Tuần tin cải cách hành chính từ ngày 04 đến ngày 10-01-2016
Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016. Theo đó, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra trong năm 2016 là: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,7%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%; tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%; tốc độ tăng giá tiêu dùng dưới 5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31% GDP; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,3-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế là 76%.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết xác định là: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và xã hội; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; tạo sự chuyển biến rõ nét về phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Nghị quyết yêu cầu Bộ Nội vụ, các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương tăng cường triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020. Tập trung nâng cao hiệu quả, hiệu lực nền hành chính công và đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội, chấp hành luật pháp. Triển khai xác định Chỉ số cải cách hành chính năm 2015 của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các văn bản pháp luật về đơn giản hóa thủ tục hành chính. Rà soát, bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Công bố công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp. Đổi mới mạnh mẽ việc giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức theo hướng tập trung, trực tiếp giải quyết công việc, có sự giám sát chặt chẽ của cấp có thẩm quyền, sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, tổ chức liên quan; thực hiện đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, nghiên cứu, đơn giản hóa chế độ báo cáo trong hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước; nhân rộng mô hình hay, cách làm mới trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính trên phạm vi toàn quốc. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công; tập trung xây dựng, mở rộng và nâng cấp 6 cơ sở dữ liệu quốc gia cần được ưu tiên triển khai tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; tăng cường áp dụng đấu thầu qua mạng; triển khai thiết lập và đưa vào vận hành Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền. Tiếp tục tổ chức thực hiện có kết quả Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020, trong đó tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14-10-2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử trong các bộ, cơ quan, địa phương. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Quản lý chặt chẽ biên chế cán bộ, công chức, viên chức
Nghị quyết về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương quản lý chặt chẽ biên chế cán bộ, công chức, viên chức; không tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức trong năm 2016, kể cả trường hợp phải thành lập tổ chức mới hoặc được giao nhiệm vụ mới. Riêng đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo thành lập mới trường, tăng lớp, tăng học sinh; lĩnh vực y tế thành lập mới tổ chức, tăng quy mô giường bệnh... thì có thể bổ sung biên chế phù hợp, nhưng phải quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật về quản lý biên chế.
Tập trung rà soát, sửa đổi và bãi bỏ các quy định về tổ chức, bộ máy và biên chế trong các văn bản pháp luật hiện hành không thuộc lĩnh vực tổ chức nhà nước. Đơn giản hóa tổ chức bộ máy hành chính; không thành lập các tổ chức trung gian; chỉ thành lập tổ chức mới trong trường hợp cá biệt thật sự cần thiết do yêu cầu thực tiễn.
Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương khẩn trương ban hành các cơ chế, chính sách về tự chủ trong các ngành, lĩnh vực để triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14-02-2015 về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, trên cơ sở đó tiếp tục sắp xếp, tổ chức bộ máy, giảm biên chế, tăng chất lượng cung cấp dịch vụ công, bảo đảm hiệu quả các hoạt động sự nghiệp công.
Thực hiện cơ chế thị trường, nghiên cứu và tiếp tục thực hiện tách dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước. Tiếp tục triển khai cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công theo hướng đổi mới cơ chế hoạt động gắn với lộ trình thực hiện tính giá dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh việc chuyển từ phương thức hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước đối với các đơn vị sự nghiệp công sang cơ chế đặt hàng.
Nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Theo đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan nhà nước thuộc Chính phủ, có chức năng tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; tổ chức thu, chi chế độ bảo hiểm thất nghiệp; quản lý và sử dụng các quỹ: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế; thanh tra chuyên ngành việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; của Bộ Y tế về bảo hiểm y tế; của Bộ Tài chính về chế độ tài chính đối với các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam có nhiệm vụ tổ chức thu các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và cá nhân theo quy định của pháp luật. Tiếp nhận các khoản kinh phí từ ngân sách nhà nước chuyển sang để chi các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật; tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất; dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, tổ chức chi trả lương hưu; trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp ốm đau; trợ cấp thai sản; trợ cấp mất sức lao động; trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau, thai sản và sau khi điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trợ cấp tử tuất; chi phí khám, chữa bệnh đầy đủ, thuận tiện, đúng thời hạn; tổ chức thu bảo hiểm thất nghiệp của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người sử dụng lao động và người lao động; tổ chức chi trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm, đóng bảo hiểm y tế cho người được hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định của pháp luật. Tổ chức quản lý và sử dụng các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế bao gồm: Quỹ hưu trí và tử tuất; quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quỹ ốm đau và thai sản; quỹ bảo hiểm thất nghiệp; quỹ bảo hiểm y tế theo nguyên tắc tập trung thống nhất, công khai, minh bạch, đúng mục đích theo quy định của pháp luật; tổ chức hạch toán các quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật...
Những lợi ích trong cấp thẻ Căn cước công dân
Qua việc cấp thẻ căn cước công dân, Nhà nước sẽ xây dựng được kho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa những giấy tờ hành chính cho công dân (giấy khai sinh, hộ khẩu…), đồng thời giúp cho thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng.
Theo Luật Căn cước công dân có hiệu lực từ 01-01-2016, tất cả công dân Việt Nam từ 14 tuổi trở lên sẽ được cấp thẻ căn cước 12 số. Đây là giấy tờ tùy thân, thể hiện thông tin cơ bản về lai lịch, nhận dạng của công dân Việt Nam, được sử dụng trong các giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam.
Việc cấp thẻ Căn cước công dân là một bước tiến lớn về cải cách thủ tục hành chính, giảm giấy tờ cho công dân, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền, lợi ích chính đáng của mình. Số thẻ Căn cước công dân chính là số định danh cá nhân, mã số dùng để truy nguyên cá thể, phân biệt cá nhân này với cá nhân khác, được xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và được cấp duy nhất một lần cho một cá nhân.
Với số định danh cá nhân này, cơ quan quản lý có thể tìm kiếm được đầy đủ thông tin nhân thân của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư như: Ảnh chân dung, số Thẻ Căn cước công dân, họ, chữ đệm và tên khai sinh, ngày, tháng, năm sinh, giới tính; quốc tịch, quê quán, nơi thường trú; vân tay, đặc điểm nhận dạng của người được cấp thẻ; nhóm máu; nghề nghiệp; trình độ học vấn; ngày, tháng, năm cấp thẻ…
Khi công dân xuất trình Căn cước công dân thì cơ quan chức năng không được đòi hỏi giấy tờ khác như giấy khai sinh, sổ hộ khẩu vì ngày, tháng, năm sinh, nơi thường trú của công dân đều được thể hiện đầy đủ trên Căn cước công dân.
Qua việc cấp Căn cước công dân, Nhà nước sẽ xây dựng được kho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Điều này sẽ giảm thiểu tối đa những giấy tờ hành chính cho công dân, đồng thời giúp cho thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ và nhanh chóng.
Những chuyển động tích cực trong cải cách hành chính
Bắt đầu bằng những cải cách nhỏ, trong nội bộ địa phương nhưng mang lại những hiệu quả thiết thực, được người dân hài lòng thì đó là những đóng góp không nhỏ vào cải cách hành chính trên bình diện quốc gia.
Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo tinh thần phục vụ của bộ máy hành chính thì rõ ràng là một ý tưởng tốt được thực hiện. Không có vị giám khảo nào khách quan và công tâm hơn là người dân, bởi ở vị thế của người “đi xin”, “cầu cạnh” trở thành người được phục vụ và có quyền thẩm định, đánh giá sự phục vụ đó. Tiếp nối Quảng Trị trong việc “cho điểm” thái độ phục vụ của công chức thì tại Quảng Bình mới đây đã thực hiện việc người dân “chấm điểm” các dịch vụ công.
Song song với việc thẩm định của người dân thì việc soát xét, đánh giá công chức từ chính cơ quan chủ quản, trong đơn vị công tác là rất cần thiết, là thước đo trình độ nghiệp vụ của mỗi công chức.
Đồng Tháp đã làm một cuộc sát hạch đối với công chức cấp xã ở các lĩnh vực khác nhau như tư pháp - hộ tịch, địa chính, văn hóa,… thì phát hiện ra có rất nhiều công chức không đáp ứng được với các yêu cầu cần thiết và đơn giản mà người làm việc trong lĩnh vực đó phải thành thạo. Điều này phản ánh một thực tế là sự rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp từ việc đơn giản nhất của công chức đã bị xem nhẹ trong nhiều năm qua. Mặt khác, cũng bộc cách sắp xếp cán bộ trong lĩnh vực tổ chức còn bất cập, một trong những công chức “thi không đạt” thẳng thắn thừa nhận rằng mình yếu kém trong lĩnh vực này là vừa được thuyên chuyển từ công việc địa chính sang tư pháp nên chưa kịp làm quen!
Những động thái tích cực đó ở địa phương góp phần thiết thực đem lại sự hài lòng cần thiết cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng Tháp: Công bố kết quả sát hạch công chức cấp xã
Sở Nội vụ Đồng Tháp vừa tổ chức một cuộc sát hạch 1.200 công chức thuộc năm chức danh trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính tại UBND các xã, phường gồm: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - nông nghiệp và môi trường; tư pháp - hộ tịch; tài chính - kế toán và văn hóa - xã hội.
Mỗi công chức trả lời 30 câu hỏi trắc nghiệm (30 điểm), trong đó kiến thức chung về cải cách hành chính, tin học, soạn thảo văn bản chiếm 40%, còn 60% câu hỏi là kiến thức chuyên môn lĩnh vực mà người đó đang làm.
Kết quả khảo sát công chức vừa được Đồng Tháp công bố cho thấy, tính chung toàn tỉnh có khoảng 20% công chức cấp xã không đạt yêu cầu, tức gần 240 người. Trong số 20% công chức không đạt yêu cầu, đáng lưu ý là có những cán bộ không thuần thục các kiến thức cơ bản như: Đóng dấu, soạn thảo văn bản...". Các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình và Cao Lãnh có tỉ lệ công chức đạt yêu cầu (từ 20 điểm trở lên) khá cao; các địa phương còn lại có tỉ lệ đạt yêu cầu rất thấp, trong đó TP. Sa Đéc có tới 49% công chức không đạt yêu cầu.
Một cuộc khảo sát ở cấp địa phương (tuy còn phải bàn thêm về chất lượng cũng như phương pháp khảo sát) cũng đã cho thấy phần nào chất lượng công chức của chúng ta hiện nay./.
Thăm, chúc Tết cán bộ chiến sỹ và nhân dân các đảo Tây Nam  (10/01/2016)
Thủ tướng chủ trì Tiệc chiêu đãi Đoàn Ngoại giao  (10/01/2016)
Kinh tế các nước Mỹ Latinh sẽ tăng trưởng "ì ạch" trong năm 2016  (10/01/2016)
Số người tị nạn vào châu Âu có thể lên tới 1 triệu người năm 2016  (10/01/2016)
Cảnh sát phải dùng vòi rồng để giải tán người biểu tình tại Cologne  (10/01/2016)
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay