Văn hóa doanh nghiệp với sự phát triển bền vững của đất nước
TCCS - Trong quá trình xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đề cao nhân tố văn hóa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; qua đó thúc đẩy các doanh nghiệp ngày càng phát triển, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.
1- Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị văn hóa được gây dựng trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành các giá trị, chuẩn mực, quan niệm, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên doanh nghiệp trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích đề ra, tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng chính là “trụ cột tinh thần” làm nên cốt cách của doanh nghiệp, là chất keo gắn kết các thành viên hướng tới những mục tiêu chung và hành động chung. Trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp lớn, thường tập hợp nhiều thành viên là những người khác nhau về trình độ, quan hệ xã hội, năng lực, tính cách… tạo nên một môi trường làm việc đa dạng và phức tạp. Muốn tồn tại và phát triển bền vững, doanh nghiệp cần là nơi tập hợp, phát huy mọi nguồn lực con người, xây dựng và duy trì một môi trường văn hóa mà ở đó các thành viên đều có những giá trị chung để chia sẻ và đồng thuận, cùng hướng đến mục tiêu chung.
Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của các doanh nghiệp, đó là:
Thứ nhất, tạo ra sự phát triển ổn định, bền vững cho doanh nghiệp.
Các yếu tố của văn hóa doanh nghiệp, như sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi, triết lý kinh doanh, đạo đức kinh doanh, tác phong làm việc, cách ứng xử... được định hình trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp sẽ tạo nên hình ảnh và uy tín cho doanh nghiệp. Uy tín càng cao, hình ảnh càng thân thiện, có sức lôi cuốn thì càng bảo đảm sự ổn định và tăng trưởng cho doanh nghiệp. Như vậy, văn hóa doanh nghiệp chính là tài sản vô hình quý giá và trở thành động lực tinh thần giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.
Thứ hai, xây dựng và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp.
Không một thương hiệu mạnh nào không dựa trên một nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc. Thương hiệu là kết quả hội tụ của toàn bộ quy trình tạo ra sản phẩm, sứ mệnh, tầm nhìn, chiến lược kinh doanh, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và phong cách ứng xử với đối tác, khách hàng. Văn hóa doanh nghiệp góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp trong tâm trí công chúng và cũng là yếu tố tích cực thúc đẩy thương hiệu phát triển. Xây dựng thương hiệu trên nền tảng văn hóa là cơ sở cho sự phát triển lâu bền.
Thứ ba, tạo động lực làm việc, thúc đẩy tính sáng tạo của các thành viên, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Môi trường làm việc lành mạnh, thân thiện, tích cực là những yếu tố quan trọng để khơi nguồn các ý tưởng sáng tạo. Ở đó, các cá nhân được khuyến khích đề xuất các sáng kiến, sáng chế; những ý kiến tranh luận, phản biện được tôn trọng, lắng nghe; các cải tiến, sáng tạo, làm mới được xem xét, ủng hộ; những thành công, đóng góp được ghi nhận và đãi ngộ xứng đáng... Tất cả những điều đó tạo động lực làm việc cho nhân viên, kích thích sự đổi mới và sáng tạo, tăng cường sức mạnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thương trường.
Thứ tư, thu hút nhân tài, tạo sự gắn bó giữa nhân viên với doanh nghiệp.
Văn hóa doanh nghiệp tạo ra môi trường làm việc tốt, khơi gợi cảm hứng khiến cho các cá nhân cố gắng phấn đấu vì mục tiêu chung, tạo nên lực hướng tâm chung cho toàn doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng tạo nên tác phong làm việc tích cực, tự giác, năng động, giúp gia tăng năng suất lao động và nâng cao hiệu quả công việc.
Môi trường làm việc văn hóa có sức hút cao đối với những người có tài, có năng lực chuyên môn. Người lao động làm việc không chỉ vì tiền lương, mà còn vì môi trường làm việc trong lành, dễ chịu, họ cảm thấy được tôn trọng, có cơ hội thăng tiến và hoàn thiện bản thân. Môi trường và điều kiện làm việc tốt cũng tạo nên sự gắn bó lâu dài của nhân viên với doanh nghiệp, tình trạng bỏ việc, “nhảy việc” ít diễn ra.
Thứ năm, tạo dựng lòng tin và thu hút khách hàng, đối tác.
Văn hóa doanh nghiệp tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, bộc lộ không chỉ qua chất lượng các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, mà còn qua quá trình tiếp xúc, giao dịch, hợp tác, thái độ phục vụ khách hàng. Chính tinh thần trách nhiệm, ý thức giữ chữ tín, tôn trọng đối tác sẽ đem lại sự hài lòng, tin tưởng và dẫn đến sự hợp tác lâu dài, gắn bó của đối tác và khách hàng với doanh nghiệp.
2- Từ khi đất nước bước sang thời kỳ đổi mới, hoạt động xây dựng văn hóa doanh nghiệp đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nhiều doanh nghiệp bước đầu gia nhập môi trường kinh doanh của thế giới, thích ứng được với môi trường cạnh tranh toàn cầu. Các chiến lược, mục tiêu kinh doanh được xác định rõ ràng, chuẩn xác, phù hợp. Triết lý kinh doanh được đúc rút sâu sắc, có bề dày văn hóa. Các nguyên tắc, quy định của doanh nghiệp được xây dựng gắn với thực tế và dễ thực hiện. Các giá trị cốt lõi dần dần được hình thành, tạo nên bản sắc riêng cho nhiều doanh nghiệp, tạo dấu ấn và giành được thiện cảm của đối tác và khách hàng. Những nội dung của văn hóa doanh nghiệp có tính linh hoạt, có khả năng thích ứng cao với sự thay đổi của môi trường và hoàn cảnh. Nhiều doanh nghiệp đã bước đầu áp dụng chế độ làm việc dựa trên hiệu quả công việc và sự hiện thực hóa những giá trị văn hóa, chuẩn mực văn hóa của doanh nghiệp.
Trong hai thập niên gần đây, môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã được cải thiện, cộng đồng doanh nghiệp ngày càng phát triển, hình thành được các thương hiệu nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn tầm ra khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp cũng ngày càng quan tâm hơn đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức kinh doanh, thực thi trách nhiệm xã hội, tích cực hỗ trợ cộng đồng. Đã có hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng được quyên góp từ các doanh nghiệp để hỗ trợ người dân vùng thiên tai, bão lụt, dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp chưa quan tâm đến xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thể hiện ở những điểm yếu, như chiến lược, mục tiêu kinh doanh chưa rõ ràng, thiếu tầm nhìn dài hạn; quản lý nhân sự còn yếu, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Không ít doanh nghiệp thiếu tinh thần trách nhiệm đối với xã hội, vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận mà bất chấp lợi ích cộng đồng, xâm hại môi trường thiên nhiên; kỹ năng quản trị, khả năng xử lý rủi ro, vượt qua khủng hoảng còn hạn chế, nhất là trong bối cảnh có đại dịch, thiên tai. Vai trò và lợi ích của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp được đặt quá cao, tạo khoảng cách quá lớn với nhân viên, chưa tạo nên sự đoàn kết, gắn bó trong nội bộ. Tác phong, lề lối làm việc ở nhiều doanh nghiệp chưa chuyên nghiệp, chưa bảo đảm kỷ luật, chưa tuân thủ các quy định về an toàn lao động…
Bên cạnh đó, việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp tại nhiều doanh nghiệp còn mang tính hình thức, chạy theo phong trào, mới tập trung vào các hoạt động giải trí, văn hóa, thể thao và truyền thông, chưa hiện thực hóa tầm nhìn, sứ mệnh, các giá trị cốt lõi và chuẩn hành vi.
3- Thời gian tới, để đẩy mạnh việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:
Các giải pháp từ phía Nhà nước
Một là, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh.
Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để nền kinh tế vận hành theo đúng các quy luật cung - cầu, là yêu cầu cấp thiết. Qua đó, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, góp phần xây dựng văn hóa doanh nghiệp, khắc phục tình trạng tham nhũng, hối lộ, tiêu cực, cạnh tranh thiếu lành mạnh.
Hai là, hoàn thiện thể chế pháp luật, giữ nghiêm kỷ cương xã hội.
Nhà nước chính là “trọng tài” điều hòa lợi ích chính đáng giữa các cá nhân và nhóm xã hội. Nhà nước quản lý xã hội bằng luật pháp thông qua các công cụ minh bạch, công bằng, nhất quán để giúp các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, phát triển bình đẳng. Do vậy, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng chặt chẽ, rõ ràng, chính xác, bám sát thực tiễn, để các doanh nghiệp có căn cứ thực hiện. Mặt khác, việc thực thi pháp luật phải công bằng, nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đứng trên, đứng ngoài pháp luật.
Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động các cơ quan quản lý nhà nước.
Tăng cường thanh tra, xử lý các hành vi vi phạm, biểu hiện sai trái về đạo đức kinh doanh, bảo vệ quyền và lợi ích của nhân dân, nhất là những vấn đề liên quan đến môi trường sinh thái, an toàn thực phẩm, khai thác tài nguyên...
Đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng trong sạch, chuyên nghiệp, hiện đại, loại bỏ các rào cản gây phiền hà, nhũng nhiễu doanh nghiệp, chống tiêu cực ngay từ trong bộ máy công quyền một cách quyết liệt, thực chất và hiệu quả.
Bốn là, đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng văn hóa doanh nghiệp.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới. Việc tham khảo, học hỏi kinh nghiệm quốc tế, các mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tấm gương văn hóa doanh nhân thành công trên thế giới là rất cần thiết. Vì thế, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đúc rút các vấn đề lý luận và thực tiễn ở các nước tiên tiến, tìm ra những bài học kinh nghiệm và gợi mở cho Việt Nam, giúp các doanh nghiệp Việt Nam thích ứng nhanh hơn với môi trường kinh doanh toàn cầu. Đồng thời, tổng kết, đánh giá thực tiễn, nhân rộng những mô hình hiệu quả, thúc đẩy cả về nhận thức và hành động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp ở Việt Nam.
Đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng về văn hóa doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng các khóa học về văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân, bồi dưỡng một thế hệ trẻ có tinh thần khởi nghiệp lành mạnh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trang bị cho họ hệ thống kiến thức, kỹ năng về văn hóa ngành nghề, đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng và phát triển mô hình “vườn ươm doanh nhân”, “hãng ươm tạo doanh nghiệp” trong các trường đại học và doanh nghiệp. Đẩy mạnh các khóa tập huấn, bồi dưỡng, hội thảo, tọa đàm về văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh để nâng cao nhận thức trong toàn xã hội.
Các giải pháp từ phía doanh nghiệp
Thứ nhất, phát huy tính tích cực, chủ động của các doanh nghiệp.
Bản thân các doanh nghiệp trước hết phải nhận thức được đầy đủ, sâu sắc vai trò, tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp đối với sự phát triển bền vững. Các doanh nghiệp phải đầu tư thực sự vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp, từng bước hiện thực hóa trong thực tiễn hoạt động; đồng thời tích cực, chủ động học hỏi kinh nghiệm từ các doanh nghiệp khác và tham khảo kinh nghiệm, mô hình, phương thức quản lý, kinh doanh tiên tiến của thế giới để vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn, kịp thời điều chỉnh, bổ sung trong quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, việc tham khảo, học hỏi lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nước, tạo hệ sinh thái kinh doanh lành mạnh, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức để phát triển cần được đề cao.
Thứ hai, nêu cao vai trò đầu tàu, dẫn dắt của lãnh đạo doanh nghiệp.
Lãnh đạo doanh nghiệp không chỉ là người xây dựng nên doanh nghiệp, quyết định cơ cấu tổ chức, ngành nghề kinh doanh, chiến lược kinh doanh, bộ máy nhân sự, kỹ thuật - công nghệ, mà còn là linh hồn, thủ lĩnh tinh thần của doanh nghiệp. Họ chính là những hiện thân cụ thể, trực quan, sống động về những tiêu chuẩn của văn hóa doanh nghiệp. Quá trình xây dựng và quản lý doanh nghiệp, triết lý sống, nhân sinh quan, niềm tin, tính cách của lãnh đạo doanh nghiệp sẽ phản chiếu lên văn hóa của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp chính là sự mô hình hóa hoặc chịu tác động rất lớn từ các giá trị văn hóa của cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp. Do đó, bản thân người lãnh đạo phải là những tấm gương thực hành các giá trị văn hóa cốt lõi, tạo dựng niềm tin và nguồn cảm hứng cho cấp dưới, nhân viên.
Thứ ba, phát huy ý thức tự giác và nỗ lực phấn đấu của đội ngũ nhân viên.
Trong công cuộc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chỉ có lãnh đạo doanh nghiệp mong muốn là chưa đủ, mà còn rất cần sự nỗ lực thực thi văn hóa doanh nghiệp của từng nhân viên.
Để hình thành nên hệ thống quan niệm, giá trị, niềm tin, chuẩn mực trong toàn doanh nghiệp đòi hỏi một quá trình lâu dài, thông qua nhiều hình thức khác nhau. Tuy nhiên, khi đã được định hình, văn hóa doanh nghiệp trở thành nền tảng đặc biệt, có giá trị định hướng, điều chỉnh hoạt động của toàn thể nhân viên trong doanh nghiệp; có thể khơi gợi nguồn cảm hứng trong họ, kích thích những khát vọng và hoài bão, nuôi dưỡng và vun đắp những giá trị văn hóa chung. Do vậy, nhiều khi, các thế hệ lãnh đạo thay đổi, chiến lược kinh doanh thay đổi, sản phẩm và cung cách quản trị có thể thay đổi, nhưng những giá trị nền tảng trong doanh nghiệp không thay đổi. Và chính văn hóa đó có khả năng cảm hóa, lôi cuốn, thay đổi văn hóa của các lãnh đạo mới, cũng như những nhân viên mới gia nhập tổ chức. Đó là văn hóa tạo nên truyền thống, bản sắc, đặc trưng của doanh nghiệp, được trao truyền từ cá nhân này tới cá nhân khác, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Các giải pháp từ phía xã hội
Một là, tăng cường vai trò của dư luận xã hội.
Dư luận xã hội, phản biện xã hội có vai trò rất quan trọng để giám sát, điều chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp. Tiếng nói của các chuyên gia, những người có uy tín đối với những vấn đề, sự kiện nóng trên thương trường có tác dụng định hướng dư luận rất lớn. Dư luận xã hội góp phần phê phán, lên án những cái xấu trong hoạt động kinh doanh; tôn vinh, ca ngợi những cái tốt, cái đẹp trong cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, đây là một kênh quan trọng để định hướng, điều tiết hành vi ứng xử của giới kinh doanh, lan truyền hệ giá trị của văn hóa doanh nghiệp, đồng thời cũng thực hiện vai trò kiểm tra, giám sát của công luận, có tác dụng điều chỉnh, răn đe rất lớn.
Về phía người dân, cần có một thái độ phản kháng mạnh mẽ trước những hành vi sai trái, xâm hại quyền và lợi ích của người tiêu dùng, như sản xuất thực phẩm bẩn, gây ô nhiễm môi trường, hành xử vô đạo đức, thiếu văn hóa trong kinh doanh...
Hai là, nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội, hiệp hội doanh nghiệp.
Hiện nay, cả nước có trên 300 hội và hiệp hội doanh nghiệp, tập hợp được hàng vạn hội viên, đặc biệt là có Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (VNABC). Các tổ chức này ngày càng khẳng định vai trò, uy tín và trở thành tác nhân không thể thiếu cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, cần tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả hoạt động của các hội, hiệp hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tạo cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách; góp ý phản biện trong công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, môi trường hoạt động sản xuất, kinh doanh; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo, hội nghị về xây dựng văn hóa doanh nghiệp; cung cấp các kiến thức, thông tin tư vấn cho doanh nghiệp về kinh tế, pháp luật, kinh nghiệm xây dựng văn hóa kinh doanh; đàm phán, hợp tác, chia sẻ lợi ích, tạo sự cân bằng giữa các nhóm lợi ích trong cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân...
Ba là, phát huy sức mạnh của các phương tiện truyền thông.
Các kênh thông tin đại chúng thường có sức lan truyền và ảnh hưởng rất lớn trong xã hội, lan tỏa những hành động cao đẹp và trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp, biểu dương những tấm gương doanh nhân tiêu biểu, đồng thời phê phán những biểu hiện tiêu cực, những hành vi vi phạm pháp luật của một số doanh nghiệp, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh. Do đó, cần phát huy sức mạnh của truyền thông đại chúng trong việc phổ biến, giáo dục, trang bị kiến thức, khơi nguồn cảm hứng về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh. Trong kỷ nguyên số, bên cạnh các hình thức truyền thông truyền thống (báo chí, phát thanh, truyền hình), cũng cần khai thác thế mạnh, sự ưu trội của các phương tiện truyền thông mới để phát huy sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền phổ biến pháp luật, giáo dục, nâng cao nhận thức về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển bền vững, qua đó, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.
Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững, hài hòa với bảo vệ môi trường  (04/05/2022)
BIDV - 65 năm tự hào phát triển cùng đất nước  (29/04/2022)
Đảng bộ Co-opBank: Kiên định với nhiệm vụ hỗ trợ hệ thống quỹ tín dụng nhân dân phát triển bền vững  (04/04/2022)
Kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022  (11/02/2022)
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình trong xây dựng chính sách gia đình hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm