Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình

GS, TS. Mạch Quang Thắng, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh- Nguyễn Tùng Lâm, Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng
21:12, ngày 25-05-2012
TCCSĐT - Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới tự phê bình và phê bình. Người coi tự phê bình và phê bình là “vũ khí rất cần thiết và sắc bén, nó giúp chúng ta sửa chữa sai lầm và phát triển ưu điểm"(1), là “thang thuốc” tốt nhất để chữa trị các “chứng bệnh” do chủ nghĩa cá nhân gây ra. Người thường dạy: “Dao có mài, mới sắc. Vàng có thui, mới trong. Nước có lọc, mới sạch. Người có tự phê bình, mới tiến bộ. Đảng cũng thế”(2).

Tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình

Vấn đề tự phê bình và phê bình là một cống hiến quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bảo vệ và phát triển lý luận Mác - Lê-nin; là nét đặc sắc trong tư tưởng của Người về xây dựng Đảng cách mạng; là vũ khí lý luận sắc bén đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội, xét lại và các tiêu cực trong xã hội; với văn phong giản dị, trong sáng chúng ta thấy toát lên bản chất nhân văn mác-xít, “chủ nghĩa nhân đạo hiện thực”.

Trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, Người đã có 67 lần dùng thuật ngữ “phê bình và tự phê bình” và có tới 90 lần dùng thuật ngữ “tự phê bình và phê bình”. Qua các bài viết này, Người đã chỉ rõ về sự cần thiết, mục đích, đối tượng, phương pháp và những phương châm có tính nguyên tắc trong thực hành tự phê bình và phê bình. Theo Hồ Chí Minh, sự phát triển của Đảng bao hàm trong đó sự tự đổi mới, tự chỉnh đốn khắc phục những khuyết điểm, nhược điểm để ngày càng tiến bộ về mọi mặt, đáp ứng với yêu cầu phát triển của cách mạng “một đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một đảng hỏng”, vì thế tự phê bình và phê bình được Người xác định là “quy luật phát triển của Đảng”. Đối với sự trưởng thành, tiến bộ của mỗi cán bộ, đảng viên cũng vậy: “Mỗi cán bộ, mỗi đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh mà Đảng sẽ mạnh khỏe vô cùng”(3). Đó chính là ý nghĩa của tự phê bình và phê bình - một quy luật phát triển, một nguyên tắc của công tác xây dựng Đảng.

Người vạch rõ: “Mục đích phê bình. Cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn. Cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ”(4). Người cũng khẳng định: Tự phê bình và phê bình nhằm đạt mục đích giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức đảng nhận rõ ưu điểm để phát huy, nhận rõ khuyết điểm để khắc phục. Nói cách khác, tự phê bình và phê bình là giúp cho cán bộ, đảng viên, tổ chức của Đảng ngày càng tiến bộ, tạo nên sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ Đảng, tạo nên sức mạnh to lớn của Đảng, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng.

Hồ Chí Minh chỉ rõ đối tượng của tự phê bình và phê bình là: Phê bình những suy nghĩ và việc làm sai trái chứ không phải phê người. Một quan điểm rất sâu sắc về tự phê bình và phê bình, mà không phải cho đến nay ai cũng hiểu và làm đúng. Như vậy, đối tượng trực tiếp của tự phê bình và phê bình trong công tác xây dựng Đảng là những nhận thức, hành vi và hoạt động không đúng trong xây dựng Đảng của từng đảng viên, của các tổ chức đảng. Theo Hồ Chí Minh, phê bình là gột rửa “cái bụi bẩn bên ngoài” của con người, không cho nó làm “ô nhiễm” con người, như là dùng khăn mặt và xà phòng để rửa cái nhơ bẩn bám vào con người chứ không phải như cắt bỏ một phần thân thể con người. Đây thực sự là một tư tưởng rất nhân văn, nhân đạo, vừa thúc đẩy sự phát triển hoàn thiện con người, vừa tránh cho con người rơi vào cái “tôi” vị kỷ, trả đũa, tranh giành, ghen ghét, đố kỵ và không bị nhỏ nhen.

Quan điểm xuyên suốt của Hồ Chí Minh trong tự phê bình và phê bình là trên tinh thần vì nước, vì dân, “dĩ công vi thượng”, xuất phát từ tình đồng chí thương yêu lẫn nhau. Bởi nếu không xuất phát từ tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì dù có tự phê bình và phê bình đến mấy, hiệu quả cũng chẳng được là bao, thậm chí có khi còn làm tổn hại đến sự đoàn kết của Đảng. Để phát huy cao nhất “vũ khí” tự phê bình và phê bình thì không chỉ nắm vững mục đích, phương hướng, trọng tâm mà còn phải có một thái độ đúng đắn, phương pháp khoa học khi sử dụng nó mới đạt được hiệu quả.

Thứ nhất: Phải “khéo” kết hợp giữa tự phê bình và phê bình. Tư tưởng “khéo sử dụng vũ khí tự phê bình và phê bình” trong Đảng của Hồ Chí Minh là nghệ thuật ứng xử giữa con người với con người trong quan hệ xã hội; là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tình và lý trong truyền thống văn hóa Việt Nam. Đây là quan điểm vừa mang tính khoa học, vừa mang tính nghệ thuật cách mạng trong cả thái độ và phương pháp tiến hành.

Thứ hai: Tự phê bình và phê bình phải tiến hành nghiêm túc, thường xuyên, phải nói đầy đủ cả hai mặt ưu điểm và khuyết điểm. Người căn dặn: “Phê bình mình cũng như phê bình người phải ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng lời mỉa mai, chua cay, đâm thọc… Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”(5).

Thứ ba: Tự phê bình và phê bình chỉ thực sự có kết quả khi có sự lãnh đạo sáng suốt của cấp trên, đồng thời phát động được quần chúng và cấp dưới hưởng ứng một cách chân thành và xây dựng.

Thái độ, phương pháp đối với tự phê bình và phê bình trong tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thống nhất biện chứng giữa “lý lẽ phân minh, nghĩa tình đầy đủ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về tự phê bình và phê bình. Người không bao giờ tự cho mình đứng ngoài những sai lầm khuyết điểm của Đảng và Chính phủ mà thường nhận lỗi về mình. Trên cương vị là Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã cùng Đảng lãnh đạo nhân dân ta làm được không ít việc, đưa đất nước vượt qua bao hiểm nguy, Người vẫn thật thà viết bài: “Tự phê bình”, đăng trên Báo Cứu quốc (28-1-1946), nêu nhiều việc lớn chưa làm được như: Các nước chưa công nhận nền độc lập của Việt Nam, kháng chiến ở Nam bộ chưa thắng lợi, tệ tham nhũng chưa được quét sạch… Từ đó, Người kết luận: những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm trên là lỗi tại tôi. Người đời không phải thánh thần, không ai tránh khỏi khuyết điểm. Chúng ta không sợ có khuyết điểm, nhưng chỉ sợ không biết kiên quyết sửa chữa nó đi. Từ nay, tôi mong đồng bào ra sức giúp tôi sửa chữa những khuyết điểm đó.

Năm 1956, khi phát hiện ra sai lầm trong Cải cách ruộng đất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiêm túc, thẳng thắn, công khai tự phê bình và phê bình nhận lỗi với nhân dân là “đã quan liêu, không sát thực tế, chỉ xem báo cáo, tin vào người báo cáo” và: Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ, làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta. Cuối cùng, Người kết luận: Khuyết điểm của tôi đã ảnh hưởng đến sai lầm của cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Đó thực sự là tấm gương sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình, phê bình.

Những giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình trong Đảng hiện nay

Thực tiễn hơn 80 năm xây dựng và lãnh đạo của Đảng đã khẳng định vai trò to lớn của việc thực hiện nghiêm túc chế độ tự phê bình và phê bình trong giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc tự phê bình và phê bình trong Đảng có lúc, có nơi chưa được xem trọng, tính tự giác tự phê bình và phê bình giảm sút rõ rệt, một bộ phận tổ chức đảng và đảng viên thực hiện tự phê bình và phê bình yếu, kém, chỉ mang tính hình thức, tính chiến đấu không cao, dĩ hòa vi quý... Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã chỉ rõ: Năng lực và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp; công tác quản lý đảng viên chưa chặt chẽ, sinh hoạt đảng chưa nề nếp, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình yếu. Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI, tiếp tục chỉ ra: “Các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi vừa bị buông lỏng trong thực hiện, vừa chưa được quy định cụ thể để làm cơ sở cho công tác kiểm tra, giám sát”(6). Do vậy, việc học tập tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình là thực sự cấp thiết để xây dựng, chỉnh đốn Đảng, củng cố chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, vững mạnh. Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh, cần phải thực thi nghiêm túc những biện pháp cụ thể cả về phía tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên.

Một là, không ngừng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Nâng cao nhận thức cho cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Đảng về mục đích, ý nghĩa, nội dung, phương pháp, chất lượng trong tự phê bình và phê bình theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên cơ sở đó mới phát huy được tính tự giác của mọi cán bộ, đảng viên trong chi bộ. Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng giáo dục, làm cho cán bộ, đảng viên thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tự phê bình và phê bình; nhận thức rõ sự cần thiết, mục đích, nội dung, phương pháp tự phê bình và phê bình. Gắn nội dung tự phê bình và phê bình với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hai là, tự phê bình và phê bình phải trên cơ sở lập trường quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mở rộng thông tin, phát huy dân chủ. Kết hợp tự phê bình trong Đảng với phát huy phê bình của nhân dân. Đề cao tính tự giác, không khí dân chủ, cởi mở trên cơ sở cái tâm trong sáng, trên tinh thần đồng chí thương yêu lẫn nhau, vì sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, để các đảng viên trong chi bộ, cũng như quần chúng phê bình cán bộ, đảng viên một cách thẳng thắn, đầy đủ.

Ba là, tự phê bình và phê bình cần gắn với việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đoạn. Hồ Chí Minh cho rằng, tự phê bình và phê bình phải “liên hệ với công tác thực tế của mình, để nâng cao tư tưởng, ý thức tổ chức và kỷ luật, đồng thời đẩy mạnh công tác tiến bộ hơn nữa”(7). Tăng cường kỷ luật, ngăn chặn những hành vi lợi dụng tự phê bình và phê bình để trả thù cá nhân, gây rối, làm mất sự đoàn kết thống nhất trong Đảng.

Bốn là, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về nâng cao chất lượng trong tự phê bình và phê bình trong Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Cấp ủy các cấp cần có nghị quyết lãnh đạo sát, đúng đối với công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết hoạt động công tác xây dựng Đảng, đặc biệt là hoạt động tự phê bình và phê bình; đánh giá đúng thực trạng chất lượng tự phê bình và phê bình, từ đó có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo, rút kinh nghiệm kịp thời, trong tự phê bình và phê bình của cán bộ, đảng viên trong các tổ chức Đảng./.



(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t.10, tr. 614

(2)  Hồ Chí Minh: Sđd, t. 6, tr. 209

(3)  Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 239

(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 232

(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 5, tr. 232

(6) Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2012, tr. 24

(7)  Hồ Chí Minh: Sđd, t. 10, tr. 166