Công nghiệp hỗ trợ Thủ đô vượt khó để phát triển
TCCS - Ngành công nghiệp hỗ trợ đang ngày càng đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của ngành công nghiệp nói riêng và kinh tế Thủ đô nói chung. Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Thủ đô vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế cùng với những thiệt hại lớn do đại dịch COVID-19 gây ra. Do đó, thành phố Hà Nội cần những chính sách đặc thù phù hợp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn.
Một số nét khái quát về công nghiệp hỗ trợ của thành phố Hà Nội
Năm 2019, Hà Nội có 658 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT), trong đó có 520 doanh nghiệp CNHT chế tạo với 3 nhóm khu vực cung ứng, 135 doanh nghiệp CNHT ngành dệt may và 3 doanh nghiệp CNHT ngành da giày. Tuy số doanh nghiệp CNHT trên địa bàn còn ít, giai đoạn 2015 - 2019, số lượng doanh nghiệp CNHT tăng trưởng khá tốt với tốc độ bình quân đạt 8,3%/năm; giá trị sản xuất khu vực CNHT ước đạt trên 43 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành) với tăng trưởng bình quân 8,2%/năm (tương đương mức tăng trưởng bình quân ngành công nghiệp). Mặc dù chỉ đóng góp khoảng 11% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, khu vực CNHT đóng vai trò nền tảng, động lực trong phát triển sản xuất và thu hút đầu tư vào công nghiệp Thủ đô; giải quyết việc làm cho trên 55 nghìn lao động (chiếm 7% tổng số lao động công nghiệp Hà Nội). Tình hình phát triển trên các lĩnh vực cụ thể như sau:
Lĩnh vực linh kiện, phụ tùng
Sản xuất linh kiện phụ tùng là lĩnh vực phát triển nhất trong các lĩnh vực CNHT tại Hà Nội. Năm 2019, lĩnh vực này thu hút khoảng 520 doanh nghiệp tham gia sản xuất, giá trị sản xuất ước đạt khoảng 42,9 nghìn tỷ đồng (giá so sánh 2015), chiếm khoảng 28% số lượng doanh nghiệp và 12% tổng giá trị sản xuất công nghiệp lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng của cả nước.
Với số doanh nghiệp tham gia và giá trị sản xuất khá lớn, lĩnh vực này đóng vai trò chính trong phát triển CNHT Hà Nội. Các sản phẩm linh kiện, phụ tùng cơ khí, điện - điện tử, nhựa - cao su đã cung ứng được rộng rãi cho các lĩnh vực công nghiệp ô tô, xe máy, điện tử, công nghiệp chế tạo của thành phố và các tỉnh lân cận, đồng thời xuất khấu góp phần nâng cao giá trị và hàm lượng chế biến, chế tạo trong cơ cấu sản xuất và xuất khẩu Thủ đô. Trong lĩnh vực linh kiện phụ tùng, sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí là lĩnh vực phát triển nhất với khoảng 280 doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 19,5 nghìn tỷ đồng. Sản phẩm chính của lĩnh vực này là các loại linh kiện, phụ tùng xe máy, khuôn mẫu, đồ gá, linh kiện gia công cơ khí (hàn, tiện, phay, bào), linh kiện cơ khí chính xác cho chế tạo máy... Các doanh nghiệp sản xuất linh kiện phụ tùng cơ khí Hà Nội từng bước phát triển, có lợi thế về công nghệ và kinh nghiệm sản xuất, đã cung ứng khá tốt cho các doanh nghiệp FDI sản xuất xe máy, đáp ứng yêu cầu khắt khe và tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia. Lĩnh vực sản xuất linh kiện điện - điện tử cũng khá phát triển với 150 doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 18,5 nghìn tỷ đồng. Sản xuất sản phẩm và linh kiện điện tử tập trung tại KCN Bắc Thăng Long với sự đầu tư lớn từ các nhà đầu tư Nhật Bản. Trong giai đoạn gần đây, việc các tập đoàn công nghiệp điện tử Hàn Quốc như Samsung, LG đầu tư sản xuất tại các tỉnh lân cận Hà Nội cũng mở ra cơ hội phát triển cho lĩnh vực này tại Hà Nội, với lợi thế về nhân lực chất lượng cao, tập trung các viện nghiên cứu, trường đại học, giao thông thuận tiện, các loại hình dịch vụ hỗ trợ khá phong phú. Lĩnh vực linh kiện nhựa - cao su chiếm tỷ trọng thấp trong tổng thể CNHT Hà Nội với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 4,9 nghìn tỷ đồng; tuy nhiên đã đáp ứng khá tốt nhu cầu của các nhà lắp ráp.
Về công nghệ, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng chủ yếu sử dụng công nghệ, máy móc của Nhật Bản, Trung Quốc và một số máy móc chế tạo hoặc được nâng cấp trong nước.
Sản phẩm và thị trường chính của lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng là các loại linh kiện, phụ tùng phục vụ các ngành công nghiệp hạ nguồn trong nước như xe máy, ô tô, máy nông nghiệp, máy động lực, công nghiệp điện tử... Tuy nhiên, ngoại trừ ngành sản xuất xe máy, tỷ lệ cung ứng cho các ngành công nghiệp quan trọng khác như ô tô, điện tử còn khá hạn chế.
Hiện nay, một số lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ tùng phát triển khá mạnh tại Hà Nội, đặc biệt là tại doanh nghiệp nội địa sản xuất khuôn mẫu; linh kiện, phụ tùng xe đạp, xe máy; linh kiện cơ khí tiêu chuẩn; dây cáp điện, săm lốp các loại... Sản phẩm có chất luợng tốt, đạt yêu cầu của các công ty FDI và đã đáp ứng tốt nhu cầu trong nuớc, đồng thời xuất khẩu sang các nước Đông Á, ASEAN, EU.
Trong lĩnh vực linh kiện, phụ tùng, các doanh nghiệp CNHT là các doanh nghiệp sản xuất chế tạo, có quy trình sản xuất với nhiều công đoạn có khả năng gây ảnh hưởng đến môi trường, nhưng do đặc điểm sản xuất đòi hỏi công nghệ khá cao, trình độ sản xuất tiên tiến, có khả năng giải quyết tốt các vấn đề môi trường nên tác động không quá lớn; mặt khác, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng các yêu cầu cao về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế để được tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia.
Công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày
Nhìn chung lĩnh vực CNHT dệt may - da giày Hà Nội kém phát triển. Năm 2015, Hà Nội có 128 doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm CNHT cho ngành dệt may, chiếm 9,7% số doanh nghiệp cả nước; giá trị sản xuất đạt trên 6 nghìn tỷ đồng, chiếm 3% tổng giá trị sản xuất công nghiệp lĩnh vực CNHT cả nước. Năm 2019, ước tính có khoảng 135 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này; tập trung trong 2 nhóm ngành sợi và vải. Lĩnh vực hoàn thiện sản phẩm dệt và sản xuất vải dệt kim, sản xuất phụ liệu dệt may kém phát triển, các doanh nghiệp phải xuất vải mộc chưa qua nhuộm và hoàn tất, sau đó lại nhập khẩu vải đã qua xử lý về để sử dụng. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng phần lớn sản phẩm dệt trong nước đều phải xuất khẩu mà không được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam.
Năm 2019, CNHT ngành da giày tại Hà Nội nhìn chung ít phát triển với số lượng doanh nghiệp rất ít (3 doanh nghiệp), quy mô và giá trị sản xuất nhỏ (49 tỷ đồng và 35 lao động). CNHT cho ngành dệt may - da giày còn kém, cả về chất lượng và chủng loại sản phẩm. Công nghệ, máy móc lĩnh vực dệt - nhuộm - hoàn tất thiếu đồng bộ, lạc hậu nên năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu cho sản phẩm may xuất khẩu. Chất lượng da sống trong nước không đạt yêu cầu, đầu tư vào lĩnh vực thuộc da còn hạn chế. Các sản phẩm da tổng hợp, da nhân tạo chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước, chất lượng thấp.
Hiện nay, CNHT cho ngành dệt may - da giày đang thu hút được sự đầu tư lớn từ phía doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết. Tuy nhiên, do đây là các lĩnh vực có khả năng gây ô nhiễm lớn, từ các quá trình xử lý dệt - nhuộm, thuộc da; đồng thời cũng là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, giá trị gia tăng tương đối thấp. Vì vậy, Hà Nội định hướng giảm dần lĩnh vực này trên địa bàn, thay vào đó sẽ phát triển các lĩnh vực áp dụng công nghệ cao (sản xuất các loại vải, sợi trong nước chưa sản xuất được, phục vụ xuất khẩu), các dịch vụ nghiên cứu, thiết kế, tạo mẫu thời trang... nhằm nâng cao giá trị gia tăng và sử dụng hiệu quả nguồn lao động đã khá hạn chế trên địa bàn.
Công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao
Một số lĩnh vực CNHT cho các ngành công nghiệp công nghệ cao đang hình thành và phát triển tại Hà Nội bao gồm:
Linh kiện phụ tùng: Hà Nội đã phát triển sản xuất một số linh kiện, chi tiết có độ chính xác và chất lượng cao phục vụ các ngành điện tử, thông tin, tự động hóa; khuôn gá có độ chính xác cao;
Lĩnh vực thiết bị hỗ trợ, phần mềm, dịch vụ công nghiệp phục vụ cho công nghiệp công nghệ thông tin và sản xuất thiết bị tự động hóa, chủ yếu là một số linh kiện chính xác trên dây chuyền tự động hóa, phần mềm và dịch vụ hỗ trợ;…
Nhìn chung, các ngành công nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội mới bắt đầu phát triển, chưa đủ sức hấp dẫn nhà đầu tư; năng lực của CNHT cho các ngành công nghiệp công nghệ cao ở Hà Nội mới ở dạng tiềm năng.
Khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới
Đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nặng nề đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhât là các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội (HANSIBA), gần 90% số doanh nghiệp thuộc HANSIBA đã bị giảm doanh số; 50% số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng; một số doanh nghiệp đã phải chuyển hướng sản xuất. Hiện tượng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tham gia chuỗi sản xuất cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, như: Samsung, Canon, Toyota, Ford... Dịch bệnh cũng ảnh hưởng đến tiến độ, quá trình triển khai những dự án mới của các doanh nghiệp.
Trong khi đó, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đánh giá, dịch COVID-19 đã làm lộ rõ hơn những điểm yếu của ngành công nghiệp hỗ trợ. Đó là nội lực sản xuất hạn chế, phụ thuộc lớn vào các chuỗi cung ứng nước ngoài; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến Việt Nam không tự chủ được các yếu tố đầu vào của sản xuất. Do phải nhập nguyên liệu nên giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp nội địa đạt thấp.
Tình trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến những hạn chế về nguồn lực. Ví dụ, vẫn còn thiếu các chính sách phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo được ưu tiên như điện tử, cơ khí, dệt may, da giày... nhằm tạo thị trường cho các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ. Một số chính sách tuy đã được ban hành, nhưng vẫn chậm so với thực tiễn, chưa tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Nhiều giải pháp hỗ trợ được triển khai
Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy, gia tăng số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực sản phẩm công nghiệp hỗ trợ và nâng cao năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Theo số liệu, năm 2021, tuy ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19, nhưng các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn Hà Nội đã cố gắng khắc phục khó khăn, nhanh chóng bắt tay vào phục hồi sản xuất, kinh doanh. Thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp thúc đẩy, gia tăng số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực này và nâng cao năng lực cung ứng, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã có sự quan tâm và ngày càng khẳng định tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ trong việc cung cấp linh kiện, phụ tùng, vật liệu… cho các ngành công nghiệp, lĩnh vực sản xuất khác. Năm 2021, Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội đặt mục tiêu có khoảng 900 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này trên địa bàn Thủ đô. Trong đó, khoảng 300 doanh nghiệp có hệ thống sản xuất và sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, đủ năng lực cung ứng tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam. Chỉ số phát triển công nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ hằng năm tăng hơn 11%.
Thành phố Hà Nội sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tập trung phát triển ba lĩnh vực chủ chốt là: sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ cho ngành dệt may - da giày.
Thu hút đầu tư từ mọi thành phần kinh tế vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm gia tăng số lượng và chất lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh liên kết cung ứng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Các sở, ngành, hiệp hội, đơn vị liên quan cũng đang nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý đáp ứng yêu cầu của các chuỗi sản xuất toàn cầu trong quản trị doanh nghiệp, quản trị sản xuất; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất thử nghiệm linh kiện, phụ tùng, nguyên liệu và vật liệu… Nhiều chương trình kết nối đã được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho doanh nghiệp trở thành nhà cung ứng trực tiếp cho các đơn vị sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát triển công nghệ hỗ trợ là giải pháp đột phá nhằm tạo động lực cho các ngành công nghiệp thành phố Hà Nội, nhất là trong các lĩnh vực có yêu cầu cao về công nghệ hỗ trợ như điện - điện tử, lắp ráp ô tô, xe máy; cơ khí chế tạo và các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Trong bối cảnh khó khăn, thách thức của dịch COVID-19 và làn sóng dịch chuyển các nhà máy sản xuất về khu vực Đông Nam Á, cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cần nhanh chóng biến nguy thành cơ, chủ động đón đầu các cơ hội, quảng bá, giới hiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, kết nối kinh doanh, mở rộng thị trường. Cùng với đó, các cơ quan quản lý của thành phố cần đánh giá đúng tầm quan trọng của ngành công nghiệp hỗ trợ, được tiếp cận các thông tin về đầu tư, chính sách, chương trình hỗ trợ đầy đủ từ Chính phủ, thành phố cũng như các hiệp hội, nhất là các chương trình xúc tiến giao thương, đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ…/.
Tỉnh Thái Bình triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch ngay từ cơ sở  (26/10/2021)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp cho ý kiến về dự thảo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội  (24/10/2021)
Phục hồi kinh tế sau tác động của đại dịch COVID-19: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam  (12/10/2021)
Chủ tịch Quốc hội gặp gỡ đại diện giới doanh nhân Việt Nam  (08/10/2021)
- Tổng Bí thư Tô Lâm: Khát vọng mạnh mẽ hơn nữa, nâng tầm vị thế Việt Nam trên bản đồ công nghệ số toàn cầu
- Những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng văn hóa trong Đảng giai đoạn mới
- Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp, hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Mikhail Mishustin
- Tổng Bí thư Tô Lâm điện đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
- Kỳ họp thứ mười của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay