TCCSĐT – Sáng 24-5-2012, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi làm việc với lãnh đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam. Chiều cùng ngày, Thủ tướng đã có buổi tiếp bà Victoria Kwa Kwa Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam

 

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh báo cáo tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc với lãnh đạo Liên đoàn luật sư Việt Nam, Luật sư Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam đã báo cáo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về tình hình của Liên đoàn sau hơn 3 năm thành lập và đi vào hoạt động. Theo Luật sư Lê Thúc Anh, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã bước đầu thực hiện tốt vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam; là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước, xã hội và giới luật sư.Hội đồng luật sư toàn quốc, Ban Thường vụ Liên đoàn, Lãnh đạo Liên đoàn đã đoàn kết chung tay góp sức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Bộ máy tổ chức của Liên đoàn đã đi vào ổn định và hoạt động tương đối nề nếp, hiệu quả.

Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư được Liên đoàn luật sư Việt Nam xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Liên đoàn nhằm xây dựng đội ngũ luật sư có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sạch, liêm chính, tạo lập niềm tin với Đảng, Nhà nước và cộng đồng xã hội về một đội ngũ luật sư đông về số lượng, mạnh về chất lượng, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế và hội nhập.

Liên đoàn luật sư đã đóng góp tích cực vào cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao như: tham gia xây dựng và tuyên truyền pháp luật; tham gia cùng Tổ công tác 30 của Chính phủ để rà soát thủ tục hành chính; tham gia bào chữa theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng…Trong 2 năm 2010 và 2011, luật sư tham gia vào các vụ án và các vụ việc cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cá nhân và tổ chức: 32.234 vụ án hình sự; 27.449 vụ án dân sự; 4.733 vụ án kinh tế; 2.243 vụ án hành chính; 493 vụ án lao động…

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Luật sư Lê Thúc Anh, hoạt động của Liên đoàn vẫn còn những tồn tại, hạn chế nhất định như: sự gắn kết giữa Liên đoàn và các Đoàn luật sư ở một số việc chưa chặt chẽ, có nơi, có lúc còn chưa tốt. Tính chuyên môn hóa và chuyên nghiệp trong việc quản lý luật sư và thực hiện chế độ tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế;. Công tác truyền truyền về hoạt động của Liên đoàn còn chưa sâu rộng tới đông đảo đội ngũ luật sư; một số luật sư còn vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, nặng về cá nhân, thiếu tinh thần xây dựng chung;…

Luật sư Lê Thúc Anh khẳng định, trong thời gian tới, Liên đoàn sẽ nỗ lực hết mình trong tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai thực thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp trong toàn Liên đoàn; đóng góp tích cực vào công tác xây dựng pháp luật, truyền truyền phổ biến pháp luật; thực hiện hiệu quả công tác tổ chức, quản lý thành viên, bảo vệ quyền lợi luật sư; chú trọng tới công tác khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng luật sư;…

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực, những kết quả bước đầu mà Liên đoàn luật sư Việt Nam đạt được thời gian qua; cho rằng, những kết quả đạt được sẽ là cơ sở để Liên đoàn tiếp tục thực hiện tốt vai trò, vị trí và nhiệm vụ được giao. Khẳng định việc xây dựng, củng cố về tổ chức luật sư, phát triển giới luật sư là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Liên đoàn luật sư Việt Nam cần phát huy những kết quả đạt được, ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém để tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò là ngôi nhà chung tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam. Trên tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, Liên đoàn luật sư Việt Nam tiếp tục quan tâm kiện toàn, hoàn thiện bộ máy tổ chức, cơ chế, quy chế hoạt động của của Liên đoàn.

Cùng với đó, Liên đoàn cần bám sát vào chức năng và nhiệm vụ được giao để đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước, đặc biệt là góp phần vào công tác xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; bảo vệ công lý, quyền chính đáng của công dân; công tác giải quyết khiếu nại tố cáo nhất là những vụ việc khiếu nại tố cáo đông người còn tồn động, kéo dài; phản bác lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; bảo vệ chủ quyền quốc gia;…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mong muốn Liên đoàn luật sư Việt Nam quan tâm hơn nữa đến công tác truyền truyền phổ biến pháp luật; thực thực hiện tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp trong giới luật sư; mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế;… Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành chức năng cũng xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị của Liên đoàn Luật sư Việt Nam như, đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày truyền thống của Luật sư Việt Nam; hỗ trợ về trụ sở làm việc cho Liên đoàn; việc xác định vị trí, vai trò của Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong các văn bản luật, dưới luật…

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp bà Victoria Kwa Kwa Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới tại Việt Nam

Chiều cùng ngày, tại buổi tiếp bà Victoria Kwa Kwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam, trao đổi với bà Victoria Kwa Kwa về tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, mục tiêu mà Việt Nam xác định là phải ổn định được kinh tế vĩ mô nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước, không quá thiên về đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng làm ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Với tinh thần như vậy, trong năm 2012, mục tiêu Việt Nam đưa ra là kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 8%, không để lạm phát trên 10% cũng như không để lạm phát xuống quá thấp; giữ bộ chi ngân sách ở mức khoảng 4,8% GDP;…

Cùng với đó, trong năm 2012, Việt Nam duy trì tăng trưởng khoảng 5,6 – 5,8%, cho rằng việc duy trì tăng trưởng và giữ lạm phát mở mức như vậy là một thành công để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước và trên cơ sở đó, trong năm 2013, Việt Nam sẽ phấn đấu duy trì tăng trưởng khoảng trên 6% và kéo lạm phát xuống dưới 6%.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chia sẻ với bà Victoria Kwa Kwa những vấn đề lớn mà Chính phủ Việt Nam đang chỉ đạo triển khai thực hiện liên quan đến tái cơ cấu kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu ngân hàng. Thủ tướng mong muốn WB tiếp tục hợp tác, hỗ trợ hiệu quả hơn nữa cho Việt Nam trong việc thực các mục tiêu phát triển; tư vấn chính sách; chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong xử lý nợ xấu ngân hàng, thúc đẩy hợp tác đầu tư nước ngoài; hỗ trợ Việt Nam trong công tác giảm nghèo, triển khai thực hiện các dự án giao thông trọng điểm…

Bà Victoria Kwa Kwa đánh giá cao sự triển khai hiệu quả, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cũng như những kết quả mà Việt Nam đạt được kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thời gian qua; đồng thời khuyến nghị, song song việc kiên định, nhất quán thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Việt Nam cần tập trung mạnh việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất; phấn đấu đạt được sự cân bằng về ổn định kinh tế vĩ mô với thực hiện mục tiêu tăng trưởng, giải quyết việc làm cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội,…

Ngoài ra, bà Victoria Kwa Kwa cũng cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hơn nữa hoạt động kiểm soát đầu tư công, nhằm đảm bảo tính hiệu quả của đầu tư công, tránh sự đầu tư dàn trải, kém hiệu quả…Bà Victoria Kwa Kwa khẳng định, WB sẽ luôn đồng hành; hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Tại buổi tiếp, bà Victoria Kwa Kwa cũng trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng một số nội dung chính liên quan đến kỳ họp giữa kỳ của Hội nghị các nhà tư vấn tài trợ cho Việt Nam diễn ra vào đầu tháng 6 tới./.