Các thách thức và vai trò của châu Á

Vũ Linh tổng hợp
06:16, ngày 25-05-2012

TCCSĐT - Ngày 24-5-2012, Hội nghị quốc tế “Tương lai châu Á” do báo "Nikkei" (Nhật Bản) và Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản tổ chức đã khai mạc tại Tokyo. Với chủ đề “Vai trò của châu Á trong thế giới bất ổn - Tìm kiếm một mô hình tăng trưởng mới”, hội nghị đã thảo luận các vấn đề nóng, những thách thức đối với khu vực và triển vọng hợp tác khu vực trong tương lai.

Tham dự Hội nghị có các quan chức chính phủ, các tổ chức, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp Nhật Bản và các nước. Đoàn Việt Nam do Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dẫn đầu tham dự Hội nghị. Phát biểu tại Hội nghị, Tổng thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Surin Pitsuwan nhấn mạnh, các nước đang đối mặt với những thách thức trong lĩnh vực chính trị, kinh tế và môi trường thế giới và khu vực. Những diễn biến ở các nước láng giềng châu Á, trong đó có Trung Quốc, bán đảo Triều Tiên, cũng đang ảnh hưởng trực tiếp đến các nước ASEAN.

Theo ông S.Pitsuwan , Nhật Bản là nền kinh tế quan trọng ở châu Á và thế giới, là nguồn vốn, công nghệ và quản lý, góp phần quan trọng tạo nên mạng lưới trao đổi hàng hóa trong khu vực. Ông cho rằng để thành lập cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN không thể hành động đơn độc mà cần hợp tác với các nước, trong đó có Nhật Bản. Với học thuyết Fukuda, Nhật Bản đã từng can dự tích cực vào châu lục với những cam kết và hành động hợp tác. Nhật Bản cần làm mới những cam kết, tiếp tục can dự tích cực vào châu Á. Ông S.Pitsuwan cho rằng, cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 1997 cho thấy, cần xây dựng các cơ cấu hợp tác mới và hy vọng trong quá trình hợp tác, các nước có thể xây dựng niềm tin và phát hiện những lĩnh vực mới có thể hợp tác. Các nước ASEAN muốn đóng vai trò trung tâm trong hợp tác khu vực Đông Á, coi trọng Nhật Bản và muốn Nhật Bản đóng vai trò đi đầu trong hợp tác khu vực trong tương lai. Đông Á cần sự tự tin của Nhật Bản, muốn Nhật Bản can dự tích cực với các khả năng của mình.

Phát biểu tại Hội nghị, Giám đốc điều hành Ngân hàng thế giới (WB) Sri Mulyani Indrawati nhấn mạnh, cần đầu tư vào các lĩnh vực gắn với tăng trưởng, giảm chi phí cho những lĩnh vực có năng suất thấp, đồng thời cần có sự hợp tác chính sách của tất cả các nước. Bà M.Indrawati đã nêu ba đối sách để duy trì tăng trưởng cao của các nền kinh tế mới nổi, gồm sửa đổi sự bất công bằng, trong đó có thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài; cải cách cơ chế hướng tới cải thiện thị trường lao động và mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng; đầu tư cho giáo dục trong đó coi trọng tăng năng suất lao động và đổi mới công nghệ. Bà cho rằng các giải pháp này sẽ là chìa khóa tăng trưởng cho nền kinh tế thế giới.

Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã có bài phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một trật tự mới ổn định, phồn vinh dựa trên các giá trị dân chủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo đó cần xây dựng hai trụ cột quan trọng là “ngoại giao mạng lưới” và xã hội chất lượng cao thông qua “tăng cường và mở rộng tầng lớp trung lưu”. Đây chính là hình thức mới trong định hướng ngoại giao châu Á của Nhật Bản. Theo ông K.Gemba, “ngoại giao mạng lưới” là nỗ lực kết nối sự nhất trí song phương và đa phương, xây dựng một trật tự phong phú và ổn định dựa trên các giá trị dân chủ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mạng lưới này trên thực tế đang được mở rộng. Để thúc đẩy sức mua của tầng lớp trung lưu, Chính phủ Nhật Bản sẽ sớm đưa ra một chiến lược hỗ trợ vào mùa Thu năm nay, trong đó coi trọng thúc đẩy các liên kết kinh tế khu vực, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp công nghệ cao, tăng cường đối thoại về quyền sở hữu trí tuệ giữa các chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Ngoại trưởng Nhật Bản cũng nhấn mạnh vai trò của quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ, coi đó là “tài sản chung của khu vực châu Á-Thái Bình Dương” và cam kết nỗ lực tăng cường mối quan hệ đồng minh này trong bối cảnh có nhiều thay đổi trong môi trường an ninh khu vực. Các diễn giả tham dự Hội nghị cũng thảo luận theo các đề tài “Những thách thức và giải pháp cho kinh tế toàn cầu: Triển vọng của châu Á”, “Khoa học mở ra tương lai mới cho châu Á” và “Thay đổi cán cân quyền lực ở châu Á - Thái Bình Dương và tác động tới an ninh khu vực

** Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã đến chào xã giao Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito nhân dịp thăm Nhật Bản tham dự Hội nghị "Tương lai châu Á" lần thứ 18, diễn ra ở thủ đô Tokyo (Tokyo) trong hai ngày 24 và 25-5-2012.

Tại buổi gặp, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chân thành cảm ơn sự đón tiếp nồng nhiệt mà Hoàng Thái tử dành cho Đoàn Việt Nam trong dịp sang Nhật Bản tham dự hội nghị lần này. Phó Chủ tịch nước chuyển lời hỏi thăm và chúc sức khoẻ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và cá nhân tới Nhà Vua và Hoàng Hậu Nhật Bản, đồng thời gửi lời mời Nhà vua và Hoàng Hậu thăm chính thức Việt Nam trong Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Phó Chủ tịch bày tỏ sự khâm phục trước tinh thần quả cảm và ý chí kiên cường của nhân dân Nhật Bản trong việc phục hồi và tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, sóng thần hồi năm ngoái, đồng thời tin tưởng chắc chắn rằng với nghị lực và tài năng của mình, nhân dân Nhật Bản sẽ sớm vượt qua khó khăn, xây dựng đất nước Nhật Bản ngày càng phồn vinh. Nhân dân hai nước Việt Nam - Nhật Bản đã nhiều lần ủng hộ, hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn. Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam sẵn sàng chia sẻ khó khăn và cố gắng hết sức trong khả năng của mình để hỗ trợ các bạn Nhật Bản. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đang có những bước phát triển nhanh chóng và toàn diện, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần ổn định hòa bình, hợp tác và phát triển tại khu vực và trên thế giới. Trong thời gian qua, hai Hội chữ thập đỏ Việt Nam và Nhật Bản đã có nhiều hoạt động hợp tác như dự án Rừng ngập mặn ở nhiều địa phương Việt Nam, giao lưu thanh thiếu niên tình nguyện, đào tạo tập huấn về hiến máu nhân đạo…. Hội chữ thập đỏ Nhật Bản luôn là một trong những Hội quốc gia đầu tiên hỗ trợ tích cực Việt Nam khi xảy ra thảm họa và thiên tai.

Về phần mình, Hoàng Thái tử Naruhito đã cảm ơn tình cảm và sự hỗ trợ của nhân dân Việt Nam đối với Nhật Bản sau thảm họa kép hồi tháng 3-2011, đồng thời bày tỏ vui mừng trước những thành quả của Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hoàng Thái tử tin tưởng rằng việc Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan tham dự Hội nghị “ Tương lai Châu Á” lần này sẽ góp phần quan trọng vào việc tăng cường và củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị đang phát triển hết sức tốt đẹp giữa hai nước. Hoàng Thái tử cho biết vẫn giữ những ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc về chuyến thăm Việt Nam năm 2009. Cuộc gặp diễn ra trong bầu không khí cởi mở chân tình và thắm tình đoàn kết giữa hai nước Việt Nam-Nhật Bản. Việt Nam và Nhật Bản đã nhất trí chọn năm 2013 là Năm Hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản nhân dịp kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là dịp quan trọng để hai nước đẩy mạnh giao lưu nhân dân, trao đổi văn hóa, qua đó củng cố và tăng cường hơn nữa sự tin cậy, hiểu biết lẫn nhau, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước.

*** Trước đó, ngày 23-5, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tiếp Thị trưởng thành phố Nagoya, ngài Takashi Kawamura. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cảm ơn sự đón tiếp trọng thị, nồng nhiệt mà Chính quyền và nhân dân thành phố Nagoya dành cho đoàn đại biểu Việt Nam, đồng thời khẳng định Việt Nam rất coi trọng quan hệ hợp tác với Nhật Bản.

Hiện Nhật Bản là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 20 tỉ USD/năm và sẽ còn cao hơn trong thời gian tới. Phó Chủ tịch nước nêu rõ việc hơn 30 doanh nghiệp đến từ thành phố Nagoya đang làm ăn tại Việt Nam và cộng đồng người Việt phát triển tại Nagoya là minh chứng sinh động cho mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Nagoya và Việt Nam. Đặc biệt Nagoya còn xuất bản sách hướng dẫn sinh hoạt cho người nước ngoài bằng tiếng Việt.

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cho biết, trước tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam đang thay đổi mô hình tăng trưởng và các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế nhờ sự ổn định chính trị và lực lượng lao động trẻ. Hơn nữa, việc Việt Nam thông qua những phương thức như hợp tác đối tác công tư (PPP) và thực hiện các chính sách thuế theo lộ trình đã cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ tạo cơ hội tốt cho các doanh nghiệp của Nagoya đầu tư vào Việt Nam. Phó Chủ tịch nước cũng hy vọng tiến tới Năm Hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản năm 2013, thành phố Nagoya sẽ sớm thiết lập quan hệ hợp tác với một thành phố của Việt Nam, góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Thị trưởng Tacasi Kawamura giới thiệu với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan về những lợi thế mà Nagoya có thể hợp tác với Việt Nam như công nghiệp ôtô, cơ khí chế tạo, hàng không-vũ trụ, rôbốt… Nagoya là thành phố trực thuộc trung ương Nhật Bản và đang hợp tác với Việt Nam trong nhiều dự án về kinh tế như công nghiệp chế tạo ôtô, đào tạo lưu học sinh Việt Nam và tham gia các hoạt động khám chữa bệnh nhân đạo…

Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng đã đến thăm Bảo tàng Kỹ thuật công nghiệp TOYOTA- nơi trưng bày các sản phẩm của tập đoàn này từ lúc sơ khai với một nhà máy dệt vải sợi và sau này là sản xuất xe hơi. Các sản phẩm được trưng bày là dẫn chứng cụ thể về những bước phát triển công nghệ và là niềm tự hào về sự sáng tạo của người Nhật Bản. Tiếp đó, Phó Chủ tịch nước cũng đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ Đại sứ quán và lưu học sinh tại thủ đô Tokyo./.