Phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ, thúc đẩy hòa nhập xã hội đối với lao động nữ di cư từ nông thôn ra đô thị
TCCS - Mặc dù chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lao động di cư nội địa toàn quốc và ngày càng gia tăng về số lượng, nhưng do các đặc điểm đặc thù, lao động nữ di cư từ nông thôn ra đô thị hiện là nhóm chịu nhiều rủi ro vì thiếu các chính sách hỗ trợ đặc thù về an sinh xã hội, bị phân biệt đối xử và bị “lề hóa” khỏi cộng đồng nơi đến. Việc bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy hòa nhập cộng đồng cho nhóm lao động này thông qua phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ công, tiếp cận đào tạo và cơ hội việc làm,... là quan trọng và cần thiết hiện nay.
Luồng di cư từ nông thôn ra thành thị được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do áp lực dân số và việc làm ở các khu vực đô thị vẫn còn rất lớn, đồng thời, hiện tượng nữ hóa di cư tiếp tục được duy trì(1). Mặc dù chiếm số lượng đông đảo, nhưng với các đặc điểm giới đặc thù, lao động nữ di cư từ nông thôn ra đô thị (LĐNDCNTĐT) là một trong những nhóm chịu nhiều bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ an sinh xã hội và sự kỳ thị của cộng đồng tại nơi đến. Tuy nhiên, nhóm này cũng được đánh giá là có nhiều tiềm năng đóng góp tích cực cho sự tăng trưởng kinh tế, làm giảm khác biệt tự nhiên giữa các vùng thông qua phân bổ lại nguồn lực và chuyển giao kiến thức, kỹ năng. Các đặc điểm đặc thù của LĐNDCNTĐT vừa dẫn đến tính dễ bị tổn thương, vừa tạo ra khác biệt của nhóm đối với đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Với cách nhìn nhận như vậy, việc nghiên cứu và xây dựng mô hình, chính sách can thiệp cho nhóm đối tượng này không chỉ dựa trên tính “dễ bị tổn thương” mà còn cần quan tâm cả ở góc độ là nguồn lực cho phát triển.
Chỉ thị số 21-CT/TW, ngày 20-1-2018, của Ban Bí thư, Về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới đặt ra yêu cầu xây dựng các chính sách đặc thù cho nhóm lao động nữ này. Theo đó, các chính sách đối với LĐNDCNTĐT cần dựa trên quan điểm vừa bảo vệ - nhằm giảm thiểu tính dễ bị tổn thương, vừa hỗ trợ - nhằm giúp lao động nữ di cư đạt được các nhu cầu cần thiết bằng nội lực của bản thân. Bên cạnh đó, các chính sách này cũng cần quan tâm khắc phục tình trạng LĐNDCNTĐT bị “lề hóa” khỏi cộng đồng nơi đến. Cụ thể, bảo vệ phải dựa vào tính dễ bị tổn thương của họ, nhằm giúp họ tránh khỏi những nguy cơ bị tổn thương do những đặc điểm đặc thù. Trong bảo vệ phụ nữ, an sinh xã hội được đánh giá là rất quan trọng để bảo vệ họ chống lại sự dễ bị tổn thương, có mức thu nhập đủ sống, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu, trợ cấp thất nghiệp,... để tránh rơi vào đói nghèo. An sinh xã hội cũng giúp bảo đảm cho phụ nữ di cư hòa nhập xã hội, được tôn trọng, có chỗ đứng giống nhau và đều có khả năng tham gia đời sống xã hội ở mức độ quốc gia và cộng đồng. Ở một chừng mực nào đó, hòa nhập xã hội là nhằm giải quyết vấn đề “lề hóa”. Các nhóm bị “lề hóa” cần có được tiếng nói và được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ công để được hưởng các nhu cầu cần thiết, cơ bản trong cuộc sống. Đây là một yêu cầu không thể thiếu trong thúc đẩy hòa nhập xã hội đối với nhóm phụ nữ di cư từ nông thôn ra các đô thị.
Thực trạng hệ thống dịch vụ bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy hòa nhập xã hội cho lao động nữ di cư từ nông thôn ra đô thị
Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 10-6-2012, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và Nghị quyết số 70/NQ-CP, ngày 1-11-2012, của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW đã tạo nền tảng quan trọng về nhận thức và thực tiễn thực hiện các chính sách xã hội. Nhóm lao động di cư nói chung đã được đưa vào đối tượng điều chỉnh của một số luật, như Luật Việc làm, Luật Bảo hiểm xã hội, Bộ luật Lao động, đồng thời nhóm này cũng được bảo vệ thông qua chính sách bảo đảm quyền tiếp cận dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe. Chiến lược an sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020 cũng xác định lao động di cư là một trong các nhóm yếu thế cần được quan tâm hỗ trợ. Mặc dù vậy, chính sách đặc thù cho nhóm lao động này cũng như thực tiễn thực thi chính sách còn hạn chế, dẫn đến những rào cản trong tiếp cận dịch vụ, chính sách của nhóm lao động này nói chung và LĐNDCNTĐT nói riêng.
Về hệ thống luật pháp - chính sách liên quan
Có thể nhận thấy, hệ thống pháp luật Việt Nam đã và đang được hoàn thiện hơn và quan tâm nhiều hơn đến nhóm lao động di cư. Nhóm lao động di cư ngày càng được nhìn nhận như một nguồn lực đóng góp tích cực cho xã hội thay vì quan điểm hạn chế và cần quản lý như cũ. Tuy nhiên, mặc dù một vài chính sách đã có sự bao trùm nhưng đều là chính sách chung, mang tính bao phủ toàn dân, trong khi với những đặc điểm rất riêng của LĐNDCNTĐT thì các chính sách đó chưa hẳn phù hợp.
Lao động nữ di cư lần đầu tiên được quan tâm lồng ghép vào kế hoạch phát triển bền vững của quốc gia trong Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030, tuy nhiên, mới chỉ dừng ở việc bảo đảm môi trường làm việc an toàn thông qua giảm số người chết, bị thương do tai nạn lao động. Lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành thị nói riêng và lao động di cư nói chung vẫn chưa là đối tượng được ưu tiên quan tâm trong các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Lợi ích của lao động nữ di cư hầu như chưa được tính đến trong quá trình hoạch định chính sách phát triển của đô thị, chính sách này chỉ tập trung vào làm gọn, sạch đô thị mà không tính đến nhu cầu sinh kế và môi trường làm việc của người lao động di cư bán hàng rong.
Có thể nhận thấy còn rất nhiều khoảng trống trong chính sách bảo đảm quyền an sinh xã hội đối với lao động di cư, nhất là với LĐNDCNTĐT. Theo đánh giá của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (năm 2013), hệ thống chính sách hỗ trợ lao động di chuyển đến các khu công nghiệp, khu đô thị còn thiếu; đa số người dân di cư ra các đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được hưởng các chính sách hỗ trợ di chuyển và ổn định tại nơi đến.
Do đặc điểm là dân di cư, LĐNDCNTĐT khó tìm được công việc chính thức tại nơi đến, có đến 59% số lao động di cư nói chung làm trong khu vực phi chính thức, như bán hàng rong, giúp việc gia đình... Lao động phi chính thức chưa là đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động, do vậy nhóm phụ nữ di cư phải đối mặt với nhiều rủi ro trong quá trình làm việc mà chưa được hỗ trợ, bảo vệ. Đơn cử như nhóm lao động giúp việc gia đình, mặc dù đã có Nghị định số 27/2014/NĐ-CP, ngày 7-4-2014, của Chính phủ, Quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về lao động là người giúp việc gia đình, song giúp việc gia đình vẫn chưa được nhìn nhận là một nghề chính thức nên chưa có quy trình thanh tra, kiểm tra và chế tài xử phạt để giám sát việc ký hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng và nhóm lao động này.
Về tiếp cận dịch vụ công
Lao động nữ di cư từ nông thôn ra thành thị thường thuộc diện tạm trú, không có hộ khẩu tại nơi đến. Điều này ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận các dịch vụ công của lao động di cư nói chung và lao động nữ di cư nói riêng do hệ thống cung cấp dịch vụ công của Việt Nam hiện nay còn đang gắn với hộ khẩu. Ít nhất 1/3 số lao động nhập cư nghèo rất khó khăn khi tiếp cận, sử dụng các loại dịch vụ công. Những người di cư không nằm trong diện bình xét hộ nghèo để tham gia chương trình vay vốn ở địa phương hoặc các chương trình hỗ trợ khác, do thuộc diện tạm trú nên được coi là ít ổn định, không được xem là thành viên chính thức trong cộng đồng.
Ngoài ra, cũng do vấn đề hộ khẩu, người lao động di cư phải trả chi phí cho những dịch vụ xã hội cơ bản, như y tế, giáo dục, nhà ở, điện, nước sinh hoạt cao hơn hẳn so với dân cư địa phương. Chủ yếu là do họ không thể mua điện, nước thông qua các nhà cung cấp công mà phải mua lại từ chủ nhà trọ với giá cao hơn.
Một đặc điểm đáng lưu ý của LĐNDCNTĐT là tuổi đời của nhóm này khá trẻ (trung bình là 32,8 tuổi) và đang trong độ tuổi sinh đẻ, vì thế chế độ thai sản là vấn đề cần được quan tâm. Tuy nhiên, chế độ này vẫn chưa được tích hợp vào bảo hiểm xã hội tự nguyện, dẫn đến phụ nữ di cư ít quan tâm tới loại dịch vụ này. Bảo hiểm y tế là loại dịch vụ ít phụ thuộc vào hệ thống hộ khẩu, tuy nhiên lao động nữ di cư chưa dễ tiếp cận bởi mức phí BHYT tự nguyện được đánh giá là cao và yêu cầu mua theo hộ.
Ngoài ra, LĐNDCNTĐT thường không di cư đơn lẻ, nhiều trường hợp di cư cùng chồng con (30,2%) hoặc mang theo con (5,5%), dẫn tới nảy sinh nhu cầu về các dịch vụ đối với con cái của người di cư, như đăng ký khai sinh, xin học, trông trẻ... Trong khi đó, cũng do vướng mắc về hộ khẩu, nhóm trẻ di cư này phải học trường tư hoặc theo diện trái tuyến và phải nộp các khoản chi phí cao; có tới 13,2% số trẻ em dưới 6 tuổi là con cái của người lao động di cư không được tiếp cận tới bảo hiểm y tế.
Về mô hình can thiệp do các tổ chức cung cấp
Tính dễ bị tổn thương của LĐNDCNTĐT không chỉ xuất phát từ nguồn gốc xuất cư của họ mà còn do các đặc điểm bất lợi, như trình độ chuyên môn thấp, kiến thức, kỹ năng hòa nhập hạn chế. Vì thế, các mô hình can thiệp do các cơ quan, tổ chức cung cấp thường tập trung vào tư vấn, cung cấp thông tin, hướng dẫn và hỗ trợ lao động nữ di cư về kiến thức, kỹ năng liên quan đến lao động, việc làm, vay vốn; chăm sóc sức khỏe, tiếp cận y tế và bảo hiểm xã hội; chăm sóc con cái... Có thể kể đến mô hình Tổ tư vấn cộng đồng tại chi hội (Thành phố Hồ Chí Minh), câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ (tỉnh Bình Dương) do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phụ trách; câu lạc bộ Giúp việc gia đình do Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng thực hiện.
Một số mô hình khác hướng tới hỗ trợ tạo việc làm, công việc ổn định, hỗ trợ vay vốn thông qua quỹ tự đóng góp, như Xe đẩy kinh doanh bánh mỳ; New me; Girl Escape; Hợp tác xã Ngày mới,... do một số tổ chức, như Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng ánh sáng (Light), Tổ chức Plan International, Câu lạc bộ Phụ nữ quốc tế (HIWC) phối hợp với hội phụ nữ thực hiện. Mô hình “Hành trình an toàn” do Plan International thực hiện ở Hà Nội đã giúp nhưng phụ nữ (độ tuổi 18 - 30) được tiếp cận và sử dụng Điểm cung cấp thông tin về nơi ở, công việc an toàn, được hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ xã hội và y tế, giảm nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới; được đào tạo kỹ năng, bảo đảm việc làm bền vững và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Dự án “Tiến bộ bản thân và thăng tiến trong sự nghiệp” tại cộng đồng của Light, dự án “Tôi mạnh mẽ” của Care Quốc tế tại Việt Nam, dự án “Tạo cơ hội việc làm bền vững và cộng đồng an toàn” cho nữ thanh niên nhập cư tại Hà Nội của Plan International hướng đến nữ công nhân di cư bằng việc nâng cao năng lực cho phụ nữ di cư và trao cơ hội để họ tự vươn lên, thông qua sự hợp tác của cộng đồng và doanh nghiệp.
Đối với nơi đi, hiện nay có một số mô hình nhằm nâng cao kiến thức và chuẩn bị kỹ năng cho lao động nữ ở nông thôn trước khi quyết định di cư, bao gồm: Câu lạc bộ Phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em; hoạt động Đối thoại chính sách về di cư lao động an toàn, phòng ngừa mua bán người.
Nhìn chung, các dự án/mô hình can thiệp do các tổ chức cung cấp đã có những đóng góp tích cực cho việc cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao kiến thức, kỹ năng và hiểu biết về quyền lợi của người di cư. Công thức chung để đạt được những kết quả khả quan này là trao quyền cho người di cư thông qua cung cấp kiến thức, kỹ năng, mang đến cơ hội việc làm để phụ nữ di cư tự vươn lên. Tuy nhiên, hạn chế lớn nhất của các mô hình này là mới chỉ tạo dựng được mạng lưới xã hội bao gồm những người cùng di cư với nhau. Rất ít mô hình nhận được sự tham gia rộng rãi của cộng đồng những người không di cư, những người dân tại đô thị (trừ chủ nhà trọ), doanh nghiệp, chính quyền địa phương... Điều này dẫn đến tiếng nói của lao động nữ di cư bị giới hạn trong cộng đồng những người di cư và sự hòa nhập của họ vào cộng đồng đa số trong đô thị vẫn còn chưa đáng kể. Trong khi đó, do nguồn lực có hạn, hầu hết các mô hình can thiệp mới chỉ tập trung vào bản thân LĐNDCNTĐT mà chưa triển khai tới gia đình ở lại của phụ nữ di cư cũng như con cái đi di cư cùng.
Đề xuất một số kiến nghị
Tính đến năm 2019, Việt Nam có khoảng 5 triệu lao động di cư từ nông thôn ra đô thị, chiếm khoảng 5% dân số cả nước. Hơn 50% trong số đó là lao động nữ và tỷ lệ này sẽ tiếp tục gia tăng cùng với hiện tượng “nữ hóa” lao động di cư. Với những phân tích ở trên, mặc dù nhóm lao động di cư nói chung và LĐNDCNTĐT nói riêng đã và đang ngày càng được Đảng, Nhà nước và các tổ chức quan tâm, tuy nhiên, nhóm lao động này vẫn đang gặp những rào cản nhất định: 1- Thiếu các chính sách đặc thù dành cho LĐNDCNTĐT, chưa có tổ chức đại diện cho nhóm lao động này do phần lớn là lao động khu vực phi chính thức; 2- Hạn chế khả năng tiếp cận dịch vụ và chính sách xã hội do các thủ tục hành chính mà người di cư rất khó đáp ứng; 3- Thiếu cơ hội tiếp cận việc làm bền vững;
4- Các vấn đề của gia đình di cư ở cả từ nơi đi lẫn nơi đến do các chính sách, mô hình dành cho LĐNDCNTĐT chưa đặt phụ nữ di cư trong mối quan hệ với gia đình và cộng đồng.
Nhìn chung, chính sách đặc thù cho LĐNDCNTĐT vẫn là “khoảng trống” trong hệ thống chính sách, chiến lược phát triển chung của Việt Nam. Điều này đòi hỏi cần có sự điều chỉnh hệ thống luật pháp, chính sách hiện có và tăng cường hiệu quả các mô hình can thiệp nhằm bảo đảm LĐNDCNTĐT được tiếp cận đầy đủ và bình đẳng đối với các chính sách an sinh xã hội, dịch vụ công và hòa nhập với cộng đồng, cụ thể:
Một là, lồng ghép lợi ích của LĐNDCNTĐT vào quá trình hoạch định chính sách. Với các đặc điểm đặc thù, LĐNDCNTĐT là đối tượng dễ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển. Việc lồng ghép lợi ích của LĐNDCNTĐT vào quá trình hoạch định chính sách nhằm tạo cơ hội cho họ có thể song hành cùng với các nhóm khác trong xã hội và bảo đảm chính sách đề ra không tác động tiêu cực đến lợi ích của LĐNDCNTĐT.
Hai là, cải cách hệ thống cung cấp dịch vụ công. Rào cản trong tiếp cận chính sách của LĐNDCNTĐT hiện nay chủ yếu do hệ thống cung cấp dịch vụ công dựa vào hộ khẩu. Do vậy, cần xây dựng các chính sách đặc thù cho nhóm lao động này nhằm giảm thiểu những ràng buộc bởi các thủ tục hành chính (như hộ khẩu), tăng cơ hội tiếp cận chính sách, hướng tới bảo đảm cho mọi người dân được tiếp cận chính sách an sinh xã hội và dịch vụ công dễ dàng, thuận tiện. Bổ sung nhóm lao động phi chính thức vào đối tượng điều chỉnh của Bộ luật Lao động (phần lớn lao động nữ di cư hiện đang làm việc trong khu vực phi chính thức) để bảo đảm nhóm này được bảo vệ, hỗ trợ. Đồng thời, lưu ý đến tổ chức đại diện cho lao động di cư.
Ba là, nâng cao năng lực, phát huy nội lực của LĐNDCNTĐT. Trước áp lực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, lao động nữ di cư phải đối mặt với nhiều rủi ro do trình độ chuyên môn của nhóm này thường kém, không đáp ứng được các yêu cầu trong tình hình mới. Chính vì vậy, chính sách đào tạo, hỗ trợ tìm việc làm và chuyển đổi nghề linh hoạt cũng cần là ưu tiên đối với LĐNDCNTĐT. Lao động nữ di cư cần được hỗ trợ để tham gia các khóa đào tạo nghề, nâng cao trình độ, chuyển đổi tay nghề, kỹ năng an toàn,... thông qua các chương trình học tập suốt đời. Đồng thời, tăng cường cơ hội tiếp cận thông tin về các chính sách an sinh xã hội cho lao động nữ di cư để họ hiểu đúng và đầy đủ quyền an sinh xã hội của mình.
Bốn là, xây dựng các mô hình can thiệp nhằm thúc đẩy hòa nhập xã hội toàn diện. Để nâng cao chất lượng đời sống tinh thần và thúc đẩy hòa nhập xã hội cho nhóm LĐNDCNTĐT, cần thay đổi định kiến của xã hội thông qua các hình thức truyền thông, vận động của các tổ chức và chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường xây dựng các mô hình đặc thù dành cho phụ nữ di cư và thu hút sự tham gia của cộng đồng địa phương.
Để thực hiện tốt các khuyến nghị trên, các cơ quan và tổ chức cần nhìn nhận người di cư trong mối quan hệ với gia đình - cộng đồng trên quan điểm phát huy năng lực nội tại của họ thay vì coi họ là nhóm yếu thế. Bên cạnh đó, để bảo vệ, hỗ trợ và thúc đẩy hòa nhập xã hội đối với LĐNDCNTĐT và các nhóm đối tượng di cư khác rất cần vai trò nòng cốt của các đoàn thể chính trị - xã hội, trong đó có Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với vai trò là tổ chức đại diện cho phụ nữ, là cầu nối, tập hợp, vận động LĐNDCNTĐT và tăng cường phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cả xã hội./.
------------------------------
(1) Theo số liệu thống kê, tính đến năm 2014, cả nước có 937.328 phụ nữ di cư từ nông thôn ra thành thị, chiếm 28,07% tổng số phụ nữ di cư nội địa cả nước (Tổng cục Thống kê, UN FPA, 2016). Tính đến ngày 1-4-2017, cả nước có thêm 118.996 phụ nữ di cư từ nông thôn ra thành thị, chiếm 56,2% tổng số người di cư từ nông thôn ra thành thị (Tổng cục Thống kê, 2018)
- Vĩnh Phúc xây dựng các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp nhỏ và vừa vững vàng hội nhập
- Tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường các giải pháp, giảm thiểu tai nạn giao thông những tháng cuối năm 2023
- Vĩnh Phúc sẵn sàng đón vận hội mới
- Bí thư chi bộ thôn Minh Tân luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới
- Đảng bộ huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc tăng cường công tác quản lý, giáo dục đảng viên
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Liên hợp quốc và những đóng góp của Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay