Những thách thức mới trong quản lý nền kinh tế thâm dụng dữ liệu và một số lưu ý cho Việt Nam
TCCS - Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra rất nhanh, vượt qua sự phát triển của chính sách dựa trên kinh nghiệm, do đó làm tăng rủi ro và tạo ra những thách thức trong quản lý kinh tế - xã hội. Sự phổ biến của dữ liệu trong nền kinh tế mang đến nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng thông qua hiệu quả và đổi mới sáng tạo, nhưng cũng tạo ra một số đặc điểm cấu trúc khiến nó trở nên đặc biệt của mô hình tăng trưởng nội sinh. Điều này cho thấy, các mô hình và chính sách kinh tế của Việt Nam cần có những điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi này.
Những thách thức mới
Nền kinh tế dựa trên dữ liệu có tính chất bất đối xứng rõ rệt, bao gồm giữa trí tuệ con người và máy móc, giữa các doanh nghiệp tiên phong trong đổi mới kỹ thuật số cũng như tạo ra khoảng cách kỹ thuật số giữa các quốc gia. Điều này đặt ra những vấn đề liên quan tới mô hình tự do kinh tế truyền thống cũng như chiến lược phát triển kinh tế, bao gồm cả những quy định trong nước cho sự thịnh vượng trong thời đại kỹ thuật số.
Vốn tri thức của máy móc đang nổi lên cạnh tranh với vốn con người được chuyên môn hóa, tạo ra những rủi ro về dài hạn đối với các giá trị cốt lõi truyền thống của sự thịnh vượng của các nền kinh tế, đặc biệt là những nền kinh tế đã tạo được vị thế trong nền kinh tế toàn cầu do đã đầu tư mạnh mẽ vào vốn con người. Sự cạnh tranh này có thể mang lại những thay đổi đáng kể về khả năng sinh lời từ vốn so với lao động, khi vốn tri thức máy móc đang tăng nhanh với chi phí cận biên rất thấp trong cuộc cạnh tranh với vốn tri thức con người.
Với các hình thức vốn mới tạo ra nền tảng cho nền kinh tế dựa trên dữ liệu phát triển và các hình thức trao đổi mới (bao gồm cả giao dịch hàng đổi lấy dữ liệu có giá trị tài sản cao, thông qua các dịch vụ kỹ thuật số miễn phí), nhiều nước trên thế giới cần có các cách tiếp cận mới để phân tích kinh tế, đặc biệt là để đo lường và lượng hóa cho các cuộc đàm phán thương mại quốc tế về quyền truy cập dữ liệu và các điều khoản của hợp đồng mua sắm tạo ra dữ liệu có giá trị. Điều này bao gồm những quy định nhằm điều tiết và ràng buộc các thỏa thuận và quy định quốc tế về dữ liệu.
Những phân tích trên đây cho thấy, nền kinh tế thâm dụng dữ liệu hàm chứa nhiều thách thức, đòi hỏi có những phương thức quản lý kinh tế mới.
Một là, tính bất đối xứng về thông tin
Một điểm khác biệt cơ bản của mô hình kinh tế dựa trên dữ liệu với mô hình kinh tế dựa trên tri thức mà nó xuất hiện nằm ở giả định rằng, mọi người đều có thể tiếp cận kiến thức một cách mặc nhiên, ngay cả khi nó tạm thời bị loại trừ bởi các doanh nghiệp đổi mới. Điều này dường như không đúng với thông tin trích xuất từ “dữ liệu lớn” (big data). Ở đây, cần phân biệt rõ giữa “dữ liệu lớn” và “dữ liệu mở” (open data). Dữ liệu mở bao gồm thông tin và công cụ phân tích có sẵn miễn phí trên internet, tạo thành hàng hóa công cộng quan trọng cho nền kinh tế dựa trên tri thức. Chính sách xã hội thông tin tập trung vào khía cạnh dữ liệu này và tìm cách đúng đắn để bảo đảm một mạng internet mở. Dữ liệu lớn thì lại khác. Dữ liệu lớn được hiểu cho tập thông tin mà đặc điểm, như khối lượng lớn (volume), tốc độ cao (velocity) và đa dạng (variety) để yêu cầu phương thức phân tích và công nghệ riêng biệt, biến nó thành có giá trị(1). Chính vì vậy, đối với tâm trí con người, dữ liệu lớn là tiếng vọng không có ý nghĩa; nhưng đối với máy tính, nó là một mỏ thông tin để khai thác qua việc học tập. Chính khả năng trích xuất thông tin có hệ thống này của máy tính là nền tảng cho đề xuất giá trị của dữ liệu lớn và các thuật toán được xây dựng trên đó. Theo đó, thông tin bất đối xứng giữa con người và máy móc là nền tảng của nền kinh tế dựa trên dữ liệu và dẫn đến thất bại trên thị trường. Với các khoản đầu tư vốn đáng kể cần thiết để khai thác dữ liệu lớn, thông tin bất đối xứng cũng được áp dụng giữa các doanh nghiệp. Với khoảng cách kỹ thuật số, các quốc gia cũng gặp phải những bất đối xứng về thông tin. Có thể thấy, tính bất đối xứng về thông tin và thất bại của thị trường đã làm phát sinh các lợi ích kinh tế trong một nền kinh tế dựa trên dữ liệu.
Hai là, công nghiệp hóa quá trình học tập.
Điểm khác biệt cơ bản thứ hai của nền kinh tế dựa trên dữ liệu là quá trình học tập được “công nghiệp hóa” thông qua trí tuệ nhân tạo (AI) đang diễn ra ngày càng rộng rãi. Đầu tiên, điều này làm đẩy nhanh tốc độ thay đổi và đưa các điều chỉnh cấu trúc trong một khoảng thời gian ngắn hơn rất nhiều so với trước đây; đòi hỏi có những phản ứng nhanh chóng của thể chế trong các lĩnh vực, từ điều chỉnh thị trường lao động (ví dụ, để giải quyết những lo ngại do nền kinh tế “tự do” gây ra) đến lập kế hoạch đầu tư (ví dụ, để giải thích cho việc rút ngắn vòng đời sản phẩm, khấu hao nhanh hơn các khoản đầu tư vốn và sự gia tăng “tỷ lệ rào cản” đối với đầu tư do không chắc chắn hơn về thu nhập trong tương lai). Sự thay đổi nhanh chóng này đã làm gia tăng giá trị của quyền chọn thực tế trong khi chờ đợi thêm thông tin. Điều này hàm ý một nghịch lý về việc trì hoãn đầu tư tại thời điểm đổi mới tăng tốc(2).
Ý nghĩa thứ hai và dường như lớn hơn của quá trình học tập được công nghiệp hóa là làm giảm giá trị của vốn con người. Nhà tương lai học Ray Kurzweil dự đoán rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ vượt qua bài kiểm tra Turing hợp lệ vào năm 2029(3), đánh dấu thời điểm mà trí thông minh của máy móc tương đương với trí thông minh của con người(4). Ý nghĩa kinh tế của điều này phải được xem xét dựa trên cái có thể được gọi là “vốn tri thức của máy móc”, một loại vốn vừa bổ sung, vừa thay thế cho vốn con người. Theo dự báo này, tới năm 2029, lượng tri thức được tạo ra bởi các máy học và trí tuệ nhân tạo sẽ lớn một cách không giới hạn vì chi phí cận biên để tạo ra một chiếc máy học mới sẽ bằng 0 sau khi chiếc máy đầu tiên được tạo ra.
Điều này sẽ dẫn tới những tác động đáng lo ngại về tiền lương của nguồn nhân lực. Vốn con người có đặc điểm chuyên môn hóa cao và do đó, dường như dễ bị cạnh tranh hơn từ vốn tri thức của máy móc. Nói cách khác, độ co giãn thay thế có thể cao hơn đáng kể so với công việc đơn giản có kỹ năng thấp, dẫn đến sự suy giảm về tiền lương cho các công việc có tay nghề cao mà máy móc có thể thay thế(5). Điều này có ý nghĩa rất quan trọng đối với các chính sách giáo dục và đổi mới của các quốc gia, đặc biệt là những nước mà sự giàu có của họ chủ yếu bắt nguồn từ nguồn nhân lực chuyên môn hóa cao.
Ba là, tập trung thị trường, các doanh nghiệp siêu sao và hành vi chiến lược.
Xét về cấu trúc và hành vi thị trường, nền kinh tế dựa trên dữ liệu, giống như nền kinh tế dựa trên tri thức đã sinh ra nó, có tính kinh tế theo quy mô và ngoại tác mạng lưới (nghĩa là một hàng hóa hoặc dịch vụ có thể gia tăng giá trị khi nhiều người khác tiêu dùng nó) tạo ra cấu trúc thị trường tập trung, đặc lợi kinh tế mở rộng và khuyến khích hành vi chiến lược, bao gồm trong chính sách thương mại. Nếu môi trường công nghệ cho phép chi phí cận biên của việc phục vụ các khách hàng bổ sung giảm xuống mức rất thấp, thì các nhà cung cấp có lợi thế về chất lượng có thể chiếm được nhiều thị phần và thu được rất nhiều lợi nhuận. Đây là đặc điểm “người thắng được nhiều nhất” trong kinh tế học của các doanh nghiệp siêu sao do Sherwin Rosen(6) phát triển lần đầu tiên.
Mặc dù các đặc điểm này có thể cảm nhận được trong nền kinh tế dựa trên tri thức, nhưng chúng dường như được nhấn mạnh trong nền kinh tế dựa trên dữ liệu do các đặc điểm của dữ liệu. Ví dụ, chi phí đầu tư ban đầu để thu thập, lắp ráp và xử lý dữ liệu cao, nhưng chi phí cận biên của việc mở rộng tài sản dữ liệu lại rất thấp. Điều này được minh chứng khi phần lớn dữ liệu hiện đang được thu thập là sản phẩm phụ của hoạt động sử dụng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số (được gọi là “dữ liệu cạn kiệt”) và chi phí mở rộng vốn dữ liệu về cơ bản là chi phí mở rộng dung lượng lưu trữ. Đồng thời, chi phí phân phối các sản phẩm số hóa giúp tạo ra “dữ liệu cạn kiệt” cũng thấp, do chi phí sản xuất cận biên bằng 0 hoặc gần như bằng 0 đối với các sản phẩm kỹ thuật số và hoạt động thương mại tức thời được hỗ trợ bởi internet và toàn cầu hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn để chiếm thị phần lớn hơn(7). Điều này làm cho lợi thế kinh tế theo quy mô trong nền kinh tế dựa trên dữ liệu tăng lên nhanh chóng. Tương tự, các ngoại tác mạng trong lĩnh vực kỹ thuật số cũng rất mạnh mẽ, có xu hướng cho phép xuất hiện các doanh nghiệp độc quyền tự nhiên hoặc gần như độc quyền, như trong trường hợp của các công cụ tìm kiếm. Việc sử dụng mạnh mẽ tài sản trí tuệ để bảo vệ các vị trí đã có trong nền kinh tế dựa trên dữ liệu cũng tạo ra những thách thức tiềm tàng(8).
Tại Mỹ, mức độ tập trung gia tăng đáng kể trong một loạt các ngành công nghiệp: từ năm 1997 đến năm 2012, tỷ trọng bình quân lấy trọng số theo doanh thu của bốn doanh nghiệp hàng đầu trong mỗi ngành, trên 893 ngành, đã tăng từ 26% lên 32% tổng doanh thu(9). Nghiên cứu của Van Reenen và Patterson(10) cung cấp bằng chứng cho thấy, phần lớn sự gia tăng đến từ sự chuyển dịch của khối lượng lớn nền kinh tế giữa các doanh nghiệp sang các doanh nghiệp siêu sao. Nền kinh tế dựa trên dữ liệu hứa hẹn sẽ đẩy nhanh và tăng cường sự hợp nhất thị phần này ở phân đoạn cuối của quá trình phân phối.
Ý nghĩa của đặc tính “người chiến thắng được nhiều nhất” có thể thấy được một cách rõ ràng bởi sự khác biệt giữa vốn hóa thị trường của hai đối thủ một thời: vốn hóa thị trường của Google năm 2017 là trên 700 tỷ USD, trong khi của Yahoo chỉ là 4,5 tỷ USD vào thời điểm doanh nghiệp này bị mua lại(11). Sự khác biệt này làm thúc đẩy hành vi chiến lược của các doanh nghiệp. Như Davidoff Solomon (2016) nhận xét: Facebook và các doanh nghiệp tương tự sẽ làm bất cứ điều gì để bảo đảm rằng họ không phải là Yahoo hay Radio Shack tiếp theo, bị thâu tóm bởi sự gián đoạn và không đổi mới. Điều này có nghĩa là sẽ có những khoản đầu tư khổng lồ cho công nghệ nhằm giảm thiểu những thách thức đối với sự thống trị của họ vào một ngày nào đó(12). Mặc dù việc mua lại các đối thủ để chiếm ưu thế cạnh tranh từ lâu đã là một phần của sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nhưng rủi ro dường như cao hơn nhiều trong nền kinh tế dựa trên dữ liệu so với trước đây. Đổi lại, điều này tạo ra bối cảnh thực tế mới cho việc điều hành chính sách cạnh tranh trong lĩnh vực nội địa và chính sách đầu tư trực tiếp nước ngoài trên trường quốc tế.
Bốn là, các hình thức thương mại và giá trị trao đổi mới.
Việc sử dụng dữ liệu và vai trò của dữ liệu trong xã hội và nền kinh tế cũng đa dạng như nguồn của dữ liệu và các thực thể làm việc với các dữ liệu đó. Trong nền kinh tế thâm dụng dữ liệu, dữ liệu đôi khi chính là sản phẩm - như trong trường hợp dịch vụ số hóa - và đôi khi, nó là “cạn kiệt”, một tác động phụ của các tương tác kỹ thuật số. Đôi khi nó được chuyển thành tiền tệ và do đó, giá trị của nó được ghi lại trong các tài khoản kinh tế thông thường, nhưng trong hầu hết các cách sử dụng hiện tại, nó được nắm giữ mà không cần thanh toán và không tạo ra một dấu vết hóa đơn và biên lai trên giấy tờ. Đồng thời, giá trị của nó bị đánh giá thấp hơn đáng kể trong các hệ thống hạch toán kinh tế hiện có. Nó được giao dịch xuyên biên giới, nhưng trong một phương thức giao dịch hàng đổi hàng kiểu mới, trong đó giá trị một bên là các dịch vụ “miễn phí” và bên kia là phần gia tăng của vốn vô hình; điều này làm cho thống kê thương mại không thể nắm bắt được các giá trị giao dịch bằng các con số cụ thể(13).
Trên thực tế, các giá trị trao đổi ẩn có thể là một chỉ báo về giá trị của dữ liệu từ giá trị của các dịch vụ miễn phí mà người tiêu dùng có được từ internet. Một ước tính vào năm 2017 cho thấy, con số này vào khoảng 1,8% GDP của Mỹ, tương đương khoảng 300 tỷ USD. Nhìn vào khía cạnh khác của giao dịch, dữ liệu này tạo ra tài sản vô hình cho các doanh nghiệp dựa trên dữ liệu, như Google (mức vốn hóa thị trường cuối năm 2017 là 727 tỷ USD), Facebook (516 tỷ USD) và Uber (hơn 50 tỷ USD)(14). Điều này đặt giá trị thị trường của dữ liệu vào vai trò mới nổi của nó với tư cách là nguồn vốn thiết yếu của nền kinh tế thâm dụng dữ liệu trị giá hàng nghìn tỷ USD vào kỷ nguyên nền kinh tế số với tiềm năng mở rộng rất lớn.
Do đó, nền kinh tế thâm dụng dữ liệu đòi hỏi đổi mới cách hạch toán kinh tế hiện nay và các mô hình kinh tế chính thống đang được sử dụng để đề xuất chính sách cần được điều chỉnh nhằm nắm bắt tác động của dữ liệu hóa đối với các thước đo sản lượng kinh tế và các yếu tố sản xuất.
Năm là, rủi ro hệ thống.
Nền kinh tế thâm dụng dữ liệu đang phát triển với tốc độ vượt xa sự phát triển của chính sách dựa trên kinh nghiệm và các mô hình điều tiết thay thế để giải quyết rủi ro hệ thống, bao gồm liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu cá nhân, thao túng chính trị và an ninh mạng. Các mô hình đối cực đang diễn ra là mô hình e-Estonia, với các biện pháp kiểm soát chặt chẽ trong việc sử dụng và lưu trữ dữ liệu cá nhân cũng như cung cấp các phương tiện dự phòng hệ thống để bảo vệ chống trộm dữ liệu và mô hình đám mây do các doanh nghiệp internet Mỹ quảng bá đòi hỏi luồng dữ liệu tự do xuyên biên giới và cấm nội địa hóa dữ liệu(15).
Đây là một câu hỏi mở về việc điều gì sẽ chứng tỏ là kiến trúc mạnh mẽ, an toàn và hiệu quả nhất cho kết cấu hạ tầng xã hội thông tin trong kỷ nguyên nền kinh tế thâm dụng dữ liệu. Thật vậy, việc thiếu kinh nghiệm với các mô hình thay thế và các quy định mang tính nguyên tắc đã dẫn đến những rào cản cho phát triển nền kinh tế kỹ thuật số do chưa biết đủ để điều chỉnh hiệu quả.
Hiện nay, các nền kinh tế lớn đang điều chỉnh chính sách trong các thỏa thuận quốc tế cho phù hợp với lợi ích quốc gia. Mỹ đang thúc đẩy một cấu trúc mở phù hợp với sự thống trị thị trường của các doanh nghiệp sử dụng nhiều dữ liệu. Liên minh châu Âu (EU) đang thúc đẩy quy định hợp lý, phù hợp với lợi ích bảo hộ chủ yếu của mình. Trung Quốc đang tận dụng quy mô thị trường nội địa để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số cạnh tranh. Đối với các nền kinh tế mở, quy mô không lớn, câu hỏi đặt ra là: Mô hình nào trong số này phù hợp với lợi ích của họ? Do đó, tính linh hoạt trong điều tiết vì lợi ích quốc gia cần phải được xem xét nhằm tránh các tác động bất lợi từ một nền kinh tế dựa vào dữ liệu đang nổi lên và các cam kết quốc tế trong các điều ước quốc tế đang thảo luận.
Một số lưu ý cho Việt Nam
Bên cạnh các nguồn lực đất đai, vốn, lao động, tài nguyên khoáng sản,... thì gần đây, trong các mô hình kinh tế truyền thống, dữ liệu trở thành đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất, là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, là tài nguyên quan trọng của nhiều nền kinh tế thế giới. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, kinh tế dữ liệu đã hình thành, phát triển và đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam không nằm ngoài xu thế này. Chính vì vậy, năm 2023 được coi là năm “tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới” với nhiệm vụ trọng tâm là số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Đây là hành động cụ thể hóa của nội dung chuyển đổi số quan trọng như trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của Đại hội XIII đã nêu: “... thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số, kích cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, thúc đẩy tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm”(16). Đồng thời, Đại hội XIII của Đảng nêu định hướng lớn: “Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực so với khu vực và thế giới”(17). Trên cơ sở đó, trong những năm gần đây, việc thực hiện chuyển đổi số ở nước ta bước đầu đem lại một số kết quả nhất định cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và từng ngành, lĩnh vực nói riêng.
Năm 2021, theo báo cáo “Nền kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng gầm thập kỷ 20: Thập niên kỹ thuật số Đông Nam Á”, nền kinh tế số Việt Nam có trị giá khoảng 21 tỷ USD, cao gấp 7 lần so với năm 2015 và dự đoán đạt 220 tỷ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2025, đứng thứ hai trong khu vực chỉ sau In-đô-nê-xi-a(18).
Để Việt Nam nắm bắt tốt cơ hội và hạn chế được những thách thức mới nảy sinh từ nền kinh tế thâm dụng dữ liệu, một mặt, cần nhanh chóng chuyển đổi để bắt kịp với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có đủ năng lực quản trị phát triển quốc gia trong thời đại số, quyết định những chiến lược hình thành và phát triển nền kinh tế dữ liệu; mặt khác, các chính sách kinh tế cần có những điều chỉnh cho phù hợp với những thay đổi hiện nay.
Thứ nhất, cần nhận thức đúng đắn vai trò dữ liệu như tài nguyên nền tảng của nền kinh tế và quan tâm đúng mức đến việc xây dựng và phát triển các ngành kinh tế dữ liệu. Dữ liệu cần được đặt vai trò cốt lõi và trọng tâm trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế số và phải được coi là một loại tài nguyên mới cần được tận dụng khai thác và chia sẻ. Trong bối cảnh đó, hai vấn đề quan trọng là công nghệ và thể chế cần được ưu tiên xem xét cho phù hợp với sự thay đổi nhanh chóng của thời đại.
Thứ hai, hệ thống luật pháp về dữ liệu cần được hoàn thiện, tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng cơ sở dữ liệu. Để hình thành và phát triển kinh tế dữ liệu, cần xây dựng nền tảng thể chế cho các loại hình kinh doanh dựa trên kỹ thuật số, các hình thức dịch vụ dữ liệu, như thương mại điện tử, tài chính số, ngân hàng số. Việc tổ chức, quản lý, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức, quản lý trong quá trình hoạt động cần được nhanh chóng thể chế hóa. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, cung ứng dịch vụ công trực tuyến và Chính phủ điện tử.
Thứ ba, phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu mở. Hiện nay, xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia và các cơ sở dữ liệu khác được Chính phủ xác định là 1 trong 4 chính sách tạo dựng nền kinh tế số. Theo đó, Chính phủ sớm hoàn thiện Cổng dữ liệu quốc gia để công bố thông tin về dữ liệu, cung cấp dữ liệu mở của cơ quan nhà nước để thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, minh bạch hóa dữ liệu của cơ quan nhà nước và góp phần thúc đẩy người dân, doanh nghiệp sử dụng dữ liệu của Chính phủ để tham gia nhiều hơn vào các công việc của Nhà nước, xã hội. Để thúc đẩy điều này, cần nghiên cứu cách tiếp cận “hệ sinh thái” đối với dữ liệu mở, xem xét môi trường cho dữ liệu mở từ cả hai phía cung và cầu.
Cùng với đó, Chính phủ cần ban hành chính sách cụ thể về quản lý, sử dụng và chia sẻ dữ liệu. Theo đó, dữ liệu số trong cơ quan nhà nước cần được bảo đảm chia sẻ và khai thác một cách thuận lợi và bảo mật. Chính phủ cần quy định về danh mục cơ sở dữ liệu trong các cơ quan nhà nước; yêu cầu các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu các bộ, ngành, địa phương phải xác định rõ nội hàm, phạm vi.
Với khu vực tư nhân, dữ liệu mở góp phần định hình giá trị, xác định mô hình kinh doanh trên cơ sở các quy định của Nhà nước khi khai thác văn bản pháp luật trên cơ sở dữ liệu mở, từ đó tham gia thị trường hiệu quả hơn. Hiện nay, cơ sở dữ liệu hỗ trợ vẫn còn hạn chế nên nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn khó khăn trong quá trình tìm kiếm dữ liệu, thông tin liên quan đến lĩnh vực kinh doanh.
Thứ tư, hạ tầng kỹ thuật số kết nối cần phải được đầu tư và phát triển với các chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp nhanh chóng phát triển dịch vụ internet di động 5G, đầu tư mở rộng mạng lưới cáp quang tốc độ cao và tăng băng thông internet quốc tế. Xây dựng nền tảng dữ liệu cho các dịch vụ nhiều người dùng, ví dụ dịch vụ hành chính công, dịch vụ y tế, giáo dục và các dịch vụ khác.
Thứ năm, nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số và phát triển các ngành kinh tế dữ liệu cần được đầu tư và đào tạo thông qua việc sắp xếp lại và huy động mọi nguồn lực cả về tài chính và con người. Trong những năm qua, các dự án đầu tư vẫn còn phân tán, chưa tạo ra được thay đổi mang tính nền tảng nhằm xây dựng hệ thống dữ liệu phục vụ quá trình xây dựng Chính phủ điện tử và phát triển các ngành kinh tế dựa trên dữ liệu. Do đó, cần rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển Chính phủ điện tử, điều chỉnh cơ chế đầu tư đặc thù cho công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa để phát huy hiệu quả hợp tác công - tư trong công tác này, từ đó, tận dụng và phát huy nguồn lực vốn đầu tư tư nhân trong nước vào phát triển các ngành kinh tế số dựa vào dữ liệu.
Trong quá trình hội nhập thị trường kinh tế dữ liệu với bên ngoài, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vào Việt Nam đầu tư và kinh doanh, cần xây dựng quy hoạch và chiến lược hội nhập, thu hút đầu tư trong bối cảnh mới. Theo đó, cần chủ động nhắm tới các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ của thế giới, định hướng phát triển ngành, lĩnh vực và vùng một cách hợp lý, tránh cạnh tranh giữa các địa phương.
Ngoài ra, Việt Nam cần tham gia các cơ chế, sáng kiến hợp tác, liên kết quốc tế, khu vực, xây dựng cơ chế phối hợp chính sách với các quốc gia ở các lĩnh vực liên quan đến phát triển kinh tế dữ liệu số và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ liên quốc gia từ quá trình phát triển kinh tế số hiện nay. Các lĩnh vực hợp tác này bao gồm thu thuế xuyên biên giới qua không gian mạng, bảo đảm an ninh an toàn không gian mạng, bảo mật dữ liệu và quyền riêng tư, ngăn chặn và chống các loại tội phạm công nghệ, xử lý tranh chấp pháp lý về quyền và lợi ích kinh tế qua không gian mạng xuyên biên giới, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,.../.
-----------------------------------
(1) Xem: C. Boja; A. Pocovnicu; L. Bătăgan: “Distributed Parallel Architecture for Big Data” (Tạm dịch: Cấu trúc song song phân tán cho dữ liệu lớn), Informatica Economica. 16 (2): 116 - 127, 2012
(2) Xem: K. Dixit Avinash and P. Robert, Investment under Uncertainty (Tạm dịch: Đầu tư trong điều kiện không chắc chắn), Princeton, NJ: Princeton University Press, 1994
(3) Xem: D. Galeon and R. Christianna: “Kurzweil Claims That the Singularity Will Happen by 2045” (Tạm dịch: Kurzweil tuyên bố rằng điểm dị thường sẽ xảy ra vào năm 2045), Futurism, ngày 5-10-2017
(4) Bài kiểm tra Turing (Turing Test), do nhà toán học người Anh Alan Turing (1950) đề xuất, thiết lập ngưỡng cho trí thông minh của máy dựa trên việc một nhóm người tương tác với máy thông qua văn bản có thể phân biệt máy với người hay không
(5) Xem: J. S. DeCanio: “Robots and humans - complements or substitutes?” (Tạm dịch: Rô-bốt và con người - bổ sung hay thay thế?), Journal of Macroeconomics 49: 280 - 91, 2016
(6) Xem: Sherwin Rosen: “The Economics of Superstars” (Tạm dịch: Kinh tế học của các doanh nghiệp siêu sao), American Economic Review 71 (5): 845 - 58, 1981
(7) J. Van Reenan and Christina Patterson: “The Rise of Superstar Firms Has Been Better for Investors than for Employees” (Tạm dịch: Sự trỗi dậy của các doanh nghiệp siêu sao tốt hơn cho các nhà đầu tư hơn là cho nhân viên), Harvard Business Review, ngày 11-5-2017
(8) Xem: Stefan Wagner: “Are ‘Patent Thickets’ Smothering Innovation?” (Tạm dịch: Có phải “những quy định chặt chẽ về bằng sáng chế” đang bóp nghẹt sự đổi mới?), Yale Insights, ngày 22-4-2015
(9) Xem: “Corporate concentration” (Tạm dịch: Tính tập trung của công ty), The Economist, ngày 24-3-2016
(10) J. Van Reenan and Christina Patterson: “The Rise of Superstar Firms Has Been Better for Investors than for Employees”, tài liệu đã dẫn
(11) Todd Spangler: “Verizon Closes $4.5 Billion Yahoo Deal, Marissa Mayer Resigns” (Tạm dịch: Verizon hoàn tất thương vụ trị giá 4,5 tỷ USD với Yahoo, Marissa Mayer từ chức), Veriety, ngày 23-6-2017
(12) Xem: Davidoff S. Steven: “Tech Giants Gobble Start-Ups in an Antitrust Blind Spot” (Tạm dịch: Những gã khổng lồ công nghệ nuốt chửng các công ty khởi nghiệp trong một điểm mù của luật chống độc quyền), The New York Times, ngày 16-8-2016
(13) C. Dan and P. Maria Ptashkina: “The Digital Transformation and the Transformation of International Trade” (Tạm dịch: Chuyển đổi kỹ thuật số và chuyển đổi thương mại quốc tế), RTA Exchange, 2018, http://e15initiative.org/wpcontent/uploads/2015/09/RTA-Exchange-Digital-Trade-Ciuriak-and-Ptashkina-Final.pdf
(14) Xem: Nakamura Leonard, Jon Samuels and Rachel Soloveichik: “Measuring the ‘Free’ Digital Economy Within the GDP and Productivity Accounts” (Tạm dịch: Đo lường nền kinh tế kỹ thuật số “miễn phí” trong các tài khoản GDP và năng suất), Federal Reserve Bank of Philadelphia Working Paper 17 - 37, 2017
(15) Xem: Nathan Heller: “Estonia, the Digital Republic” (Tạm dịch: E-xtô-ni-a, nền cộng hòa kỹ thuật số), The New Yorker, ngày 18 và 25-12-2017
(16), (17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 213, 115
(18) “Nền kinh tế số tại Việt Nam sẽ lớn thứ 2 Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD: Các dịch vụ online lên ngôi”, Tạp chí Doanh nhân, ngày 11-11-2021, https://tapchidoanhnhan.org/chuyen-thuong-truong/nen-kinh-te-so-tai-viet-nam-se-lon-thu-2-dong-nam-a-dat-220-ty-usd-cac-dich-vu-online-len-ngoi.html
Nhu cầu nhân lực của ngành tài chính, ngân hàng trong nền kinh tế số và một số khuyến nghị chính sách cho Việt Nam  (30/07/2023)
Chuyển đổi số để phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng đa chức năng, kinh tế tuần hoàn  (15/06/2023)
Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số  (16/08/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm