nhiên, ở biển Đông, bên cạnh những yếu tố hợp tác, còn tồn tại những yếu tố gây mất ổn định do các yêu sách tranh chấp chủ quyền và nguồn lợi biển, v.v... Bởi vậy, chúng ta phải nắm vững, vận dụng nhuần nhuyễn tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng để xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam đủ mạnh, làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vùng đặc quyền kinh tế, ngăn chặn hiệu quả mọi mưu đồ tấn công Tổ quốc ta từ hướng biển./.
Nhóm G20 cam kết cùng nhau đối phó khủng hoảng tài chính  (17/10/2011)
Quan hệ đối tác, chiến lược Việt Nam - Nhật Bản phát triển tốt đẹp  (17/10/2011)
Cải thiện chất lượng nhân lực để đẩy mạnh phát triển vùng Tây Nguyên  (17/10/2011)
Phiên họp toàn thể lần thứ 3 Ủy ban Pháp luật của Quốc hội  (17/10/2011)
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Kinh tế di sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam hiện nay
- Giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy giá trị kinh tế di sản từ góc nhìn quản trị vùng và địa phương
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về thúc đẩy động lực tăng trưởng mới - góc nhìn từ thực tiễn phát triển kinh tế di sản của tỉnh Quảng Ninh
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay