Thống nhất tư tưởng, tổ chức thực hiện thật tốt mô hình “Dân tin, Đảng cử” - Một số kinh nghiệm thực tiễn tại huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cơ sở thực sự gần dân, sát dân, tâm huyết, có trách nhiệm với công việc, theo nguyên tắc “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”; xác định một trong những trọng tâm là thực hiện mô hình “bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố” thông qua quy trình nhân sự “Dân tin, Đảng cử”. Từ định hướng chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh, Huyện ủy Bình Liêu thống nhất tư tưởng, tổ chức thực hiện có hiệu quả mô hình “Dân tin, Đảng cử”, góp phần quan trọng vào thành công chung của toàn tỉnh.
Bình Liêu là huyện biên giới, dân tộc, miền núi, ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ninh. Diện tích tự nhiên 475,1km², có 7 đơn vị hành chính cấp xã (1 thị trấn và 6 xã), 86 thôn, khu phố. Phía Bắc của huyện có tuyến biên giới dài 43,168km giáp với huyện Ninh Minh, thành phố Sùng Tả và khu Phòng Thành, thành phố Phòng Thành Cảng (Quảng Tây - Trung Quốc); phía Tây giáp với tỉnh Lạng Sơn; phía Đông giáp với huyện Hải Hà; phía Nam giáp với huyện Tiên Yên và Đầm Hà. Huyện Bình Liêu có vị trí chiến lược, trọng yếu, nằm trên tuyến “Hai hành lang, một vành đai kinh tế” trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.
Dân số của huyện trên 3,3 vạn người, gồm nhiều dân tộc anh em cùng chung sống; trong đó, dân tộc thiểu số chiếm trên 96% (là địa phương cấp huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao của tỉnh và trong nhóm huyện cao nhất của cả nước). Các dân tộc chính gồm: Tày chiếm 55%; Dao chiếm 25,6%; Sán Chỉ chiếm 15,4%; Kinh chiếm 3,7%; còn lại là các dân tộc khác… Đảng bộ huyện Bình Liêu có 25 chi bộ, đảng bộ cơ sở, 152 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với tổng số 2.508 đảng viên.
Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Ninh đối với việc thực hiện mô hình “Dân tin, Đảng cử”
Việc xây dựng mối liên hệ, sự gắn bó mật thiết với nhân dân luôn được Đảng ta coi trọng. Đây là cội nguồn sức mạnh, nhân tố làm nên mọi thắng lợi trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bài học lớn rút ra từ thực tiễn là trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất cầm quyền, càng phải đặc biệt chăm lo, củng cố mối liên hệ mật thiết giữa Đảng và nhân dân. Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; Đảng gắn bó và liên hệ mật thiết với nhân dân; nhân dân tin Đảng, theo Đảng, ủng hộ, giúp đỡ và bảo vệ Đảng. Từ lý luận và thực tiễn phát triển, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã tổ chức việc bầu trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên do tổ chức đảng giới thiệu, theo quy trình nhân sự “Dân tin, Đảng cử”.
Bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc trực tiếp bầu chọn người có bản lĩnh chính trị vững vàng và phẩm chất đạo đức tốt, có trách nhiệm, có tâm huyết, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân điều hành thực hiện nhiệm vụ trong cộng đồng dân cư và nhận nhiệm vụ cấp trên giao. Trên cơ sở sự tín nhiệm của nhân dân đối với đảng viên được tổ chức đảng giới thiệu để bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố; chi bộ tiến hành đại hội chi bộ bầu đảng viên đó làm bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Đối với cấp xã và cấp cơ sở, thực hiện quy trình nhân sự “Dân tin, Đảng cử” đòi hỏi sự thể hiện và thực hiện trên thực tế một cách có hiệu quả cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”; đồng thời, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị cấp xã đòi hỏi sự “hóa thân” của Đảng trong chính quyền; yêu cầu cao với sự kiêm nhiệm, lồng ghép nhiều vị trí công tác, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Với 177 xã, phường, thị trấn; 1.542 thôn, bản, khu phố, năm 2016, toàn tỉnh chỉ có 32,8% số trưởng thôn, bản, khu phố là đảng viên; tỷ lệ chưa qua đào tạo cao(1). Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố chỉ có 336 đồng chí, chỉ chiếm 21,8%. Do đó, vai trò, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng ở cấp thôn, bản, khu phố ở nhiều nơi còn hạn chế. Trình độ, năng lực hoạt động thực tiễn của một số bí thư chi bộ, chi ủy viên chưa đáp ứng yêu cầu. Đối với những nơi trưởng thôn, bản, khu phố chưa là đảng viên thì đôi khi vai trò lãnh đạo của chi bộ chưa thực sự rõ nét, thiếu hiệu quả. Với quan điểm “nhìn thẳng vào sự thật”, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã sớm xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25); đồng thời, ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3-3-2015, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”. Nghị quyết đã chỉ rõ những yếu kém, bất cập của đội ngũ cán bộ cơ sở, đồng thời đề ra những biện pháp cụ thể để khắc phục.
Ngày 28-12-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU, về “Thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020”; trong đó, đặt ra mục tiêu thực hiện 100% số bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, với phương châm lựa chọn nhân sự theo phương thức “Dân có tin rồi Đảng mới cử”. Cụ thể là, chọn những đảng viên vừa được nhân dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn, bản, khu phố để giới thiệu cho chi bộ bầu làm bí thư chi bộ.
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU và Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 18-2-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU, về “Tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 - 2025”; trong đó, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: 1- Thực hiện thống nhất thời gian bầu trưởng thôn đồng bộ với tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2025; toàn tỉnh thực hiện bầu trưởng thôn vào một ngày (Chủ nhật), trong tháng 6-2022; tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở trong tháng 7-2022. Các chi bộ mới thành lập, chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, hoặc còn dưới một năm là hết nhiệm kỳ đều tiến hành đại hội; 2- Công tác chuẩn bị, tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng thôn phải bảo đảm đúng quy định, hướng dẫn của Trung ương, của Tỉnh ủy; tiếp tục đối mới theo hướng phát huy dân chủ, giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng, tăng cường đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và chi bộ; coi trọng chất lượng, phát huy trí tuệ, trách nhiệm của chi bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân; bảo đảm an toàn, tiết kiệm, không phô trương, hình thức; 3- Đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2025, thực hiện 2 nội dung: (i) Tổng kết thực hiện nghị quyết đại hội chi bộ nhiệm kỳ 2020 - 2022 và xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2022 - 2025; kiểm điểm tự phê bình và phê bình của chi ủy trong nhiệm kỳ (nơi có chi ủy); (ii) Bầu chi ủy, bí thư, phó bí thư chi bộ nhiệm kỳ 2022 - 2025.
Huyện ủy Bình Liêu tổ chức thực hiện mô hình “Dân tin, Đảng cử”
Thực hiện theo các nghị quyết, chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh(2), Ban Thường vụ Huyện ủy Bình Liêu đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảng ủy các xã, thị trấn tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời trưởng thôn, bản, khu phố theo mô hình “Dân tin, Đảng cử” tại các nhiệm kỳ 2017 - 2020, nhiệm kỳ 2020 - 2022 và nhiệm kỳ 2022 - 2025. Nhiệm kỳ 2022 - 2025, thực hiện Chỉ thị số 24-CT/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành Kế hoạch số 126-KH/HU, ngày 28-2-2022, về “Tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 - 2025”; cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đã cụ thể hóa kịp thời các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy để triển khai thực hiện bảo đảm đúng tiến độ, đúng kế hoạch đề ra.
Quán triệt hướng dẫn của Tỉnh ủy, để thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời trưởng thôn, bản, khu phố theo mô hình “Dân tin, Đảng cử”, cấp ủy các cấp chủ động kết nạp vào Đảng những quần chúng có năng lực, uy tín với nhân dân, có khả năng làm trưởng thôn, bản, khu phố; đồng thời, rà soát, đánh giá thực trạng trình độ, năng lực, uy tín của đội ngũ cán bộ đang đảm nhiệm các chức danh ở thôn, bản, khu phố và đội ngũ đảng viên trong chi bộ để lựa chọn nhân sự phù hợp, nhất là với các thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa, biên giới. Thực hiện quy trình Đảng giới thiệu nhân sự để nhân dân lựa chọn, bầu vào các chức danh trưởng thôn, bản, khu phố; sau đó, cấp ủy mới giới thiệu để bầu các chức danh trong chi bộ; các bước giới thiệu nhân sự trưởng thôn, bản, khu phố đều được thông qua ban công tác mặt trận để đàm thoại, lấy ý kiến rộng rãi của người dân, đảng viên.
Sau khi hoàn thành việc bầu chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố, Huyện ủy quan tâm mạnh mẽ, cụ thể công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ này để bảo đảm hiệu quả công việc. Các đảng ủy xã, thị trấn phân công cấp ủy viên trực tiếp phụ trách các chi bộ; thường xuyên tổ chức giao ban với các bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố. Yêu cầu các chi bộ xây dựng quy chế làm việc, trong đó quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của người đứng đầu. Các địa phương cũng tăng cường việc giám sát và phản biện xã hội của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, nhằm tránh sự độc đoán, chuyên quyền, khắc phục tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Do thống nhất tư tưởng và tổ chức thực hiện đồng bộ, nên việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời trưởng thôn, bản, khu phố theo mô hình “Dân tin, Đảng cử” ở huyện Bình Liêu đạt được kết quả rất đáng khích lệ. Nhiệm kỳ 2017 - 2020 và nhiệm kỳ 2020 - 2022, huyện Bình Liêu có 104 thôn, bản, khu phố (đạt 100%) thực hiện mô hình bí thư kiêm trưởng thôn, khu phố theo mô hình “Dân tin, Đảng cử”. Nhiệm kỳ 2022 - 2025, huyện Bình Liêu đã tổ chức thành công cuộc bầu cử trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 - 2025 vào ngày 5-6-2022; số cử tri đại diện hộ gia đình đi bầu cử là 7.650/7.717, đạt 99,13% so với tổng số cử tri; nhân sự trúng cử trưởng thôn, bản, khu phố là 86/86, đạt 100% (không có thôn, bản, khu phố nào phải bầu lại). Trong ngày 3-7-2022, 86/86 chi bộ thôn, bản, khu phố trực thuộc đảng bộ các xã, thị trấn đã tổ chức thành công đại hội chi bộ; 86/86 đồng chí trưởng thôn, bản, khu phố được bầu là bí thư chi bộ thôn, bản, khu phố, bảo đảm đúng chủ trương 100% bí thư chi bộ là trưởng thôn, bản, khu phố theo chỉ đạo của Tỉnh ủy (trong đó, 74/86 đồng chí đạt số phiếu 100%); có 28 đồng chí trúng cử lần đầu. Các đồng chí trúng cử là những người có đủ điều kiện, tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất, có uy tín trong cộng đồng dân cư, nhiệt tình, tâm huyết với các công tác ở cơ sở. Việc thuận “lòng dân, ý Đảng” đã góp phần phát huy được vai trò của người dân khi tham gia xây dựng Đảng; phát huy vai trò của chi bộ, đội ngũ đảng viên trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ cộng đồng dân cư.
Mô hình nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, bản, khu phố theo phương thức “Dân tin, Đảng cử” được tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Bình Liêu nói riêng được triển khai thực hiện tại 100% thôn, khu phố từ năm 2017 đến nay. Qua thực tiễn triển khai cho thấy, đây là chủ trương đúng đắn, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng ở cơ sở; xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân; tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền; tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện, như Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình xóa đói, giảm nghèo… Từ những thành quả đạt được trong thời gian qua cho thấy, việc triển khai thực hiện mô hình “Dân tin, Đảng cử” là một giải pháp, nhằm cụ thể hóa một cách sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, không chỉ tạo ra đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp, ngày hội toàn dân, mà quan trọng hơn còn là nhằm thúc đẩy, làm tốt hơn nữa việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; khẳng định việc thực hiện mô hình bí thư chi bộ đồng thời là trưởng thôn, khu phố là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, ở một số địa bàn dân tộc, biên giới, người có uy tín trong cộng đồng thường là người lớn tuổi, trình độ văn hóa thấp, nên bước đầu còn gặp không ít khó khăn trong việc lựa chọn nhân sự, nếu công tác vận động quần chúng nhân dân không được thực hiện một cách bài bản, nghiêm túc.
Qua quá trình thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời trưởng thôn, bản, khu phố theo mô hình “Dân tin, Đảng cử” ở huyện Bình Liêu, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là, các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần nêu cao nhận thức đúng đắn, đầy đủ về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện mô hình “Dân tin, Đảng cử”, việc thực hiện nhất thể hóa các chức danh; các cấp ủy, nhất là người đứng đầu phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khách quan, công tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Hai là, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ huyện, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong việc triển khai thực hiện.
Ba là, nắm chắc tình hình ở cơ sở, gần dân, sát dân; chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, mọi chủ trương, chỉ đạo phải xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Bốn là, thực hiện phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm; chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo về nhân sự, phương pháp, cách thức tiến hành; nói đi đôi với làm và làm đến cùng, nhằm nâng cao niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền.
Năm là, kịp thời tổ chức sơ, tổng kết các mô hình hợp nhất để đánh giá đúng tình hình, tìm ra nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm, đề ra những giải pháp phù hợp. Ở những địa bàn dân tộc, biên giới, người có uy tín trong cộng đồng thường là người lớn tuổi, trình độ văn hóa thấp, việc thực hiện chủ trương nhất thể hóa chức danh bí thư chi bộ đồng thời trưởng thôn, bản, khu phố theo mô hình “Dân tin, Đảng cử” phải được tiến hành một cách thận trọng, có bước đi vững chắc, chú trọng công tác dân vận nhằm tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân./.
-------------------
(1) Năm 2015, tỷ lệ trưởng thôn chưa qua đào tạo là 89,42%, tỷ lệ trưởng khu phố chưa qua đào tạo là 28,7%.
(2) Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 3-3-2015, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”; Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 28-12-2016, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, “Về thống nhất nhiệm kỳ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở với bầu trưởng thôn, bản, khu phố, nhiệm kỳ 2017 - 2020”; Chỉ thị số 24-CT/TU, ngày 18-2-2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, về “Tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 - 2025”.
Mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân - Từ mô hình “Dân tin, Đảng cử” tại tỉnh Quảng Ninh  (19/11/2022)
Mô hình “Dân tin, Đảng cử” - Sự thể hiện sinh động mối quan hệ mật thiết giữa “lòng dân” với “ý Đảng” qua thực tiễn tỉnh Quảng Ninh (kỳ 2)  (28/10/2022)
Mô hình “Dân tin, Đảng cử” - Sự thể hiện sinh động mối quan hệ mật thiết giữa “lòng dân” với “ý Đảng” qua thực tiễn tỉnh Quảng Ninh (kỳ 1)  (27/10/2022)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển