Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 09 đến ngày 15-10-2017
Chính phủ sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh hơn nữa
Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi gặp gỡ với hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp nhân kỉ niệm 13 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ tiếp tục đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hơn nữa, giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt là cố gắng giảm 1% lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp và cắt giảm 35% thủ tục hành chính.
Báo cáo Thủ tướng Chính phủ, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết: Hiện nay, trên cả nước có 500 Hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề, các Hiệp hội doanh nghiệp tại các tỉnh thành phố và hầu hết đều đã là thành viên VCCI. Để hỗ trợ các Hiệp hội, VCCI đã thành lập Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp để cùng tham gia vào công việc tư vấn chính sách, đồng thời liên kết các hiệp hội, đào tạo... Phối hợp cùng nhiều bộ, ngành thiết lập cơ chế đối thoại với các Hiệp hội để giúp đỡ các doanh nghiệp.
Cũng theo TS.Vũ Tiến Lộc, một số địa phương giao cho các Hiệp hội tại địa phương cùng doanh nghiệp xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành để chuyển hoá quyết tâm cải cách hành chính của Thủ tướng đến cấp cơ sở. Ngoài thúc đẩy kinh doanh, các hiệp hội luôn luôn là lực lượng tiên phong tham gia hoạt động xã hội, xóa đói giảm nghèo.
Trong thời gian tới, VCCI kiến nghị Chính phủ tiếp tục tổ chức các buổi đối thoại với các Hiệp hội, đẩy mạnh chuyển giao dịch vụ công cho các Hiệp hội doanh nghiệp; đề nghị Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phối hợp với các hiệp hội đẩy mạnh các công tác khen thưởng, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác đào tạo.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gửi lời chúc mừng đến cộng đồng doanh nhân cả nước nhân ngày Doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao vai trò cầu nối, tham vấn giữa VCCI với Chính phủ và các bộ, ngành. Qua đó thúc đẩy cải cách, góp phần cắt giảm mạnh mẽ các thủ tục hành chính và giấy phép con.
"Trong thời gian qua, Chính phủ cố gắng làm hết sức mình để cải thiện môi trường đầu tư. Điều này được thế giới đánh giá Việt Nam có bước tiến bộ, thuộc nhóm đầu của khối ASEAN. Các bộ, ngành cùng Chính phủ cắt bỏ trên 5.000 thủ tục hành chính, đặc biệt là các điều kiện kinh doanh không tốt trên tinh thần Việt Nam có môi trường kinh doanh tự do minh bạch". Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng, thông qua các diễn đàn, tiến trình cách đổi mới rất rõ để tạo môi trường tốt hơn. Chính phủ yêu cầu các cơ quan quản lý chỉ kiểm tra doanh nghiệp 1 lần trong 1 năm để tránh việc kiểm tra chồng chéo. Đặc biệt giảm tình trạng hình sự hóa mối quan hệ kinh tế, nhất là trong khối tư nhân.
Thủ tướng mong muốn, trong thời gian tới, VCCI và các Hiệp hội sẽ tiếp tục phát huy vai trò cầu nối, tăng cường đối thoại, kiến nghị để Chính phủ lắng nghe và tiếp tục hỗ trợ tốt hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp. Đồng thời cam kết, Chính phủ tiếp tục đối thoại cùng doanh nghiệp, thực hiện nhiều Diễn đàn Doanh nghiệp ở cấp cao hơn nữa. Tiếp thu các ý kiến và thực hiện các vấn đề đổi mới doanh nghiệp nhà nước, tôn vinh, khen thưởng và bảo vệ doanh nghiệp. Giảm chi vốn vay để doanh nghiệp có điều kiện phát triển tốt nhất. Thực hiện tốt phương châm Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ và giúp doanh nghiệp có môi trường phát triển lành mạnh, minh bạch, có sức cạnh tranh với các doanh nghiệp quốc tế.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp tư nhân mới nâng tầm nhìn chiến lược, đẩy mạnh quản trị doanh nghiệp. Hợp tác giúp đỡ lẫn nhau cạnh tranh lành mạnh. Đây là lúc các hiệp hội phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình để giúp các doanh nghiệp. Thủ tướng nhấn mạnh: Xây dựng đạo đức doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp để trở thành những doanh nhân có tài có đức.
Thủ tướng cũng hoan nghênh các hiệp hội luôn coi trọng công tác xã hội, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn; đồng thời, mong muốn các hiệp hội sẽ là nhân tố đi đầu trong việc hỗ trợ, dìu dắt vận động các doanh nghiệp tham gia vào việc xây dựng khu vực kinh tế tư nhân phát triển.
Phó Thủ tướng chấn chỉnh việc chậm cấp Căn cước công dân
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chấn chỉnh ngay việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp, cấp đổi, cấp lại Căn cước công dân.
Trên cơ sở thông tin do một số tờ báo phản ánh tình hình chậm trễ trong việc cấp Căn cước công dân gây ảnh hưởng lớn đến các giao dịch của người dân, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an chấn chỉnh ngay việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến cấp, cấp đổi, cấp lại Căn cước công dân; có giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng chậm trễ trong việc trả Căn cước công dân và tình trạng các cơ quan, tổ chức yêu cầu người dân phải đi lại nhiều lần để xác nhận Chứng minh nhân dân cũ và Căn cước công dân là một người trong thực hiện giao dịch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31-10-2017.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính 7 lĩnh vực thuộc Bộ Công Thương
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Công Thương. Theo Nghị quyết, 7 lĩnh vực được thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính của Bộ Công Thương gồm: Điện lực; an toàn hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; xuất nhập khẩu; sở giao dịch hành hóa; thi đua khen thưởng; thương mại quốc tế.
Cụ thể, nội dung đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực điện lực với nhóm thủ tục về cấp giấy phép tư vấn chuyên ngành điện lực, cấp giấy phép hoạt động truyền tải điện, phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện được đơn giản như sau: Sửa đổi Mẫu 3a và 3b (Danh sách trích ngang cán bộ quản lý, chuyên gia tư vấn chính lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực và Danh sách trích ngang cán bộ quản lý, vận hành) Thông tư số 12/2017/TT-BCT ngày 31-7-2017 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về trình tự, thủ tục cấp, thu hồi và thời hạn của giấy phép hoạt động điện lực theo hướng thay thế các trường thông tin cá nhân (ngày tháng năm sinh, quê quán) bằng số định danh cá nhân.
Trong lĩnh vực an toàn hóa chất, thủ tục cấp và cấp lại giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất cũng được đơn giản hóa. Cụ thể, các trường thông tin về ngày tháng năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu của Phụ lục II, III, IV quy định tại Thông tư số 36/2014/TT-BCT ngày 22-10-2014 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn hóa chất và cấp Giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toán hóa chất được sửa đổi theo hướng thay thế bằng số định danh cá nhân.
Nghị quyết cũng sửa đổi Mẫu 1a, 1b Phụ lục 1 Mẫu cấp phép hoạt động vật liệu nổ công nghiệp (các trường thông tin ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ thường trú, tạm trú) quy định tại Thông tư số 26/2012/TT-BCT ngày 21-9-2012 của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 23/2009/TT-BCT ngày 11/8/2009 của Bộ trưởng Bộ Công Thương theo hướng thay thế bằng số định danh cá nhân...
Đơn giản hóa 22 thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Xây dựng
Chính phủ vừa thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư theo Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư (Đề án 896) thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Theo đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến 22 thủ tục hành chính trong 4 lĩnh vực: Xây dựng (11 thủ tục); nhà ở (7 thủ tục); kinh doanh bất động sản (3 thủ tục); xử phạt vi phạm hành chính (1 thủ tục).
Trong lĩnh vực xây dựng, nội dung đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép xây dựng gồm: Bãi bỏ "bản sao giấy phép xây đựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp" trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng đối với trường hợp sửa chữa, cải tạo tại Điều 12 Thông tư 15/2016/TT-BXD ngày 30-6-2016 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về cấp giấy phép xây dựng; đồng thời bổ sung thông tin về số, ngày cấp, cơ quan cấp giấy phép xây dựng tại Phụ lục I kèm theo Thông tư số 15/2016/TT-BXD; bổ sung vào mục 3.6 tại đơn đề nghị cấp giấy phép xây dựng thuộc Phụ lục 1 kèm Thông tư 15/2016/TT-BXD thông tin về số, ngày cấp giấy phép xây dựng: "Đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa"; bãi bỏ yêu cầu cung cấp bản sao photocopy chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đối với chủ nhiệm thiết kế, chủ trì thiết kế các bộ môn tại Phụ lục số 3 kèm theo Thông tư 15/2016/TT-BXD.
Với lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nội dung đơn giản hóa thủ tục cấp mới chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản gồm: bãi bỏ bản sao có chứng thực Giấy chứng minh nhân dân đối với người Việt Nam tại khoản 2 Điều 10 của Thông tư 11/2015/TT-BXD ngày 30-12-2015 của Bộ Xây dựng quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; hướng dẫn việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, điều hành sàn giao dịch bất động sản; việc thành lập và tổ chức hoạt động của sàn giao dịch bất động sản; đồng thời bổ sung thông tin về số định danh cá nhân trong đơn đăng ký dự thi; bãi bỏ các trường thông tin về ngày tháng năm sinh, nơi sinh, quốc tịch (đối với người Việt Nam), số chứng minh nhân dân (hộ chiếu) của người đăng ký thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản trong đơn đăng ký dự thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo mẫu hướng dẫn tại Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 11/2015/TT-BXD; đồng thời bổ sung thông tin về số định danh cá nhân.
Chính phủ giao Bộ Xây dựng căn cứ nội dung Phương án đơn giản hóa được Chính phủ thông qua, trong phạm vi thẩm quyền chủ trì, phối hợp với bộ, ngành, cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ, bãi bỏ thủ tục hành chính, giấy tờ công dân quy định tại văn bản quy phạm pháp luật để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm hoàn thành, vận hành của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Chính phủ giao Văn phòng Chính phủ theo dõi, kiểm tra việc thực hiện và tổng hợp khó khăn, vướng mắc của Bộ Xây dựng và các bộ, cơ quan có liên quan để kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ trong quá trình thực thi Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết này.
Đơn giản hóa 71 thủ tục hành chính thuộc quản lý của Bộ Tài chính
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính.
Theo đó, nội dung đơn giản hóa liên quan đến 71 thủ tục hành chính trong 3 lĩnh vực: Chứng khoán (32 thủ tục); hải quan (2 thủ tục); thuế (37 thủ tục).
Trong đó, lĩnh vực chứng khoán, đơn giản hóa thủ tục cấp giấy phép, điều chỉnh giấy phép thành lập và hoạt động công ty đầu tư chứng khoán đại chúng do hợp nhất, do nhận sáp nhập. Cụ thể, bỏ bản sao giấy chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu còn hiệu lực của thành viên dự kiến hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, cổ đông sáng lập; Giám đốc (Tổng Giám đốc), Phó Giám đốc (Phó Tổng Giám đốc) và người điều hành quỹ (đối với công dân Việt Nam) quy định tại Điều 78 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP.
Thủ tục Đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế cũng được đơn giản hóa. Theo đó, bỏ yêu cầu nộp sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan quản lý lao động có thẩm quyền hoặc UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú quy định tại Điều 12 và bỏ chỉ tiêu ngày tháng năm sinh, quê quán và bổ sung thêm thông tin về số định danh cá nhân tại mẫu đơn 6a, 6b ban hành kèm theo Thông tư số 117/2012/TT-BTC.
Cũng trong lĩnh vực thuế, Nghị quyết cho phép khi làm thủ tục đăng ký số lượng, loại tem rượu dự kiến sử dụng trong năm/Mua tem rượu (thực hiện tại cấp Cục, cấp Chi cục) không phải xuất trình giấy giới thiệu của doanh nghiệp; xuất trình giấy chứng minh nhân dân của người trực tiếp đến mua tem rượu còn trong thời hạn sử dụng theo quy định của pháp luật về giấy chứng minh nhân dân.
Bỏ quy định trước khi thanh hủy tem rượu hư hỏng (rách hỏng...), tổ chức, cá nhân phải có văn bản, kèm bảng kê chi tiết đăng ký hủy với cơ quan thuế và phải có công văn chấp thuận cho hủy của cơ quan Thuế...
Bước đột phá trong cải cách hành chính của lực lượng Quản lý Xuất nhập cảnh
Thiếu tướng Lê Xuân Viên, Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, lực lượng Quản lý Xuất nhập cảnh đã tiến hành nhiều cải cách về thủ tục hành chính trong lĩnh vực xuất nhập cảnh, tạo điều kiện thông thoáng, thu hút nhiều khách nước ngoài vào Việt Nam và tạo điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, công tác, thực hiện hợp tác quốc tế, thúc đẩy thương mại…
Triển khai chủ trương của Chính phủ về Chính phủ điện tử và dịch vụ công, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh đã thực hiện nhiều thủ tục hành chính và dịch vụ công ở các cấp độ khác nhau. Cụ thể, đã chủ động xây dựng phần mềm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, thực hiện thí điểm từ ngày 01-02-2017; qua hơn 6 tháng thực hiện cho thấy hệ thống vận hành ổn định, đạt hiệu quả.
Song song với việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài, đã triển khai hệ thống tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị xét duyệt nhân sự cho người nước ngoài qua giao dịch điện tử. Đây là biện pháp tích cực tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, góp phần phát triển du lịch và môi trường đầu tư kinh doanh, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Người nước ngoài xin thị thực nhập cảnh Việt Nam đơn giản, nhanh chóng và thuận lợi, không phải mất thời gian, công sức di chuyển tới các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở nước ngoài để làm thủ tục xin thị thực. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân ở trong nước có nhu cầu bảo lãnh, mời đón người nước ngoài có thể không cần phải đến Cơ quan Quản lý Xuất nhập cảnh vẫn có thể làm thủ tục bảo lãnh, mời đón người nước ngoài nhập cảnh.
Bước đột phá trong cải cách hành chính của lực lượng quản lý xuất nhập cảnh được đánh dấu bằng việc triển khai hệ thống khai báo, tiếp nhận và quản lý thông tin tạm trú của người nước ngoài thông qua mạng Internet. Đến nay, đã có 9.020 cơ sở kinh doanh lưu trú trên toàn quốc đăng nhập hệ thống với gần 2,6 triệu khách nước ngoài được khai báo thông tin qua mạng, thể hiện một bước đột phá về cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh.
Việc triển khai hệ thống khai báo tạm trú cho người nước ngoài trên mạng Internet không chỉ giúp các cơ sở kinh doanh lưu trú giảm thời gian, công sức mà còn giúp lực lượng chức năng chủ động kịp thời nắm tình hình, quản lý người nước ngoài lưu trú trên địa bàn và từng bước đưa công tác đăng ký, quản lý lưu trú người nước ngoài đi vào nền nếp. Đây được coi là giải pháp cải cách hành chính dịch vụ công cấp độ 4 theo chỉ đạo của Chính phủ cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự.
Đối với công dân Việt Nam, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh cũng đang áp dụng công nghệ thông tin triển khai việc tiếp nhận, xử lý tờ khai điện tử đề nghị cấp hộ chiếu tại trụ sở đơn vị Cục, Công an 9 địa phương và đang tiếp tục khảo sát nhân rộng các địa phương khác trong toàn quốc.
Với mô hình này, công dân chủ động thực hiện khai tờ khai đề nghị cấp hộ chiếu qua mạng Internet vào bất cứ thời gian, địa điểm nào, bằng các phương tiện có kết nối Internet. Từ những việc làm thiết thực đó, hình ảnh người chiến sỹ Công an càng trở nên gần gũi, thân thiện hơn trong lòng nhân dân./.
Hợp tác Quốc hội là nền tảng phát triển quan hệ Việt Nam-Trung Quốc  (15/10/2017)
Quốc hội hai nước Việt Nam-Hàn Quốc tăng cường giao lưu hợp tác  (15/10/2017)
Thủ tướng dự Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017  (15/10/2017)
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay